NHẬP ĐỀ
Danh hiệu chính thức của Dòng Đa Minh là “Dòng những anh em Giảng thuyết” (Ordo Praedicatorum). Đã hơn một lần có người nêu thắc mắc về tên gọi này, bởi vì giảng thuyết là tác vụ của tất cả các linh mục, chứ đâu phải của riêng ai! Dĩ nhiên, để tìm câu trả lời thoả đáng, ta phải trở về bối cảnh lịch sử Giáo hội ở thế kỷ XIII: vào thời ấy, dân Chúa khao khát được nghe giảng mà thiếu người giảng, đang khi đó nhiều “lạc giáo” tha hồ gieo rắc các học thuyết của mình. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi không đi sâu vào bản chất của Dòng Giảng thuyết[1], nhưng muốn mở rộng tầm nhìn đến sứ vụ giảng thuyết trong Giáo Hội. Bài này được chia làm hai phần: trong phần thứ nhất, chúng ta ôn lại lịch sử của hoạt động giảng thuyết kể từ đầu Hội thánh cho đến nay; trong phần thứ hai, chúng ta đề cập đến thần học của tác vụ rao giảng.
Trước khi vào đề, thiết tưởng nên có vài nhận xét về từ ngữ trong tiếng Latinh (praedicatio) cũng như tiếng Việt (giảng thuyết).
Trong tiếng Latinh, praedicatio / praedicare tự nó có nghĩa là “nói công khai”. Muốn dịch cho sát, có lẽ phải dùng từ “rao” (loan truyền lớn tiếng), hoặc là “tuyên” (nói lớn lên); giảng chỉ có nghĩa là “nói cho rõ nghĩa” (thí dụ: giảng dạy, giảng giải, diễn giảng)[2].
Thật ra trong Kinh thánh, hoạt động rao giảng được mô tả với nhiều động từ, đặc biệt là: anghellô (loan tin), euanghelizo (báo một tin mừng); kerysso (công bố, loan báo)[3]. Một cách tương tự, praedicatio là một từ ngữ khái quát, bao gồm nhiều thể loại, chẳng hạn như homilia, sermo, như sẽ thấy trong phần lịch sử.
I. LỊCH SỬ
Lịch sử việc giảng thuyết bao hàm nhiều khía cạnh: các hình thức giảng thuyết, các tác viên giảng thuyết, và kể cả những nơi và dụng cụ giảng thuyết. Chúng tôi cố gắng tóm lược tất cả các khía cạnh ấy qua năm giai đoạn: 1/ Kinh thánh. 2/ Thời các giáo phụ. 3/ Thời Trung cổ. 4/ Thời cận đại. 5/ Công đồng Vaticanô II.
1. Kinh thánh
Chúng ta không tìm hiểu đạo lý Kinh thánh về việc giảng thuyết, nhưng nhìn lại truyền thống giảng thuyết của Dân Thiên Chúa. Tuy đối với chúng ta, điều quan trọng là nghiên cứu việc rao giảng Tin mừng (nghĩa là trong Tân ước), nhưng thiết tưởng cũng nên ôn lại “tiền sử” của nó, đó là truyền thống rao giảng Lời Chúa ở dân tộc Israel.
1.1. Cựu ước
Thiết tưởng chỉ cần ghi nhận hai khung cảnh chính của việc giảng dạy: a) khung cảnh phụng tự; b) khung cảnh ngôn sứ.
a) Trong khung cảnh phụng tự, bài giảng mang tính cách chúc tụng những kỳ công của Thiên Chúa và được kết thúc bằng một lễ nghi (chẳng hạn: cử hành giao ước. Vài thí dụ:bài giảng của ông Môsê vào dịp ký kết giao ước (Xh 20-23; 24), hoặc của ông Giosuê (Gs 24). Truyền thống này được duy trì tại các hội đường vào ngày sabat.
b) Lời giảng của các ngôn sứ cũng dành cho đám đông, nhưng không nhất thiết ở đền thờ hoặc nơi phụng tự. Nội dung của các lời giảng thường là kêu gọi thống hối, trở về với giao ước.
Cả hai hình thức này đều quy chiếu ít nhiều về Lời mặc khải của Thiên Chúa. Ngoài ra, nhờ việc tiếp xúc với văn hóa Hy lạp, người Do thái cũng du nhập lối hùng biện của các triết gia stoa, đặc biệt khuyến dụ luân lý (diatriba), để biết cách xử thế (luyện tập nhân đức, đừng bám víu vào các giá trị hư ảo).vv
1.2. Tân ước
Kitô giáo kế thừa đạo Do thái nhiều điều về hoạt động giảng dạy. Chúa Giêsu và thánh Phaolô đã thực hành lối chú giải Sách thánh tại hội đường ngày Sabat (xc. Lc 4,16; Cv 13,14; 14,1; 17,11).
a) Chúa Giêsu
Đức Giêsu khai mạc sứ vụ bằng việc rao giảng Tin mừng của Thiên Chúa: “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,14-15). Các sách Tin mừng cho chúng ta thấy đức Giêsu rao giảng vào nhiều cơ hội khác nhau và dưới những hình thức khác nhau: khi thì ở ngoài trời, khi thì ở trong hội đường; có lúc ngồi chễm chệ như thầy giáo hoặc có lúc đàm thoại thân mật như giữa bạn bè. Đặc biệt là Matthêu đã ghi lại năm bài giảng xoay quanh chủ đề Nước Trời. Dĩ nhiên, các “bài giảng” (sermo) này do bàn tay của thánh Matthêu xếp đặt lại theo những chủ đề lựa chọn (đang khi thánh Luca đặt trong những bối cảnh khác). Dù sao, các hình thức rao giảng của đức Giêsu có thể được phân chia thành nhiều thể loại khác nhau, tuỳ theo tiêu chuẩn áp dụng, hoặc đối chiếu với thể văn trong Cựu ước, hoặc đối chiếu với các hạng thính giả:
i/ Đối chiếu với các thể văn của Cựu ước, người ta phân chia các lời giảng của đức Giêsu thành hai loại: các lời ngôn sứ và các lời khôn ngoan. Thể văn ngôn sứ bao gồm các lời loan báo ơn cứu độ (hay sự trừng phạt), chẳng hạn như: việc loan báo Nước Thiên Chúa đã đến, các mối phúc thật, việc kêu gọi cải thiện, các lời cảnh cáo những kẻ cố chấp. Thể văn khôn ngoan bao gồm những câu ngắn gọn, như: châm ngôn, câu ví, câu đố, dụ ngôn.
ii/ Đối chiếu với các hạng thính giả, người ta phân chia thành hai nhóm: các môn đệ hoặc các đối thủ: đối với các môn đệ hay đại chúng, đức Giêsu giảng giải, khuyên bảo; đối với các đối thủ, các lời của đức Giêsu mang tích cách tranh biện, đối chất[4].
b) Các thánh tông đồ
Các thánh tông đồ ý thức sứ mạng chính yếu của mình là loan báo Tin mừng cho muôn dân để họ được cứu rỗi, tuân theo mệnh lệnh mà Chúa Phục sinh đã truyền lại (x. Mc 15,9-10.20; Mt 28,19; Cv 1,8). Các ngài đã coi việc phục vụ Lời là nhiệm vụ ưu tiên, vì thế đã uỷ thác việc quản trị tài sản cho các trợ tá (Cv 6,2). Thánh Phaolô đã khẳng định: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1 Cr 9,16), bởi vì sự cứu rỗi của muôn dân lệ thuộc vào việc rao giảng: “Làm sao kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao tin Đấng họ không nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?” (Rm 10,14). Thậm chí, thánh Phaolô còn nói mạnh hơn nữa: “Đức Kitô sai tôi đi giảng chứ không phải để rửa tội” (1Cr 1,17). Các ngài đã lợi dụng tất cả mọi hoàn cảnh, thuận lợi hay không thuận lợi, để loan báo sứ điệp Đức Kitô: tại đền thờ, hội đường, tư gia, pháp đình.
Khi nghiên cứu các hình thức giảng thuyết của các Tông đồ, các học giả[5] đã phân biệt ít là ba loại chính: Kêrygma, Đidakhê, Paraclêsis[6].
i/ Kêrygma (do động từ Hy Lạp kêryssêin: công bố, loan báo: xc. 1Cr 1,23; từ đó có danh từ kêryx: người báo tin, người công bố) là lời loan truyền sứ điệp về Đức Kitô, kẻ đã được Thiên Chúa sai đến để mang ơn cứu độ cho nhân loại. Lời công bố này kèm theo lời kêu gọi các thính giả hãy tin, hoán cải và lãnh phép rửa để được cứu rỗi. Người ta ghi nhận hai lối trình bày kerygma khác nhau tuỳ theo người nghe: nếu người nghe là người Do thái, nội dung của kerygma muốn chứng tỏ rằng Đức Giêsu là Mêsia, nơi mà các lời Thiên Chúa hứa với cha ông đã được ứng nghiệm (Cv 2,1-36; 3,12-36; 4,8-12; 5,29-32; 13,16-41). Còn khi giảng cho dân ngoại, luận cứ chính của kerygma là khuyến khích từ bỏ ngẫu tượng và quay về với Thiên Chúa chân thật (Cv 14,11-17; 17,22-31).
ii/ Điđakhê (do động từ Hy Lạp điđaschêin: dạy dỗ): giáo huấn nhằm đào sâu thêm sự hiểu biết về thân thế và sự nghiệp của Đức Kitô.
iii/ Paraclêsis (hoặc paranesis, khuyến dụ: Cv 2,40; 2Cr 5,20) là lời khuyên răn nhắn nhủ các tín hữu hãy sống phù hợp với đức tin đã lãnh nhận. Nó tương tự như bài giảng lễ (homilia) hiện nay, bởi vì thường diễn ra trong buổi cử hành phụng vụ. Nội dung của nó thường mang tính cách thực tiễn, áp dụng đức tin vào đời sống luân lý.
Trước khi kết thúc giai đoạn Tân ước, thiết tưởng nên thêm ba nhận xét: (1) Vài tác phẩm Tân ước xem ra vẫn giữ hình thức của một bài giảng, chẳng hạn thư thứ nhất của Phêrô và thư gửi Hipri. (2) Việc giảng dạy không phải là độc quyền của các tông đồ, bởi vì trong cộng đoàn có những ngôn sứ, và những tín hữu nam nữ được ơn giải thích (1Cr 11,4-5; 14,3tt; Ep 4,11); vai trò của người lãnh đạo là phân định chứ không phải dập tắt thần khí (1Tx 519t). (3) Một khung cảnh “tự nhiên” của việc giảng thuyết là các buổi hội họp để cử hành phụng vụ, cách riêng là “việc bẻ bánh” (xc. Cv 20,7.11).
2. Các giáo phụ
Thời đại các giáo phụ kéo dài cho thế kỷ VIII. Trong khoảng thời gian này, sinh hoạt của Giáo hội có nhiều thay đổi đáng kể vào thế kỷ IV, nghĩa là sau khi Kitô giáo được hưởng tự do tôn giáo.
2.1. Khung cảnh: cử hành phụng vụ. Hình thức nổi bật là homilia. Thánh Giustinô (Apologia I, 67 khoảng năm 150) đã mô tả cấu trúc của thánh lễ ngày chủ nhật, trong đó ta thấy vị chủ sự giảng sau các bài đọc.
2.2. Nơi: tư gia hoặc thánh đường. Việc tụ họp tại tư gia đã được ghi lại từ những chương đầu sách Tông đồ công vụ (Cv 2,46), và có thể xem như thường lệ. Phải chờ đến thế kỷ II mới thấy nói đến các “nhà thờ” (domus ecclesiae), tuy những nhà này cũng được dùng làm nơi hội họp, giảng dạy, chứ không chỉ để cử hành phụng vụ[7].
2.3. Tác viên: vị chủ sự buổi cử hành. Trong các thế kỷ đầu tiên, theo sách Didakhê và sách Pastor của Hermas cho biết, các ngôn sứ còn giữ vai trò quan trọng[8]. Dần dần, khi cơ cấu phẩm trật của Giáo hội được củng cố, thẩm quyền rao giảng dành cho các giám mục, tiếp đó cho các linh mục, nhất là từ thế kỷ IV khi các nhà thờ được mở ra ở vùng thôn quê.
Từ thế kỷ IV, chúng ta đã biết được danh tính các giáo phụ nổi tiếng về việc giảng thuyết nhờ các bài giảng của các ngài (có lẽ do thính giả ghi lại), chẳng hạn: Origène, Thánh Atanasiô, thánh Basiliô, thánh Grêgôriô Nazianzo, và nhất là thánh Gioan Kim Khẩu (bên Đông phương); thánh Lêô Cả, thánh Ambrôsiô, thánh Augustinô, thánh Grêgôriô Cả (bên Tây phương).
2.4. Phương pháp: Hầu hết các bài giảng của các giáo phụ là các bài chú giải Kinh thánh, tuy được giải thích theo nghĩa văn chương hoặc nghĩa ám dụ, tuỳ theo khuynh hướng của các trường phái. Dù sao thánh Augustinô được xem như người đầu tiên đã viết một tác phẩm về phương pháp giảng thuyết: De doctrina christiana, gồm bốn quyển. Ba quyển đầu bàn về việc thu lượm chất liệu để giảng; quyển thứ bốn bàn về việc trình bày, nghĩa là phương pháp. Tác giả khuyên phải kết hợp “hùng biện” (eloquentia) với “cao minh” (sapientia); hùng biện liên quan đến hình thức (mà ta có thể học từ Cicero), cao minh liên quan đến nội dung (mà ta cần học từ Kinh thánh). Bài giảng đạt được mục tiêu khi nào làm cho người nghe học biết chân lý, thích thú vì nhân đức, và uốn nắn cuộc đời theo chân lý[9].
Qua tác phẩm này, ta thấy có sự tranh luận giữa hai khuynh hướng khác nhau về phương pháp giảng thuyết: có nên sử dụng phương pháp hùng biện của văn hóa Hy-lạp Rôma vào việc giảng thuyết không?[10] Thánh Phaolô đã chẳng loại trừ lời lẽ hùng biện của sự khôn ngoan thế gian đấy ư? (X. 1Cr 2,1-5). Về mặt này, xem ra các giáo phụ Đông phương (chẳng hạn Gioan Kim Khẩu) sử dụng nghệ thuật hùng biện nhiều hơn là các giáo phụ Tây phương. Dù sao, mặc dù hầu hết các bài giảng dựa theo thứ tự sườn bài của Sách Thánh (phương pháp cổ truyền của Do thái), đôi khi các giáo phụ cũng sử dụng thể văn tán tụng (panegyricum) của Hy vào dịp các lễ trọng để khai triển một chủ đề (nhân vật, nhân đức), giải thích ý nghĩa của mầu nhiệm đang cử hành (x. Thánh Lêô Cả).
Một giáo phụ khác đã để lại huấn thị về việc giảng dạy là thánh Grêgôriô Cả: ngài là một nhà giảng thuyết nổi tiếng đã để lại hơn 600 bài giảng và một sách huấn luyện về cách giảng Regula pastoralis. Hẳn ngài đã truyền thụ kinh nghiệm lâu năm khi sống trong đan viện, nơi mà hình thức collatio của các viện phụ vốn đã thịnh hành.
2.5. Đối tượng của việc giảng thuyết: chuẩn bị cho tiến trình khai tâm Kitô giáo. Kerygma cho người ngoại; Catechesis cho các dự tòng (giải thích Tín biểu, các đề tài luân lý, việc cầu nguyện) và các tân tòng (bí tích). Homilia cho các tín hữu (lịch sử cứu độ, các đề tài luân lý, phụng vụ), dựa theo Kinh thánh.
2.6. Chất liệu: Từ thế kỷ VI, xuất hiện những tập Homiliarium, sưu tập các bài giảng của các giáo phụ nổi tiếng. Thánh Cêsariô Arles đã viết những bài giảng của mình và gửi cho các linh mục và giám mục không có khả năng soạn bài giảng; đồng thời cũng yêu cầu các ngài hãy chịu khó đọc các bài giảng của các giáo phụ nổi tiếng như Augustinô và Grêgôriô.
3. Thời Trung cổ
Chúng ta đang bàn về lịch sử của Giáo hội châu Aâu thời Trung cổ, nơi mà có thể nói được là “toàn tòng”. Tuy nhiên, không thiếu những đan sĩ (hoặc giám mục) dấn thân rao giảng Tin mừng ở ngoài vùng biên cương. Nói cách khác, hình thức giảng đạo cho người ngoài Kitô giáo vẫn còn được bảo toàn, tuy không được phổ thông lắm.
Tuy còn duy trì sự liên tục với thời các giáo phụ, nhưng khung cảnh văn hóa và xã hội của thời Trung cổ đã thay đổi, vì thế việc giảng thuyết thời này mang những sắc thái riêng, phần nào do ảnh hưởng của các trường phái kinh viện và các đại học.
Việc giảng thuyết mang nhiều hình thái: praedicatio verbi (rao giảng Lời Chúa), instructio morum et fidei (huấn luyện về luân lý và đức tin), informatio hominum (đào tạo nhân cách).
3.1. Khung cảnh: Vượt ra khỏi khung cảnh buổi cử hành phụng vụ
3.2. Nơi: thánh đường (giáo xứ hay tu viện); nhưng cũng có thể là đại học và công viên, quảng trường.
3.3. Tác viên: Ngoài các hình thức cổ truyền là các giám mục và các cha xứ, vào thời này xuất hiện các Dòng giảng thuyết, cũng như những giáo dân. Thực vậy, đang khi các mục tử lơ là với việc giảng thuyết thì nhiều giáo dân nhiệt thành cảm thấy được thúc đẩy đi giảng, chẳng hạn như nhóm nghèo của Valdes, và kể cả nhóm của Phanxicô, và nhiều lần sinh ra những điều lầm lạc. Trong bối cảnh này, ngoài việc nhấn mạnh đến nhiệm vụ giảng thuyết của các giám mục, giáo luật còn đòi hỏi năng quyền mới được giảng[11]. Trên thực tế, có hai nguồn cấp năng quyền:
a) Giám mục là người có nhiệm vụ (munus) và quyền hành (potestas) để giảng trong giáo phận. Giám mục có thể ủy nhiệm cho các cha xứ.
b) Giáo hoàng, trong cương vị là episcopus universalis phải lo liệu những nhà giảng thuyết ở tầm mức rộng rãi (các nơi truyền giáo, các lạc giáo), từ thế kỷ X, đã uỷ thác cho các đan sĩ và các tu sĩ của các dòng mới thành lập (đặc biệt hai dòng Đa Minh và Phan Sinh) được phép giảng khắp nơi.
Điều này đôi khi gây ra xung khắc giữa các thánh đường giáo xứ và các thánh đường tu viện.
3.4. Các hình thức giảng thuyết: Có thể phân chia dựa theo các hàng ngũ thính giả:
– bài giảng chúa nhật, mang tính huấn giáo, dạy những chân lý căn bản đời sống đạo
– bài giảng đan viện của viện phụ dành cho các đan sĩ, về một đề tài đời sống tâm linh
– bài giảng đại học: do các giáo sư (cũng là giáo sĩ) dành cho cộng đoàn đại học, thường dựa theo chủ đề, dựa theo phương pháp kinh viện, với những định nghĩa, phân chia, vấn nạn.
– bài giảng bình dân: dành cho đám đông, tại nhà thờ hay đường phố
– bài giảng chính trị: hô hào tham gia các cuộc thập tự quân, hoặc hộ giáo chống những lạc giáo.
3.5. Chủ đề: Rất đa dạng, tuỳ theo nhu cầu của các thính giả. Nói chung các đề tài xoay quanh những chân lý nền tảng của Kitô giáo: kinh tin kính, các điều răn, các bí tích, tứ chung.
3.6. Phương pháp: Các nhà giảng thuyết đã được đào tạo về thần học và tu từ (nghệ thuật giảng thuyết: ars praedicandi hoặc rhetorica ecclesiastica). Những tác phẩm bàn về phương pháp giảng thuyết: Rabanus Maurus (+ 856), De institutione clericorum; Guibert de Nogent (+1124), Liber quo ordine sermo fieri debeat; Alain de Lille (+1203), Summa de arte praedicatoria; Humbert de Romans O.P. (+1277), De eruditione praedicatorum.
3.7. Dụng cụ: Rất nhiều dụng cụ được cung cấp để phục vụ cho các nhà giảng thuyết: homiliarium, glossarium, florilegium, summa, các tuyển tập bài giảng, các tích tóp, truyện các thánh (nổi tiếng nhất là quyển Legenda aurea của Giacôbê Varazze O.P.).
4. Thời cận đại
Có thể chia làm hai giai đoạn: đối chất với Tin Lành (tk XVI-XVII); văn hóa giảng thuyết (tk XVIII).
(1) Giai đoạn một: đối chất
4.1. Bối cảnh: cuộc Cải Cách Tin Lành, đề cao việc giảng Lời Chúa, dưới hai phương diện: a) đề cao sứ vụ giảng (thường bị lơ là trong Giáo hội); b) giảng Kinh thánh (chứ không phải là tư tưởng thần học)[12].
4.2. Không gian: Thường là giảng ở các thánh đường, nhưng cũng có thể là tại phòng họp, lớp học, đường phố.
4.3. Tác viên: Giám mục, nhưng thường uỷ thác cho các linh mục, đặc biệt là các dòng tu mới thành lập (Dòng Tên, Capuxin, vv).
Để đáp lại các thách đố của nhóm Tin Lành, công đồng Trento đòi hỏi chuẩn bị những nhà giảng thuyết chuyên môn, cũng như đặt ra bổn phận cho các giám mục và cha xứ phải giảng cho giáo dân, ít là vào các ngày chủ nhật và lễ trọng[13].
4.4. Hình thức: Bài giảng sermo, với nhiều dạng thức tuỳ theo điều kiện không gian và thời gian: chúa nhật, các ngày lễ trọng, kính các thánh, các ngày thống hối, các dịp hành hương.
Trong khung cảnh canh tân Giáo hội, thiết tưởng nên nhắc đến hình thức Missio popularis (giảng tuần đại phúc) nhằm hâm nóng đời sống đạo nơi các giáo xứ ở thành thị hoặc ở thôn quê. Nhiều dòng tu được thành lập để chuyên lo việc này (dòng Vinh sơn Phaolô, dòng
4.5. Đề tài: nhắm đến việc cải cách Giáo hội và những điểm tranh cãi từ phía Tin Lành. Đặc biệt nhấn mạnh đến đề tài công trạng. Giải thích Kinh thánh theo nghĩa ám dụ và tiên trưng.
4.6. Phương pháp: Sử dụng nhiều kỹ thuật của tu từ học: những hình ảnh gây sốc, những lối chơi chữ, những thí dụ lấy từ lịch sử… nhắm đánh vào cảm xúc hơn là giáo huấn.
Những tác phẩm dạy cách giảng thuyết: Francisco de Borja S.J., Libellus de ratione praedicandi (1556), Carolus Borromeo, Instructiones pastorum ad concionandum (1567), Luis de Granada O.P., Ecclesiasticae rhetoricae libri sex (1576).
4.7. Dụng cụ: Nhờ sự phát minh của ngành ấn loát, nhiều sách vở được xuất bản để giúp đỡ việc dọn bài giảng (các thủ bản, hợp tuyển các bài giảng)
(2) Giai đoạn hai: văn hóa giảng thuyết
Một giai đoạn mới được bắt đầu vào cuộc thế kỷ XVII-XVIII: bớt tranh cãi hộ giáo, chú trọng đến việc huấn luyện đức tin và đời sống đạo đức; đồng thời quan tâm đến thuật hùng biện. Ba khuôn mặt điển hình ở Pháp: Jacques Bénigne Bossuet (1627-1744), Louis Bourdaloue S.J. (1632-1704), Jean Baptiste Massillon (1663-1742).
1. Thể loại: Nhấn mạnh đến sermo; ít quan tâm đến homilia.
2. Nơi chốn: Thường là thánh đường, tuy cũng có thể là trên đường phố.
3. Tác viên: Giám mục, nhưng thường uỷ thác cho các giáo sĩ chuyên môn, đặc biệt là các tu sĩ.
4. Phương pháp: Lối hành văn điêu luyện, chú trọng đến cảm nghiệm tâm linh. Quay về với lối tu từ cổ điển của Aristote và Cicerô. Tác phẩm điển hình cho việc đào tạo khoa “hùng biện thánh” (Eloquentia sacra) của Dominicus de Colonia mang tựa đề: Ars rethorica variis regulis illustrata juxta mentem Marci Tullii Ciceroms, Marci Fabii Quintiliani, aliorumque praestantium (1725).
Các chủ đề. Sau khi vượt qua thời kỳ tranh luận hộ giáo, đề tài các bài giảng là những vấn đề quan trọng của Kitô giáo, đặc biệt là các đề tài đạo đức và luân lý. Có thể lấy thí dụ điển hình nơi các vị giảng thuyết mùa chay tại Nhà Thờ Đức Bà Paris: Henri Dominique Lacordaire, Jacques Marie Louis Monsabré; Antonin Dalmace Sertillanges (tác giả cuốn L’orateur chrétien. Traité de prédication).
5. Công đồng Vaticanô II
5.1. Những bước chuẩn bị
a) Canh tân phương pháp giảng thuyết (thế kỷ XIX), đặc biệt ở Đức và Anh. Hình thức mới: các cuộc diễn thuyết về các đề tài tôn giáo và chính trị của thời đại, diễn ra nơi công cộng, bên ngoài khung cảnh phụng vụ. Ba khuôn mặt tiêu biểu: a) J. M. Sailer, bài giảng theo chiều hướng Kinh thánh và phụng vụ; b) W.E. von Ketteler, với những bài diễn thuyết hùng hồn về những vấn đề xã hội; c) J.H. Newmann đương đầu với phong trào thế tục hóa.
b) Trở về nguồn (thế kỷ XX). Vào những thập niên 30, phong trào phụng vụ trở về với lịch sử, và chú ý đến bài giảng lễ trong khung cảnh buổi cử hành phụng vụ, dựa trên Kinh thánh. Việc trở về nguồn, cách riêng trong Kinh thánh, đã giúp khám phá những hình thức giảng thuyết khác nhau, tựa như kerygma, catequesis, homilia.
Ngoài ra cũng nhờ việc trở về với Kinh thánh (cũng như trong bối cảnh đối thoại đại kết), người ta chú ý đến “thần học về Lời” (Karl Barth) về phía Tin lành, và “thần học loan báo” (theologia kerygmatica) của Josef Jungmann S.J. và Hugo Rahner S.J. về phía Công giáo. Dĩ nhiên, các “khuynh hướng” (hoặc phong trào) này thường nhấn mạnh đến một khía cạnh nào đó của bài giảng: khuynh hướng Kinh thánh muốn tập trung vào Lời Chúa (chú giải Kinh thánh), khuynh hướng phụng vụ chú ý việc tham dự tích cực và có ý thức vào việc cử hành .
5.2. Các văn kiện công đồng
Những cuộc nghiên cứu vừa nói đã gây ảnh hưởng đến việc soạn thảo các văn kiện công đồng[14], dưới nhiều khía cạnh, chẳng hạn như: thần học về Lời (hiến chế về mặc khải) Dei verbum), Lời Chúa trong phụng vụ (hiến chế về phụng vụ), nhiệm vụï rao giảng Lời Chúa của các giám mục và linh mục (hiến chế về Hội thánh), đó là chưa kể sắc lệnh về truyền giáo, tông đồ giáo dân,vv. Đặc biệt, việc giảng lễ (homilia) được nhấn mạnh trong nhiều văn kiện hậu công đồng. Ngoài ra, cũng không nên bỏ qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để loan báo Tin mừng.
II. THẦN HỌC
Giáo hội được sinh ra từ Lời Chúa và Giáo hội hiện hữu để phục vụ Lời Chúa. Ý thức này luôn tiềm tàng trong lịch sử Giáo hội ngay từ buổi đầu, nhưng có lẽ sang thế kỷ XX, mới thấy nảy sinh những suy tư hệ thống về Lời Chúa: tiên vàn là thần học về Lời Chúa, tác vụ Lời Chúa dưới những hình thức khác nhau; rồi mới bàn đến những “kỹ thuật” để truyền bá Lời Chúa.
1. Lời Chúa
Khuynh hướng “Thần học giảng thuyết” của thế kỷ XX đã nêu bật ý tưởng rằng nhân vật chính của việc giảng Lời Chúa không phải nhà giảng thuyết (lời của con người nói về Thiên Chúa), nhưng chính là lời của Thiên Chúa. Thiên Chúa nói qua nhà giảng thuyết. Trong Kinh thánh, “Lời Thiên Chúa” là lời sáng tạo, “hữu hiệu và sắc bén hơn gươm hai lưỡi” (x. Dt 4,12). Lời mạc khải ý định cứu độ của Thiên Chúa, và cũng là lời ban ơn cứu độ: ai tin và chấp nhận Lời Chúa sẽ được cứu rỗi. Vì đã có một bài trong số này bàn về Lời Chúa, nên chúng tôi không muốn dài dòng ở đây.
2. Tác vụ Lời Chúa
Thuật ngữ “Tác vụ Lời Chúa” (Ministerium Verbi) trở thành thông dụng nơi các văn kiện Giáo hội sau công đồng Vaticanô II[15] và bao hàm nhiều mối tương quan: tương quan giữa Lời Chúa với Hội thánh; tương quan giữa các tác vụ trong Hội thánh; tương quan giữa những công tác của Hội thánh.
2.1. Tương quan giữa Lời Chúa với Hội thánh
Mối tương quan giữa Lời Chúa và Hội thánh rất chặt chẽ: Hội Thánh được thiết lập nhằm rao giảng Tin mừng cứu độ. Việc rao giảng Lời Chúa là sứ mạng căn bản của Hội thánh. Nếu Hội thánh không thi hành sứ mạng này là đi ngược lại lý do hiện hữu của mình.
Khi sử dụng thuật ngữ “phục vụ Lời Chúa”, người ta muốn nêu bật vai trò “tôi tớ” của Hội thánh. Thật vậy, Hội thánh là kẻ phục vụ (minister) chứ không “làm chủ” Lời Chúa. Mặt khác, thuật ngữ cũng nói lên “vinh dự” của Hội thánh: bởi vì có thể nói rằng nhờ sự phục vụ của Hội thánh mà Lời Chúa đến với nhân loại: nếu không có lời giảng của Hội thánh thì người ta đâu được nghe Lời Chúa?
Hội thánh phục vụ Lời Chúa bằng lời giảng. Lời giảng mang tính “bí tích” bởi vì là dấu chỉ và dụng cụ chuyển thông Lời Chúa. Trong thế kỷ XX, đã có một cuộc tranh luận giữa các nhà thần học công giáo về công hiệu của lời giảng: phải chăng người giảng trở thành bí tích để chuyển thông ơn cứu độ? Hay là người giảng chỉ chuẩn bị tâm hồn để con người đến gặp gỡ Thiên Chúa nơi bí tích? Hiệu năng của Lời Chúa có lệ thuộc vào tài năng đức độ của người giảng không?[16]
2.2. Tương quan giữa tác vụ Lời Chúa với tác vụ bí tích
Khi trình bày các nhiệm vụ của các giám mục và linh mục, dựa theo mô hình tham dự vào ba chức vụ của Đức Kitô (ngôn sứ, tư tế, vua), công đồng Vaticanô II đã đặt tác vụ về Lời lên hàng đầu[17]. Như ta đã biết, kể từ thế kỷ XVI, với phong trào Cải cách Tin Lành, ra như để phản ứng lại việc đề cao chức vụ giảng Lời Chúa của các tác viên (mục sư), thần học công giáo đề cao chức vụ tư tế thừa tác (cử hành bí tích). Một cách tương tự như vậy, để đối lại phía Tin Lành nhấn mạnh đến việc giảng Lời Chúa nhằm khơi dậy đức tin cứu độ, phía Công giáo nhấn mạnh đến hiệu quả cứu độ của các bí tích (ex opere operato). Công đồng Vaticanô II tìm lại sự thăng bằng giữa “lương thực của Lời Chúa và Mình Chúa”: Lời nhằm khơi dậy đức tin ngõ hầu việc tham dự phụng vụ đạt được hiệu quả dồi dào hơn. Hai tác vụ rao giảng và bí tích liên hệ mật thiết với nhau.
2.3. Tương quan giữa các hàng ngũ tín hữu trong nhiệm vụ rao giảng
Hội thánh có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa. Nhưng phải chăng nhiệm vụ này chỉ được uý thác cho các giám mục và linh mục? Nhờ bí tích rửa tội, tất cả các tín hữu đã chẳng tham gia vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô đấy ư? Giáo hội đã chẳng hô hào tất cả mọi Kitô hữu hãy tham gia vào việc loan báo Tin mừng đấy ư?
Đến đây chúng ta gặp phải một vấn nạn khá gai góc: phải chăng có sự phân biệt giữa chức ngôn sứ “phổ quát” và chức ngôn sứ “thừa tác”, cũng tương tự như sự phân biệt giữa chức tư tế phổ quát và chức tư tế thừa tác?
Lịch sử cho thấy rằng ngay từ những thế kỷ đầu tiên, ơn gọi “ngôn sứ” được Chúa Thánh Thần ban cho những người không phải là giám mục (và linh mục). Mặt khác, các gíam mục thường lơ là với việc giảng thuyết, đang khi những giáo dân nhiệt thành với việc giảng thuyết thì thường thiếu chuẩn bị về đạo lý, từ đó gây ra những lạc giáo! Không lạ gì mà xưa nay, giáo luật đã phải ra những quy tắc về “thẩm quyền giảng dạy”, tuy rằng không thể nào đáp ứng được mọi tình huống được. Chúng ta chỉ cần lấy vài thí dụ ở bộ giáo luật hiện hành thì đủ rõ. Ở những điều khoản mở đầu cho “tác vụ lời Chúa”, điều 759 tuyên bố rằng “các giáo dân … là những chứng nhân của việc loan báo Tin mừng”, và các giáo dân có thể giảng trong nhà thờ khi cần thiết (đ.766). Tuy nhiên, bài giảng lễ (homilia) được dành riêng cho người có chức thánh (đ.767§1). Đồng thời, bộ giáo luật cũng không thiếu những điều khoản về “bổn phận” của các mục tử phải giảng Lời Chúa, cách riêng vào dịp các chúa nhật và lễ trọng (đ.767 §2-3). Dù sao, những điều khoản vừa rồi chỉ liên quan đến việc giảng thuyết trong nhà thờ, chứ không đụng tới việc “phục vụ Lời Chúa” trong công tác huấn giáo, giảng dạy ở trường học.
2.4. Linh đạo của người giảng thuyết
Dù người giảng thuyết giữ vị trí nào trong Dân Chúa đi nữa (giáo sĩ hay giáo dân), người được gọi phục vụ Lời Chúa có những nghĩa vụ cơ bản do chính bản chất của nó.
a) Người giảng thuyết phải trung thành với Lời Chúa. Điều này không chỉ hàm ngụ rằng mình không được phép nói điều gì trái ngược với Lời Chúa, nhưng còn đòi hỏi mình phải học hỏi Lời Chúa ngõ hầu biết cách giải thích đúng đắn. Người giảng thuyết phải là một người “lắng nghe” Lời Chúa. Mặt khác, Lời Chúa không chỉ là chữ chết nhưng được đồng hóa với Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Việc trung thành với Lời Chúa cũng có nghĩa là trung thành với Đức Kitô, trở nên một với Người, để cho Người nói qua người giảng thuyết.
b) Người giảng thuyết phải trung thành với Hội thánh. Người giảng thuyết thi hành một tác vụ của Hội thánh và ở trong Hội thánh. Điều này hàm ngụ sự hiệp thông với các mục tử cũng như hiệp thông với Truyền thống của toàn thể Hội thánh.
c) Người giảng thuyết phải trung thành với con người. Trong quá khứ, có lẽ người ta nhấn mạnh nhiều đến sự trung thành với Lời Chúa, với đạo lý, nhưng lại ít nói đến sự trung thành với con người. Sự trung thành với con người hàm ngụ nhiều khía cạnh. Thứ nhất là trung thành với sứ mạng: người giảng thuyết được sai đi mang ơn cứu độ cho loài người, vì thế phải trung thành với sứ mạng ấy, không được thoái thác (trong phần lịch sử, chúng ta đã thấy nhiều công đồng nhấn mạnh đến nghĩa vụ của các giám mục phải rao giảng). Thứ hai là trung thành với những đòi hỏi của người nghe: người giảng thuyết cần phải tìm hiểu những nhu cầu, những thao thức của người nghe, để tìm cách chuyển thông sứ điệp mang lại niềm hy vọng cho họ. Nói cách khác, người giảng thuyết cần hiểu biết “ngôn ngữ” của người nghe, cũng như cần hiểu biết “ngôn ngữ” của Lời Chúa.
d) Người giảng thuyết phải trung thành với chính mình. Người giảng thuyết lắng nghe Lời Chúa và cố gắng đem ra thực hành trong chính cuộc đời của mình, đừng để xảy ra sự so le giữa lời nói và việc làm (x. Mt 23,2). Điều này hàm ngụ rằng mình không chỉ là cái “loa phát thanh” lời Chúa mà còn được đồng hoá với chính lời ấy: nói lên điều mình đã cảm nghiệm, từ lòng tràn đầy (ex abundantia cordis os loquitur, x. Mt 12,34).
3. Những hình thức giảng thuyết
Giáo hội thi hành “tác vụ lời” (ministerium verbi) bằng lời giảng, nhưng Giáo hội làm chứng cho Tin mừng không chỉ bằng lời giảng mà còn tất cả sự hiện hữu của mình, đặc biệt là nhờ chứng tá đời sống.
Như vậy, tác vụ lời (hoặc chứng tá bằng lời) chỉ là một khía cạnh của việc chứng tá. Ngoài ra việc chứng tá bằng lời cũng được thực hiện qua nhiều hình thức: có thứ lời nói trong câu chuyện xã giao, có thứ lời nói trong tuyên ngôn chính thức. Bộ giáo luật hiểu việc “giảng thuyết” dưới dạng “chính thức”, – nói nhân danh Giáo hội – khi đòi hỏi sự uỷ nhiệm giáo luật (mandatum, missio canonica).
Dưới khía cạnh hiện tượng, sự giảng thuyết có thể mang nhiều hình dạng khác nhau, theo như bộ giáo luật đã gợi lên ở điều 761:
Cần phải dùng những phương thế sẵn có mà phổ biến đạo lý Kitô giáo, nhất là luôn luôn dành ưu tiên cho sự rao giảng (praedicatio), huấn giáo (catechetica institutio); kế đó là các buổi trình bày giáo lý (propositio doctrinae) trong các trường học, đại học, các buổi thuyết trình và hội họp dưới mọi hình thức. Cũng phải phổ biến đạo lý bằng những tuyên ngôn công khai do quyền bính hợp pháp thực hiện mỗi khi có một biến cố xẩy đến, bằng sách báo và bằng các phương tiện truyền thông xã hội khác.
Dưới khía cạnh thần học, dựa theo truyền thống của Hội thánh nguyên thuỷ, người ta phân biệt ba hình thức chính của việc giảng thuyết: kerygma, catechesis, homilia. Nền tảng của sự phân biệt này dựa trên điều kiện của thính giả: kerygma dành cho người chưa biết đạo; catechesis dành cho người muốn học biết đạo; homilia dành cho người đã theo đạo và cần được tăng trưởng đức tin. Nhưng đó mới chỉ là khái niệm đơn giản, thực tế phức tạp hơn. Vì khuôn khổ của bài báo, chúng tôi chỉ đưa ra vài gợi ý về bản chất thần học của mỗi dạng thức.
3.1. Kerygma
Như đã thấy trong phần lịch sử, các học giả đặt tên kerygma cho bài giảng của các thánh tông đồ dành cho người chưa tin nhận Đức Kitô, để mời gọi họ đón nhận Tin mừng cứu độ.
Trong lịch sử giáo hội, việc loan báo Tin mừng cho người ngoại đạo được đặt tên là “missio ad gentes” hoặc “evangelisatio”. Tuy nhiên, ngày nay danh từ missio đôi khi bao trùm toàn thể sứ vụ của Hội thánh, chứ không chỉ giới hạn vào những người ngoại đạo; một cách tương tự như vậy, evangelisatio bao hàm toàn thể sứ mạng của Giáo hội, chứ không chỉ dành cho những người chưa biết Tin mừng. Ngoài ra, cả hai từ missio và evangelisatio không chỉ dành cho việc “loan báo” (bằng lời) mà còn bao hàm toàn thể sinh hoạt của Hội Thánh. Vấn đề trở thành phức tạp hơn với các thuật ngữ re-evangelisatio và nova evangelisatio[18].
Nên biết là ngày nay, đôi khi kerygma cũng được dành cho các Kitô hữu, như chúng ta đọc thấy trong tông huấn Evangelii gaudium của đức thánh cha Phanxicô số 164.
3.2. Catechesis
Chúng tôi đã có dịp trình bày những ý nghĩa khác nhau của các từ catechesis / catechismus / catechetica trên một số báo Thời sự thần học[19].
Trong các văn kiện gần đây trình bày về việc huấn giáo, ta phải kể tới tông huấn Catechesi Tradendae (=CT) của đức Gioan Phaolo II, ban hành ngày 16/10/1979, đúc kết những thành quả của Thượng hội đồng Giám mục thế giới họp năm 1977 về đề tài nói trên. Ở số 18-20, ĐTC đã mô tả một vài đặc trưng của việc huấn giáo, khác với những hình thức giảng thuyết khác.
a) Nó được dành cho người đã chấp nhận đức tin Kitô giáo. Như vậy, nó giả thiết việc công bố Tin mừng trước đó cho lương dân để kêu gọi họ cải hoán và tin nhận Tin mừng (CT 19).
b) Nó chú trọng vào việc trình bày đạo lý Kitô giáo một cách có hệ thống mạch lạc. Nói khác đi, nó nhắm vào trí tuệ hơn là tâm tình cảm xúc của người nghe; mục tiêu là huấn luyện về sự hiểu biết đạo lý. Vì vậy, cần phải theo một thứ tự hệ thống mạch lạc, cũng như tôn trọng tính cách toàn bộ của đạo lý (CT 21;30).
c) Tuy nhiên, mục tiêu của việc huấn giáo không phải chỉ là nhồi một mớ kiến thức vào đầu óc. Nhờ sự học biết đạo lý, việc huấn giáo nhằm giúp cho đức tin được “sống động, minh bạch và linh hoạt” (fides … viva fiat, explicita atque operosa, lấy từ Sắc lệnh về Giám mục số 14). Vì thế sự huấn giáo không thể tách rời khỏi việc tham dự tích cực vào đời sống Kitô giáo, qua việc cử hành bí tích, cầu nguyện và chứng tá. Thực vậy, nói cho cùng, đối tượng của đức tin không phải là một chân lý trừu tượng nhưng là “mầu nhiệm của đức Kitô” (CT 5). Nhờ sự huấn giáo, người tín hữu muốn tìm hiểu học biết về đức Kitô hơn, để rồi uốn nắn tư tưởng, tâm tình, phán đoán, hành động giống như Ngài, ngõ hầu càng ngày càng trở nên người môn đệ chân chính hơn (CT 20; 22).
Đó là bản chất của việc huấn giáo xét cách tổng quát. Trên thực tế, việc huấn giáo có thể mang nhiều hình thức khác nhau, trong đó một vài khía cạnh được nêu bật hơn tùy theo tình trạng của người thụ huấn.
– Có thứ huấn giáo dành cho người dự tòng (nhằm trình bày những chân lý căn bản của Kitô giáo); và có thứ huấn giáo dành cho những tín hữu muốn đào sâu thêm đức tin. Dưới nhãn giới này, ta có thể nói thần học cũng là một thứ huấn giáo ở cấp cao.
– Có thứ huấn giáo nhằm chuẩn bị lĩnh nhận một bí tích (rước lễ lần đầu, thêm sức, hôn phối) và do đó chú trọng vào việc giải thích bí tích đó (CT 20); có thứ huấn giáo nhằm trình bày toàn thể mầu nhiệm Kitô giáo, gồm các chân lý đức tin lẫn các bí tích và các nhân đức.
– Có thứ huấn giáo dành cho các thiếu nhi, thanh niên, tráng niên; hoặc dành cho người bình dân và giới trí thức. Dù sao, tất cả các tín hữu cần theo đuổi việc học đạo suốt đời, để tăng trưởng thêm trong đức tin.
– Có thứ huấn giáo trong gia đình, tư gia; có thứ huấn giáo nơi trường học, hoặc trong nhà thờ thậm chí nhân buổi cử hành phụng vụ. Vì thế bài giảng lễ (homilia) có thể trở thành cơ hội tốt để huấn giáo: điều này đòi hỏi phải thảo ra một kế hoạch, sao cho bài giảng từ chủ nhật này sang chủ nhật khác có tính cách liên tục về đề tài, ngõ hầu trình bày toàn bộ mầu nhiệm của đức Kitô trong vòng một mùa, một năm hay một chu kỳ bài đọc (CT 48).
3.3. Homilia
Hiện nay bài giảng trong Thánh lễ là hình thức giảng thuyết quen thuộc nhất. Như đã thấy, lịch sử của việc giảng thuyết trong Giáo hội có nhiều phen thăng trầm. Có thời các linh mục chỉ được đào tạo để biết cách cử hành các bí tích chứ không đủ khả năng giảng dạy đạo lý; có thời bài giảng được tách ra khỏi Thánh lễ: hoặc là giảng ngoài Thánh lễ, hoặc tuy giảng trong Thánh lễ nhưng không liên quan đến đề tài của phụng vụ. Công đồng Vaticanô II muốn cho bài giảng làm một thành phần của Thánh lễ.
Từ sau công đồng, bài giảng Thánh lễ đã được đề cập trong nhiều văn kiện của Tòa Thánh, đặc biệt là: Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 65-66; Dẫn nhập vào Sách Các bài đọc Thánh lễ (Ordo Lectionum Missae); hai tông huấn hậu thượng hội đồng của đức Bênêđictô XVI, Sacramentum caritatis, số 46, và Verbum Domini số 59-60; tông huấn Evangelii gaudium của đức thánh cha Phanxicô (số 135-159); Kim chỉ nam về việc giảng lễ của Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích (ngày 29 tháng 6 năm 2014). Chúng tôi chỉ tóm lược vài điểm chính yếu.
a) Bản chất
– Xét về từ ngữ, trong tiếng Việt, chúng ta chỉ có một từ “giảng”; trong tiếng Latinh có nhiều danh từ để diễn tả bài diễn thuyết: praedicatio, sermo, oratio; bài giảng trong Thánh lễ được gọi là homilia. Trong nguyên ngữ Hy-lạp, homilia chỉ có nghĩa là đàm thoại (hàn huyên tâm sự, chuyện trò thân mật), thí dụ như Lc 24,14-15 thuật lại rằng hai người môn đệ trên đường về Emmaus đang nói “homilia” (homilun) với nhau về những chuyện mới xảy ra ở Giêrusalem thì Chúa Kitô tiến đến và cùng đi với họ; còn ông Evagriô định nghĩa sự cầu nguyện là một homilia với Chúa. Homilia nói lên giọng điệu thân mật của bài giảng.
– Xét về mục tiêu, homilia khác với kerygma ở chỗ dành cho những người đã tin vào Chúa, và khác với catechesis ở môi trường, đó là các tín hữu đang cử hành phụng vụ. Homilia nhằm giúp họ tham dự buổi cử hành cách ý thức và sốt sắng. Quy chế Sách Lễ Rôma (số 65) trình bày bản chất của nó như sau:
Bài homilia là thành phần của phụng vụ và rất được khuyến khích vì cần thiết để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu. Bài này phải diễn giải hoặc một khía cạnh nào của các bài đọc Thánh Kinh, hoặc một bản văn khác thuộc phần Thường lễ hay phần Riêng của Thánh lễ ngày đó, đồng thời lưu ý tới mầu nhiệm được kính nhớ, hay nhu cầu riêng biệt của thính giả.
b) Chất liệu của bài homilia
Chính vì đối tượng của homilia nhắm đến việc giúp các tín hữu chuẩn bị tham gia việc Thánh lễ một cách ý thức và sốt sắng, cho nên chất liệu của nó lấy từ các bản văn phụng vụ, và cụ thể hơn nữa là các bài đọc Sách thánh.
Đó cũng là lý do mà bài giảng được coi như là thành phần của phụng vụ Lời Chúa, và được đặt sau các bài đọc Sách thánh. Vai trò của bài giảng là chú giải Lời Chúa nhằm giúp các tín hữu nắm bắt sứ điệp của các bài đọc trong bối cảnh cụ thể hôm nay. Như vậy, có ba tiêu điểm cần quy chiếu trong bài homilia: Lời Chúa, các thính giả, cử hành Thánh lễ[20].
(i) Lời Chúa. Mặc dù bài homilia có thể dựa trên bất cứ đoạn văn nào của phụng vụ (các lời nguyện, các bài ca), nhưng thường là lấy từ bài đọc Sách Thánh. Vị giảng thuyết không bày tỏ ý tưởng riêng tư của mình, nhưng chuyền đạt cho các thính giả Lời Chúa, giúp cho họ cơ hội giống như các môn đệ Emmaus, được cảm nghiệm Chúa Giêsu đang nói với họ “hôm nay” “ở đây”. Điều này đòi hỏi vị giảng thuyết phải nắm bắt sứ điệp của Lời Chúa, qua việc nghiền ngẫm cũng như tham chiếu những chú giải của các giáo phụ, Huấn quyền. Cũng cần thêm hai điều kiện nữa: vị giảng thuyết phải sẵn sàng gắn bó với Lời mà mình sắp giảng; cộng đoàn cũng sẵn sàng cởi mở với những đòi hỏi của Lời Chúa cho dù cam go.
(ii) Đời sống của cộng đoàn. Theo gương của Chúa Giêsu ở hội đường Nazaret, bài giảng phải áp dụng Lời Chúa vào “hôm nay” và “ở đây”. Vị giảng thuyết mang trọng trách của một ngôn sứ, biết tìm cách thức để đưa Lời Chúa vào đời sống của những người đang nghe.
(iii) Mầu nhiệm. Bài homilia diễn ra trong cuộc cử hành phụng vụ, vì thế cần làm thế nào để giúp các tín hữu tin vào Lời Chúa và đưa đến việc lãnh nhận bí tích là nơi mà ơn cứu độ được thể hiện. Đây là sự khác biệt giữa một bài chú giải Thánh kinh ở trong lớp thần học và một bài giảng trong Thánh lễ.
hoặc chia sẻ vào vài cơ hội đặc biệt.
c) Vài quy tắc mục vụ
Có rất nhiều quy tắc trong lãnh vực này, mà chúng tôi chỉ bàn qua vài điểm.
– Trước tiên là vấn đề ngôn ngữ: làm cách nào để chuyển đạt sứ điệp Lời Chúa bằng những ngôn ngữ mà người nghe hiểu được (chứ không ngáp lên ngáp xuống). Có người thích kể chuyện (giống như các dụ ngôn trong Tin mừng). Có người sử dụng lối văn đối thoại. Tuy nhiên, không được phép quên đi tính cách thánh thiêng của nó: giọng văn của nó khác với các bài diễn thuyết chính trị, các bài quảng cáo món hàng, các bài trình diễn văn nghệ.
– Kế đến là nội dung. Tuy rằng bài giảng lễ nhằm đến việc khơi dậy đức tin để cử hành Thánh lễ hôm nay, nhưng xét về lâu về dài, cũng cần phải nghĩ đến việc đào tạo giáo lý cho các tín hữu, để họ sống đức tin trong cuộc đời. Tông huấn Sacramentum caritatis (số 46) cũng như Verbum Domini (số 60)đề nghị một chương trình quy mô cho các bài giảng, làm sao để cung cấp cho các tín hữu một nền tảng đạo lý có hệ thống, hoặc dựa theo Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, hoặc dựa theo chu kỳ các bài đọc trong vòng ba năm. Nói cách khác, tuy rằng homilia khác với catechesis, nhưng homilia cũng bao hàm yếu tố catechesis. Dựa theo truyền thống các giáo phụ, catechesis lồng trong khung cảnh cử hành bí tích được gọi là mystagogica, dẫn đưa vào việc cảm nghiệm mầu nhiệm (Xc Sacramentum caritatis số 64-65).
KẾT LUẬN
Thử phác thảo một giáo trình về khoa giảng thuyết
Ngay từ thời các giáo phụ, đã có nhiều tác giả soạn sách bàn vềà “thuật giảng thuyết” dành cho những ai đảm nhận tác vụ này. Tuy vậy, chỉ vào những thế kỷ gần đây, khi một ngành học chuyên khoa được mở tại các phân khoa thần học, tên gọi Homiletica mới được đặt ra (mặc dù không chỉ giới hạn vào việc giảng homilia theo nghĩa chuyên môn ngày nay[21]. Trước đó, môn này mang những danh xưng khác nhau: Ars praedicandi, Ars concionandi, Rethorica ecclesiastica, Eloquentia sacra.
Nhờ bài học lịch sử, ta biết rằng việc giảng thuyết Kitô giáo mang theo một vài yêu sách căn bản:
– Trước hết, những đòi hỏi của khoa hùng biện, nghệ thuật nói trước công chúng.
– Tuy nhiên, bài giảng khác với một bài diễn thuyết văn chương hoặc chính trị, bởi vì đây là một bài giảng mang tính tôn giáo.
– Hơn thế nữa, đối với Kitô giáo, người giảng chỉ là một “dụng cụ” của Lời Chúa: người giảng không giảng chính mình nhưng giảng Lời Chúa. Điều này đòi hỏi người giảng không những cần phải học hỏi Lời Chúa để đừng giải thích sai lạc, nhưng còn phải tỏ ra xứng đáng là kẻ “phát ngôn” của Thiên Chúa, nghĩa là phải sống đời chứng tá.
– Trong quá khứ, khoa hùng biện cũng như thần học thường tập trung vào người giảng (biết kỹ thuật giảng, và nắm chắc nội dung phải giảng); ngày nay, khoa truyền thông lưu ý đến việc hiểu biết người nghe nữa, làm thế nào để đáp ứng với những đòi hỏi của người nghe.
Theo cha Francisco Javier Calvo Guinda[22], môn học homiletica gồm ba phần chính: nguyên tắc, nội dung, kỹ thuật.
A. Phần nguyên tắc: nền tảng thần học của việc giảng thuyết.
– Bản chất thần học của việc giảng thuyết: tương quan với Lời Chúa và ơn cứu độ.
– Việc giảng thuyết trong Hội thánh: tương quan giữa giảng thuyết và bí tích.
– Những nguyên tắc về việc giải thích Kinh thánh
– Linh đạo của nhà giảng thuyết.
B. Phần nội dung
– Trọng tâm của việc giảng thuyết: sứ điệp cứu độ của Đức Kitô.
– Những nguồn mạch của việc giảng thuyết: Kinh thánh, phụng vụ, các giáo phụ, lịch sử và cuộc đời các thánh.
– Những chủ đề chính của việc giảng thuyết: mầu nhiệm Thiên Chúa, vương quốc Thiên Chúa, con người.
– Những hình thức giảng thuyết: loan báo Tin mừng, huấn giáo, hộ giáo, luân lý, huyền nhiệm.
C. Phần kỹ thuật
1/ Những khái niệm về tu từ, hùng biện. Cách soạn bài giảng.
2/ Những khía cạnh chuyên môn của việc truyền thông
– Ai? Người giảng biểu lộ chính mình qua bài giảng
– Cho ai? Cộng đoàn những người nghe. Bài giảng là phương tiện truyền thông.
– Thế nào? Bằng một ngôn ngữ mà người nghe hiểu được.
– Giảng để làm gì? (Mục tiêu).
Nguồn: catechesis.net (31.07.2023)
Tin tức liên quan khác
Đức Hồng Y You: Đức Thánh Cha tại Châu Á, sự hòa mình vào các Giáo hội “bên ngoài trung tâm”
ĐTC ca ngợi sự dấn thân của phụ nữ Amazon
Chúa nhật 21 Thường niên năm B – Bỏ Thầy con biết theo ai? (Ga 6,61-70)
Caritas Việt Nam: Hội Nghị Thường Niên 2024 – Ngày I
ĐTC đối thoại với các Giám mục Ý về những thách đố ngày nay của Giáo hội và thế giới
Tuyên ngôn “Fiducia Supplicans” của Đức Thánh Cha Phanxicô là một bước tiến lớn đối với người Công Giáo LGBTQ
Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm A (Ga 3,16-18)
Điểm lại các sự kiện trong tháng 7 năm 2023