Theo thông cáo từ phòng Báo chí Toà thánh, Đức Giáo hoàng sẽ ký bản văn quan trọng thứ tư của ngài, mang tựa đề Dilexit nos (“Người yêu thương chúng ta”): một thông điệp về tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đấng vừa mang bản tính nhân loại vừa mang bản tính Thiên Chúa. Thông điệp bàn về linh đạo Thánh Tâm này sẽ được ban hành vào Thứ Năm, ngày 24 tháng 10 năm 2024.
Các tài liệu được chính Đức Giáo hoàng ký như chỉ dụ (rescrit), đoản sắc (bref), sắc chỉ (bulla), hoặc tông huấn (exhortation apostolique), v.v., có ý nghĩa theo thuật ngữ riêng của chúng. Trong số các tài liệu này, các thông điệp (encycliques) được chú ý nhiều nhất. Thật vậy, khi Đức Giáo hoàng quyết định viết một thông điệp là khi ngài muốn đặt một thẩm quyền có ý nghĩa vào những điều mà ngài bày tỏ trong đó, nhưng không liên quan tới tính bất khả ngộ của Giáo hoàng.
Thuật ngữ “thông điệp” (tiếng La-tinh: littera encyclica) có nguồn gốc từ chữ Hy-lạp “enkuklios” (tròn, vòng tròn). Theo giải thích của Hội đồng Giám mục Pháp (CEF), thông điệp là “một lá thư quan trọng mà Đức Giáo hoàng gửi đến toàn thể Giáo hội Công giáo, hoặc gửi đến một trong các thành phần đặc biệt của Giáo hội như: các giám mục, các giáo sĩ, các tín hữu.”
Thông điệp đầu tiên, theo ý nghĩa hiện nay của thuật ngữ này, được ban hành bởi Đức Thánh Cha Bêđêđictô XIV (1740-1758). Đó là thông điệp Ubi primum, được ký ngay sau khi ngài được bầu làm Giáo hoàng, đề cập đến tác vụ giám mục. Vị Giáo hoàng này đã viết tổng cộng 44 thông điệp trong suốt 18 năm triều đại của ngài.
Hơn 300 thông điệp trong ba thế kỷ
Theo Hội đồng Giám mục Pháp (CEF), “thông điệp là các bản văn thường có giá trị giảng dạy nhất và có thể nhắc lại đạo lý của Giáo hội về một vấn đề hiện thời.” Trên thực tế, các chủ đề được đề cập rất đa dạng, tùy theo mỗi thông điệp, chẳng hạn từ sự biến tướng trong lễ hội hóa trang (Inter Caetera năm 1748), đến tình hình tôn giáo của một quốc gia (Nobilissima Gallorum Gens năm 1884), bao gồm cả vấn đề nô lệ (Catholicae Ecclesiae năm 1890), hoặc Hội Tam điểm (Custodi di quella Fede năm 1892).
Nếu tính luôn cả cả Ubi primum thì không dưới 338 thông điệp đã được các Đức Giáo hoàng kế tiếp nhau công bố trong vòng chưa đầy 300 năm. Một số Giáo hoàng đặc biệt sử dụng rộng rãi loại văn kiện này, bắt đầu từ Đức Lêô XIII: trong suốt triều đại Giáo hoàng từ năm 1878 đến 1903, ngài đã công bố 86 thông điệp, trung bình hơn 3 thông điệp mỗi năm! Những vị tiếp theo trong bảng xếp hạng là Đức Piô XII (1939-1958) với 41 thông điệp và Đức Piô IX (1846-1878) với 38 thông điệp.
Các thông điệp ngày càng ít được sử dụng
Các Giáo hoàng dường như đang hạn chế dần dần việc dùng đến các thông điệp. Chẳng hạn, Đức Phaolô VI (1963-1978) ban hành duy nhất thông điệp Humanae vitae năm 1968, mặc dù triều đại Giáo hoàng của ngài vẫn kéo dài thêm hơn một thập kỷ nhưng không có một thông điệp nào nữa được ban hành. Trong suốt 26 năm trên cương vị Giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II “chỉ” ban hành 14 thông điệp. Đức Bênêđictô XVI thì ban hành 3 thông điệp.
Về phần Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài đã ban hành thông điệp đầu tiên mang tựa đề Lumen fidei, vào tháng 7 năm 2013, chỉ vài tháng sau khi được bầu chọn. Tuy nhiên trên thực tế, văn kiện này đã được chuẩn bị dưới triều đại vị tiền nhiệm của ngài, vì thế Lumen fidei thực sự không thể được coi là của ngài! Chỉ có Laudato si’ (2015) mới đích thực được tính trong số các thông điệp của ngài. Kế đến, Fratelli tutti (2020) được coi là thông điệp thứ hai.
Gioan Nguyễn Long Quân, O.P.
chuyển ngữ từ: la-croix.com
Nguồn: daminhvn.net (24/10/2024)
Tin tức liên quan khác
Thứ Năm tuần 26 Thường niên năm I – Sứ mệnh truyền giáo (Lc 10,1-12)
Đức Thánh Cha công bố danh sách các tân Hồng y
Thứ Ba tuần 24 Thường niên năm I (Lc 7,11-17)
Đức Thánh Cha: Phải phục hồi lợi ích cho các nạn nhân của tội phạm có tổ chức
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm B – Sự sống và tình yêu (Ga 19,31-37)
Thứ Ba tuần 30 Thường niên năm II – Nước Thiên Chúa (Lc 13,18-21)
Đức Thánh Cha phê chuẩn việc thiết lập thừa tác vụ phó tế vĩnh viễn ở Philippines
Cùng Đức Thánh Cha và giáo triều Roma cầu nguyện. Bài 5: “Gia-kêu, hãy xuống mau!”