Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?
Bài đọc 1: Dc 3, 1-4a
Tôi tìm người lòng tôi yêu dấu.
Bài trích sách Diễm ca.
1Suốt đêm, trên giường ngủ, tôi tìm người lòng tôi yêu dấu.
Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp!
2Vậy tôi sẽ đứng lên, đi rảo quanh khắp thành,
nơi đầu đường cuối phố, để tìm người yêu dấu của lòng tôi.
Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp!
3Đang tuần tiễu trong thành, bọn lính gác gặp tôi.
Tôi hỏi họ: “Các anh có thấy chăng
người lòng tôi yêu dấu?”
4aVừa rời họ mà đi, tôi đã gặp người lòng tôi yêu dấu.
Đáp ca: Tv 62, 2.3-4.5-6.8-9 (Đ. x. c.2)
Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.
2Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.
Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.
3Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện,
để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.4Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống,
miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.
Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.
5Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng,
và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.6Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc,
môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.
Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.
8Quả thật Ngài đã thương trợ giúp,
nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui.9Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó,
giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì.
Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.
Tin mừng: Ga 20, 1-2.11-18
1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.
2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.
13 Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!”
14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su.
15 Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”
16 Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’).
17 Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.”
18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
Suy niệm: (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Yêu mến Chúa là sức mạnh, là động lực, là lẽ sống và là niềm hy vọng của cuộc sống người Kitô hữu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, vì yêu mến Chúa mà bà Maria Ma-đa-lê-na đã can đảm có mặt dưới chân thập giá khi Chúa chịu chết. Vì yêu mến Chúa mà bà đã vội vã viếng thăm mộ Chúa, để rồi được diễm phúc gặp gỡ Chúa Phục Sinh. Cũng vì yêu mến Chúa, mà bà đã sốt sắng, mau mắn loan báo cho các môn đệ về Tin Mừng Chúa đã sống lại.
Lạy Chúa, vì con chưa yêu mến Chúa nồng nàn, nên con còn cảm thấy đời sống đạo là một gánh nặng chồng chất của lề luật. Vì con chưa yêu mến Chúa thật tình, nên con chưa thể quên mình để sống bác ái với mọi người. Vì chưa yêu mến Chúa hết lòng, nên con vẫn sống hời hợt, không lý tưởng, con vẫn chưa thay đổi cuộc sống. Con vẫn bước đi trên lối mòn của con đường cũ, con đường lấy của cải vật chất làm mục đích, lấy hưởng thụ làm hạnh phúc, lấy ích kỷ làm niềm vui.
Lạy Chúa, vì yêu mến Chúa mà bà Maria Ma-đa-lê-na làm được tất cả. Xin cho con có được một lòng mến Chúa thiết tha như thế, để con là nhân chứng cho tình yêu Chúa trong xã hội nhân loại hôm nay, để con can đảm và say mê loan báo Tin Mừng của Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, và để con đem Chúa đến cho những ai đang cần sự hiện diện của Chúa, bằng chính cuộc sống của con khi biết hy sinh, quảng đại, chia sẻ và phục vụ họ. Amen.
Ghi nhớ :“Bà kia, sao mà khóc ? Bà tìm ai ?”
Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
* Hạnh tích: Thánh nữ MARIA MAGĐALA
Thánh nữ Maria thành Magđala (Mácđala hay Mađalêna) là người được gọi đầu tiên trong số các phụ nữ được Chúa Giêsu chữa bệnh, nay theo và phục vụ Người (x. Lc 8,2).
Trong Phúc Âm có nói nhiều về những người mang tên Maria, cũng được Chúa chú tâm đặc biệt, ít nhất là có ba người, đó là các bà Maria thành Béthania (miền Giuđê), bà Maria thành Magđala (miền Galilê) và người đàn bà tội lỗi vô danh trong Phúc Am Thánh Luca (x. Lc 7).
Phụng vụ Giáo Hội La Mã, kể từ thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, đều coi Maria này là người đàn bà tội lỗi, rửa chân cho Chúa Giêsu (x. Lc 7,36-50) và là chị của Mátta và Lagiarô (x. Lc 10,38,50 ; Ga 12,1-8). Thế nhưng khoa Thánh Kinh ngày nay không xác tín điểm này.
Điểm chắc chắn không ai tranh cãi là Maria Magđala đã đứng dưới chân Thánh Giá của Chúa Giêsu (x. Mc 15,40-41). Bà hiện diện nơi cuộc táng xác Chúa (x. Mc 15,47) và vào buổi sáng phục Sinh, bà cùng mấy phụ nữ đã đi ra mồ Chúa (x. Mc 16,1-8). Chính bà là người đầu tiên được Chúa Phục Sinh hiện ra và sai đi báo cho các Tông Đồ tin mừng Phục Sinh (x. Mc 16,9 ; Ga 14-18).
A- Phân tích (Hạt giống…)
Bài tường thuật của Gioan, cũng về những chuyện sáng ngày Phục sinh, đặc biệt về Maria Mađêlêna:
1. Khi thấy ngôi mộ trống, Maria Mađêlêna “khóc” và “tìm” xác Chúa Giêsu.
2. Hai thiên thần hỏi lý do bà khóc. Hai vị chỉ hỏi chứ chưa nói Chúa Giêsu sống lại.
3. Chính Chúa Giêsu hiện ra với bà: ban đầu bà không nhận ra Ngài, khi Ngài gọi tên bà thì bà liền nhận ra. Ngài giải thích ý nghĩa việc sống lại: “Ta về cùng Cha Ta cũng là Cha của các con, về cùng Thiên Chúa cũng là Thiên Chúa của các con.”
4. Maria Mađêlêna báo tin Phục sinh cho các môn đệ.
B. Suy gẫm (… nảy mầm)
1. Việc Chúa Giêsu Phục sinh đã biến đổi hẳn ý nghĩa và tình cảm của con người; bà Maria Mađalêna chính là đại diện; trước cái chết: nếu không tin việc Phục sinh, chúng ta đau buồn than khóc trước cái chết của một người thân và tiếc nuối đi tìm thân xác họ, khi đã có niềm tin Phục sinh, chúng ta sẽ không còn than khóc và sẽ không tìm người sống nơi kẻ chết nữa.
Bà De Gaulle cho gọi một nhân viên mai táng đến bảo tìm nơi an nghỉ cuối cùng cho người chồng đã quá cố. Người này thân hành trở bà đến sườn đồi, trước mặt là một thung lũng tuyệt đẹp. Ông nói: “Đây là nơi an nghỉ rất xứng đáng với người chồng vĩ đại của bà, và cũng chỉ tốn 200.000 francs.” Trong lúc bà còn đang phân vân, ông ta nói tiếp: “Ông nhà thật xứng đáng hưởng sự ưu đãi đó”. Bà đáp: “Nhưng ông ấy chỉ cần 3 ngày thôi mà!”
2. Tình cảm của bà đối với Chúa Giêsu rất đậm đà: Khi không thấy xác Chúa Giêsu, bà khóc và cả thế giới này không còn ý nghĩa gì đối với bà nữa: bà không tìm gì khác ngoài xác của Chúa Giêsu, không nhận ra ai khác (các thiên thần, chính Chúa Giêsu mà bà tưởng là người giữ vườn). Khi Chúa gọi tên, bà nhận ra Chúa, sau đó vui mừng chạy đi báo cho mọi người. Tóm lại, đối với Maria Chúa Giêsu là tất cả, mất Chúa Giêsu cả thế giới như sụp đổ, gặp lại Chúa là gặp lại niềm vui.
3. Dù Maria không còn thấy gì và không còn nhận ra ai nữa cả, nhưng Chúa Giêsu gọi tên bà thì tất cả bừng sáng trở lại. “Ta biết các chiên Ta… các chiên Ta biết Ta …” Chúa cũng biết đích danh mỗi người chúng ta và gọi đúng tên chúng ta. Phần chúng ta có nhận biết Ngài không?
Một sinh viên cao đẳng đến thực tập tại một trường nọ. Chỉ trong hai tuần, anh ta nhớ tên tất cả các học sinh trong lớp. Anh gọi từng em như một người bạn thân.
Sau khi tốt nghiệp, anh lại được phân công về dạy tại trường đó. Lập tức, tất cả các học sinh thân yêu tụ tập xung quanh anh. Anh chỉ và gọi đích danh từng em. Các em rất vui mừng.
Tôi cả các em đều được gọi nhưng chỉ có một em mà anh không thể nhớ tên. Em xấu hổ bỏ chạy và khóc. Anh rất ngượng ngùng. Tên người thân thật quan trọng.
4. Chúa Giêsu đã hỏi Maria: “Tại sao con khóc?” và từ đó bà đã biến nỗi buồn của bà thành niềm vui. Nỗi buồn nào đang khiến tôi phải khóc thầm? Hãy dâng cho Chúa và xin Ngài hãy biến nó thành niềm vui.
5. Vì yêu mến Chúa, đôi khi tôi cũng thấy buồn vì không thấy Chúa: chung quanh tôi hình như không có chỗ cho Chúa ở, trong xã hội, trong những công việc và những con người. Xin cho thêm nhiều người biết Chúa, xin cho người ta biết dành chỗ cho Chúa trong việc làm và trong cuộc sống.
6. “Đức Giêsu gọi bà: “Maria” bà quay lại và nói: “Rapbuni” nghĩa là lạy Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Thôi đừng giữ Thầy lại… nhưnhg hãy đi gặp anh em Thầy.”
“Này các chị có nghe điện thoại reo không? Sao tôi gọi mãi mà không có ai nhấc máy lên nghe vậy?” Từ dưới sân lầu, giữa trời nắng gắt, tiếng chị H, trực phòng khách lanh lảnh vang lên. Thật ra không phải chúng ta không nghe, nhưng ai cũng ngại nhấc máy. Vì đã nghe rồi thì sau đó phải “thông tin” lại cho người có liên quan hay phải đi gọi người dùm cho chị H.
Nhưng hôm nay, lời chị đánh động tôi rất nhiều. Vì đối với Chúa tôi cũng có thái độ như thế. Biết bao lần tôi đã dửng dưng trước những “cú phone” Chúa gọi cho tôi. Tôi không muốn nghe vì ngại phải thi hành những “Sứ điệp” của Chúa sẽ truyền dạy tôi. Cũng có thể nhiều lần Chúa gọi tôi ở đầu dây bên kia, nhưng tôi bận nghe hay nói với người khác ở đầu dây bên này. Như thế làm sao tôi có thể nghe được “điện” của Chúa ?
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)
- Hôm mai táng Đức Giêsu, vì ít thời gian, người ta đã xức thuốc thơm cách hối hả. Sáng ngày sau, mấy bà đã đưa thuốc thơm đến mồ để làm lại cách chu đáo hơn. Khi đến nơi, các bà thấy ngôi mộ trống vì xác Ngài không còn nữa. Và Chúa hiện ra để củng cố đức tin cho các bà và sai họ đi báo tin cho các Tông đồ. Bài tường thuật của thánh Gioan hôm nay, ghi lại việc Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với bà Maria Madalena.
- Khi thấy mồ Chúa mở toang, xác Chúa không còn trong mồ, bà Maria Madalena chạy về báo tin cho các môn đệ Chúa. Mặc dầu bán tín bán nghi, hai ông Phêrô và Gioan cũng chạy ra mộ xem thực hư thế nào. Maria Mađalêna cũng chạy ra theo, ông Phêrô và Gioan, sau khi quan sát kỹ và thấy rõ xác Chúa không còn, hai ông ra về, một mình bà Maria Mađalêna ở lại mộ, ngậm ngùi, khóc lóc, thương nhớ Chúa, và Chúa đã hiện ra với bà, lúc đầu bà không nhận ra, nhưng sau một vài câu trao đổi, bà nhận ra Chúa và Chúa bảo bà hãy mau về kể lại cho các môn đệ hiện đang ở trong nhà Tiệc ly.
- Bà Maria tức tốc chạy về nhà gặp các môn đệ đang nóng lòng chờ đợi. Họ vây quanh bà và hỏi: “Maria, chị hãy nói đi, chị đã thấy gì?” Bà Maria đáp: “Tôi đã thấy Chúa, Chúa đã hiện ra với tôi, Chúa gọi tên tôi và Chúa phán: ‘Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con, về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con’”. Những lời bà Maria nói đã phá tan mọi lo lắng, nghi ngờ nơi các Tông đồ, và lòng các ông tràn ngập vui mừng.
- Niềm tin và sự gặp gỡ của con người với Đấng Phục sinh thường đến sau những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau. Điều này đã diễn ra với hầu hết các môn đệ của Đức Giêsu. Vào giữa lúc họ buồn bã quay về làng cũ, họ gặp Ngài. Vào giữa lúc họ từ bỏ con đường đi theo Ngài để trở về sau chuyến bôn ba của cuộc sống, Ngài đến với họ. Ngài cũng đến với họ khi họ giam mình trong sợ hãi, buồn phiền. Maria Mađalêna cũng được gặp Ngài giữa tiếng khóc than. Chính lúc bà tưởng mình đã mất tất cả, Ngài đã đến với bà.
- Quả thật, Đấng Phục sinh thường đến với con người vào những lúc bất ngờ nhất và dưới những hình dạng con người không hề chờ đón. Hầu hết trong mọi trường hợp, Ngài đến với họ như người vô danh, một người mà họ không thể nhận ra tức khắc. Phục sinh là một biến cố lịch sử, nhưng không có bất cứ một người nào đã chứng kiến giây phút lịch sử ấy, từ các môn đệ cho đến chúng ta ngày nay.
Để tin nhận Ngài, con người luôn làm bước nhảy vọt trong các biến cố của cuộc sống, những biến cố ấy thường là những mất mát, thất bại và khổ đau. Cần phải trải qua đau khổ để đến vinh quang, đó là định luật của niềm tin, phép rửa nhờ đó chúng ta trở thành tín hữu Kitô, không đương nhiên biến chúng ta thành những người thông minh đĩnh đạc hay may mắn thịnh vượng hơn người. Nhưng chúng ta phải xem mình là những người may mắn nhất, bởi vì giữa tăm tối của cuộc sống, chúng ta vẫn còn nhận ra được ánh sáng; giữa những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau, chúng ta vẫn tiếp tục tin tưởng (Mỗi ngày một tin vui).
- Lúc này lúc khác – qua những biến cố, những dữ kiện – Chúa vẫn lên tiếng gọi thẳng tên chúng ta nhằm để chúng ta biết Người sống lại và hằng sống… Những lần gọi thẳng tên như thế sẽ giúp chúng ta bình an và đi tới để nói cho mọi người rằng: chúng ta có Chúa sống lại cùng đi…
Cô bé đi học về muộn… Ở nhà bố mẹ rất lo… Thấy cô về, bố mẹ hỏi xem cô đã đi đâu và làm gì?
– Con dừng lại giúp bạn con… Xe đạp của bạn con bị hỏng.
– Nhưng con đâu có biết sửa xe?
– Đúng ạ! Nhưng con dừng lại để cùng khóc với bạn ấy.
- Truyện: Cần biết tên từng người
Dù bà Maria không còn thấy gì và không nhận ra ai nữa cả, nhưng khi Đức Giêsu gọi tên bà thì tất cả bừng sáng trở lại, “Ta biết các chiên Ta… Chiên Ta biết tiếng Ta…”. Chúa cũng biết đích danh mỗi người chúng ta và gọi đúng tên chúng ta. Phần chúng ta có nhận ra tiếng Ngài không?
Một sinh viên Cao đẳng sư phạm đến thực tập tại một trường nọ. Chỉ trong hai tuần, anh nhớ tên tất cả các học sinh trong lớp. Anh gọi từng em như một người bạn thân.
Sau khi tốt nghiệp, anh lại được phân công về dạy tại trường đó. Lập tức, tất cả những học sinh thân yêu của anh tụ tập xung quanh. Anh chỉ và gọi đích danh từng em. Các em rất vui mừng.
Tất cả các em đều được gọi, nhưng chỉ có một em mà anh không thể nhớ tên. Em xấu hổ bỏ chạy và khóc. Anh rất ngượng ngùng.
Tên người thật quan trọng (Góp nhặt)
Suy niệm: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Maria Mađalêna hay còn gọi là Maria. Sau khi được Chúa trừ cho khỏi bảy quỷ, ngài đã theo Chúa trên hành trình đi rao giảng (x. Mc 16,9; Lc 8,1-3) Thánh nhân là nhân chứng đầu tiên của biến cố Đức Giêsu phục sinh (x. Ga 20,1-18) kể lại những gì Chúa nói với ngài (x. Ga 20,18). Ngài đặt cho tước hiệu Apostolorum Apostola – Tông đồ của các Tông đồ. Vì ngài đã báo tin Chúa sống lại cho các Tông đồ, và các Tông đồ lại loan tin ấy cho toàn thế giới.
Câu chuyện
Maria Mađalêna, hay “Maria Mácđala”, người được Ðức Kitô chữa khỏi bảy quỷ (x. Lc 8,1-3). Maria Mađalêna bị “nhận diện sai lầm” trong 20 thế kỷ vì người ta cho rằng cô là người phụ nữ tội lỗi đã lấy nước mắt rửa chân Ðức Giêsu (x. Lc 7,36-50). Và người ta cũng lầm lẫn Maria Mađalêna với Maria thành Bêtania, em của Martha. Ba người tên Maria (Ngoài Đức Maria – Mẹ của Chúa Giêsu) mà Tân ước đề cập là ba nhân vật khác nhau.
Maria Mađalêna là một trong những người đã giúp đỡ Ðức Giêsu và nhóm Mười hai bằng các phương tiện của họ (x. Lc 8,2-3). Maria Mađalêna là một trong những người đứng dưới chân thập giá Ðức Giêsu với Ðức Mẹ và Gioan tông đồ. Khi táng xác Chúa, Maria Mađalêna và Maria vợ ông Clêôphas đã ngồi trước mộ thánh của Chúa Giêsu. Maria là một trong những nhân chứng “chính thức” đã được chọn để chứng kiến sự Phục sinh và loan báo Tin Mừng Chúa Kitô Phục sinh.
Suy niệm
Maria Mađalêna và các chị em lúc ban đầu đi ra thăm mộ với những bước đi nặng nề, sợ hãi tâm hồn lạnh lẽo đang than thở khóc lóc… bỗng trở nên vui tươi, rạng rỡ vì gặp Ðấng Phục Sinh…
Bà quá vui mừng và muốn giữ Ngài lại cho riêng mình. Nhưng Ðức Giêsu thúc giục bà hãy loan tin Ngài đã phục sinh: “Ðừng giữ Ta lại… hãy đi gặp anh em Ta và hãy báo tin.”…
Theo mệnh lệnh của Đấng Phục sinh, Mađalêna hoan ca reo vui ra đi loan báo cho các môn đệ: Thầy đã sống lại và “Tôi đã thấy Chúa!” (Ga 20,18).
Sứ điệp tin mừng Phục sinh là niềm vui khôn tả nhưng luôn khẩn cấp không thể chần chừ trì hoãn vì Ðức Giêsu đã chết, sự chết làm tiêu tan tất cả và Ngài đã Phục sinh thông ban cuộc sống mới cho chúng ta: Cuộc sống được ra khỏi bóng tối của thế gian và những sự ràng buộc của nó, ra khỏi mùa đông lạnh lẽo đầy sự chết của ngôi mồ biểu tượng quyền bính của thần chết và bước vào ánh sáng của mặt trời công chính vừa bừng dậy sau giấc ngủ của đêm dài, bước trong sự ấm áp của nắng xuân Phục sinh.
Chúa Kitô Phục sinh về cùng Cha. Cha của Ngài cũng là Cha của chúng ta. Ngài về để mở đường đón chúng ta cùng về bên Cha.
Maria Mađalêna hoan ca loan báo tin mừng Chúa sống lại tựa những bông hoa tươi nở của mùa xuân Phục sinh, tâm hồn của chúng ta cũng bừng tỉnh đâm chồi, nảy lộc, kết những bông hoa của niềm tin vào Đấng Phục sinh:
Con muốn sống mùa xuân tươi trong Chúa
Để tình con với Thầy chẳng hề phai
Như hoa tươi tô đậm mãi Thiên ngai
Xuân phục sinh, Nguồn sống mãi bất tận.
(Cao Trí Dũng, Mùa xuân phục sinh).
Ý lực sống
“Nếu miệng bạn tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Chúa và con tim bạn tin rằng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết thì bạn sẽ được cứu rỗi” (Rm 10,9).
Tin tức liên quan khác
Để truyền đạt sự thật hiệu quả hơn trong tình yêu thương
Làm việc với tình yêu
Thứ Hai tuần 5 mùa Chay (Ga 8,1-11)
Thứ Năm tuần 17 Thường niên năm II (Mt 13,47-53)
Suy niệm Đàng Thánh Giá với chủ đề: “Cùng đi với Mẹ Maria”
Những tháng ngày xưa ấy…
Thứ Bảy tuần 3 Thường niên năm II (Mc 4,35-41)
Đá bóng với Thiên Chúa