“Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”. (Ga 1, 23b)
BÀI ĐỌC I: 1 Ga 2, 22-28
“Ước gì điều các con đã nghe từ ban đầu, vẫn ở lại mãi trong các con”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, ai là kẻ nói dối, nếu chẳng phải là kẻ không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đức Kitô? Ai không nhận Chúa Cha và Chúa Con, chính nó là phản Kitô, ai không nhận Chúa Con, thì cũng không được có Chúa Cha. Còn ai tuyên xưng Chúa Con thì cũng được có Chúa Cha.
Phần các con, ước gì điều các con đã nghe từ ban đầu vẫn ở lại mãi trong các con. Nếu điều các con đã nghe từ ban đầu vẫn ở lại trong các con, thì các con cũng được ở lại trong Chúa Con và Chúa Cha nữa. Và này là điều Người đã hứa cho chúng ta, đó là sự sống đời đời. Ta đã viết những điều này cho các con biết về những người lừa dối các con.
Về phần các con, việc xức dầu mà các con đã nhận lãnh nơi Người vẫn ở lại trong các con, nên các con không cần ai dạy dỗ, nhưng như việc xức dầu của Người đã dạy các con mọi sự, và lại là sự thật, chứ không phải sự dối trá, nên như các con đã được dạy dỗ, hãy ở lại trong Người.
Và giờ đây, hỡi các con bé nhỏ, hãy ở lại trong Người, để khi Người tỏ hiện, chúng ta được dạn dĩ, không phải xấu hổ lìa xa Người, lúc Người đến.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Đáp: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta (c. 3c).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. – Đáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. – Đáp.
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. – Đáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. – Đáp.
Tin mừng: Ga 1, 19-28
19 Đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêru-salem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?
20 Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Đấng Kitô”. 21 Họ liền hỏi: “Như vậy là thế nào? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” – Gioan đáp: “Không phải”.
22 Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?”
23 Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.
24 Và những người đã được sai đến đều thuộc nhóm biệt phái.
25 Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Đức Kitô, cũng không là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?”
26 Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước, nhưng giữa các ngươi, có Đấng mà các ngươi không biết.
27 Đấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Đấng ấy đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”.
28 Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Thánh Gioan Tiền Hô giới thiệu cho người Do Thái: “Có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết”. Chúa Giêsu âm thầm đồng hành bên ta. Cần có đức tin để nhận ra Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hôm nay lời Thánh Gioan Tiền Hô đang vang lên bên tai con: Chúa ở giữa chúng con mà chúng con không biết. Quả thật Chúa âm thầm lặng lẽ đến với con. Ngày Chúa giáng trần, không mấy người nhận ra Hài Nhi nằm trong máng cỏ là Chúa, Đấng Cứu Độ. Những năm tháng Chúa sống tại làng Na-da-rét, chẳng ai nhận ra nơi người thợ mộc là vị cứu tinh nhân loại. Khi Chúa lên đường đi rao giảng, không người nào nhận ra Chúa là Đấng Thiên Sai. Giờ phút Chúa chịu chết trên thánh giá, rất ít người nhận ra Chúa là Đấng Cứu Thế. Và ngày nay, Chúa sống lại và đang âm thầm đồng hành bên con, nhưng không mấy khi con nhận ra Chúa. Chúa âm thầm lặng lẽ hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể, nhưng chẳng mấy lúc con có được một lòng tin sống động để kết hiệp và phó thác đời mình cho Chúa.
Lạy Chúa, xin Chúa tỏ ra cho tâm hồn con để con nhận biết Chúa. Chúa rất cao cả trổi vượt trên con, nhưng cũng rất nhỏ bé bên cạnh con. Chúa ở xa con nhưng cũng rất gần sát lòng con. Chúa dường như vắng mặt, nhưng thực ra lại hiện diện trong mọi giây phút và mọi bước đường con đi. Xin Chúa khơi dậy nơi con ý thức về sự hiện diện của Chúa.
Tuy dù Chúa hiện diện âm thầm lặng lẽ, nhưng Chúa vẫn hoạt động mạnh mẽ hữu hiệu, Chúa vẫn là Chúa. Xin cho con nhận ra Chúa, đến với Chúa và bước đi bên Chúa, để con được Chúa dìu dắt và nâng đỡ, để cuộc đời con được Chúa biến đổi và nâng cao. Amen.
Ghi nhớ: “Có một Ðấng sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi”
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Gioan Tẩy Giả có một lối sống đặc biệt, một lời rao giảng đặc biệt và một cách thanh tẩy đặc biệt; thời đó cũng có nhiều nhóm làm thanh tẩy, nhưng thanh tẩy của Gioan có những điểm khác là:
a/ không chỉ thanh tẩy cho một số người muốn gia nhập nhóm mình nhưng cho mọi người;
b/ không cần làm đi làm lại nhiều lần như những nhóm kia.
Như thế thanh tẩy của Gioan có nghĩa là bày tỏ lòng sám hối để dọn lòng lãnh nhận thanh tẩy của Đấng Messia trong Thánh Linh và Lửa. Do đó nhiều người thắc mắc không hiểu ông là ai. Họ đến hỏi ông. Nhân dịp này Gioan làm chứng về bản thân mình. Ta có thể tóm tắt lời chứng này trong công thức 3 không 2 phải.
+ 3 không:
– Ông không phải là Messia: Nhiều người tưởng Gioan là Messia. Ông đoán được ý nghĩ đó nên phủ nhận trước.
– Không phải là Êlia: Theo Ml 3, 1.23-24 thì Êlia là kẻ dọn đường cho Messia. Nếu Gioan không phải là Messia thì ít ra ông cũng là Êlia chứ, vì cách ăn mặc của Gioan rất giống với Êlia (2V 1, 8; Mt 3, 4). Gioan khẳng định ông cũng không phải là Êlia.
– Cũng không phải là Vị Ngôn Sứ: Theo Đnl 18, 18, Thiên Chúa hứa sẽ cho xuất hiện Vị Ngôn Sứ giống như Môsê. Đó không phải là bất kỳ ngôn sứ nào mà là Vị Ngôn Sứ tiêu biểu (Le Prophète). Dân Do Thái vào thế kỷ I trước công nguyên rất khao khát mong chờ Vị Ngôn Sứ ấy đến sau một thời gian dài đã im tiếng ngôn sứ. Gioan cũng bảo rằng ông không phải là Vị ngôn sứ.
+ 2 phải:
– Mà là tiếng hô của Lời và là kẻ dọn đường cho Đấng Messia: Gioan trích Is 40, 3 để nói rằng ông chỉ là ”tiếng kêu trong hoang địa, “ nghĩa là người dọn đường cho Đấng Messia thôi.
– Những người Biệt Phái mới thắc mắc: Nếu Gioan không phải là Messia, Êlia hay Vị Ngôn Sứ thì tại sao ông làm phép rửa? Sở dĩ họ hỏi vậy là vì phép rửa của Gioan có những điểm đặc biệt hơn của những nhóm thanh tẩy thời đó. Gioan đáp ông chỉ thanh tẩy bằng nước. Theo một tài liệu tìm thấy ở Qumran, gọi là ”Manuel de discipline” thì khi Đấng Messia đến, Ngài sẽ thanh tẩy bằng Thánh Linh. Gioan cũng ám chỉ điều đó: ”Hễ thấy Thánh Linh ngự xuống và đậu lại trên ai thì đó là người thanh tẩy bằng Thánh Linh”. Vì thế, câu trả lời của Gioan chắc ai cũng hiểu: ông chỉ làm một lễ nghi thanh tẩy có tính chuẩn bị và tạm thời thôi chứ không phải là sự thanh tẩy cánh chung và messia. Nói cách khác, ông không phải là Messia.
B- Suy gẫm (… nẩy mầm)
1. Vào một đêm trăng, Thích Ca ngồi giữa các đệ tử. Ngài lấy ngón tay chỉ mặt trăng và nói: “Kia là mặt trăng. Cứ ngó theo ngón tay ta thì thấy, nhưng đừng tưởng ngón tay của Ta là mặt trăng”..Tin Mừng hôm nay cũng đề cập đến một cuộc đối thoại tương tự giữa Gioan Tẩy Giả và những Biệt Phái… Họ đặt ra 3 hình ảnh về Gioan: Ông có phải là Đức Kitô không? Ông có phải là Êlia không? Ông có phải là tiên tri không? Gioan cho mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc “Hãy dọn đường Chúa”. Gioan đã làm chứng cho Chúa trong sự khiêm tốn. Người Kitô Hữu cũng phải làm chứng cho Chúa về nhiều phương diện: không những giơ ngón tay chỉ Chúa Giêsu cho người khác mà còn phải là chứng nhân bằng chính cuộc sống nữa”.
2. Gioan Tẩy Giả có một lối sống thu hút nên nhiều người đến với ngài. Nhưng ngài không giữ họ lại cho mình mà dẫn họ tới Chúa. Vậy mà nhiều người làm ngược hẳn lại: đã không dẫn người ta đến với Chúa mà còn ngăn cản hoặc giữ lại cho riêng mình. Người làm chứng cho Chúa đúng nghĩa phải có thể nói như Gioan “Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi”.
3. Gioan Tẩy Giả đã “nói tiếng không” về bản thân mình, để “nói tiếng có” về Chúa Giêsu. “Tôi không phải là…” “Có Đấng… đến sau tôi…” – Xin Chúa cứ lớn dần trong con để con ngày càng nhỏ bé trong tay Chúa.
4. Ông Gioan trả lời: “Có một vị ở giữa các ông mà các ông không hay biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1, 27)
Dạy đại học, tôi chuẩn bị vào thành phố. Bạn bè kéo đến chúc mừng, tôi chỉ mỉm cười nghĩ thầm: “Một lời chúc muộn màng, vì mình đã biết chắc trước khi thi kìa!”
Tôi là thế đó: kiêu căng và tự phụ. Tôi chưa bao giờ chịu khuất phục một ai trong lớp, suốt 12 năm học. Và bây giờ cũng thế, thành công như đốt thêm lửa kiêu ngạo trong tôi. Tôi tự cho phép mình bỏ qua mọi ý kiến và suy nghĩ của bạn bè, thậm chí cả những lời Chúa dạy nữa. Tôi quyết định lấy mọi việc và tự hào vì luôn có thể giải quyết mọi vấn đề bằng chính suy tư của mình.
Dần dà tôi trở thành kẻ cô đơn vì bị bạn bè xa lánh, đúng hơn chính tôi đã xa lánh họ. Lòng tự mãn khiến tôi nên thiển cận, hẹp hòi, chỉ nghĩ đến mình mà không biết đến ai, kể cả Thiên Chúa nữa.
Lạy Chúa, xin giúp con hiểu rằng mình chỉ là hạt cát giữa sa mạc mênh mông, là giọt nước góp nên biển cả, một con người nhỏ bé trong vũ trụ bao la, để thấy Chúa muôn trùng cao cả. (Epphata)
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Viện Phụ Gioan Côlôbos nói với người anh em: “Tôi muốn sống ổn định như các Thiên Thần, không làm việc và được phục vụ Chúa không ngừng”. Ngài từ bỏ những gì mình có và đi vào sa mạc sống ở đó với mong ước tu đắc đạo trở nên như các Thiên Thần.Một tuần sau, ngài trở lại thăm. Ngài gõ cửa, người anh em hỏi: “Ai đó?”, “Tôi là Gioan”. Người anh em trả lời: “Gioan đã trở thành Thiên Thần, Gioan đâu còn ở chung với loài người”. Gioan tiếp tục gõ cửa và nói: “Chính tôi”. Nhưng người anh em vẫn từ chối cho ngài vào và để ngài chờ đợi. Cuối cùng anh vừa mở cửa vừa nói: “Nếu anh là một người thật, anh bắt đầu làm việc lại để sống. Nhưng nếu anh là Thiên Thần sao anh trở lại…”. Nghe vậy, Gioan nhận biết ra mình đã sai lầm và kêu lên: “Xin tha thứ cho tôi vì tôi là kẻ có tội”.
Suy niệm
Gioan Tẩy giả đi vào trong hoang địa để tu tâm trước khi bước vào sứ mạng tiền hô. Lãnh hội được lời thiêng, ông bước ra rao giảng lời sám hối, lời rao giảng khiến cho lòng người thức tỉnh. Người biệt phái muốn biết tư cách rao giảng của Ngài nên sai người đến chất vấn: “Ông có phải là Êlia chăng?”; “Hay ông là một đấng tiên tri?”. Nhưng Gioan chỉ nhìn nhận: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa …”, một người sống hoang địa, được lắng nghe Lời và rao giảng sám hối. Có thời, dân chúng suy tôn tung hô ông như là Đấng Cứu Thế, nhưng ông đã minh xác: “Tôi không phải là Ðấng Cứu Thế, sẽ có một người đến sau tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày Người” (Lc 3, 16). Còn hơn nữa, Gioan xác nhận vai trò của ông trong tương quan với Đấng Cứu Thế: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3, 30). Ông làm nhiệm vụ tiền hô và là chứng nhân cho Thiên Chúa như Tin Mừng thứ tư xác định: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, người đó tên là Gioan, ông đến để làm chứng cho ánh sáng” (Ga 1, 6). Ông rao giảng sám hối cho dân chúng, sống rất giản đơn: “Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da” (Mc 1, 6)…
Thi hành nhiệm vụ tiền hô cho Đấng Cứu Thế, ông thanh tẩy những kẻ tội lỗi bằng phép rửa tại sông Giođan, chính Gioan đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai và ông đã khiêm tốn: “Tôi cần được thanh tẩy bởi Ngài” (Mt 3, 14b). Nhưng Ðức Giêsu đã đề nghị ông tiếp tục làm phép rửa cho Ngài như chứng nhận vai trò tiền hô và ngôn sứ của ông: “Hãy tiếp tục thi hành, vì như vậy chúng ta mới giữ trọn đức công chính” (Mt 3, 15b).Gioan công minh chính trực, ông lên án những quyền lực tôn giáo sống không đúng với chức danh (Mt 3, 7); ông phê phán, đương đầu trực diện cả vương quyền bất nghĩa khi ngăn cản vua Hêrôđê cướp vợ của anh trai, chính vì thế mà ông bị tống ngục và Hêrôđia – người tình của vua đã tìm cách ám hại ông (Mt 6, 17-29). Gioan sống với lời mời gọi được thúc đẩy bởi lời thiêng. Chính cách sống minh chứng cho ánh sáng: “Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin” (Ga 1, 7). Gioan sống trong an bình, dân chúng cảm nghiệm được bình an của “Tiếng kêu gọi hoang địa”, tuôn đến để xin chịu phép rửa (x. Ga 3, 26).
“Tôi là ai? ” đó là lời mời gọi chúng ta chất vấn chính mình. Dù là ai, hãy như Gioan Tẩy giả mang bình an, hy vọng vào Đấng Cứu Thế, mỗi người chúng ta sống với cả con tim, sống chứng nhân của sự sáng. Gioan – “Tiếng kêu trong hoang địa” rao giảng sám hối, sống công bình chính trực gợi cho chúng ta nỗ lực xây dựng nước trời trong một xã hội, một quốc gia công bình và huynh đệ như ngôn sứ Isaia loan báo: Thiên Chúa sẽ khoác cho dân Ngài một áo choàng công chính và cứu độ (x. Is 61, 10)…
“Tôi là ai?”, cùng với tâm tình sám hối bình an mà Gioan phác họa, tôi luôn sống tinh thần mà Phaolô kêu gọi: “Hãy vui lên, hỡi anh em, hãy vui lên! Hãy cảm tạ Thiên Chúa trong mọi sự, vì đó là thánh ý Người về tất cả anh em trong Ðức Kitô. Anh em đừng dập tắt tác động của Thánh Thần” (1 Tx 5, 16-17). Gioan kêu gọi mọi người đừng dập tắt lửa Thánh Thần, nhưng luôn để Thánh Thần thúc đẩy để thực thi sứ vụ. “Tôi là ai?”, tôi sẽ là tôi, nên tôi sám hối, sám hối chân thành trong niềm vui và hy vọng vào ngày Chúa đến.
Ý lực sống
“Vui lên anh em, sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến” (Pl 4, 5).
Tin tức liên quan khác
Ra mắt game Công giáo mới “MetaSaint” dành cho “Thế hệ Alpha”
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con
Các Giáo hội Kitô ở Giêrusalem tiếp tục liên kết trong việc trùng tu Đền thờ Mộ Thánh
Các phản ứng đối với “Fiducia supplicans”: tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin
Vatican mời các tín hữu cử hành Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ ba
Đức Hồng y Joseph Ratzinger: “Chân lý sự phục sinh”
Phỏng vấn tân Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa thánh về khoa học xã hội – Nữ tu Helen Alford, OP
ĐTC ca ngợi sự dấn thân của phụ nữ Amazon