Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh (Ga 3,22-30)

“Niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên,
còn tôi phải nhỏ lại”. (Ga 3,30)

BÀI ĐỌC I: 1 Ga 5, 14-21

“Chúa nhậm lời chúng ta kêu cầu”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, này là sự chúng ta tin tưởng nơi Chúa: là hễ chúng ta xin sự gì hợp ý Người, thì Người nhậm lời chúng ta. Và chúng ta biết Người nghe nhận mọi điều chúng ta xin, vì chúng ta biết rằng chúng ta có kêu cầu Người. Ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa tới sự chết, thì hãy cầu xin và Người sẽ ban sự sống cho kẻ phạm thứ tội đó. Có thứ tội đưa đến sự chết, tôi không bảo ai cầu xin cho người phạm tội ấy đâu. Mọi sự gian tà đều là tội, và có thứ tội đưa đến sự chết.

Chúng ta biết rằng ai sinh ra bởi Thiên Chúa, thì không phạm tội, chính sự sinh ra bởi Thiên Chúa gìn giữ họ, và ma quỷ không làm gì được họ. Chúng ta biết rằng chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra, và toàn thể thế gian đều phục luỵ ma quỷ. Và chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và đã ban cho chúng ta ơn thông hiểu, để chúng ta nhận biết Chúa chân thật, và được ở trong Con chân thật của Người. Chính Ngài là Thiên Chúa chân thật và là sự sống đời đời. Các con thân mến, hãy giữ mình xa các tà thần.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 149, 1-2. 3-4. 5 và 6a và 9b

Đáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy vui mừng vì Đấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. – Đáp.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. – Đáp.

3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Đó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. – Đáp.

 

Tin mừng: Ga 3, 22-30

22 Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người đến đất Giuđêa. Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. 23 Cũng có Gioan làm phép rửa tại Ainon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến để chịu rửa.

24 Vì chưng, khi ấy Gioan chưa bị tống ngục. 25 Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và người Do Thái về việc thanh tẩy. 26 Họ đến cùng Gioan và nói với ông: “Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người!”

27 Gioan trả lời rằng: “Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho. 28 Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Đấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người.

29 Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. 30 Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Đó là tâm tình của thánh Gioan Tẩy Giả mà Giáo Hội muốn gởi đến chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khởi sự sứ mệnh tông đồ bằng việc đến sông Gio-đan xin Thánh Gioan làm phép rửa cho mình như một người môn đệ. Và từ vị thế của một môn đệ, Chúa đã từ từ thu hút một số các môn đệ, và cuối cùng trở thành một bậc thầy hơn cả Thánh Gioan. Ảnh hưởng của Chúa càng lớn thì vai trò của Thánh Gioan Tẩy Giả càng mờ nhạt. Thánh Gioan Tẩy Giả đã không ghen tức và buồn phiền vì Chúa thành công, nhưng ngài đã vui mừng vì đã đóng trọn vai phụ của mình. Đặc biệt thánh Gioan đã khơi dậy niềm vui và quy hướng mọi người về với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay, con cũng cần tiếp tục vai trò của Thánh Gioan Tẩy Giả: Chúa phải lớn lên, còn con phải nhỏ lại: nhỏ lại trong muôn vàn những khuynh hướng xấu đang lôi kéo con vào vòng tội lỗi. Con cần nhỏ lại trong sự tham lam ích kỷ của mình để người khác được lớn lên bằng tấm lòng quảng đại của con. Con cần nhỏ lại trong hận thù, ghen ghét, để tha nhân được lớn lên bằng sự cảm thông và tha thứ. Và khi người khác được lớn lên thì cũng chính là lúc Chúa được lớn lên trong tâm hồn con.

Lạy Chúa Giêsu, xin ánh sáng Lời Chúa soi dẫn để con biết khám phá những nét đẹp nơi người khác. Xin sức sống của Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng tâm hồn con mỗi ngày, để con biết hy sinh chính mình, cho Chúa lớn lên trong anh chị em con. Amen.

Ghi nhớ: “Bạn hữu của tân lang vui mừng vì tiếng nói của tân lang”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Lời chứng cuối cùng của Gioan Tiền hô:

– Chúa Giêsu và Gioan cùng làm phép rửa, mỗi người một nơi, mỗi người có quần chúng ngưỡng mộ riêng.

– Việc làm phép rửa ấy gây nên một cuộc tranh luận và khiến các môn đệ Gioan ganh tức. Họ đến mách với Gioan, ngầm xin ông tỏ một thái độ ngăn cản hay chống đối nào đó với Chúa Giêsu.

– Nhưng Gioan chẳng những không chống đối Chúa Giêsu, mà còn làm chứng về Ngài và đề cao Ngài: “Tôi không phải là Đấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người…, Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.

B- Suy gẫm (… nẩy mầm)

1. Thánh Gioan Tiền hô dạy ta bài học phải biết đóng vai phụ. Ai mà không thích đóng vai chính. Nhưng trong một vở tuồng, vai chính chỉ cần một hai người, còn vai phụ thì rất nhiều. Nhiều khi nhờ các vai phụ đóng khéo mà vai chính được nổi bật lên.

2. “Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải nhỏ đi” còn có nghĩa phải làm cho trong con người tôi phần của Chúa càng ngày càng lớn lên, và phần của xác thịt, của tội lỗi và của khuynh hướng xấu dần dần nhỏ bớt.

3. Trên một chuyến tàu xuyên đại dương, vị giám mục kể cho một giáo sĩ trẻ mới ra trường về cuộc đời gian khổ của mình, rồi xin anh nói về ơn gọi của mình. Anh tự mãn trả lời: “Dễ thôi. Tất cả là Thiên Chúa cần con”.

Vị giám mục nói: “Này bạn trẻ, quả là trùng hợp! Như tôi nhớ, trong Thánh Kinh, chỉ có một lần Thiên Chúa nói Ngài cần một điều gì đó. Trong Lc 19, 34 trên đường vinh thắng vào Giêrusalem, Ngài nói Ngài cần một con lừa” (Góp nhặt).

4. “Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ.” (Ga 3,29)

“Từ các hàng ghế đại biểu, chúng tôi chứng kiến những đôi mắt thấm đẫm niềm vui của hàng trăm thầy cô giáo, ban giám hiệu các trường dõi theo bước chân học trò mình lên nhận thưởng…” Bài báo khiến tôi lâng lâng một cảm giác khó tả. “Phía sau chùm hoa ấy… là dấu chân lặng thầm”. Thật vậy, phía sau những thành công và niềm vui của học trò là những đêm thức trắng, những tháng ngày lo lắng vun đắp của các thầy cô giáo. Quý thầy cô là những người tiên phong dọn đường cho thế hệ trẻ tiến bước, vươn cao và vươn lên mãi.

Ông Gioan Tẩy giả cũng là người đi trước dọn đường cho Chúa đến. Ngài lặng lẽ dâng trọn cuộc đời mình mở đường cho Chúa đến, để mọi người được phúc chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế.

Xin cho con luôn tìm được niềm vui và hạnh phúc khi phục vụ tha nhân, khi dọn đường cho Chúa đến với các tâm hồn. (Epphata)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Gioan làm chứng về Đức Kitô (Ga 3,22-30)

  1. Chúa Giêsu cùng với môn đệ đến Galilê. Người làm phép rửa tại đó. Thánh Gioan cũng làm phép rửa gần bên. Nhưng dân chúng kéo theo Chúa Giêsu đông hơn, nên môn đệ Gioan ghen tức. Họ phàn nàn với ông: “Thưa Thầy, Người Thầy ca tụng đang làm phép rửa bên kia và dân chúng kéo theo ông ta…”. Thánh Gioan liền trấn an họ và nói cho họ biết: Đó chính là Chúa Giêsu, là Đấng Thiên Sai… Tôi chỉ là người được sai đi trước để dọn đường cho Người. Một khi tôi đã làm xong sứ mạng đó thì tôi phải rút lui để cho Người được tôn vinh.
  2. Trong lúc Chúa Giêsu và Gioan đang làm phép rửa, mỗi người một nơi và mỗi người có một số quần chúng ngưỡng mộ riêng, thì xảy ra một sự việc là việc Chúa Giêsu cùng làm phép rửa đã đưa đến một cuộc tranh luận và khiến các môn đệ Gioan ganh tức. Họ đến mách với ông Gioan, ngầm xin ông tỏ một thái độ ngăn cản hay chống đối nào đó với Chúa Giêsu.

Nhưng Gioan chẳng những không chống đối Chúa Giêsu, mà còn làm chứng về Ngài và đề cao Ngài: “Tôi đây không phải là Đức Kitô mà chỉ là kẻ được sai đi trước mặt Ngài… Ngài phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi”.

  1. Đúng thế Gioan tự thú trước đây ông chưa biết Đấng Cứu Thế, mặc dầu ông là bà con với Chúa Giêsu. Nói như vậy chỉ có nghĩa là ông không biết hoặc biết không chắc chắn Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai. Ông chỉ được biết điều đó từ trên mạc khai cho, khi Đức Giêsu đến xin ông làm phép rửa cho, và chính Thiên Chúa đã báo cho ông biết qua tiếng nói từ trời: “Ngươi thấy Thần khí xuống và ngự trên ai, thì người ấy chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Khi đã biết đích xác Đức Giêsu là ai, ông bắt đầu làm chứng và khẳng định rằng: “Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.
  2. Gioan biết đóng đúng vai trò của mình: ngài chỉ đóng vai phụ, còn Chúa Giêsu mới đóng vai chính. Khi vai chính xuất hiện thì vai phụ rút lui. Theo kinh nghiệm trên đời ai mà không muốn đóng vai chính. Nhưng trong một vở tuồng, vai chính chỉ cần một hai người, còn vai phụ thì cần rất nhiều. Nếu trong cuộc sống, người nào cũng đòi đóng vai chính thì ai sẽ làm vai phụ. Và kinh nghiệm cho chúng ta thấy trong một vở tuồng nhiều khi nhờ các vai phụ đóng khéo mà vai chính được nổi bật lên. Gioan đã làm như thế trong sứ vụ của mình. Tất cả đều để cho Chúa được lớn lên.
  3. Gương khiêm nhường của thánh Gioan Tẩy giả.

Ông là người khiêm tốn vì khi người ta hiểu lầm nên đã tôn ông lên làm Đấng Cứu Thế, nhưng ông xác nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế mà chỉ là người dọn đường cho Ngài, Đấng ấy cao trọng hơn ông đến nỗi ông không đáng cởi dây giày cho Ngài. Ông chỉ là là người đóng vai phụ, còn Đức Giêsu mới đóng vai chính. Bây giờ Đức Giêsu đến thì ngài phải rút đi cho vai trò của Đức Giêsu được tôn vinh. Vì thế Ngài đã nói: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”.

  1. Truyện: Một gương khiêm nhường khác

Mục sư tiến sĩ Spencer, nổi tiếng một thời, nhà thờ của ông chật ních những người, nhưng thời gian trôi qua, tín hữu của ông ít dần. Một vị mục sư trẻ đến ngôi nhà thờ bên kia đường, và ông đã thu hút hết đám đông dân chúng của ông mục sư Spencer.

Đêm nọ, trong ngôi nhà thờ của tiến sĩ Spencer chỉ có ít số người họp lại, ông nhìn xuống bầy chiên ít ỏi của mình và hỏi xem những người khác đi đâu hết rồi ?

Mọi người im lặng, ngượng ngùng, rồi một viên chức tế nhị đáp: “Tôi nghĩ rằng họ đã đến ngôi nhà thờ bên kia đường để nghe ông mục sư trẻ bên đó”.

Tiến sĩ Spencer im lặng trong phút chốc rồi mỉm cười nói: “Tốt lắm, vậy tôi nghĩ rằng chúng ta nên đi theo họ”. Rồi ông bước xuống toà giảng, dẫn số tín hữu qua bên kia đường.