Chúa phán: “Hỡi những kẻ yếu lòng tin!
Sao các con nhát sợ ?”
(Mt 8,26)
BÀI ĐỌC I (năm II): Am 3, 1-8; 4, 11-12
“Chúa phán: Ai lại chẳng nói tiên tri”.
Trích sách Tiên tri Amos.
Hỡi con cái Israel, hãy nghe lời Chúa phán về các ngươi, và cả dòng giống mà Ta đã đem ra khỏi đất Ai-cập: “Trong muôn dân trên mặt đất, Ta chỉ nhận biết một mình các ngươi. Vì thế, Ta sẽ đến sát hạch các ngươi về mọi gian ác của các ngươi. Hai người, nếu không đồng ý với nhau, có bao giờ lại đi chung với nhau không? Khi chưa bắt được mồi, có bao giờ sư tử gầm lên giữa rừng không? Khi sư tử con chưa bắt được gì, có bao giờ người ta nghe thấy tiếng nó không? Nếu không có gì cạm bẫy, chim có bao giờ sa lưới không? Nghe tiếng kèn thổi trong thành, có bao giờ người dân không lo sợ không? Có tai hoạ nào trong thành mà không do Chúa điều khiển không? Thực ra, Chúa là Thiên Chúa không làm điều gì mà lại không mạc khải ý định của Người cho các tiên tri tôi tớ của Người. Sư tử gầm thét, ai lại không run sợ? Chúa là Thiên Chúa phán, ai lại chẳng nói tiên tri?
“Ta đã triệt hạ các ngươi như Thiên Chúa đã triệt hạ Sôđôma và Gômôra, các ngươi đã trở thành như thanh củi cháy dở rút khỏi đống lửa, thế mà các ngươi không trở lại với Ta! – Chúa đã phán như thế. Vì vậy, hỡi Israel, Ta sẽ làm cho ngươi những điều này: nhưng sau khi Ta đã làm cho ngươi như vậy, hỡi Israel, ngươi hãy sửa soạn đón rước Thiên Chúa của ngươi”.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 5, 5-6. 7. 8
Ðáp: Lạy Chúa, xin dẫn con trong đức công minh (c. 9a).
Xướng: Chúa không phải là Chúa tể ưa điều gian ác; kẻ độc dữ không được cư trú nhà Ngài; đứa bất nhân không thể đứng trước thiên nhan; Chúa ghét những kẻ làm điều gian ác.
Xướng: Ngài tiêu diệt những đứa nói man; người độc ác và gian giảo thì Chúa ghê tởm không nhìn.
Xướng: Phần con, bởi gội nhuần sủng ái, con sẽ vào tới hoàng đài của Chúa; con sấp mình gần bên thánh điện với lòng tôn sợ Ngài, thân lạy Chúa.
Tin mừng: Mt 8, 23-27
23 Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, có các môn đệ theo Người. 24 Và đây biển động dữ dội, đến nỗi sóng phủ lên thuyền, thế mà Người vẫn ngủ.
25 Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy mà rằng: “Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!”
26 Chúa phán: “Hỡi những kẻ yếu lòng tin! Sao các con nhát sợ?” Bấy giờ Người chỗi dậy, truyền lệnh cho gió và biển. Và biển yên lặng như tờ!
27 Cho nên những người ấy kinh ngạc mà rằng: “Ông này là ai mà gió và biển đều vâng phục?”
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Giáo Hội luôn phải lữ hành giữa sóng gió biển đời, nhưng nhờ sự hiện diện quyền năng của Chúa Giêsu Phục Sinh, Giáo Hội sẽ vượt qua mọi gian nan thử thách và bước đi trong bình an.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con nhìn thấy Giáo Hội nơi con thuyền của các tông đồ. Giáo Hội của Chúa lữ hành trên trần gian luôn phải đương đầu với sóng gió biển động. Qua chặng đường hai ngàn năm lịch sử, đã có rất nhiều lúc Giáo Hội gặp phải muôn ngàn thử thách gian nan. Các tông đồ xuống thuyền theo Chúa, nhưng đâu phải vì vậy mà không gặp sóng gió. Chúng con đi theo Chúa đâu có được miễn khỏi gian nan.
Thế mà dường như Chúa chẳng quan tâm gì tới chúng con. Chúa vẫn ngủ mà chẳng ra tay cứu giúp. Chúa để chúng con chèo chống một mình, cuống cuồng hoảng sợ.
Lạy Chúa, chúng con bắt chước các tông đồ đánh thức Chúa và kêu cầu xin Chúa cứu chúng con. Thực ra, chúng con tin rằng Chúa vẫn ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Chúa đã sống lại và làm chủ tất cả mọi quyền lực. Chúa đã hứa gìn giữ Giáo Hội Chúa, dù quyền lực tử thần cũng không thắng nổi Giáo Hội. Chúng con tin thế, nhưng lòng tin chúng con còn quá yếu kém, nên chúng con hốt hoảng mỗi khi gặp sóng gió.
Xin Chúa thêm đức tin để chúng con nhận ra Chúa vẫn hiện diện với chúng con. Đôi lúc chúng con mất kiên nhẫn vì không thấy Chúa hành động, vì không tìm ra lối thoát. Xin Chúa giúp chúng con nhận ra rằng dù Chúa ngủ, nhưng Chúa vẫn là Chúa quyền năng. Xin Chúa dạy chúng con biết chạy đến với Chúa và kêu cầu Chúa, không phải với thái độ hốt hoảng, nhưng với thái độ bình thản đầy tin tưởng.
Lạy Chúa, có Chúa đồng hành, chúng con an tâm chu toàn sứ mạng Chúa trao. Amen.
Ghi nhớ :“Người chỗi dậy, truyền lệnh cho gió và biển, và biển yên lặng như tờ”.
Suy niệm: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Qua các phép lạ dẹp yên bão táp, Chúa Giêsu muốn mặc khải cho các môn đệ biết thêm về Ngài, đồng thời huấn luyện đức tin các ông:
Người Do Thái cho rằng biển cả là sào huyệt của quỷ dữ, biển động là dấu quỷ dữ lộng hành. Họ cũng nghĩ rằng chỉ một mình Thiên Chúa và những kẻ được Thiên Chúa ban quyền đặc biệt mới có thể chế ngự được sức mạnh của biển cả. Vậy Chúa Giêsu dẹp yên bão biển chứng tỏ Ngài có sức mạnh của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu ngủ đang lúc bão: Không phải vì Ngài quá mệt. Thực ra Ngài “làm bộ” ngủ thôi, để thử xem các môn đệ có an tâm giữa giông bão khi có Ngài hiện diện giữa họ không. Các ông đã sợ hãi cuống cuồng chứng tỏ các ông chưa vững tin. Bởi đó, sau phép lạ Ngài đã trách “Hỡi những kẻ yếu lòng tin”.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. “Chúa Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Ngài và đây biển động dữ dội”: con đường Chúa dẫn các môn đệ đi không phải là con đường bằng phẳng, êm ả, nhưng nhiều khi đi vào tăm tối nhiều lúc đi vào bão táp phong ba. Nếu người môn đệ thực sự tin vào Ngài thì luôn phó thác trong an bình. Ngược lại, khi gặp tối tăm hay bão táp mà cuống cuồng sợ hãi thì đó là dấu người ấy còn kém lòng tin.
2. “Thế mà Ngài vẫn ngủ”: Chúa Giêsu vẫn xử sự như thế, xưa cũng như nay. Chính vì thế mà nhiều người đã phải lo sợ cuống cuồng: Sao Chúa vẫn ngủ ? Sao Chúa không ra tay ? Chúa vắng mặt rồi ư ? Hay Chúa đã chết ? Hay Chúa đã bỏ con ? Nhận thức phó thác là như thế: Vẫn an tâm giữa bão táp cho dù không thấy Chúa hành động gì cả. Ước chi tôi có tinh thần phó thác tới mức độ ấy.
3. Một người hành hương gặp bệnh dịch đang vào Baghdad. Anh hỏi bệnh dịch: “Mi định làm gì đó ?”. Tôi sẽ giết 5000 người.
Người hành hương rùng mình và thay đổi dự định. Tuy nhiên, anh gặp một người từ trong Thành Phố bị nạn đó và được biết không phải là 5000 người mà là 50.000 người chết.
Liền sau đó anh lại gặp bệnh dịch đang tới Thành Phố khác. Ông buộc tội: Anh nói khoác. Anh nói chỉ giết 5000 thôi mà ?”.
Bệnh dịch giải thích một các vui vẻ: “Tôi chỉ giết có 5000 người thôi. Số còn lại chết vì hoảng sợ”. (Góp nhặt).
4. Mỗi khi nghĩ tới nhân đức phó thác là tôi nhớ đến hai bức tranh:
– Hình bức tranh thứ nhất vẽ một đứa bé nằm ngủ ngon lành trong vòng tay ôm ấm của mẹ, ngoài kia trời đang mưa lớn, những tia chớp xé trời, những tiếng gầm làm rung các cánh cửa;
– Bức thứ hai vẽ mặt biển đang nổi cơn, chiếc tàu đã tan thành những mảnh vụn, một người ướt ngoi ngóp đang ôm chặt một tảng đá nhô lên khỏi mặt biển. Phía trên tảng đá đó có tượng Thánh giá. Bức hình được họa sỹ đề tên là Espérance.
Suy niệm: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Sóng gió biển cả yên lặng (Mt 8,23-27)
- Chúa Giêsu dẹp yên biển động làm cho các môn đệ từ chỗ kém lòng tin đến chỗ khâm phục quyền năng Thiên Chúa nơi Người. Hình ảnh con thuyền làm cho chúng ta liên tưởng đến Giáo hội cũng có lúc gặp phong ba bão tố, nhưng Chúa Giêsu Phục sinh luôn đồng hành và bảo vệ Giáo hội bằng sức mạnh và quyền năng của Người. Mỗi tín hữu cũng phải ý thức sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống, để chúng ta an tâm và biết kêu cầu Chúa mỗi lúc gặp gian nan, khốn khó.
- Rõ ràng là qua phép lạ dẹp yên bão tố trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn mạc khải thêm cho các môn đệ biết về Ngài, đồng thời Ngài cũng muốn huấn luyện họ để họ thêm vững vàng về đức tin.
Người Do thái cho rằng, biển cả là sào huyệt của quỉ dữ, biển động là dấu quỉ dữ lộng hành. Họ cũng nghĩ rằng, chỉ một mình Thiên Chúa và những kẻ được Thiên Chúa ban đặc quyền mới có thể chế ngự được sức mạnh của biển cả. Như vậy, việc Chúa dẹp bão tố hôm nay chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa.
Tin mừng nói đang lúc bão thì Chúa Giêsu ngủ: Chúa Giêsu ngủ không phải vì Ngài quá mệt. Thực ra Ngài chỉ “làm bộ” ngủ thôi, để xem các môn đệ của Ngài có an tâm giữa giông tố bão táp khi có Ngài hiện diện giữa họ không. Thế nhưng, các ông đã sợ hãi cuống cuồng chứng tỏ các ông chưa vững tin. Bởi đó, sau phép lạ Chúa đã trách: ”Hỡi những kẻ yếu lòng tin” (Mt 8,26).
- Sự quan phòng của Thiên Chúa đã cho phép cơn giông tố xảy ra trong cuộc sống con người, để thức tỉnh con người trở về với Ngài. Điều quan trọng không phải là không có bão tố hoặc khó khăn thử thách, nhưng là có Chúa hiện diện dù lúc đó xem ra Ngài ngủ, không màng chi đến nguy hiểm đang xảy ra.
Thật thế, gian nan thử thách Thiên Chúa cho xảy đến là để con người ý thức về sự yếu đuối, mỏng dòn của mình, đồng thời đặt niềm trông cậy vào Chúa. Cơn bão xảy ra đã làm cho các Tông đồ không còn dựa vào phương tiện vật chất là chiếc thuyền đang nâng đỡ chở che các ông, cũng như không còn tự phụ vào tài năng vượt biển của mình; trái lại, các ông ý thức mình cần đến Chúa: “Lạy Thầy, xin cứu chúng con, chúng con chết mất”. Chính nhờ lời cầu nguyện trong lúc gian nan nguy hiểm, các Tông đồ được chứng kiến phép lạ và quyền năng của Chúa (Mỗi ngày một tin vui).
- Mỗi người chúng ta không khác gì chiếc thuyền nan chòng chành giữa biển trần gian đầy sóng gió bão táp, khó khăn nối tiếp khó khăn. Nếu chúng ta chỉ dựa vào sức mình hay dựa vào một quyền năng nào đó thì chúng ta sẽ thất bại. Ai có thể cứu chúng ta thoát khỏi sóng gió ba đào khi chiếc thuyền của chúng ta sắp chìm? Chỉ có Thiên Chúa. Ngài như người cha lái con tàu vững chắc trên biển cả, chúng ta là con chỉ biết tin tưởng vào quyền năng của người Cha trên trời.
Trong một chuyến đi xa, ông thuyền trưởng cho con đi theo trên một con tàu lớn chở nhiều hành khách. Bỗng một hôm, một cơn bão lớn nổi lên khi con tàu đang lênh đênh giữa biển, hành khách thì cuống cuồng lo sợ, thuỷ thủ thì vất vả tìm mọi cách chống đỡ, chỉ một mình em bé bình tĩnh đứng nhìn cảnh vật như chẳng có chuyện gì xảy ra. Lấy làm lạ, một người đến hỏi em: “Em không sợ tàu chìm sao?” Em đáp: “Chìm sao được, ba tôi lái tàu mà”. Em bé bình tĩnh không sợ vì tin tưởng ở tài lái tàu của ba em.
- Câu chuyện trong bài Tin mừng hôm nay dạy chúng ta bài học: hãy tin cậy vào Chúa và cầu nguyện. Ai cũng thích sóng yên bể lặng, xuôi chèo mát mái. Nhưng cuộc đời nào mà chẳng có giông tố? Tuy nhiên, chính giông tố mới giúp chúng ta nhận ra chính mình: mình còn yếu đuối và bất lực, còn nhát đảm và kém tin. Cũng chính giông tố sẽ đưa ta đến với Chúa, để ta hoàn toàn phó thác cho sự quan phòng của Ngài. Cũng chính giông tố cũng giúp chúng ta biểu lộ đức tin. Có thể nói, đức tin sẽ lớn lên ít nhiều sau mỗi lần giông tố. Khi đã biết con người hoàn toàn yếu đuối và bất lực thì chỉ còn biết cậy trông vào Chúa và xin Ngài đến cứu giúp, không phải chỉ cầu xin khi gặp hoạn nạn, nhưng phải tin Chúa và cầu xin Ngài mọi nơi mọi lúc trong lúc được bình yên.
- Truyện: Ta đã vác con trên vai
Ngày nọ, một thầy dòng mơ thấy mình đang đi dọc theo bờ biển với Chúa. Ông nhìn xuống bãi cát, thấy có bốn dấu chân: hai của ông và hai của Chúa.
Nhưng ông cũng nhận thấy có những đoạn đường chỉ có hai dấu chân. Và ông nhớ lại: đó là những ngày ông buồn khổ nhất và cực nhọc nhất. Ông bèn than thở với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã nói với con là nếu con theo Chúa, thì Chúa sẽ ở với con luôn luôn. Nhưng giờ đây con thấy rằng, những lúc con chao đảo nhất, thì lại chẳng thấy dấu chân Chúa đâu. Con không hiểu tại sao Chúa lại bỏ con giữa lúc con cần Chúa nhất như thế?”
Chúa đáp: “Con ạ. Ta chẳng bao giờ bỏ con. Con chỉ thấy hai dấu chân trên cát, vì trong những lúc khốn khó đó, Ta đã vác con trên vai và mang con đi”.
Tin tức liên quan khác
Bổ nhiệm Giám quản Tông tòa giáo phận Nha Trang
ĐTC Phanxicô gặp các linh mục và phó tế giáo phận Roma
Lời nguyện 19 : Người môn đệ năm xưa…
Ủy ban Phụng tự thông báo đào tạo phụng vụ năm 2023
Phỏng vấn Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên sau Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội 2022
Thứ Sáu tuần 16 Thường niên năm I – Mảnh đất tâm hồn (Mt 13,18-23)
Thứ Hai tuần 20 Thường niên năm I (Mt 19,16-22)
Chúa nhật 7 Phục sinh năm A – Lễ Thăng Thiên (Mt 28,16-20)