Bài hát Năm qua tôi đã làm gì của nhạc sĩ Bùi Công Namdường như trở nên rất quen thuộc với các bạn trẻ trong những ngày Tết. Giai điệu và lời bài hát thật nhí nhảnh, vui tươi, ngây ngô… đã làm cho cảm xúc của người nghe có gì đó thêm nô nức, háo hức nhưng cũng không kém phần lắng đọng để nghĩ lại một năm đã trôi qua.
Giờ là lúc nhìn lại, xem một năm vừa trải qua
Buồn vui thế nào, có giận hờn có thứ tha
Hài lòng hay thất vọng, trưởng thành hơn hay vẫn ngây ngô
Như lúc ban đầu
Dù là như thế nào dù mọi điều đã có ra sao
Chỉ cần ngoảnh lại một nụ cười vẫn nở trên môi.
Thành công, thất bại chỉ là chuyện đã cũ thôi
Đón chào năm mới.
Nếu những người trẻ chúng ta dám dành thời gian để nhìn lại một năm và làm mới lại tâm hồn ta thì thật sự là một điều quá tuyệt!
Dường như là những cuộc vui chơi, những bữa tiệc tất niên, buổi tổng kết, sự lo âu về “deadline”, hay việc sắm Tết cuối năm… cũng đã làm cho chúng ta trở nên bận rộn hơn những ngày bình thường chứ làm gì có thời gian để nhìn lại một năm đã qua!
Đó là vấn đề thực tế mà có lẽ nếu không có một quyết định thay đổi thì mãi mãi chúng ta sẽ có những ngày tất niên hay ngày mừng Tết vô nghĩa mà thôi!
Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng, những cái bên ngoài đã đẩy chúng ta cuốn theo “dòng nước lũ” của nhiều hoạt động, công việc; trong khi đó, chính bản thân chúng ta mới có quyền để làm chủ được chính mình chứ không phải là những cái bên ngoài đó. Dần dần chúng ta không còn quyền kiểm soát những gì của chúng ta nữa, đó là thời gian, sức khỏe thể xác, sức mạnh nội tâm, sự bình an, hạnh phúc trong gia đình… Hóa ra, những sự kiện, công việc, vật chất… đã làm cho chúng ta mất phương hướng cả một năm rồi, và còn đang làm cho chúng ta lại càng mất đi chính mình hơn nữa trong những ngày cuối năm cũng như đầu năm.
Thời gian những ngày cuối năm đáng nhẽ ra chúng ta cần được nghỉ ngơi, bồi dưỡng thì ngược lại, tâm hồn chúng ta lại càng bị chồng chất, mệt mỏi hơn rất nhiều so với những ngày thường! Đó là một nghịch lý. Và đã có người thốt lên rằng: “Tết làm gì cho khổ!”
Vấn đề quan trọng đó chính là phải có thời gian để nhìn lại một năm qua và làm mới lại tâm hồn. Nội tâm của con người làm sao có thể chịu đựng nổi nếu suốt ngày, suốt tháng, suốt năm cứ phải bộn bề với biết bao nhiêu thế sự. Có người bảo: “Tôi ổn” thế nhưng, ổn ở đây chỉ là cái bề ngoài. Có thật sự bên trong người đó có bình an, thanh thản hay không?
Có một mẫu gương đáng nể phục nhất đó là Thầy Giêsu của chúng ta. Thầy đã làm biết bao nhiêu công việc, đã gặp gỡ biết bao nhiêu con người, đã chịu biết bao nhiêu lời ra tiếng vào… Thế nhưng, tâm hồn của Thầy vẫn luôn luôn tràn đầy bình an, thanh thản khi Thầy luôn có được thời gian tĩnh lặng để dừng lại cầu nguyện với Chúa Cha. Nhờ việc dành ra giờ để nói chuyện với Chúa Cha mà Thầy Giêsu đã làm chủ được chính mình khi đối diện với những bộn bề của cuộc sống.
Văn hóa Việt Nam chúng ta vẫn còn giữ lại được ngày đoàn tụ gia đình để mừng Tất niên, Tân niên; là dịp để nhìn lại “Năm qua tôi đã làm gì?” và “Năm nay tôi sẽ làm gì?”; đó quả là một truyền thống tốt đẹp nếu chúng ta biết tận dụng cơ hội để dừng lại, nghỉ ngơi đôi chút trong những ngày cuối năm và làm mới lại tâm hồn ta sau một năm ròng rã với những công việc hoạt động. Thế nhưng, tiếc thay đã có những lệch lạc làm cho truyền thống đó không còn là thời gian để nghỉ ngơi, để hun đúc tình gia đình, làm mới lại các tương quan nữa mà thay vào đó chỉ là bộn bề của công việc từ trong ra ngoài đến nỗi còn chồng chất gấp nhiều lần hơn so với những ngày khác nữa. Còn đâu ý nghĩa đích thực của những ngày Tết nữa!
Chắc hẳn, việc cuối năm đầu năm luôn luôn phải có những buổi tiệc, những cuộc gặp gỡ, những lễ hội nhưng chắc hẳn ai ai trong chúng ta cũng không muốn mình bị lạc mất phương hướng, mất bình an và lại thêm áp lực. Nếu muốn thắng được điều đó thì ít nhất chúng ta cần biết rằng, những buổi tiệc, những cuộc gặp gỡ, lễ hội là những phương tiện để phục vụ cho sự bình an, tình yêu thương giữa người và người với nhau. Nếu như đó là những gánh nặng hay là những phương tiện mà không làm cho chúng ta đạt được mục đích thậm chí còn đi ngược lại với mục đích của nó thì phương tiện đó quả là vô nghĩa!
Tết là thời gian để ta có thể làm mới lại tâm hồn mình; là thời gian để ta có thể thanh thản, thoải mái, thư giãn mà hưởng nếm cuộc sống qua việc thăm hỏi, những lời chúc dành cho nhau, những cuộc gặp gỡ thân tình. Đó cũng là lúc để tâm hồn ta có thể quyện vào với thiên nhiên mà nhận ra sự giao hòa của đất trời và con người; để ta có thể hít được luồng không khí của hồng ân và đôi môi ta có thể cất lên bài ca tạ ơn Thiên Chúa. Đó là thời gian để ta “delete” tất cả những nỗi buồn sầu vô nghĩa, sự oán hận, tức tối, ghen ghét, thù hằn; và rồi ta có thể dành tặng cho nhau một tấm lòng yêu thương, sự tha thứ; để từ đó ta sẽ trở nên tươi mới hơn trong các mối quan hệ với chính mình, với gia đình, với bà con ruột thịt, với bạn bè, đồng nghiệp…
Cuối cùng, xin dành tặng một câu chuyện của tác giả Paulo Coelho trong cuốn sách Nhà Giả Kim để nói về hạnh phúc của tâm hồn như sau:
Một anh thanh niên muốn đi tìm bí quyết để hạnh phúc. Anh ta đi ròng rã bốn mươi ngày xuyên qua sa mạc mới đến được tòa lâu đài nguy nga ngự trên núi cao. Nhà thông thái mà anh ta muốn tìm đang ở đó. Thay vì gặp một vị thánh thì anh lại vào một gian phòng đầy người sinh hoạt tất bật. Thương nhân hết đến rồi đi, người khác túm tụm ở các góc phòng bàn tán, một dàn nhạc chơi các ca khúc lảnh lót, lại có cả một bàn tiệc sơn hào hải vị địa phương. Nhà thông thái chuyện vãn với từng người một và anh ta phải chờ suốt hai tiếng mới đến lượt mình được tiếp.
Nhà thông thái lắng nghe anh trình bày rồi đáp rằng hiện ông không rảnh để chỉ dạy anh về bí quyết của hạnh phúc. Ông bảo anh hãy đi xem khắp lâu đài rồi hai tiếng sau trở lại.
“Nhưng ta yêu cầu anh làm hộ một điều” Nhà thông thái nói rồi đưa cho anh một muỗng con đựng hai giọt dầu.
“Trong lúc đi xem thì anh cầm theo muỗng này và nhớ giữ đừng làm sánh dầu nhé.”
Anh ta lên lầu, xuống lầu mắt không rời cái muỗng. Sau hai giờ anh quay lại gặp nhà thông thái.
“Sao” Ông hỏi, “Anh đã thấy các tấm thảm Ba Tư quý giá trong phòng ăn của ta chưa? Cả cái vườn tráng lệ mà người làm vườn đã phải khổ công mười năm xây dựng? Và những cuộn giấy da tuyệt hảo trong thư viện của ta nữa?”
Anh ta ngượng ngùng thú thật rằng chẳng hề để mắt đến gì khác vì cứ phải chăm chăm ngó nhìn muỗng dầu đã được giao phó.
“Thế thì anh hãy đi thêm lần nữa và ngắm cho kỹ những thứ tuyệt mỹ trong thế giới của ta,” nhà thông thái nói. “Không thể đặt tin tưởng vào một người khi mình không hề biết người ấy sống trong một ngôi nhà như thế nào.”
Yên dạ hơn, anh ta lại cầm muỗng đi một vòng. Lần này anh chăm chú xem xét những vật quý treo trên tường và trên trần nhà. Anh ngắm khu vườn có núi vây quanh, với đủ thứ hoa thơm cỏ lạ và mỗi tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ đều được để đúng chỗ thích hợp.
Trở lại nhà thông thái anh kể chi tiết tất cả những gì đã thấy.
“Thế còn hai giọt dầu ta nhờ anh giữ đâu rồi?” nhà thông thái hỏi.
Nhìn cái muỗng, anh ta hốt hoảng thấy mình đã làm sánh mất rồi.
“Đây là điều duy nhất mà ta có thể khuyên anh,” nhà thông thái nhất thế gian nói. “Bí quyết của hạnh phúc là biết ngắm nhìn mọi thứ tuyệt mỹ trên thế gian này mà không hề quên hai giọt dầu trên muỗng.”
Cầu mong mỗi người trẻ chúng ta hãy biết hưởng nếm những vẻ đẹp của thế giới này nhưng cũng đừng bỏ quên hai giọt dầu trong tâm hồn mình!
Đaminh Trường Sơn, SDB
Tin tức liên quan khác
Giáo xứ Tiếp Võ: Hồng Ân Đón Nhận ơn Thánh Thần Trong Ngày Cao Điểm Tuần Chầu
Dư âm cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và tổng thống Ucraina
Thứ Tư tuần 5 Phục sinh – Sự sống trong Chúa Kitô (Ga 15,1-8)
Thứ Bảy tuần 20 Thường niên năm I – Sống Khiêm Nhường (Mt 23,1-12)
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi tham dự viên Lễ hội Giới trẻ Mễ Du 2023
Đôi nét về 13 vị thánh bảo trợ Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023
Người biến đổi hình dạng (06.08.2023 – Lễ Chúa Hiển Dung)
Giáo Xứ Làng Truông: Thánh Lễ Cao Điểm Năm Thánh Mừng Kỷ Niệm 350 Năm Hạt Giống Đức Tin