GPHT (08.6.2023) _ Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đuợc sinh ra và lớn lên trong cõi đời này phải không bạn? Nhưng ngay từ lúc được thụ thai trong lòng mẹ chúng ta đã mang trong mình hình ảnh và dấu ấn về một Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương. Chúng ta cảm nhận được điều đó vì sự sống và phẩm giá mà chúng ta nhận được nơi Ngài. Phẩm giá là giá trị tinh thần cao quý riêng của một con người. Phẩm giá đó bắt nguồn từ việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được phú bẩm một linh hồn thiêng liêng bất tử, có lý trí, ý chí và tự do. Con người được mời gọi quy hướng về Thiên Chúa để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài.
Nền tảng phẩm giá con người chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Vì thế, chúng ta cần có sự nhận thức và thái độ đúng đắn đối với phẩm giá con người là phải bảo vệ, tôn trọng và làm thăng tiến phẩm giá của mình cũng như của người khác để tất cả mọi người đều cảm nhận được niềm hạnh phúc trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa.
Nhưng đáng buồn thay! Qua những trải nghiệm trong cuộc sống và những phương tiện thông tin hằng ngày, tôi biết rằng phẩm giá của con người hôm nay đang bị chà đạp, coi thường và rẻ rúng trên nhiều phương diện. Do ảnh hưởng của trào lưu tục hóa, con người ngày càng rơi vào hưởng thụ khoái lạc, danh vọng, quyền lực mà quên đi việc thăng tiến phẩm giá của mình. Nhiều người đã đánh đổi, bán rẻ phẩm giá của mình chỉ vì những chút lợi lộc, thấp hèn, chóng qua. Kẻ khác lại tìm cách hạ giá, nhục mạ phẩm giá người khác. Con người đã không nhận ra rằng phẩm giá là tài sản quý giá nhất mà dù giàu có đến đâu họ cũng không thể mua được.
Là những người ý thức được sự cao quý đó, ngoài việc tôn trọng phẩm giá của bản thân, bạn và tôi còn được mời gọi tôn trọng phẩm giá của người khác. Thiết nghĩ, tôn trọng là nhu cầu rất thiết yếu trong đời sống tinh thần của con người. Chúng ta ai cũng muốn người khác tôn trọng mình. Vì thế, chúng ta cần phải tôn trọng người khác trước như Kinh Thánh đã nói: “Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ” (Mt 7, 12). Qua Kinh Thánh chúng ta thấy Chúa Giêsu rất tôn trọng phẩm giá của tha nhân, kể cả những kẻ tội lỗi như Gia-kêu thu thuế (Lc 19, 1-10); người phụ nữ ngoại tình (Ga 8,1-11)…
Mặt khác, vì tôn trọng nhân phẩm mà Ngài cũng cấm luôn cả thái độ giận dữ. Ngài dạy các môn đệ biết làm hòa, tha thứ, yêu kẻ thù (x Mt 5, 22-26. 38-48). Hơn nữa, Đức Giêsu đã tự đồng hóa mình với tha nhân đó là những người đói khát, trần truồng vì thiếu áo mặc, bị tù đày…: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong các anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Ngài không bao giờ có thái độ miệt thị, khinh thường những người thấp cổ bé họng trong xã hội. Chúng ta cần nên biết bắt chước cách hành xử của Chúa Giêsu để tôn trọng phẩm giá người khác cách đúng mực để nâng cao giá trị của mỗi người trong xã hội.
Tôn trọng phẩm giá cũng là nghĩa vụ của đức công bằng, bác ái đối với tha nhân vì họ đáng được chúng ta đối xử như thế. Nếu sống trong một xã hội mà ai cũng biết coi trọng phẩm giá của người khác thì xã hội này sẽ tốt đẹp biết bao. Trong vấn đề tôn trọng con người chúng ta không nên căn cứ vào giới tính, tuổi tác, quốc gia, tôn giáo, sức khỏe, trí tuệ, sự thành đạt hay bất cứ đặc tính nào khác. Chúng ta không được phép coi thường bất cứ người nào vì tất cả mọi người sang hay hèn đều có phẩm giá như nhau trước mặt Thiên Chúa.
Tiếp đến, trong cuộc sống chúng ta cũng cần phải bảo vệ phẩm giá cho người khác, tránh những thái độ và lời nói gây hại cho phẩm giá của họ như phán đoán hồ đồ, nói hành, nói xấu, vu khống và nhục..nhất là khi đưa ra những lời phê phán, kết án liên quan đến danh dự của họ. Chúng ta đừng bao giờ làm cho người khác bị kết tội vì một khuyết điểm luân lý nào đó mà không có những lý do chính đáng: “Đừng xét đoán khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7, 1). Trong vấn đề này, Chúa Giêsu đã mạnh mẽ cảnh báo rằng: Người nào xúc phạm đến con người, chà đạp danh dự con người, làm tổn thương phẩm giá con người sẽ phải gánh lấy những hình phạt nặng nề. Ngài nói: “Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5, 22).
Nhưng nếu cần góp ý, sữa lỗi cho một ai đó chúng ta phải hết sức tế nhị, riêng tư, khiêm tốn, nhẹ nhàng cùng động viên nhau trong tình mến. Nếu được phép góp ý chúng ta hãy làm đúng lúc, đúng nơi và đúng tính người theo từng bước như Chúa chỉ dạy mới có kết quả mà không làm tổn thương người khác (x. Mt 18, 15-20). Đặc biệt, chúng ta cần cẩn thận trong lời nói vì lời nói gây tác động rất lớn, tuy chúng chỉ là những âm thanh truyền đi trong không khí nhưng lại có một sức mạnh thay đổi số phận một con người.
Ngoài ra, chúng ta cần phải biết làm thăng tiến phẩm giá của người khác bằng cách quy hướng đời sống đó vào Đức Kitô, sống triệt để theo Tám Mối Phúc Ngài đã dạy (Mt 5, 1-12). Tôi cũng học được một phương pháp giúp thăng tiến phẩm giá đối với tha nhân là khi tiếp xúc hay sống với người khác, chúng ta nên chú ý đến những điểm tích cực nơi phần sáng của anh chị em, thay cho việc chê bai, phê bình dễ làm cho anh chị em mình bị tổn thương. Đặc biệt là thể hiện qua cách sống, thái độ phục vụ, quan tâm một cách cụ thể và thiết thực hơn đối với mọi người xung quanh.
Trong cuộc đời dù ít hay nhiều bạn và tôi đã từng xúc phạm đến phẩm giá người khác. Qua việc tìm hiểu về thái độ cần có đối với phẩm giá người khác giúp tôi nhận ra phẩm giá là món quà cao quý đến từ Thiên Chúa. Phẩm giá con người đáng trân trọng biết là bao vì đã được Đức Kitô cứu chuộc bằng giá máu của Ngài. Vì thế, mọi hành vi gây xúc phạm đến phẩm giá của mình hay của người khác đều là hành vi tội lỗi chống lại Thiên Chúa, đi ngược lại với trật tự luân lý, với quyền được làm người và bổn phận đối với tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu! Phẩm giá con người thật là cao quý. Từ trước tới nay vì vô tâm, vì tính ích kỷ, nhiều lần con đã xúc phạm đến phẩm giá của người khác bằng lời nói và việc làm của con. Nay Chúa cho biết đó là một xúc phạm nặng đến phẩm giá cao cả của người khác, đồng thời cũng là xúc phạm đến Chúa. Xin giúp chúng con từ đây có thái độ tôn trọng, bảo vệ và làm thăng tiến phẩm giá của tha nhân qua cung cách ứng xử và thái độ yêu thương của con đối với anh chị em xung quanh.Amen.
Anna Mây Ngàn
Tin tức liên quan khác
Giáo hội Việt Nam gửi Thư đến Đức Thánh Cha Phanxicô
Thứ Ba tuần 3 Phục sinh – Bánh bởi trời (Ga 6,30-35)
Mùa Thụ tạo 2024: Hy vọng và hành động cùng Công trình sáng tạo
Đức Hồng Y Tagle: Chuyến viếng thăm Châu Á và Châu Đại Dương của Đức Giáo hoàng là hành động vâng phục sứ mạng
Tiếp Kiến Chung (06.09.2023) – Hãy là ngôi nhà thương xót cho tha nhân
Đặc ân ” Vô Nhiễm Nguyên Tội”
Bài nói chuyện của Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher tại Đại Chủng Viện Huế
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm B – Sự sống và tình yêu (Ga 19,31-37)