TGPSG – “Ngày đầu tiên đi học em vừa đi vừa khóc…” Lời bài hát nhẹ nhàng đi vào lòng người như một kinh nghiệm sống, hay như một ký ức thật đẹp của tuổi thơ nhắc ta lòng biết ơn với những “Người Đưa Đò” đã làm nên con người và cuộc sống của ta cách âm thầm và lặng lẽ qua biết bao năm dưới mái trường…
Ngày đầu tiên đến trường mãi là cái ngày đầy ắp kỷ niệm, là ngày ta bước vào thế giới với những người lạ, là ngày ghi dấu bước chân của một đứa trẻ cho ngàn dấu chân trên đường tương lai.
– Có đi học hay không? Ba cầm cái roi tre, hét lên.
– Không, con không đi học đâu! hu…hu…hu…
– Không đi cũng phải đi! – Má ôm Nó vào lòng – Ngoan đi học đi, mai mốt lớn mới làm người tốt được. Đi học đi, Sơ ở trường tốt lắm sẽ dạy con nhiều điều hay lắm, có các bạn chơi chung vui lắm.
Nó phụng phịu, lên xe. Ba chở Nó đến trường. Ba dắt Nó vào trường gặp Sơ Hiệu Trưởng. Sơ hỏi Nó tên gì, rồi cầm lấy tay Nó. Nó giật mạnh ra khỏi tay của Sơ và bám chặt vào chân Ba không chịu vào lớp học. Ba bế Nó lên trao cho Sơ dạy học, Nó khóc thét lên vùng vẫy:
– Con không đi học đâu
– goan nào chiều Sơ cho về sớm – Sơ ôm chặt lấy Nó vỗ về.
Nó vẫn khóc, và Ba thì đi về mất rồi!
Sơ vẫn ôm Nó dỗ dành: Thôi đừng khóc nữa, cho bé con gấu bông nè! Sơ đưa cho nó con gấu bông màu hồng, Nó ôm lấy và vẫn khóc…
– Nhớ mẹ đúng không? Học giỏi mai mốt làm Bác sĩ nha. Giọng nói của Sơ ấm áp quá giống giọng nói của Má, Nó dần hết khóc,
Thấy Nó hết khóc Sơ cho nó ngồi lên cái ghế nhỏ và Sơ lại đon đả ra đón bạn khác, và rồi hình như ai cũng khóc. Không thấy Sơ để ý đến, Nó đi về phía sau và bắt đầu tự nhủ; Đi về nhà thôi, ra khỏi cổng trường rồi đi về phía nào được nhỉ? Thôi cứ đi thẳng chắc về tới nhà. Lúc nãy ba chở đi, nó nhớ là đi ngang qua Nhà thờ nè. Đi được một đoạn đường. Ơ tới Nhà thờ rồi nhưng bây giờ mỏi chân rồi mình sẽ ngồi ghế đá một chút xíu rồi đi về nhà. Với suy nghĩ của một đứa trẻ, Nó vui vẻ bước vào sân Nhà thờ, nơi mà ngày Chúa nhật nào Nó cũng được Má đưa đi lễ, nên với Nó, nhà thờ là nơi quen thuộc và an toàn vì Má nó bảo: “ở Nhà thờ có Chúa”.
Không thấy Nó đâu Sơ vội đi tìm. Tìm khắp trường không thấy Nó đâu
– Bác có thấy một bé gái mái tóc vàng hoe, mặc bộ áo màu xanh không ạ?
– Cô có thấy một bé gái mặc bộ áo màu xanh chừng 5 tuổi không ạ?
… … …
Sơ vội vàng chạy khắp nơi tìm Nó. Đi ngang qua nhà thờ, Sơ chạy vào đứng trước tượng Chúa chịu nạn, nước mắt lưng tròng,… Và rồi như lấy lại bình tĩnh, Sơ bước ra khuôn viên nhà thờ. Đôi mắt Sơ sáng lên khi nhìn thấy Nó đang ngồi đong đưa trên ghế đá. Đến gần bên, Sơ hỏi:
– Con đi đâu vậy?
– Con muốn về nhà… hu … hu… hu… Nó sợ hãi líu ríu.
Cả một tuần, ngày nào đi học Nó cũng khóc. Ngày nào cũng vậy, Ba đưa Nó đi, bế Nó vào lớp cách dứt khoát và đi về ngay. Còn Nó thì cảm giác bị bỏ rơi bao trùm, Nó sợ hãi khi không có Ba Má bên cạnh, xung quanh Nó toàn người lạ.
Và rồi thời gian lau khô những giọt nước mắt của đứa trẻ, giúp Nó thích nghi với môi trường mới, bắt đầu một cuộc sống mới với những “người lạ”, mà ngày nào cũng ẵm Nó vào lớp, dạy Nó học chữ, cầm tay cho Nó tô màu và viết chữ, dạy cho Nó ăn cơm cách lịch sự và tự lập, tự thay và mặc quần áo và nhất là dạy Nó biết nói chuyện với Chúa. Các Sơ đã dạy cho Nó những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống mà một đứa trẻ như Nó cần biết. Mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Nó khám phá ra cuộc sống quanh Nó có thật nhiều điều thú vị, có những người thật tốt và cũng có những người bạn dễ thương bên cạnh Nó. Nó mến Sơ giáo nhiều lắm vì Sơ dạy cho Nó thật nhiều điều mới mẻ, nhất là khi tập viết, Sơ cầm tay Nó nắn từng chữ một, những ngày đầu tiên cầm cây bút chì gỗ trong tay có bàn tay của Sơ to hơn cầm lấy bàn tay nhỏ xíu của Nó gạch những nét thẳng đầu tiên trên trang giấy trắng tinh, nhưng khi Sơ vừa buông tay Nó ra một chút thì những nét thẳng trở nên xiêu vẹo và nguệch ngoạc. Sợ bị Sơ la, Nó vội chùi tẩy nhưng với sự vụng về của một đứa trẻ vừa lên 5, làm cho trang giấy trắng trở nên nhàu nát và rách. Sợ hãi trước trang giấy mà Nó vừa làm, nước mắt nó bắt đầu lăn dài và thút thít.
Đang xoay người cầm tay cho bạn bên cạnh nghe tiếng khóc của Nó Sơ quay lại nhìn Nó với trang vở nhàu nát. Đến bên Nó, Sơ nói:
– Không sao chúng ta sang trang mới nào!
Sơ không la mắng Nó, nhưng nhanh tay lật sang một trang mới và cầm tay Nó tiếp tục viết những nét thẳng mới,
Nó ghì chặt cây bút không chịu viết tiếp,. Sơ lại nhỏ nhẹ:
– Viết đi con sắp đẹp rồi.
Nó giật cây bút ra khỏi tay của Sơ ném xuống đất khóc thét lên:
– Con không làm được…. hu…hu…hu…u
Sơ nhặt cây bút lên, cây bút chì bị gãy đầu rồi, Sơ mang cây bút đi chuốt lại và đem đến cho Nó, đặt cây bút vào tay Nó và nói:
– Con làm được mà cố lên.
Sơ tiếp tục cầm tay Nó cho đến khi Nó viết hết trang giấy đầu tiên. Lần đầu tiên Nó viết xong một trang giấy. Những nét chữ sao dễ thương quá! Nó nở một nụ cười nhìn Sơ với lòng biết ơn, vì chính Sơ đã giúp Nó làm được.
Trưa nay, sau giờ cơm trưa với các bạn, Nó mang chén dơ xuống phía sau, vì Nó ăn xong trễ nhất. Nó nhìn thấy một Sơ lớn tuổi đang rửa chén. Nó thấy thương Sơ ấy lắm. Nó khoanh tay chào:
– Con chào Sơ Bà.
Sơ mỉm cười thật nhân hậu, như nụ cười của một bà tiên hiền hậu dưới mái tóc trắng như cước của Sơ:
– Chào bé, đưa cái chén cho Sơ Bà nào
– Sơ ơi! Sơ rửa chén bao lâu rồi ạ?
– Sơ đã rửa chén 10 năm rồi
– Lâu quá là lâu chắc Sơ là siêu nhân rửa chén luôn, Sơ có chán rửa chén không Sơ?
– Sứ vụ của Sơ làm việc này để cầu nguyện cho các nhà truyền giáo, xin Chúa rửa sạch cuộc đời của Sơ và của từng người Sơ đang phục vụ nữa. – Sơ mỉm cười phúc hậu.
Từ hôm ấy trở đi, Nó có thêm một người bạn mới là Sơ Bà. Những lần ăn xong trễ, Nó lại có dịp được trò chuyện với Bà. Vào hôm ấy, Nó lại ăn cơm xong trễ, khi mang chén dơ xuống. Nó không thấy Sơ Bà đâu, chậu chén dơ vẫn chưa xong mà Sơ đâu mất rồi. Nó giật mình khi thấy Sơ Bà nằm bất động trên nền nhà gần đó. Nó chạy lại lay Sơ: “Sơ ơi, Sơ Bà ơi!” Không thấy sơ trả lời, Nó chạy về phía lớp học, la lên, giọng hốt hoảng: “Sơ giáo ơi, Sơ Bà bị ngã.”
Sơ giáo vội chạy về phía sau, và rồi Hú…u…u… Tiếng xe cứu thương xa dần.
***
– Ba ơi hôm nay không phải Chúa Nhật sao mình đi lễ xa vậy Ba?
– Sơ Bà chết rồi chúng ta đi lễ an táng của Sơ Bà.
– Ơ Sơ Bà chết là làm sao? Hở Ba
– Có nghĩa là chúng ta không được gặp Sơ ấy nữa vì Sơ về sống với Chúa ở Thiên Đàng, khi nào về thiên đàng con sẽ được gặp lại Sơ Bà. Nó khẽ gật đầu và không biết Nó có thể hiểu hết những điều này hay không.
Sau khi lễ an táng, Nó nghe ba má nói chuyện: “Sơ Bà chết đúng là cái chết đáng giá vì có tới 30 cha làm lễ. Nghe nói các cha là học trò của Sơ ngày xưa. Cuộc đời của Sơ Bà thật âm thầm nhưng đã làm cho sáng lên trong Giáo Hội những viên ngọc quý giá của thiên chức Linh Mục, một người trồng người trong việc giáo dục suốt 40 năm, và khi biết mình bị bệnh tim, Sơ vẫn âm thầm làm công việc rửa chén cho nhà trường, phục vụ trong khiêm nhu và chịu quên lãng. Điều gì đã làm cho Sơ can đảm đến thế? Chắc chỉ có Chúa mà thôi. ”
***
Thời gian đi mãi đi mãi chẳng chờ một ai. Hình ảnh những người nữ tu âm thầm trong mái trường mầm non ghi đậm trong ký ức của Nó. Cái ngày đầu tiên đi học, những “người lạ” đầu tiên trong cuộc đời Nó như một phần góp vào làm nên con người và cuộc sống của Nó, Nó muốn trở nên giống họ vì những nữ tu ấy giống Chúa quá!
Ngày khấn lần đầu Nó vô cùng hạnh phúc khi được gặp lại Sơ giáo đã dạy nó thuở mầm non, Sơ mở chiếc hộp đưa cho Nó cái ly uống nước có số 7. Nó chợt nhận ra đó là chiếc ly uống nước của nó ngày xưa, đó là số thứ tự trong lớp của Nó. Sơ nói: Khi biết người học trò nào có ý hướng đi tu thì Sơ sẽ để riêng những chiếc ly ấy trên bàn và cầu nguyện cách đặc biệt cho trò ấy.
Nước mắt Nó lăn dài và chợt nhận ra ơn gọi của Nó được tưới gội bằng biết bao lời cầu nguyện âm thầm của Ba Má, của Sơ giáo… Những hy sinh âm thầm mà Nó không hề biết đã và đang dệt đời Nó trong cõi nhân sinh này. Nó sống thế nào để đáp ơn, sống thế nào cho thật đẹp đời Nữ tu của mình và là niềm vui cho con người trong một xã hội ồn ào và hưởng thụ này. Vẫn còn đó những con người âm thầm nối gót Chúa Giêsu để thêu dệt cho thế giới khuôn mặt tình yêu mang tên Giêsu .
(Bài viết như một lời cảm ơn chân thành đến những người Thầy trong ngày 20/11)
Maria Hồng Hà, CMR (TGPSG)
Tin tức liên quan khác
Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher và phái đoàn Ngoại giao Toà Thánh thăm Đại Chủng viện Huế
Các bài suy niệm Lễ Mình Máu Chúa Kitô Năm A
Ngài vẫn ở đó…
Cùng Đức Thánh Cha Phanxicô và giáo triều Roma cầu nguyện. Bài 4: “Hãy đi và đừng phạm tội nữa!”
Năm lời khuyên để đạt được và duy trì sự bình an trong tâm hồn
Chúa nhật 30 Thường niên năm B – Khánh nhật Truyền giáo (Mc 16,15-20)
Các Giáo hội Kitô ở Giêrusalem tiếp tục liên kết trong việc trùng tu Đền thờ Mộ Thánh
Bổ nhiệm Giám mục Phụ tá giáo phận Xuân Lộc