Thứ Ba tuần 16 Thường niên năm II – Thực hành lời Chúa (Mt 12,46-50)

Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói:
“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.

Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời,
người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. (Mt 12, 49-50)

BÀI ĐỌC I (năm II): Mk 7, 14-15. 18-20

Chúa ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển“.

Trích sách Tiên tri Mikha.

Lạy Chúa, với cây trượng của Chúa, xin chăn dắt dân Chúa, chăn dắt những con chiên thuộc quyền sở hữu của Chúa sống lẻ loi trong rừng, ở giữa núi Carmêlô. Tất cả được chăn dắt ở Basan và Galaad như ngày xưa. Như ngày ra khỏi Ai-cập, tôi cho nó thấy những việc lạ lùng. Có Chúa nào giống như Chúa là Ðấng dẹp tan mọi bất công, và tha thứ mọi tội lỗi của kẻ sống sót thuộc về Chúa? Chúa không khư khư giữ mãi cơn thịnh nộ của mình, vì Chúa ưa thích từ bi. Chúa còn thương xót chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển. Chúa ban cho Giacóp biết sự trung thành của Chúa, cho Abraham biết lòng từ bi mà Chúa đã thề hứa với tổ phụ chúng tôi từ ngàn xưa.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 84, 2-4. 5-6. 7-8

Ðáp: Lạy Chúa, xin cho chúng con được nhìn thấy tình thương của Chúa (c. 8a).

Xướng: Lạy Chúa, Chúa đã phù trợ đất nước của Ngài, đã tài tình thay đổi số phận nhà Giacóp. Chúa đã tha thứ lỗi lầm của dân Ngài, và che đậy mọi điều tội ác của họ. Chúa đã cầm hãm tất cả sự bất bình, và tự nguôi đi lòng phẫn nộ.

Xướng: Lạy Chúa là Ðấng cứu độ, xin thương hồi phục chúng con, và từ bỏ lòng xung giận chúng con. Phải chăng Chúa giận chúng con muôn đời ngàn kiếp, hay là kéo dài lòng căm hận tới muôn đời?

Xướng: Há không phải chính Ngài cho chúng con hồi sinh, để dân tộc Ngài được hoan hỉ ở nơi Ngài? Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy tình thương của Chúa, và ban cho chúng con được ơn Ngài cứu độ.

 

Tin mừng: Mt 12, 46-50

46Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.

47Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”.

48Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? 49Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.

50Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh là Dân riêng mới. Dân riêng mới được quy tụ không theo tiêu chuẩn huyết thống, nhưng theo tiêu chuẩn tin và thi hành ý muốn Chúa Cha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, dân riêng thời Cựu ước bao gồm những con cháu của gia đình tổ phụ Gia-cóp. Họ liên kết với nhau nhờ tình máu huyết. Còn Chúa, Chúa quy tụ dân riêng của Chúa theo một tiêu chuẩn khác. Ai sống theo thánh ý Chúa Cha, người đó trở nên dân riêng, trở nên người thân của Chúa. Nhờ đó, tất cả mọi người đều có cơ hội trở nên con cái trong đại gia đình Chúa thiết lập.

Thoáng nghe Tin Mừng hôm nay, con có cảm tưởng dường như Chúa lạnh lùng với thân bằng quyến thuộc. Nhưng suy gẫm thêm, con mới hiểu rằng: tình máu mủ dù có thắm thiết đến đâu cũng không thể chặt chẽ bằng mối tình thiêng liêng được liên kết bằng tình yêu Chúa. Chúa không dạy con bỏ tình ruột thịt, nhưng dạy con biết cùng nhau sống thánh ý Chúa Cha để mọi mối tình nhân loại được vững bền và có giá trị cao cả.

Các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai là tấm gương quý báu cho con. Họ đã trở nên anh chị em vì cùng tin và cùng sống Tin Mừng của Chúa. Họ đã góp tất cả của cải để chia đều cho nhau. Chúng con là anh chị em ruột thịt cũng không thể làm được như vậy.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra ý nghĩa cao cả của Bí tích Rửa Tội, vì nhờ đó, con được dẫn vào mối liên hệ thân thích mới. Nhưng nhất là xin Chúa giúp con sống bí tích Rửa Tội, thực thi Thánh Ý Chúa trong cuộc sống, để nhờ đó con được thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau. Amen.

Ghi nhớ:“Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Mỗi tác giả Tin mừng đều có một lối giải thích về thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình của Ngài, và sự khẳng định về tình liên đới của Ngài đối với gia đình thiêng liêng gồm những ai thực thi ý Chúa.

Đối với thánh Marcô, thái độ của Chúa Giêsu được tỏ ra sau khi Chúa chọn nhóm mười hai. Trong nhóm mười hai đã có một cuộc tranh cãi sôi nỗi về chuyện ai sẽ được ngồi bên tả hay bên hữu Chúa Giêsu; những ngưới có họ hàng với Ngài dĩ nhiên nuôi nhiều hy vọng hơn. Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu khẳng định trong Nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng bằng niềm tin; gần gũi với Ngài không đương nhiên là bà con ruột thịt, mà chính là những ai thực thi ý Chúa.

Trong Tin mừng Luca, thì thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình ruột thịt của Ngài được ghi lại như một kết luận của toàn bộ những lời giảng dạy của Ngài về Nước Chúa, cũng như những điều kiện để thuộc về Nước Chúa. Như vậy, đối với Luca, chỉ có việc lắng nghe và thực thi lời Chúa mới thực sự làm cho con người được đi vào quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu.

Đoạn Tin mừng Mattêu hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần khí Chúa và thần khí ma quỉ. Ma quỉ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời Chúa; do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải được tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỉ mới có thể lắng nghe được lời Chúa và thần khí của Ngài. Đức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam hãm trong xiềng xích của ma quỉ. Mẹ luôn luôn lắng nghe lời Chúa mà Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ ruột thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe lời Chúa; Mẹ chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vì Mẹ đã lắng nghe lời Chúa.

Chúa Giêsu đã đề cao thái độ của Đức Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo hội, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin.

Dĩ nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình. Cộng đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người đón nhận và phát huy đức tin.

Khi đề cao thái độ lắng nghe và thực thi lời Chúa của Đức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống lời Chúa, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Gia đình thiêng liêng (Mt 12, 46-50)

  1. Theo Chúa Giêsu, tình huyết nhục là tình rất cần thiết. Chính Ngài là con người nên cũng sống theo tình cảm đó. Tuy nhiên, ở đây, không phải Chúa Giêsu coi nhẹ tình gia đình tự nhiên, cũng không phải Ngài lãnh đạm với Mẹ và anh em của Ngài, nhưng Ngài đề cao mối liên hệ thiêng liêng trong niềm tin và lòng yêu mến. Thái độ và lời nói của Chúa Giêsu trong chuyện này nhằm đề cao những người lắng nghe và làm theo Lời Chúa. Chúa quý chuộng họ còn hơn những kẻ có liên hệ huyết nhục với Ngài nữa.
  2. Trong cuộc sống, vì nhiều hoàn cảnh, các thành viên trong gia đình nhiều khi phải phân tán để ra đi đến nơi xa lạ nhằm kiếm miếng cơm manh áo hay học hành hoặc vì sứ vụ… Nỗi lòng nhớ quê hương và người thân hẳn không bao giờ vơi đi trong lòng người xa quê. Như vậy, nếu may mắn có cơ hội được gặp người thân nơi đất khách quê người thì thật là hạnh phúc, nhất là người đó lại là cha mẹ hay anh chị em thân thiện với mình.

Hôm nay, bài Tin mừng cho thấy phản ứng ngược lại tình cảm tự nhiên của Chúa Giêsu. Khởi đi từ việc Mẹ Maria và anh chị em của Chúa Giêsu đến gặp Ngài. Khi được tin báo, thay vì hồ hởi, tay bắt mặt mừng để ra chào đón Mẹ và anh em của mình, thì Chúa Giêsu lại chỉ tay vào các môn đệ và những người đang nghe giảng mà nói: “Đây là mẹ và anh em của ta”, phải chăng có phũ phàng không?

  1. Có người khi đọc đoạn Tin mừng này sẽ nghĩ rằng, Chúa Giêsu xem nhẹ sự hiện diện của Mẹ Ngài chăng? Không phải thế, Ngài còn đề cao Mẹ Maria nữa là khác, vì trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì có ai bằng Mẹ được, bởi: “Đức Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.

Chúa Giêsu coi việc những ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em của Ngài, như thế thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa.

Thật vậy, chúng ta trở thành mẹ Chúa – bởi vì đã gián tiếp sinh ra Đức Kitô nơi anh em. Như thánh Phaolô đã chia sẻ cảm nghiệm của mình: “Trong Đức Giêsu Kitô, nhờ Tin mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4, 15) (Hiền Lâm).

  1. Thật ra, thái độ và lời nói của Chúa Giêsu trong câu chuyện hôm nay rõ ràng là nhằm đề cao những người biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Chúa quý trọng họ hơn những người có liên hệ huyết nhục với Ngài.

Mátthêu không nêu lên lý do tại sao mẹ và anh em Chúa Giêsu lại đến tìm Ngài. Điều đó có lẽ không cần thiết. Mátthêu chỉ muốn tạo cho Chúa Giêsu một dịp để bộc lộ tư tưởng của Ngài về mối liên hệ mới, mối liên hệ đích thực của mọi người với Chúa: “Ai là mẹ ta và anh em ta?” (Mt 18, 48)

Câu trả lời của Chúa Giêsu đưa người nghe đến một sự so sánh giữa liên hệ huyết thống và liên hệ đức tin. Chúa không phủ nhận Đức Maria là thân mẫu của mình cũng không phủ nhận anh em trong dòng họ của mình, nhưng từ dòng họ huyết thống, Chúa Giêsu đưa mọi người nghe đến một quan hệ khác còn quan trọng hơn tình mẫu tử và tình anh em của Ngài: Ngài giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ Ta, đây là anh em Ta” (Mt 12, 49). Và Chúa còn giải thích thêm: “Phàm ai thi hành ý muốn của cha Ta, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em Ta, là mẹ Ta” (Mt 12, 50). Nói cách khác, quan hệ với Thiên Chúa phải được coi là quan trọng hơn quan hệ huyết thống rất nhiều (Lm. Đinh Tất Quý).

  1. Thánh Mátthêu mô tả “mẹ và anh em” Chúa là những người “đứng bên ngoài” (x. Mt 12, 46), còn các môn đệ, những người đang nghe Ngài giảng là những người ở vòng trong. Một cách công khai, Chúa Giêsu cho biết: nếu chỉ dựa vào mối liên hệ huyết thống thì chưa phải là người thân thiết chưa thuộc về gia đình Thiên Chúa với Ngài. Đúng hơn, gia đình của ngài gồm tất cả những ai “thi hành ý muốn của Cha”. Đó là một cơ hội cho tất cả mọi người, không phân biệt quốc gia dân tộc, không phân biệt giầu nghèo, đều có thể thuộc về gia đình của Chúa nếu thi hành ý muốn của Cha trên trời. Nhưng ý muốn của Cha là gì? Xin thưa đó là tin vào Chúa Giêsu và làm theo lời Ngài dạy (x. Ga 6, 40) (5 phút Lời Chúa).
  2. Truyện: Bà có phải là Mẹ của Giêsu không?

Vào một buổi tối mùa đông nọ, một người phụ nữ đang ngồi trên xe hơi đi ngang qua một con đường trong thành phố. Bà thấy một em bé trai, đi chân không, áo quần rách rưới, nhìn chăm chú và thèm muốn các đôi giầy để sau tủ kính của một hiệu buôn. Bà cho dừng xe lại, bước xuống xe, lại gần vỗ nhẹ vào má em, vừa cười vừa nói:

  • Em làm gì ở đây vào giờ lạnh buốt thế này?
  • Em xin Chúa Giêsu cho em một đôi giầy. Bé trả lời.
  • Vậy thì đi theo cô.

Bà vừa nói vừa cầm tay em bé dẫn đi.

Hãy thử xem Đức Giêsu cứu giúp những đứa trẻ như em và làm chúng hạnh phúc không?

Bà đi vào tiệm buôn, một nơi quá quen thuộc đối với bà. Bà mua cho em một đôi tất len dầy và một đôi giầy chắc chắn rồi tự tay bà xỏ cho em. Em bé đứng há hốc miệng nhìn, chẳng nói được một lời nào. Khi người đàn bà sắp từ giã em, em chăm chăm nhìn bà, nước mắt trào ra, và hỏi bà:

  • Bà ơi! Bà có phải là Mẹ của Giêsu không?