TGPSG — Ai trong chúng ta cũng hiểu rằng, trái tim là biểu tượng của tình yêu. Khi yêu ai thì trái tim người ấy “rung động” đầy cảm xúc, người ấy muốn gặp gỡ, chia sẻ, muốn sống gần với người mình yêu. Với nhà đạo, tháng 6, tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chúng ta nói đến trái tim Chúa Giêsu, trái tim yêu thương chúng ta đến cùng, trái tim bị đâm thâu, chịu tan nát vì nhân loại tội lỗi. Tháng 6 chúng ta tôn thờ yêu mến trái tim Chúa Giêsu, tức là tôn vinh tình yêu của Chúa, để cho tình yêu của Chúa làm chủ cuộc đời mình.
- Trái tim Chúa Giêsu, trái tim bị đâm thâu, tan nát vì tội lỗi chúng ta.
Chúa Giêsu trong cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng đã mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài. Đến để học yêu thương. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng (Mt 11,28-30).”
Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa có trái tim bằng thịt, luôn yêu thương mọi người, nhất là với những người đau khổ, bệnh tật, tội lỗi. “Thiên Chúa là Tình yêu”, Thánh Gioan định nghĩa như thế. Thế nên, Đức Giêsu Con Thiên Chúa làm người yêu thương tha thứ cho những kẻ làm hại mình. Ngài yêu thương những học trò, những người đồ đệ của mình. Trái tim Chúa Giêsu là trái tim yêu, yêu đến cùng, yêu đến chết cho người mình yêu. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Chúng ta tôn vinh trái tim Chúa Giêsu là tôn vinh tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài đã chịu chết, đã trải qua bao nhiêu tủi nhục, cay đắng, đã “vắt cạn” cho nhân loại. Chính tình yêu của Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống yêu thương như Ngài, với những anh chị em thân thiết chung quanh mình.
Trái tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, là nơi trú ẩn nương tựa cho những cuộc đời chán chường, thất vọng. Trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu như trong bài Tin Mừng lễ Thánh Tâm, chúng ta được nghe công bố: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra (Ga 19,34). Giọt nước giọt máu cuối cùng của Chúa Giêsu là thể hiện một tình yêu “vắt cạn” cho nhân loại, để Ngài không còn gì cả, nhưng từ sự chết của Chúa Giêsu, tình yêu mở ra lối đi vào sự sống đời đời.
Trái tim có có vòng mão gai cuốn đang mời gọi chúng ta, lôi cuốn chúng ta đi vào con đường tình yêu của Chúa Giêsu, đó là sẵn sàng chịu chết, chịu thiệt thòi, hy sinh cho nhau và cũng được sống lại với Chúa Giêsu.
Thật thế, ngay khi đóng đinh Chúa Giêsu trên thánh giá, người ta tưởng rằng mọi sự đã kết thúc. Tưởng như Thiên Chúa đã hoàn toàn thất bại. Nhưng trong tình yêu thì không có thất bại. Ở đâu có tình yêu, người ta sẽ tìm ra những điều mới mẻ, để luôn sống gắn bó với nhau. Yêu là muốn ở gần nhau.
Điều này chúng ta có kinh nghiệm ngay từ trong gia đình. Cha mẹ yêu thương nhau thì tạo nên gia đình hạnh phúc. Cha mẹ yêu thương con, luôn hy sinh, chăm chút cho con cái.
Thánh nữ Margaret Mary Alacoque (1647-1690) là một nữ tu được mặc khải để phổ biến lòng sùng kính Trái tim Chúa Giêsu. Bởi vì, Chúa Giêsu muốn cho nhân loại thấy được tình yêu của Ngài, đền tạ về những xúc phạm đến tình yêu của Chúa.
Lòng sùng kính Trái tim Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện, tôn thờ Thánh Tâm, ăn năn hối cải về tội lỗi của chúng ta. Nhưng Thánh Tâm Chúa Giêsu còn dạy chúng ta biết yêu thương người khác, như Chúa đã yêu thương chúng ta trước.
- Trái tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Thứ bảy sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta mừng lễ Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Mẹ. Cũng như người con của mình, trái tim của Mẹ Maria cũng tan nát. Vì người mẹ bao giờ chẳng thương con, nên trái tim của Mẹ Maria cũng đau xót vô cùng khi Chúa Giêsu chịu đau khổ, chịu chết, bị người ta hành hạ tra tấn cùng với bao lời phỉ báng của con người.
Mẹ Maria luôn dõi theo bước chân Chúa Giêsu trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Chắc hẳn, Mẹ Maria cũng đau khi Chúa Giêsu bị chính những người đồng hương của mình từ chối. Nhưng đau khổ cùng cực nhất là nỗi đau đớn trước cái chết của Chúa Giêsu trên thánh giá. Chúa Giêsu bị lưỡi dòng đâm thâu qua trái tim, thì Mẹ Maria cũng có lưỡi dòng đâm qua trái tim mình như thế.
Trong Tin Mừng thánh sử Luca, ông Simêon đã nói lời tiên tri với Đức Maria trong ngày trẻ nhỏ Giêsu lên Đền thờ. “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2, 35)
Như thế, trái tim Mẹ đau, trái tim Mẹ cũng yêu thương nhân loại tội lỗi, trái tim Mẹ đã hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa. Dù đau khổ, thử thách, dù chưa hiểu được rõ ràng ý định của Thiên Chúa, Mẹ Maria vẫn bước đi, miễn là theo ý muốn của Chúa, chứ không phải là ý muốn của mình.
- Xin ban cho con trái tim của Chúa
Trong tháng 6, Mẹ Maria dạy mỗi người Kitô hữu bài học: Cứ bước đi theo chương trình của Chúa, dù con đường phía trước thấy mịt mù tăm tối, nhưng luôn tin tưởng phó thác cậy trông vào Chúa. Chỉ có như thế cuộc đời chúng ta sẽ đầy tràn ân sủng và bình an. Chúng ta trở nên sứ giả của Chúa ở từng môi trường sống, nơi gia đình, chỗ làm việc và nơi cộng đoàn giáo xứ, dòng tu.
Chúng ta cũng cầu nguyện cho các Linh mục, tu sĩ nam nữ trong tháng 6 có ngày kỷ niệm chịu chức thánh, ngày mừng khấn dòng và cả anh chị em giáo dân trong lời cam kết giao ước hôn nhân. Chúng ta không thể sống mà thiếu tình yêu thương của Chúa. Tất cả bởi tình yêu thương nhưng không của Chúa, kêu mời, chọn gọi và sai đi. Đặc biệt, thánh chức linh mục được khởi đi từ Trái Tim Chúa Giêsu, cuộc đời và sứ vụ của các Linh mục là cố gắng họa lại hình ảnh của Chúa Giêsu, có trái tim hiền lành và khiêm nhường, sẵn sàng hiến mình cho nhân loại.
Xin Chúa cho chúng ta có trái tim yêu thương anh chị em mình như lời bài hát “Tâm Tình Ca 3”của Lm Thành Tâm:
“Chúa hãy cho con con tim của Chúa, để biết yêu thương anh em thật nhiều. Biết thứ tha ngay cho ai lầm lỗi, như xưa hôm nào Ngài đã trăn trối. Nhưng Chúa hỡi, Chúa ơi, con xin chịu lỗi, cố gắng bao phen như chưa được gì. Cố sống như Cha xưa trên thập giá, để biết yêu người dù người chẳng yêu.”
Martinô Lê Hoàng Vũ (TGPSG)
Tin tức liên quan khác
Chạy đến với Mẹ trong cơn sầu khổ
Để lớn lên trong sự thánh thiện
Tiếp Kiến Chung (06.09.2023) – Hãy là ngôi nhà thương xót cho tha nhân
Đức Thánh Cha thành lập Quỹ (Đức Hồng y) Văn Thuận
Tiếp cận và học hiểu Lời Chúa: tư duy hiện hữu (to be), sở hữu (to have) trong phạm trù yêu thương (love và to love)
Trực tuyến Lễ Chúa nhật II Phục sinh và Chào đón phái đoàn Tòa Thánh
Bảy vị thánh lý tưởng để tìm đến khi gặp khó khăn trong công việc
Thứ Sáu tuần 13 Thường niên năm I – Chúa Giêsu đi bước trước (Mt 9,9-13)