“Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng,
và xuất khỏi anh ta”. (Mc 1,26)
BÀI ĐỌC I: Dt 2, 5-12
“Đấng ban ơn cứu độ phải chịu khổ nạn để nên hoàn hảo”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Thiên Chúa đã không đặt dưới quyền các thiên thần vũ trụ tương lai mà chúng tôi đang nói đến. Nhưng có người đã minh chứng trong một đoạn sách kia rằng: “Nhân loại là gì mà Chúa nhớ đến, con người là gì mà Chúa đến viếng thăm ? Trong một thời gian, Chúa đã hạ Người xuống kém các thiên thần; Chúa lại đặt trên đầu Người triều thiên vinh quang và danh dự; Chúa đã đặt Người cai trị các công trình tay Chúa tác thành; và bắt vạn vật quy phục dưới chân Người. Vì khi Ngài bắt vạn vật quy phục Người, Ngài không trừ ra vật nào khỏi phục tùng Người. Hiện nay chúng ta chưa thấy mọi sự phục quyền Người. Nhưng Đấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên thần, là Đức Giêsu, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Đấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Đấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em mà rằng: “Tôi sẽ cao rao danh Chúa cho anh em tôi; tôi sẽ ngợi khen Người giữa cộng đoàn”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 8, 2a và 5. 6-7. 8-9.
Đáp: Chúa ban cho Con Chúa quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo (c. 7).
Xướng: 1) Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới ? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom ? – Đáp.
2) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. – Đáp.
3) Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi. – Đáp.
Tin mừng: Mc 1, 21-28
21 (Đến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. 22 Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
23 Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên 24 rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông ? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao ? Tôi biết ông là ai: là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. 25 Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!” 26 Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy.
27 Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái chi vậy ? Đây là một giáo lý mới ư ? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. 28 Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu đến tiêu diệt quyền lực của ma quỷ. Con người chỉ có thể thoát khỏi sự ràng buộc của nó khi biết chạy đến với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, với cái nhìn của Chúa, chắc chắn Chúa thấy không phải chỉ có một số ít người bị ma quỷ chế ngự, nhưng là toàn thể loài người, mỗi người một cách, đang bị ma quỷ quấy phá hoặc chế ngự. Từ khi Chúa dựng nên loài người, chẳng bao giờ ma quỷ buông tha chúng con. Nhân loại càng văn minh, ma quỷ lại càng núp dưới những bộ mặt mới lạ hấp dẫn, con người lại càng dễ bị ma quỷ chế ngự. Ảnh hưởng của nó rộng và sâu.
Nhưng lạy Chúa, Chúa là Đấng Thánh và là Con Thiên Chúa. Chúa đã đến tiêu diệt quyền lực ma quỷ và thiết lập triều đại của Thiên Chúa. Quyền năng Chúa đã chiến thắng ma quỷ. Con tin vào Chúa và chạy đến kêu cầu xin Chúa thương cứu con.
Đã nhiều lần ma quỷ chế ngự xác hồn con, đã nhiều lần con quằn quại trong đau khổ vì tội lỗi, đã nhiều lần con muốn chỗi dậy và thoát khỏi sự ràng buộc của nó, nhưng lạy Chúa, con bất lực. Xin Chúa thương nâng đỡ và giải thoát con. Xin Chúa ban ơn thúc đẩy con chạy đến với bí tích Giao Hòa để con tìm lại được sự tự do của con cái Thiên Chúa. Mỗi lần con đến với Chúa trong bí tích Thánh Thể, xin Chúa ở lại với con và ban sức mạnh cho con, để nhờ Chúa, con chiến thắng ma quỷ và tội lỗi. Xin cho con biết tiếp tay với Chúa để đẩy lùi ảnh hưởng của ma quỷ ra khỏi thế giới hôm nay. Amen.
Ghi nhớ:“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống…)
1. Đoạn Phúc Âm này mở đầu cho một đơn vị văn chương trải dài từ câu 21 đến câu 34, được gọi là “Một ngày ở Caphácnaum”, trong đó Marcô liệt kê và mô tả những việc làm tiêu biểu của Chúa Giêsu trong một ngày. Việc thứ nhất là giảng dạy, việc thứ hai là trừ quỷ. Đáng chú ý là Chúa Giêsu làm cả hai việc một cách rất uy quyền.
2. ”Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”: Khi giảng dạy, các rabbi do thái phải dựa theo truyền thống cha ông chứ không dám có ý kiến riêng; còn Chúa Giêsu thì lấy chính sứ điệp của mình ra giảng dạy, và Ngài dạy một cách xác tín trong tư cách là Đấng Messia.
3. Và cũng bằng uy quyền đặc biệt ấy, Chúa Giêsu làm một hành động phi thường, là buộc quỷ xuất khỏi một người bị nó ám.
4. Phản ứng của dân chúng: “Mọi người sửng sốt và hỏi nhau thế nghĩa là gì”: Họ hỏi nhau về nét mới mẻ trong lời giảng của Ngài và về uy quyền đặc biệt của Ngài trên cả tà thần. Câu hỏi này cũng tương đương với câu hỏi “Ông là ai ?”, là câu hỏi sẽ được lập đi lập lại mãi trong tác phẩm.
B- Suy gẫm (… nẩy mầm)
1. Mở đầu hoạt động công khai của mình, việc đầu tiên Chúa Giêsu làm là nhằm thuyết phục người ta tin tưởng vào quyền năng của Ngài, quyền năng trong lời giảng dạy và trong hoạt động. Thái độ đầu tiên ta phải có đối với Chúa Giêsu cũng là phải tin tưởng vào quyền năng của Ngài.
2. Nhưng tin tưởng không phải chỉ là tin suông mà còn phải dám phó thác vào Ngài, đừng như câu chuyện sau:
Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông: Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp. Thế là lấy hết sức lực, người vô thần la lớn: “Lạy Chúa”. Tuy nhiên bốn bề chỉ có thinh lặng và ông chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn: “Lạy Chúa, nếu quả thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa”. Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao: “Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế”. “Không, lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất”. Tiếng ấy trả lời: “Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra”. Người vô thần thất vọng thốt lên: “Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao!” (Trích “Món quà giáng sinh”)
3. Một bé trai hỏi bố:
– Quỷ lớn hơn con không ?
– Lớn hơn.
– Quỷ lớn hơn bố không ?
– Lớn hơn.
– Quỷ lớn hơn Chúa Giêsu không ?
– Không con ạ. Chúa Giêsu lớn hơn Quỷ.
Chú bé thinh lặng, rồi mỉm cười: “Vậy con không sợ Quỷ”. (Góp nhặt)
4.“Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: ‘Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có thẩm quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”. (Mc 1,27)
Vào đại học, tôi cảm thấy mọi cái đều xa lạ. Tôi náo nức chờ buổi học đầu tiên. Ngay buổi đầu, với phương pháp giảng giải, thầy đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi thấy thầy thật vĩ đại. Tôi nghĩ: Thầy quả là đường dẫn tôi vào đời. Còn Chúa, Đấng đã dựng nên cả tôi và mọi người xung quanh. Chúa cho tôi tự do, dạy tôi biết yêu thương, biết cho đi và hy sinh vì anh em. Sao tôi lại có thể dửng dưng trước tình yêu và quyền năng của Chúa ?
Lạy Chúa, xin cho con biết ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu Chúa đã và đang làm cho con cũng như hết mọi người mỗi ngày. (Epphata)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Một ngày ở Capharnaum
(Mc 1,21-28)
1. Đức Giêsu vào hội đường Capharnaum trong ngày hưu lễ để giảng dạy, người ta kinh ngạc về giáo huấn của Ngài. Giáo huấn của Đức Kitô mới mẻ vì biểu lộ tình yêu thương vô vị lợi. Ngài dạy dỗ như Đấng có uy quyền vì lời Ngài có sức biến đổi, có sức tiêu diệt thần ô uế. Sự hiện diện của Đức Giêsu làm cho thần ô uế phải tru tréo lên. Mặc dù đối kháng với Thiên Chúa, nhưng ma quỷ cũng phải tuyên xưng Ngài là Đấng thánh của Thiên Chúa và Ngài đã chiến thắng chúng.
2. “Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ”
Khi giảng dạy, các rabbi Do thái phải dựa theo truyền thống của cha ông chứ không dám có ý kiến riêng; còn Chúa Giêsu thì lấy chính sứ điệp của mình ra giảng dạy, và Ngài dạy một cách xác tín trong tư cách là Đấng Messia.
Chúa Giêsu là bậc Thầy duy nhất hiểu rõ và làm chủ hoàn toàn sứ điệp của Ngài cũng như thấu suốt khả năng thu thập của người nghe những gì hữu ích cho họ trong hoàn cảnh thực tế. Tước vị Thầy đó đã được chính Chúa Giêsu xác nhận với các môn đệ trong bữa tiệc ly: “Các con gọi Ta là Thầy, là Chúa thì thật là đúng: kỳ thực Ta là thế” (Ga 13,13).
3. Kèm theo lời giảng dạy, Chúa Giêsu còn làm một phép lạ chữa một người bị quỷ ám. Phép lạ này chứng minh Ngài là Thiên Chúa, Ngài có quyền trên quỹ dữ, Ngài đến để chấm dứt quyền thống trị của tà thần trên con người. Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện gây hứng thú và kinh ngạc nơi dân chúng. Trái lại, những kẻ chống đối Chúa thì hạch sách Ngài: “Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ?” Họ không muốn công nhận những việc Chúa làm, họ mơ một Vị Cứu tinh hùng mạnh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, trong khi đó Chúa Giêsu lại đến giải phóng con người khỏi quyền lực của ma quỷ và tội lỗi.
Nguyện cho Lời Chúa hôm nay củng cố niềm xác tín rằng: sứ mệnh cứu thế phát xuất từ nơi Chúa và tiếp tục trong Giáo hội. Giáo hội đã lãnh nhận kho tàng đức tin và quyền thánh hoá và giáo huấn từ nơi Chúa. Xin cho chúng ta luôn trung thành với Giáo hội và sẵn sàng đón nhận giáo huấn của các chủ chăn mà Chúa đã đặt lên hướng dẫn Dân Chúa trên đường tiến về Nước trời.
4. Thần ô uế, hoặc ma quỷ, là những thiên thần sa ngã, chúng liên kết với Satan để chống lại Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Ngài. Chúng cám dỗ con người phạm tội và gây ra biết bao đau khổ trong đời sống con người. Thế nhưng bất cứ khi nào chúng đối diện với Chúa Giêsu, chúng đều thảm bại. Chúa Giêsu dùng quyền năng của Thiên Chúa để giải thoát con người khỏi sự thống trị của ma quỷ.
Truyện: Chúa có quyền trên quỷ
Một bé trai hỏi bố:
– Quỷ lớn hơn con không ?
– Lớn hơn.
– Quỷ lớn hơn bố không ?
– Lớn hơn.
– Quỷ lớn hơn Chúa Giêsu không ?
– Không con ạ. Chúa Giêsu lớn hơn quỷ.
Chú bé thinh lặng, rồi mỉm cười:
– Vậy con không sợ quỷ (Góp nhặt).
5. Truyện: Phụng sự cho ai ?
Trong kho tàng truyền thuyết của Giáo hội, chúng ta cũng có thấy một câu truyện dụ ngôn về một anh chàng khổng lồ muốn đi tìm một người mạnh mẽ nhất để phục vụ.
Truyện kể rằng: có một người khổng lồ sống tại đất Canaan chán cuộc sống đơn điệu buồn tẻ, chàng muốn phiêu lưu và quyết tìm cho được một người nào mạnh nhất để phục vụ.
Thoạt đầu chàng nghĩ chẳng ai mạnh bằng tướng cướp, nên xin đi theo hộ vệ cho tướng cướp. Nhưng mỗi lần sắp đi cướp, viên tướng cướp này phải nhờ đến thầy phù thuỷ làm phép xuất quân, thế là chàng rời bỏ tướng cướp mà đi theo thầy phù thuỷ.
Một hôm, thầy phù thuỷ đang đi bỗng gặp một cây Thánh giá thì sợ hãi dừng lại không dám đi tiếp. Thế là chàng khổng lồ bỏ rơi thầy phù thuỷ đến đứng bên cạnh Thánh giá, để chờ chủ nhân đó đến mà xin đi theo. Chàng cứ đứng đó chờ mãi mà chẳng thấy chủ nhân cây Thánh giá.
Tình cờ anh nghe thấy có tiếng gọi thật nhẹ nhàng. Anh quay lại bắt gặp một cậu bé với đôi má phúng phính và mái tóc óng ánh. Cậu bé nhờ anh chàng này đưa cậu qua khúc sông gần đó. Nhận lời, nhắc cậu bé lên vai, người khổng lồ lội xuống dòng sông đang chảy xiết. Nhưng kỳ lạ nước mỗi lúc một dâng cao và chảy mạnh. Cậu bé mỗi lúc một đè nặng trên vai, chống chọi với sông nước để cuối cùng đem cậu bé lên bờ bên kia. Người khổng lồ mới thốt lên:
– Này cậu bé, cậu nặng đến độ tôi tưởng chừng mang cả vũ trụ trên vai.
Cậu bé mỉm cười đáp:
– Ngươi mang Đấng còn hơn cả vũ trụ nữa. Bởi vì chính tôi đã tạo nên cả trời và đất.
Cậu bé còn cho biết thêm mình chính là chủ nhân của cây Thánh giá.
Thế là chàng khổng lồ kia xin phò tá Vị Chúa Tể trời đất. Chúa dạy rằng: muốn phụng sự Ta, ngươi cứ đứng ở khúc sông này, mỗi lần có ai muốn sang sông thì ngươi hãy cõng người ấy sang.
Chàng khổng lồ tuân theo. Từ đó trở đi, người ta gọi tên chàng là Christophe, nghĩa là người mang Chúa Kitô trên vai.
Chúng ta đã chọn Đức Kitô là thủ lãnh của đời ta, chúng ta hãy tin theo và phục vụ Ngài. Nếu chúng ta muốn phụng sự Đức Kitô, chúng ta hãy theo gương thánh Christophe, bởi vì trên đời này không còn ai xứng đáng hơn ngoài Đức Kitô để cho ta đi theo phụng sự.
Tin tức liên quan khác
Phụng vụ và vẻ đẹp
Diễn từ Đức Thánh Cha dành cho thành viên Phong trào Công giáo Tiến hành Ý, năm 2024
Logo năm mục vụ 2024: “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội”
Năm qua tôi đã làm gì?
Khai mở mộ Đức cha François Pallu (1626-1684)
Làm mới lại tâm hồn
Chúng ta đang get line
Vinh danh cha Henri Didon, người phát minh ra phương châm Olympic