“Đây là Con Ta yêu dấu”.
BÀI ĐỌC I: Đn 7, 9-10. 13-14
“Áo Người trắng như tuyết”.
Trích sách Tiên tri Đaniel.
Tôi ngắm nhìn cho đến khi đặt ngai toà xong, và một vị Bô Lão ngự trên ngai: áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người như những ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Một con sông lửa chảy lan tràn trước mặt Người. Hằng ngàn kẻ phụng sự Người, và muôn vàn kẻ chầu chực Người. Người ngự toà xét xử, và các quyển sách đều mở ra.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất: vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 96, 1-2. 5-6. 9
Đáp: Chúa hiển trị, Chúa là Đấng tối cao trên toàn cõi đất (c. 1a và 9a).
Xướng:
1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh; công minh chính trực là nền kê ngai báu. – Đáp.
2) Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi trái đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. – Đáp.
3) Lạy Chúa, vì Ngài là Đấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 2 Pr 1, 16-19
“Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, chúng tôi không theo những truyện bày đặt khôn khéo, để tỏ ra cho anh em biết quyền năng và sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; nhưng chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người. Người đã được Chúa Cha ban cho vinh dự và vinh quang, khi có lời từ sự vinh quang cao cả xuống phán về Người rằng: “Này là Con Ta yêu dấu, Người đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống, lúc chúng tôi ở với Người trên núi thánh. Và chúng tôi có lời nói chắc chắn hơn nữa là lời nói tiên tri: anh em nên nghe theo lời đó, nó như ngọn đèn sáng soi trong nơi u tối, cho đến khi rạng đông và sao mai mọc lên trong lòng anh em.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Mc 9, 2-10
2 Khi ấy, Ðức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao.
Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4 Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Ðức Giêsu.
5 Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, hay quá! Chúng con xin dựng ba cái lều, Thầy một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái.” 6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.
7 Và có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta Yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Ðức Giêsu với các ông mà thôi.
9 Ở trên núi xuống, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trừ khi Con Người đã từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu đã biến hình trước mặt các môn đệ, như một dấu hiệu loan báo trước về vinh quang phục sinh của Ngài. Để được phục sinh với Chúa Giêsu, chúng ta phải biến đổi cuộc sống từng ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày Chúa nhật, Giáo Hội long trọng cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết và phục sinh. Ngày Chúa nhật cũng giúp con tìm lại ý nghĩa của cuộc đời mình: Chúa đã sáng tạo nên con để con dự phần vinh quang với Chúa. Con đang sống và chờ đợi toàn diện con người con – cả thân xác và linh hồn- được phục sinh với Chúa. Và suốt cả quãng đời này, Chúa vẫn hiện diện và đồng hành với con.
Lạy Chúa Giêsu, vinh quang biến hình không làm quên lãng khổ nạn trên đồi Can-vê. Khuôn mặt sáng chói hôm nay, một ngày kia sẽ “không còn hình tượng” nữa… và áo chói lọi hôm nay, một ngày kia sẽ bị lột trần phân chia! Vì thế, con cũng cần chấp nhận những hy sinh, trái ý trong đời sống như một thanh luyện để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa biến hình trên núi như một khởi điểm cho sự biến đổi cả đời sống con. Con phải kiên nhẫn hằng ngày trong ý thức tự thanh luyện chính mình. Xin Chúa giúp con biến đổi tâm hồn bằng thái độ đến với Chúa, bằng tâm tình thống hối ăn năn, và nhất là gia tăng đời sống kết hợp với Chúa trong tình con thảo. Xin Chúa biến đổi thân xác và tâm hồn con nên đồng hình, đồng dạng với Chúa. Amen.
Ghi nhớ:“Ðây là Con Ta yêu dấu”.
2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa hiển dung, lễ kính (Mc 9,2-10)
- Tin mừng hôm nay hé mở cho ta thấy vinh quang mà Con Thiên Chúa đã có trước khi đến trần gian. Vinh quang mà Đức Giêsu hé mở cho các Tông đồ thân tín được thể hiện sáu ngày khi Ngài loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết mà Ngài sắp trải qua. Qua cuộc biến hình này, Ngài muốn củng cố niềm tin của các Tông đồ vào sứ mệnh của Ngài: Ngài phải chịu chết rồi mới sống lại vinh hiển, Ngài phải trải đi từ sự sống qua sự chết rồi mới đạt tới sự Phục sinh vinh hiển. Và đó cũng là con đường tất yếu của những ai muốn đi theo Ngài. Con đường Đức Giêsu sẽ đi qua cũng sẽ là con đường mà các môn đệ Ngài phải đi qua.
- Mục đích việc biến hình của Chúa
Chắc chắn tâm tư các môn đệ vẫn còn xót xa, hoang mang bởi lời quả quyết của Đức Giêsu khi Ngài tiết lộ cho các ông: Ngài phải tới Giêrusalem, để chịu nhục hình, bị đối xử như tên tội phạm, chịu đau đớn, chịu đóng đinh vào thập giá và chết. Trước mắt họ, tương lai toàn là mầu đen nhục nhã. Nhưng toàn cảnh núi Biến hình là vinh quang. Mặt Đức Giêsu sáng rỡ ràng như mặt trời, áo Ngài rực rỡ chói loà như ánh sáng…
Chắc chắn cảnh tượng đó làm cho các ông phấn khởi, họ đã thấy vinh quang bên kia cảnh nhục nhã, khải hoàn bên kia cảnh đau khổ, vương miện bên kia thập giá. Ngay lúc ấy, họ cũng chưa phải là đã hiểu trọn vẹn, nhưng chắc chắn họ đã lờ mờ ý thức được rằng thập giá là hoàn toàn khổ nhục, nhưng nó đi liền với vinh quang, là nét chính của cuộc xuất hành đến Giêrusalem và đến cái chết.
- Các ông cần được củng cố, nâng đỡ
Các môn đệ cần được nâng đỡ qua biến cố biến hình này, vì sẽ đến một ngày và ở trên một ngọn đồi kia, lúc đó bầu trời sẽ trở nên tối tăm, khuôn mặt Đức Giêsu sẽ đầm đìa mồ hôi và máu, quần áo của Ngài sẽ không còn chói sáng nữa, mà sẽ bị lột khỏi thân mình Ngài. Sẽ không có tiếng nói phát xuất từ trời nữa, nhưng chỉ có những giọng nói chế diễu và nhạo báng mà thôi. Các môn đệ sẽ bị tản mác, và không muốn tham dự vào những sự việc đang xẩy ra.
Biến cố biến hình còn cho các môn đệ niềm hy vọng là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc, cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục sinh hân hoan. Tựa như học sinh kiên nhẫn và miệt mài hy vọng một mùa thi tốt đẹp, người nông phu dầm mưa dãi nắng cấy cầy vì hy vọng vào mùa gặt bội thu.
- Các ông muốn hưởng những phút huy hoàng
Qua cuộc biến hình nhiều người đã có cảm nghiệm như thánh Phêrô: ông muốn làm ba lều cho Đức Giêsu, cho Maisen và cho Êlia. Ông muốn kéo dài giây phút huy hoàng ấy. Ông không muốn trở về với công việc thường ngày, ông muốn ở lại mãi mãi với vinh quang rực rỡ. Ai đã từng trải qua những giây phút thân mật, trong sáng, bình an, gần gũi với Chúa cũng đều muốn kéo dài những giây phút ấy, như có người đã diễn tả: “Núi Biến hình bao giờ cũng thích thú hơn là công tác phục vụ hằng ngày hay con đường thập giá”.
Nhưng núi Biến hình được ban cho ta chỉ để cho ta có sức mạnh làm công tác phục vụ. Giờ phút vinh quang không xuất hiện vì chính nó, nó xuất hiện là để khoác vẻ đẹp lóng lánh, rực rỡ cho những công việc bình thường mà trước kia chúng ta chẳng hề có.
- Nhưng các ông cần phải xuống núi
Cũng như Phêrô và các môn đệ, mỗi người chúng ta ai cũng muốn được ở trên đỉnh vinh quang, nhưng lại không muốn đối diện với thực tế của cuộc đời, và muốn trốn tránh kiếp lữ hành trần thế, muốn trốn tránh thập giá là con đường duy nhất đưa đến sự phục sinh. Đức Giêsu hôm nay vừa tỏ cho chúng ta thấy viễn cảnh Phục sinh để nâng đỡ niềm tin cho chúng ta và cho chúng ta một niềm hy vọng chắc chắn về đời sống vĩnh hằng, nhưng Ngài mời gọi chúng ta phải xuống núi: xuống núi vừa để giúp những người khác thêm niềm tin và hy vọng, xuống núi để tiếp tục cuộc lữ hành trần thế tiến về quê trời.
- Truyện: Thưa, chính Chúa đấy ạ
Cha John Diamond một nhà giảng thuyết nổi tiếng ở Mỹ có kể lại câu chuyện này: “Hôm đó có một linh hồn vì chán ngấy cuộc sống ở thế gian cho nên linh hồn đi lên trước cửa Thiên đàng. Tới nơi linh hồn gõ cửa. Ở trong có tiếng nói vọng ra: “Ai đó?” Linh hồn trả lời: “Con đấy ạ”.
Cửa vẫn đóng. Sau đó linh hồn trở về với đời sống ở trần thế tìm thầy học đạo. Sau một thời gian thấy mình đã tiến bộ, linh hồn lại lên gõ cửa Thiên Đàng một lần nữa. Lại một tiếng hỏi từ bên trong như lần trước và linh hồn trả lời một cách quả quyết hơn: “Dạ chính con đây”.
Cửa vẫn đóng. Linh hồn lại phải trở về trần thế… mở sách Tin mừng để xem Chúa muốn gì. Quả thực khi mở Tin mừng ra linh hồn mới thấy con đưởng của mình phải đi là con đường nào. Đó là con đường tự huỷ. Chúa nói thật rõ về con đường phải làm chết cái tôi ích kỷ, hay khoe khoang, phô trương, hay tự mãn, hay ghen ghét. Phải làm chết đi cái tôi đầy hận thù, nhiều kiêu ngạo và đầy dẫy những ham muốn bất chính, để làm cho con người của mình dần dần được giống Thiên Chúa Cha trên trời.
Sau một thời gian thấy mình quả thực đã không còn là mình nữa thì linh hồn lại lên trời… lại gõ cửa… lại có tiếng từ bên trong hỏi vọng ra: “Ai đó?”
Vừa nghe xong câu hỏi linh hồn đáp lại ngay: “Dạ, thưa chính Chúa đấy ạ”.
Vừa trả lời xong thì linh hồn thấy cửa Thiên đàng được mở ra và cả một đạo binh các thiên thần long trọng đón linh hồn vào Thiên đàng. Thật vui biết bao!
3. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một đoàn các nhà khoa học thám hiểm vùng sa mạc Sahara (châu Phi), đang khi giữa cuộc nghiên cứu thi đoàn bị mất liên lạc và mất cả phương hướng để ra khỏi hoang mạc. Họ phải chịu đựng cái nắng thiêu đốt vào ban ngày, và giá lạnh khắc nghiệt khi đêm về. Lương thực đoàn mang theo đã cạn dần, thể xác họ cạn kiệt sức lực, lại giữa chốn hoang vu nên tinh thần cùng ý chí cũng dần dần suy sụp.
Sự tuyệt vọng bắt đầu xâm chiếm mọi người, muốn tìm một khe suối, một bóng mát, thế nhưng chung quanh họ chỉ toàn cát với cát, nắng với nắng vào ban ngày và cái lạnh thấu xương vào ban đêm. Họ thất vọng và không muốn cất bước nữa và buông xuôi cho định mệnh đen đủi. Mọi người nghĩ rằng: “Có lẽ chúng ta sẽ chết giữa sa mạc hoang vu này thôi”.
Bỗng người trưởng đoàn cất tiếng: “Anh em ơi, có bóng cây từ xa xa”. Nghe được câu nói đó, như được tiếp thêm sức mạnh, mọi người hối hả cất bước tiếp, dù chính họ không thấy gì, chỉ tin tưởng vào lời anh trưởng đoàn. Trong mỏi mệt, họ cố gắng thêm những bước đi trong hy vọng trước mặt họ sẽ là một ốc đảo với những bóng cây mát, dù quá mệt mỏi họ vẫn tiến bước, tiến bước…
Cuối cùng, nhờ những bước đi hy vọng đó, họ tìm được ốc đảo giữa sa mạc… Được nghỉ ngơi dưỡng sức và đội cứu hộ đã tìm thấy họ trong sự kinh ngạc, vì sức chịu đựng phi thường của đoàn thám hiểm. Vì mọi người cứ tưởng sẽ không thể tìm được họ trong sự sống…
Cuộc đời của chúng ta được ẩn dụ như một cuộc lữ hành, cuộc thám hiểm và đôi lúc chúng ta bị lạc lối giữa sa mạc hoang vu của cuộc đời như các nhà thám hiểm mất hướng trên hoang mạc Sahara. Chúng ta cũng cần cố bước đi hy vọng và nghỉ ngơi bên suối hồng ân.
Suy niệm
Ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan, là những người theo sát Chúa Giêsu nhất, các Ngài là người kề cận với Chúa trong mọi hành trình của sứ mạng Thiên Sai, đặc biệt là trong những giây phút khủng hoảng nhất với chính Chúa Giêsu và cả với chính họ. Ba môn đệ này sẽ nói về tương lai của Giáo hội và cuộc sống của mỗi người chúng ta: Phêrô lãnh đạo Giáo hội đương đầu với bao thử thách, Giacôbê chứng nhân thử thách đầu tiên trong hàng ngũ các tông đồ qua việc tử đạo và Gioan, người đã hiện diện trong lòng Giáo hội sơ khai như niềm hy vọng giữa bao thăng trầm. Cuộc đời của các ngài như hình ảnh của chúng ta hiện diện giữa cuộc sống với bao thăng trầm của lịch sử xã hội và của cả lịch sử cá nhân đầy sóng gió, mà tôi và bạn, mỗi người có cảm nghiệm riêng biệt. Cả ba môn đệ này đã chứng kiến cảnh Chúa trong vườn Giêtsêmani, thất bại, chán chường và cũng chính trong cơn thử thách đó, họ đã từng khủng hoảng và mất phương hướng: Có người bỏ Chúa, chối Thầy… (x. Mt 26,56.69-75; Mc 15,50. 66-72; Lc 22,55-62; Ga 18,15-27).
Đức Giêsu như nhìn thấy lòng hoang mang, khủng hoảng của các đồ đệ mình trong hành trình sứ mạng. Ngài đã cho các ông thấy “ốc đảo” của sự hạnh phúc. Ngài dẫn ba tông đồ lên núi để chứng kiến vinh quang Thiên Chúa qua dung mạo Ngài hiển dung sáng láng trước mắt họ. Vinh quang mà ba môn đệ thấy, tiên báo cho họ biết về vinh quang Phục sinh, sau khi hoàn tất khổ nạn thập giá Chúa Kitô Phục sinh sau này. Trong Ngài, chúng ta cũng được hiển dung như Ngài. Nhưng trước khi được biến đổi hoàn toàn và vĩnh viễn, Chúa Giêsu đi trong mầu nhiệm vượt qua: Ngài phải chịu khổ hình thập giá và chết đau thương. Trong mầu nhiệm thánh này, con người cùng Ngài vượt qua trần gian với tất cả thực tại, con người vượt qua từ sự chết do tội đến sự sống vinh hiển bởi tình yêu Thiên Chúa. Ngài hiển dung cũng để minh chứng tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa nơi nhân loại: Đưa vinh quang hiển dung như là một “ốc đảo” nuôi dưỡng sự hy vọng cho các tông đồ, để họ tiếp tục cất bước, tất cả như lời khuyến khích: Các con sẽ vinh quang và hạnh phúc dù rằng phải bước những bước chân mịt mù sắp tới.
Bên cạnh Đức Giêsu hiển dung, xuất hiện Êlia và Môisê, hai gương mặt nổi bật trong lịch sử dân Israel. Môisê tượng trưng cho sự ân cần của Thiên Chúa đối với dân, đồng hành với Dân Ngài đi tìm đất hứa. Đồng hành trong 40 năm trên sa mạc với lời khẳng định sẽ có miền đất hứa, mặc dù dân Chúa trong 40 năm đầy bôn ba, đầy thử thách giữa sa mạc. Còn Êlia tượng trưng cho cuộc tranh đấu của ngài cho dân, vì Êlia đã tranh đấu trong một niềm tin bị thử thách để Lời Chúa được đến với Dân Ngài một cách vẹn toàn và trung thực. Sứ mạng và nhiệm vụ của Đức Giêsu được làm tròn đầy sứ mạng và nhiệm vụ của hai vị. Môisê và Êlia là những nhân vật được báo trước về Đức Giêsu: Tình yêu và lòng ân cần của Thiên Chúa và dấn thân của Ngài tranh đấu cùng với con người trong lịch sử cứu độ.
Hình ảnh Chúa hiển dung trên núi Tabore là lời mời gọi mọi người tín hữu hãy can đảm dấn bước theo Chúa trong tiến trình vượt qua. Đó là hành trình được biến đổi hầu trở nên giống Chúa và được sống hạnh phúc trong Ngài, dù có thể xuyên qua những khổ đau của cuộc đời.
Ý lực sống
“Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (Đn 12,3).
Tin tức liên quan khác
Chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô đến tông du Mông Cổ
Chúa nhật 18 Thường niên năm B – Bánh đích thực (Ga 6,24-35)
Giáo Xứ Kẻ Vang – Niềm Vui Trong Ngày Các Em Xưng Tội Rước Lễ Lần Đầu
Đại lễ mừng kính Thánh Antôn tại Trung tâm Hành hương Đồng Xuân
Học viện Công giáo Việt Nam: Khai giảng năm học 2022-2023
ĐTC Phanxicô và Đức Thượng phụ Tawadros II mong ngày các Kitô hữu có thể cử hành Thánh Thể chung
Tại sao Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu cho một bản dịch Kinh Thánh mới?
Học viện Công giáo Việt Nam: Khai giảng niên khóa 2023 – 2024, Trao bằng Thạc sĩ và Cử nhân Thần học