NĂM MỚI THEO Ý NGHĨA THÁNH KINH
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Trên thế giới hiện nay có nhiều niên lịch khác nhau. Trong số đó phải kể đến Tây lịch (Lịch Gregorius) mà chúng ta vừa mừng năm mới 2024. Lịch sử của Tây lịch cũng thú vị không kém so với ý nghĩa của năm mới trong Thánh Kinh. Bài viết dưới đây chúng ta thử bóc tách hai chữ “năm mới – new year” trong lịch sử Thánh Kinh. Qua đó, chúng ta thấy Thiên Chúa luôn có những cách chăm sóc con người suốt dòng lịch sử thời gian.
1. Lúc khởi đầu trong công trình sáng tạo
Năm mới là thời gian khởi đầu của một chu kỳ mới. Ngày đầu tiên của năm mới đưa chúng ta bước vào một giai đoạn mới. Tuy mỗi năm cũng có từng đó ngày, cũng từng đó thời gian, nhưng hẳn là trong lịch sử của mỗi người luôn có cái mới. Trong Kinh Thánh cũng thế. “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Đó là khởi đầu của công trình sáng tạo. Danh từ chỉ thời gian “רֵאשִׁית-lúc khởi đầu” đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của vũ trụ và cũng là khởi điểm của thời gian. Các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng “lúc khởi đầu” này có nghĩa là thời gian xuất hiện với công cuộc tạo thành[1].
Trong ý nghĩa Thánh Kinh, khởi đầu nghĩa là đi liền với sáng tạo. Cái mới cho chúng ta thấy viễn cảnh của một chu kỳ mới. Trong trình thuật Sáng thế, hẳn nhiên Thiên Chúa có trước “lúc khởi đầu”. Đối với Thiên Chúa, thời gian không có khởi đầu và kết thúc. Thiên Chúa thì vĩnh hằng, trường tồn và luôn mới. Điều này được tác giả Thánh vịnh định nghĩa như sau: “Ngai vàng Chúa kiên cố tự ngàn xưa. Ngài hiện hữu tự muôn ngàn đời.” (Tv 93,2). Nhờ cách hiểu này mà chúng ta có thể trả lời được câu hỏi: “Thiên Chúa đến từ đâu?” và “Ai đã tạo ra Chúa?” Câu trả lời được tìm thấy trong định nghĩa về Chúa, rằng Chúa là Đấng không được tạo ra, vĩnh cửu. Ngài là khởi đầu và là cùng đích (Ego sum Alpha et Omega, Principium et Finis, Primus et Ultimus). Hoặc nói như ngôn ngữ của giáo sư Kinh Thánh James Edwin Orr: “Thiên Chúa là duy nhất, vô hạn, vĩnh cửu và không thay đổi. Ngài là Đấng hoàn hảo mà trong đó mọi sự đều bắt đầu, tiếp tục và kết thúc”[2].
Hẳn nhiên trước lúc khởi đầu, Cựu ước không cho thấy rõ sự tồn tại của Thiên Chúa Ba Ngôi. Duy chỉ một chỗ trong Cựu ước chúng ta có thể đoán được Thiên Chúa được chia ở danh từ số nhiều: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26-28). Ngược lại, Tân Ước qua mặc khải của Đức Giêsu, Ba Ngôi Vị hiện diện trong lịch sử thời gian rất rõ ràng: “Lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha.” (Ga 17,5); hoặc “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).
Như vậy, từ khởi điểm này, Thiên Chúa Ba Ngôi đã bắt đầu sáng tạo. Trước là trời đất, mặt trời (ban ngày-ánh sáng[3]), mặt trăng (ban đêm-bóng tối), và cuối cùng là con người chúng ta. Có lẽ vì điều này mà tổ tiên chúng ta đã biết cách ngắm trời trăng, thiên nhiên để hình thành niên lịch mà chúng ta gọi là lịch theo mặt trời (Dương lịch), hoặc mặt trăng (Âm lịch). Chúng ta không ngạc nhiên khi Lịch Do Thái luôn mang dấu ấn của công trình sáng tạo. Chẳng hạn trong lịch Do Thái hiện đại, năm được tính là Anno Mundi (“năm của thế giới”). Điều này thể hiện số năm truyền thống kể từ khi tạo ra thế giới như được mô tả trong sách Sáng Thế. Như vậy đầu năm 2024 theo lịch của Do Thái (ראש השנה – Tết Rosh Hashanah) là 5785. Năm mới này kéo dài hai ngày và bắt đầu vào ngày đầu tiên của tháng Tishrei, tháng thứ bảy trong lịch Do Thái, nhằm vào tháng Chín hoặc tháng Mười theo Tây lịch.
Mở ngoặt nơi đây. Trong lịch sử Do Thái, Năm thánh là thời gian đặc biệt hơn một chút. Chúng ta cũng quen gọi theo tiếng Latinh là: Annum Jubilaei (Jubilee). Tiếng Hy Lạp là Ἰώβηλος đều có nguồn gốc từ bản văn Kinh Thánh Do Thái: יובל (yōḇēl, có nghĩa là kêu vang từ tiếng kèn tù và làm từ sừng của con cừu). Đây là âm thanh báo hiệu một tin vui, một thời kỳ hoan hỷ. Chẳng hạn sách Lêvi ghi nhận sự kiện này: “Các ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào ngày Xá tội, các ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi” (Lv 25,9). Khi dịch sang tiếng Latinh, thuật ngữ thêm chút ý nghĩa như là: jūbilum, khóc lóc, kêu la (thể hiện tinh thần sám hối); hoặc iūbilō, jūbilō có nghĩa là vui mừng, ca hát trong hân hoan. Nếu hiểu theo nghĩa này, năm mới chúng ta có lý do để chúc mừng năm mới, vì đây là thời gian được Thiên Chúa chúc phúc. Thực vậy, các học giả đã truy ra nguồn gốc Tết Rosh Hashanah chính là Lễ Hội Kèn Trompet được nhắc đến trong sách Lê-vi 23, 23-25 và Dân số 29,1 của Ngũ Kinh[4].
2. Lúc Khởi Đầu đã có Ngôi Lời
Theo dòng chảy của Cựu ước, chúng ta thấy thánh Gioan khởi đầu Tin Mừng của ngài cùng một ý nghĩa với sách Sáng Thế. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời (the Logos). Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Tôi nói cùng một ý nghĩa nhưng tính chất của thời gian Tân ước rất khác so với Cựu ước, nghĩa là từ lúc khởi đầu “ἀρχῇ” này, Thiên Chúa chính thức ở với con người. Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta. Đây là bước chuyển vô cùng quan trọng về mặt thời gian và chương trình cứu độ của Thiên Chúa:
Thời gian là của Chúa: Một Thiên Chúa vĩnh hằng và vô biên đã trở nên người phàm. Ngài chấp nhận sống trong thời gian, lịch sử hữu hạn của con người. Đây là mầu nhiệm Giáng Sinh. Chính Ngôi Lời đã, đang và sẽ luôn tồn tại. Nhãn quan thần học của thánh Gioan tương đối khác so với Tin Mừng Nhất Lãm. Thánh nhân không mở đầu Tin mừng bằng câu chuyện Giáng Sinh, nhưng bằng sự hiện hữu của Ngôi Lời. Ngôi Lời chính là Thiên Chúa, là đấng Emmaunel. Ngôi Lời là “khởi đầu của khởi đầu”. Hoặc nói dễ hiểu theo John Dod: “Mô tả này được đưa ra để chúng ta có thể nắm bắt ngay một lịch sử liên tục trải dài từ một quá khứ không thể đo lường được, và danh tính của con người là chủ thể của lịch sử đó.”[5]
Thiên Chúa vẫn đang cứu độ con người: Mầu nhiệm Giáng Sinh là khởi đầu một giai đoạn mới trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. (x. GLHTCG 56, 2604). Theo ngôn ngữ triết học của thánh Gioan:
– Có một “Hữu Thể – Đấng-Being” được gọi là Ngôi Lời.
– Hữu Thể này là Thiên Chúa, bởi vì Ngài là vĩnh cửu (Ban đầu).
Như thế, bản văn của thánh Gioan cho thấy lịch sử cứu độ bắt đầu khi Thiên Chúa tạo dựng trời đất, đạt tới đỉnh cao nơi biến cố Chúa Giêsu và kéo dài đến ngày tận thế, khi Chúa Giêsu sẽ đến trong vinh quang để phán xét mọi người (x. GLHTCG 280). Nếu ý thức được dòng chảy thời gian này, hẳn là con người tạ ơn Thiên Chúa. Ngài vẫn đang đưa con người về với điểm khởi đầu là Alpha và cũng là điểm cuối là Omega. Theo Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955), đó chính là Đức Giêsu Kitô: “Một Thiên Chúa đã làm người trong đêm Giáng Sinh”[6].
3. Năm mới hướng về nguồn cội
Năm mới chúng ta hãy khởi đầu với lời nguyện thật đẹp của thần học gia Karl Rahner: “Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu, này con chiến thắng, này con chiến thắng tươi sáng hy vọng.” Có lý do để chúng ta bắt đầu trong hy vọng: năm mới là dấu ấn để chúng ta nhớ về cội về nguồn. Thật may vì chúng ta có nguồn cội là Đấng Hằng Sống, là Đấng Sáng Tạo. Ngài luôn mới trong thời gian. Mỗi khi năm mới đến, chúng ta được nhắc về nguồn cội này. Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng và quy hướng về Ngài.
Viết đến đây tôi nhớ đến lời giải thích thật hay của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI về lịch sử thời gian. Ngài viết:
“Niềm tin Kitô giáo không phải chỉ là sự hồi tưởng về những gì đã xảy ra, hay là việc bám sâu vào một nguồn cội xa xôi đã qua. Nếu nghĩ như thế, thì đó rốt cuộc chỉ là một thứ lãng mạn hay chỉ là giấc mơ phục hồi quá khứ. Niềm tin đó cũng không chỉ đơn giản là cái nhìn về vĩnh cửu, bởi như thế thì chẳng khác gì một thứ triết thuyết Platon hay một thứ siêu hình học nào đó. Niềm tin kitô giáo tiên vàn là một cái nhìn về phía trước, một sự vươn tới trong hy vọng. Tất nhiên không chỉ có thế mà thôi, bởi lẽ hy vọng sẽ trở thành ảo vọng, nếu mục đích của nó chỉ là sản phẩm của con người. Niềm tin chỉ trở thành niềm hy vọng đích thực khi nó nằm trong sự phối hợp giữa ba chiều kích: quá khứ, tức là bước vượt qua đã thực hiện – hiện tại của Vĩnh Cửu đưa thời gian bị phân xé vào trong hiệp nhất – tương lai, trong đó Đất Trời nối kết với nhau; và như vậy, Thiên Chúa thực sự ở trong Thế Giới và Thế Giới ở trong Thiên Chúa, và đây sẽ là điểm chung kết của lịch sử (Omega)”[7].
Bước vào Năm Mới 2024, lịch sử tiếp tục mở ra cho nhân loại một trang mới. Mỗi người dù muốn dù không đều phải bước vào. Là con cái của Thiên Chúa, chúng ta hãnh diện vì Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta về một lịch sử luôn có Thiên Chúa đồng hành. Không biết năm 2024 sẽ như thế nào? Tuy nhiên, Thiên Chúa không kéo lịch sử của từng người và của nhân loại vào trong bóng tối. Ngược lại: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” (Ga 1,3-5).
Ước gì Ánh Sáng Chúa Kitô luôn là ngọn đèn cho mỗi người bước đi trong năm mới này. Khi đó, những lời chúc trong Kinh Thánh dưới đây sẽ hiện thực cho mỗi người chúng ta:
– “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn” (Is 43,19).
– “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt” (Ed 11,19).
– “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5,17).
– “Anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa” (Cl 3,10). “Này đây Ta đổi mới mọi sự.” Rồi Người phán: “Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật” (Kh 21,5)
Nguồn: hdgmvietnam.com
————————————————-
[1] Kinh Thánh, Các Giờ Kinh Phụng Vụ chuyển ngữ, 2011, tr. 29.
[2] https://enduringword.com/bible-commentary/genesis-1/
[3] Kinh Thánh dùng chữ הַיּ֖וֹם để chỉ về ngày (St 1,14). Tuy nhiên danh từ này cũng là thời gian hoặc năm. Các dịch giả Kinh Thánh cũng dịch là hôm qua, hôm nay và ngày mai.
[4] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dan-do-thai-mung-nam-moi-ra-sao–41420
[5] https://enduringword.com/bible-commentary/john-1/
[6] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/pierre-teilhard-de-chardin-1881-1955-va-canh-vuc-than-linh-42544
[7] X. Đức Tin Kitô Hôm Qua và Hôm Nay, tr 256
Tin tức liên quan khác
Thứ Tư tuần 15 Thường niên năm I – Tạ ơn Chúa (Mt 11,25-27)
ĐHY Fernández coi việc tra tấn hoặc giết người đồng tính là không thể chấp nhận được
Biên bản cuộc họp Ban điều hành Ủy ban Giáo dân nhiệm kỳ XV
Thứ Ba tuần 10 Thường niên năm I – Muối và Ánh Sáng (Mt 5,12-16)
Ngày 02/02: Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh (Lc 2,22-40)
Thứ Hai tuần 10 Thường niên năm I – Tám Mối phúc (Mt 5,1-12)
Uỷ ban Toà Thánh đưa ra các chiến dịch mới để bảo vệ trẻ em
Liệu Chúa có còn trong lòng bạn không?