SÁU KHOẢNH KHẮC NỔI BẬT
TRONG CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA TẠI MÔNG CỔ
WHĐ (07.09.2023) – Lúc 12 giờ trưa ngày mồng 04.09, khi chiếc máy bay chở Đức Thánh Cha và đoàn tháp tùng cất cánh tại sân bay Chinggis Khaan, thủ đô Ulaanbaatar để trở về Roma, đã khép lại chuyến tông du 4 ngày của Đức giáo hoàng Phanxicô tại Mông Cổ từ ngày mồng 01- 04.09.2023.
Chắc chắn, chuyến viếng thăm Đức Thánh Cha dành cho một quốc gia Trung Á, tuy rộng lớn nhưng lại có con số tín hữu Công giáo rất nhỏ bé, chỉ vỏn vẹn khoảng 1.500 người, đã để lại nhiều cảm xúc, âm hưởng, và dấu ấn mang tính tôn giáo, địa chính trị, và lịch sử không chỉ sâu sắc mà còn rất riêng.
Dưới đây là sáu khoảnh khắc nổi bật trong Chuyến tông du của Đức Thánh Cha:
1. Vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Mông Cổ
Sau hành trình kéo dài hơn chín tiếng đồng hồ, chuyến bay chở vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Mông Cổ đã hạ cánh xuống thủ đô Ulaanbaatar vào sáng ngày mồng 01.09, với sự chào đón phấn khởi, ấm cúng không chỉ của tín hữu Công giáo mà còn của cả các cấp chính quyền, và các chức sắc của các tôn giáo khác.
Sau nghi thức chào đón tại sân bay, mặc dù Đức Thánh Cha cần được nghỉ ngơi cho đến hết ngày, thì việc chính phủ tổ chức chào đón ngài vẫn được tiến hành qua lễ hội văn hoá vào chiều cùng ngày.
Được diễn ra tại một trung tâm văn hóa cách thủ đô Ulaanbaatar khoảng 40 cây số về phía đông, bên bờ một con sông uốn khúc, trong một thung lũng xanh yên tĩnh, nơi có một vài con bò và lạc đà lông xù đang gặm cỏ một cách yên ả. Trong nhiều giờ đồng hồ, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, và các đoàn khách mời đã thưởng thức một loạt các màn trình diễn ngoạn mục về âm nhạc, vũ đạo, đấu vật, bắn cung, và đua ngựa mang tính truyền thống của người Mông Cổ.
Đây không chỉ đơn thuần là một sự kiện giải trí với sự kết hợp khéo léo giữa khiêu vũ, thể thao và âm nhạc mà còn là “Besreg Naadam”, một lễ hội quốc gia của Mông Cổ, nhằm kỷ niệm ngày độc lập của đất nước, thường được tổ chức vào ngày 11 và 12 tháng 7 hằng năm. Vì vậy, mặc dù Đức Giáo hoàng không tham dự nhưng chính phủ Mông Cổ vẫn quyết định tổ chức thêm ngày lễ hội này chỉ để đánh dấu chuyến viếng thăm lịch sử của ngài.
2. Tòa thánh Vatican và Mông Cổ: Mối tương quan Lịch sử lâu dài
Vào ngày thứ hai của chuyến tông du, Đức Thánh Cha đã có buổi gặp gỡ chính thức các vị lãnh đạo nhà nước, chính trị gia, chính quyền địa phương và ngoại giao đoàn của Mông Cổ.
(Hình: REMO CASILLI / POOL / AFP)
Khi gặp tổng thống Ukhnaagiin Khürelsükh, Đức Thánh Cha đã tặng ông bản sao của một bản viết tay cổ được lưu giữ tại Thư viện Vatican.
Có niên đại từ năm 1246, bức thư này cho thấy một số căng thẳng vào thời điểm đó giữa Đức giáo hoàng Innocent IV và người cai trị Mông Cổ, Khan Güyük, cháu trai của Thành Cát Tư Hãn. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn ghi nhớ sự kiện này như cuộc tiếp xúc lịch sử đầu tiên giữa Mông Cổ và Tòa thánh, đồng thời, ngài hy vọng đây có thể là “dấu chỉ của một tình hữu nghị lâu đời đang phát triển và được đổi mới”.
Sau đó, trong bài diễn văn trước chính quyền, Đức Thánh Cha đề cao Mông Cổ đã và đang thúc đẩy hòa bình và tự do tôn giáo trong suốt lịch sử ra sao.
Ngài giải thích.
Sự nhạy cảm tinh thần sâu sắc thuộc về bản sắc văn hóa của quý vị, và thật đúng đắn khi Mông Cổ phải là một biểu tượng của tự do tôn giáo. Khi chiêm ngưỡng những chân trời vô tận và dân cư thưa thớt, dân tộc của quý vị đã phát triển một cảm quan tinh thần tinh tế, phát sinh từ việc nuôi dưỡng sự thinh lặng và nội tâm.
Đồng thời, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh làm sao để người Công giáo cũng có thể đóng góp cho tương lai của đất nước:
Vì lý do này, tôi hài lòng khi cộng đồng này, dù nhỏ bé và âm thầm, đang chia sẻ một cách nhiệt tình và dấn thân vào tiến trình phát triển của đất nước bằng cách truyền bá văn hóa liên đới, tôn trọng phổ quát và đối thoại liên tôn, cũng như bằng cách hoạt động vì công lý, hòa bình và hòa hợp xã hội.
Tôi chắc chắn rằng người Công giáo Mông Cổ sẽ tiếp tục sẵn sàng cống hiến sự đóng góp của họ cho việc xây dựng một xã hội thịnh vượng và an ninh, trong đối thoại và hợp tác với tất cả những người khác đang sinh sống trên mảnh đất vĩ đại dưới bầu trời này.
3. Đức Mẹ Thiên quốc: Từ bãi rác đến Nhà thờ Chính toà
Sau khi gặp gỡ các vị đại diện chính trị, Đức Thánh Cha đã đến Nhà thờ chính toà hai Thánh Phêrô và Phaolô để gặp gỡ cộng đoàn Công giáo nhỏ bé của đất nước, chỉ gồm 8 giáo xứ, và có vị Hồng Y trẻ nhất Giáo hội.
(Hình: Alberto PIZZOLI / AFP)
Trước khi sự kiện bắt đầu, ngài đã vào trong ger để gặp bà Tsetsege, người phụ nữ đã nhặt được bức tượng Đức Mẹ bằng gỗ trong một thùng rác cách đây hơn một thập niên.
(Hình: Handout/ VATICAN MEDIA/ AFP)
Nhận ra sự hiện diện của Đức Mẹ, Đấng đã hiện diện tại đất nước Mông Cổ một cách hết sức độc đáo, trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha cho thấy rằng ngài “rất vui mừng khi khám phá ra” rằng Đức Maria:
mong muốn mang đến cho anh chị em một dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện kín đáo và ân cần của Mẹ, bằng cách để ảnh tượng của mình được tìm thấy ở một bãi rác. Trong đống rác, bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội xinh đẹp xuất hiện. Mẹ không tì vết, không tội lỗi muốn đến gần chúng ta đến mức đi xuống tận cặn bã của xã hội, để từ đống rác rưởi bẩn thỉu mà sự thanh khiết của Mẹ Thiên Chúa thánh thiện có thể tỏa sáng.
(Hình: Handout/ VATICAN MEDIA/ AFP)
Được Đức Thánh Cha đề nghị gọi là Mẹ Thiên Quốc, bức tượng được đặt tại một vị trí đặc biệt trong Nhà thờ Chính tòa, và vào ngày mồng 08.12.2022, Đức Hồng y Marengo, đã thánh hiến Mông Cổ cho Đức Mẹ Vô nhiễm.
Khi ngỏ lời với các giáo sĩ, các nhà thừa sai, và các nhân viên mục vụ đang hiện diện trong ngôi nhà thờ chính toà được xây dựng vào năm 1996, Đức Thánh Cha cũng nhớ đến tất cả những người đã góp phần vào việc loan báo Tin Mừng ở Mông Cổ trong 30 năm qua, khi Công giáo tái hiện diện ở nước này.
Và chúng ta hãy nhớ đến nhiều tôi tớ trung thành của Tin Mừng ở Mông Cổ hiện đang ở đây với chúng ta và là những người, sau khi cống hiến cả cuộc đời cho Chúa Kitô, đã thấy và nếm trải những điều kỳ diệu mà lòng nhân lành của Chúa tiếp tục hành động nơi anh chị em và qua anh chị em.
Thiên Chúa, Đấng đã chọn và tin tưởng anh chị em; tôi ở với anh chị em và với tất cả tâm hồn tôi nói với anh chị em: cám ơn vì chứng tá của anh chị em, cám ơn vì cuộc đời anh chị em đã dành cho Tin Mừng.
4. Cuộc gặp gỡ Liên tôn độc đáo
Vào ngày thứ ba, tại HUN Theatre, Đức Thánh Cha đã cuộc gặp gỡ với 11 vị lãnh đạo tôn giáo, đại diện cho nhiều tín ngưỡng khác nhau ở Mông Cổ. Đặc biệt, ngài đã nghe Kamba Nomun Khan, trụ trì tu viện Phật giáo Gandan ở Ulaanbaatar, nêu lên những cuộc đàn áp mà các tín đồ Phật giáo của ông đã phải chịu đựng trong quá khứ và vẫn còn cho đến ngày nay.
(Hình: ALBERTO PIZZOLI | AFP)
Sau đó, Đức Thánh Cha đã lắng nghe các vị đại diện của các cộng đồng Shaman, Chính thống giáo, Do Thái, Baha’i, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Tin Lành, Cơ đốc phục lâm và Chứng nhân Giê-hô-va.
Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha chia sẻ:
Bầu trời nơi đây trong suốt và xanh thẳm, ôm lấy mặt đất mênh mông và hùng vĩ, gợi lên hai chiều kích cơ bản của cuộc sống con người: chiều kích trần thế được tạo nên bởi những mối tương quan với người khác, và chiều kích thần thiêng được tạo nên bởi việc tìm kiếm một Đấng Siêu Việt.
Giá trị xã hội của tôn giáo chúng ta được đo lường trong mức độ chúng ta có thể hoà hợp với những anh chị em lữ hành khác trên mặt đất này, trong mức độ chúng ta có thể tạo ra và lan truyền sự hoà hợp đó ở những nơi chúng ta sống.
5. “Ciao, Ni Hao, Viva Il Papa– Chào mừng Đức Thánh Cha
Vào chiều ngày thứ ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ Chúa nhật cho các tín hữu Mông Cổ và hàng trăm khách hành hương từ các nước láng giềng. Trong đó, bất chấp lệnh cấm từ chính phủ của mình, một số tín hữu Công giáo Trung Quốc cũng đã đến để gặp được Đức Thánh Cha.
Trong bài giảng thánh lễ trước cộng đoàn Phụng vụ khoảng 2.500 tín hữu, Đức Thánh Cha nhìn nhận:
rất nhiều lần trong đời chúng ta trải qua sa mạc, cô đơn, mệt mỏi, cằn cỗi, … đức tin Kitô giáo đáp lại cơn khát này […] Bởi vì mầu nhiệm cao cả của chúng ta nằm ở niềm khao khát này: nó mở ra cho chúng ta một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng đến gặp chúng ta để làm cho chúng ta thành con cái của Người và anh chị em của nhau.
Đức Thánh Cha và hai vị lãnh đạo giáo phận Hồng Kông
Vào cuối Thánh lễ, trong một động thái bất ngờ và tự phát, Đức Thánh Cha đã nắm tay hai vị lãnh đạo của giáo phận Hồng Kông, Đức Hồng y John Tong Hon, nguyên Giám mục Hồng Kông, và Đức Hồng y tân cử Stephen Chow, Giám mục Hồng Kông. Đồng thời, ngài đã gửi lời chào đến “dân tộc Trung Quốc cao quý” và mời gọi tín hữu Công giáo Trung Quốc trở thành “những Kitô hữu tốt và công dân tốt”.
Xen lẫn trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt các tín hữu hiện diện đã vang lên những lời “Ciao, Ni Hao, Viva Il Papa” (Chào mừng Đức Thánh Cha)
6. Khánh thành Nhà Thương xót ở Ulaanbaatar
Đức Thánh Cha làm phép “Nhà Thương xót” của Giáo hội Mông Cổ
Trong sự kiện cuối cùng trên đất Mông Cổ, giữa tiếng hát chào mừng của những người hiện diện, Đức Thánh Cha đã khánh thành Nhà Thương xót, một trung tâm nhằm hỗ trợ người vô gia cư, nạn nhân bạo lực gia đình, và những người gặp khó khăn ở Ulaanbaatar, như là một một sự đóng góp chung và cụ thể của Giáo hội ở Mông Cổ. Đức Thánh Cha nói:
trong sự nhỏ bé của mình, Giáo hội sống hiệp thông huynh đệ, cầu nguyện, phục vụ quên mình cho nhân loại đang đau khổ và làm chứng cho đức tin của chính mình.
Kể từ khi những nhà truyền giáo đầu tiên đến Ulaanbaatar vào những năm 1990, ngay lập tức họ cảm nhận được lời kêu gọi thực thi bác ái, điều dẫn họ đến việc chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi, anh chị em vô gia cư, các bệnh nhân, người khuyết tật, tù nhân và những người trong hoàn cảnh khó khăn đau khổ mong được chăm sóc.
Nhắm tới mục đích là đến gần với những người sống bên lề xã hội, Đức Thánh Cha hy vọng rằng trung tâm bác ái mới này sẽ chào đón mọi người thuộc mọi tín ngưỡng, để họ có thể sống trong môi trường yêu thương, an toàn, và bình an. Ngài nhấn mạnh:
Giáo hội Công giáo, vốn nổi bật trên thế giới vì sự dấn thân to lớn đối với các hoạt động thăng tiến xã hội, thực hiện tất cả những điều này để chiêu dụ tín đồ, như thể việc quan tâm chăm sóc tha nhân là một hình thức dụ dỗ người khác “về phe của mình”. Không, các Kitô hữu nhận ra những ai đang cần được giúp đỡ và làm mọi điều có thể để xoa dịu nỗi đau khổ của họ bởi vì ở đó họ nhìn thấy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, và nhận thấy nơi Người phẩm giá cao cả của mỗi người, được mời gọi trở thành con cái Thiên Chúa.
***
Hoàn thành chuyến tông du nước ngoài lần thứ 43 đến với 61 quốc gia, với chuyến tông du Mông Cổ, Đức Thánh Cha thực sự mang theo “vùng ngoại biên” vào trung tâm của Giáo hội, một Giáo hội của Đức Kitô, sau 2000 năm, vẫn như thuở ban đầu: không đặt trên thành công của số lượng, của cơ sở vật chất, mà là luôn mở ra cho sự hướng dẫn của Thần Khí. Vì thế, phải chăng, dù đã khép lại, nhưng hành trình phía trước của chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha với Khẩu hiệu “Cùng nhau Hy vọng” vẫn còn tiếp diễn?.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: aleteia.org (02. 09) ; (02. 09) và (04. 09. 2023)
Tin tức liên quan khác
ĐTC gặp Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn ở Hungary
Chín điều nên biết về Tuần Thánh
Trực tiếp Nghi thức mở án phong chân phước và phong thánh cho Đức cha Pierre Lambert de La Motte lúc 06g30 ngày 13.01.2024
“XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN” – Sống Năm Cầu Nguyện để Chuẩn Bị cho Năm Thánh 2025
Chúa nhật 12 Thường niên năm A
Vatican gửi các linh mục: Hãy bám sát bản văn cho các Bí tích
Thứ Tư tuần 32 Thường niên năm I – Tạ ơn (Lc 17,11-19)
Bài giảng Thứ Sáu Tuần Thánh 2024 – “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết rằng Ta Là”