Nhưng có mấy người Pha-ri-sêu nói:
“Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát ?” (Lc 6,2)
BÀI ĐỌC I (năm II): 1 Cr 4, 6-15 (hoặc 9-15)
“Chúng tôi chịu đói khát và trần trụi”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, [anh em hãy học hỏi nơi tôi và Apollô lời tục ngữ rằng: “Ðừng làm quá điều đã chép”, để anh em đừng kiêu căng mà theo phe người này chống lại phe người khác. Vì có ai làm cho ngươi được nổi bật đâu? Nào ngươi có điều gì mà không phải là ngươi đã nhận lãnh? Nếu ngươi đã nhận lãnh, lẽ nào ngươi khoe mình dường như ngươi không nhận lãnh?
Phải rồi! anh em đã được no đầy rồi đấy, đã trở nên giàu có rồi đấy, anh em đã cai trị mà không cần đến chúng tôi. Chớ chi anh em được làm vua, để chúng tôi cùng được cai trị với anh em. Vì tôi nghĩ rằng] chúng tôi là những tông đồ rốt hết, mà Thiên Chúa đã phơi bày chúng tôi ra như những người bị tử hình: vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho các Thiên Thần và loài người. Chúng tôi là những kẻ ngu dại vì Ðức Kitô, còn anh em là những người khôn ngoan trong Ðức Kitô; chúng tôi là những kẻ yếu đuối, còn anh em là những người hùng mạnh; anh em là những người sang trọng, còn chúng tôi là những kẻ hèn hạ. Cho đến giờ này, chúng tôi phải chịu đói khát, trần trụi, bị xỉ vả và long đong, chính tay chúng tôi đã vất vả làm việc; khi bị chúc dữ, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi chịu đựng; bị thoá mạ, chúng tôi năn nỉ. Chúng tôi trở nên như đồ phế thải của thế gian này, và như cặn bã của mọi loài cho đến giờ này.
Tôi viết những điều này, không phải để làm nhục nhã anh em, nhưng tôi khuyến cáo anh em như con cái rất yêu dấu của tôi. Vì dẫu anh em có hàng vạn thầy dạy trong Ðức Kitô, nhưng anh em không có nhiều cha đâu; vì nhờ Tin Mừng, tôi đã sinh anh em ra trong Ðức Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 144, 17-18. 19-20. 21
Ðáp: Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người (c. 18a).
Xướng: Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm.
Xướng: Chúa thực hiện ý muốn của những ai tôn sợ Người, Người nghe tiếng họ kêu và Người cứu họ. Chúa gìn giữ tất cả những ai mến yêu Người, và Người hủy diệt hết mọi kẻ bất nhân.
Xướng: Miệng tôi hãy xướng lời ca khen ngợi Chúa, mọi loài huyết nhục hãy chúc tụng danh Chúa tới muôn đời.
Tin mừng: Lc 6, 1-5
1 Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa ; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. 2 Nhưng có mấy người Pha-ri-sêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát ?”
3 Đức Giê-su trả lời: “Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.”
5 Rồi Người nói: “Con Người làm chủ ngày sa-bát.”
Bài giảng của linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Theo gương Chúa Giêsu, hãy có lòng thương xót và biết nhìn bằng tinh thần cảm thông, tha thứ. Đừng nhìn nhau kiểu “bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, vì tội nguyên tổ mà tội lỗi đã tràn vào thế gian. Từ đó, lòng người trở nên nhỏ mọn, hay ghen tị và thích đè bẹp kẻ khác. Ca-in vì ghen tị mà nhẫn tâm giết em là A-ben. Con cái của Gia-cóp cũng vì ghen ghét mà bán em là Giu-se sang Ai-cập. Vua Sau-lê rắp tâm hãm hại Đa-vít cũng vì ghen tức. Các biệt phái theo Chúa và các môn đệ như một cái bóng để tìm cách bắt lỗi cũng vì ghen ghét Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã đến khai mở con đường yêu thương. Chúa đi tiên phong trên con đường đó và dạy con bước theo. Ai cũng có ưu điểm và có cả khuyết điểm. Chúa đã nhìn vào ưu điểm của mỗi người mà cứu vớt họ. Chúa đã gọi một Phê-rô chân thành, Chúa đã chọn một Mát-thêu dứt khoát. Chúa không ngần ngại đến nghỉ tại nhà ông Gia-kêu, Chúa không lầm khi tha tội cho người phụ nữ ngoại tình… Xin cho con có cái nhìn như Chúa. Xin cho con mạnh dạn bước theo Chúa trên con đường yêu thương.
Xin Chúa thanh luyện đôi mắt con để con nhìn thấy những ưu điểm của anh chị em con. Xin Chúa hướng dẫn đôi tay con để con đối xử tử tế với mọi người. Xin uốn nắn miệng lưỡi con, cho môi miệng con bớt chua ngoa, chì chiết người khác, và thay vào đó bằng lời khích lệ nâng đỡ tha nhân.
Xin Chúa dìu con đi bằng ơn thánh của Chúa, để con đủ sức đi trọn con đường yêu thương. Amen.
Ghi nhớ:“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat ?”
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
Chúa Giêsu và biệt phái tranh luận nhau về việc sống ngày Sa bát:
Biệt phái chỉ biết giữ luật nghỉ ngơi ngày Sabát. Nên khi họ thấy các môn đệ của Chúa Giêsu bứt lúa trong ngày này thì họ lên án.
Chúa Giêsu hiểu luật Sabát nhằm giải phóng con người, nên trách biệt phái đã quá câu nệ ý nghĩa của luật mà không hiểu tinh thần.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Ngày Chúa nhật, nếu tôi chỉ biết nghỉ việc và đi Lễ thì chưa chắc tôi đã “thánh hóa” ngày đó theo đúng ý muốn của luật Giáo hội. Tôi còn phải yêu mến Chúa nhiều hơn và quan tâm đến anh em tôi hơn.
2. Nếu tôi giữ luật chỉ vì đó là luật thì việc giữ luật của tôi không đem lại lợi ích thực nào cho tôi mà lại thêm nặng nề khó chịu. Nếu tôi buộc người khác giữ luật chỉ vì đó là luật thì cũng chẳng có ích lợi gì cho người khác, trái lại càng làm cho người khác khổ sở thêm.
3. “Con người là chủ của ngày hưu lễ”: Chúa Giêsu là chủ của ngày Chúa Nhật. Ngày Chúa Nhật tôi có quy hướng mọi sự về Chúa Giêsu không ?
4. “Con người làm chủ ngày Sabát.” (Lc 6,5).
Hồi bé, tôi luôn phải nghe đi nghe lại điệp khúc: “nghỉ chơi đi lễ, lễ xong về chơi chẳng muộn”. Vâng, tôi đã đi lễ, nhưng đi một cách miễn cưỡng. Giáo hội thật “ác”, đặt ra bao điều phải theo.
Bây giờ tôi đến với Thánh lễ không phải vì những luật lệ, những “điệp khúc” hồi bé, nhưng bằng chính tấm lòng, bằng sự khao khát của con tim, của tâm hồn muốn có được sự bình an vĩnh cửu. Nghĩ lại, tôi thầm cám ơn Chúa vì những luật lệ trong Hội thánh.
Lạy Chúa, xin cho con đến với Chúa không phải vì lề luật đòi buộc, nhưng với cả tấm lòng một người con. (Hosanna).
5. Mầm khác.
A-rit-tit là một tướng lãnh và chính trị gia nổi tiếng của Hy Lạp vào thế kỷ thứ V trước công nguyên. Ông thanh liêm tới nỗi dân chúng đã tặng ông biệt hiệu “A-rit-tit người công chính”
Nhưng càng được người đời khen ông lại càng có nhiều kẻ thù. Và các đối thủ của ông đã cấu kết với nhau để kết án ông 10 năm lưu đày.
Có một thị dan không biết chữ, vừa khi thấy A-rit-tit đứng ở một góc phố mà chẳng biết đó là chính kẻ mới bị kết án, người ấy bèn nhờ ông viết tên A-rit-tit vào vỏ sò.
Sau khi đã viết xong và trao vỏ sò cho người ấy, A-rit-tit mới hỏi:
-Tại sao,ông viết phiếu ủng hộ việc bắt A-rit-tit đi đầy.
Người ấy trảlời:
-Tại sao ư ? Bởi vì tôi không thể nào chịu được khi nghe thiên hạ cứ gọi ông ta là người cống chính, thế thôi.
Không chịu được sự hiện diện của người công chính có thể là vì ghen tương mà cũng có thể là tại không muốn cải thiện cuộc đời.
Trong sách Khôn Ngoan có thuật lại việc những kẻ gian ác về hùa với nhau và bàn tính tiêu diệt người công chính. Vì nếp sống của người công chính làm cho chúng bực mình. Nhất là vì nếp sống ấy luôn luôn đập vào mắt chúng như một lời khiển trách. Và thế là chúng hết chịu nổi.
Thay gì nhìn vào những người anh em có cuộc đời gương mẫu để tự kiểm điểm và tu chỉnh, phải chăng có khi chúng ta lại bỉu môi, dèm pha, hoặc công kích ?
Ai lại không hiểu rằng một thái độ như thế chỉ có thể là biểu hiện của tính tự ái, hẹp hòi và cố chấp.
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Môn đệ bứt lúa vào ngày sabát (Lc 6,1-5)
- Ngày sabát nghỉ việc là để ghi nhớ việc Thiên Chúa nghỉ ngơi sau khi tạo dựng nên thế giới (Xh 20,8-11). Đồng thời nó cũng loan báo việc dân Thiên Chúa khi kết thúc thời gian, đi vào nơi yên nghỉ và bình an của Chúa.
Hôm nay Chúa Giêsu và biệt phái tranh luận nhau về việc sống ngày sabát. Biệt phái chỉ biết giữ luật nghỉ ngơi ngày sabát. Nên khi họ thấy các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa trong ngày này thì họ lên án. Chúa Giêsu hiểu luật ngày sabát nhằm giải phóng con người, nên trách biệt phái quá câu nệ chữ nghĩa của luật mà không hiểu tinh thần.
- Bộ luật của người Do thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho Maisen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong sách Lêvi và Đệ Nhị Luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ sabát, thuộc giới răn thứ ba trong thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.
Thực ra, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần dà, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ, luật sĩ, biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
- Câu chuyện trong bài Tin mừng hôm nay nói lên sự dị biệt của Chúa Giêsu và người biệt phái về ngày sabát, ví dụ như việc các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa ăn khi đi qua cánh đồng. Mọi sự việc tầm thường không đáng kể, nhưng cái tính hay ghen tương nghi ngờ, cái tính hay vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết của những người biệt phái đã gây nên cớ xung đột giữa họ với Chúa Giêsu về việc kiêng việc xác ngày sabát. Tính ghen tương hay soi mói và nghi ngờ thường xảy ra những xung đột và chia rẽ nhau trong đời sống cộng đoàn và xã hội.
Ngày sabát, bứt mấy bông lúa như thế chẳng có lỗi gì, luật chỉ cấm cày cấy hay gặt hái, nhưng những người biệt phái coi đó như việc gặt hái, là một trong những việc cấm làm trong ngày sabát. Đây là tính hay xét nét, khắt khe, quét nhà ra rác… để sinh ra mất lòng nhau.
- “Đức Giêsu trả lời: Các ông chưa đọc…”
Đức Giêsu bênh vực các môn đệ bằng cách giải thích cho họ nhớ lại những trường hợp được miễn giữ luật. Và Đức Giêsu đã rút ra từ Thánh kinh hai trường hợp được miễn giữ luật để minh chứng: 1Sm 21,1-6 và Ml 12,5-6. Ở đây Luca chỉ ghi lại trường hợp thứ nhất về câu chuyện vua Đavít cùng với thuộc hạ vì đói quá, nên đã ăn bánh trưng hiến trong đền thờ, thứ bánh mà chỉ dành riêng cho tư tế mới được ăn.
Nại đến bằng chứng này, Đức Giêsu muốn nêu lên rằng: được miễn giữ luật khi có việc tối cần, mà ở đây là trong lúc quẫn bách không có gì ăn cho đỡ đói ngoài thứ bánh trưng hiến (Lm. Trần Hữu Thành).
- Đức Giêsu nói: “Con người làm chủ ngày sabát” (Lc 6,5).
Trả lời phỏng vấn trước ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2005 tại Kohn, nước Đức, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 cho biết Ngài sẽ nói với các bạn trẻ khắp thế giới rằng: được làm người Kitô hữu thật tốt đẹp biết bao, bởi vì đây đó vẫn phổ biến một quan niệm rằng Kitô giáo chỉ gồm những luật lệ cấm đoán mà ta phải tuân giữ. Vị Đại Diện Đức Kitô cho thấy đời sống Kitô hữu có những luật lệ, nhưng đó là đôi cánh để đưa ta lên cao.
- Hôm nay lời Chúa nói với chúng ta rằng Ngài là chủ của ngày sabát, nghĩa là Ngài có quyền qui định luật lệ cho ngày lễ nghỉ nói riêng và mọi luật lệ tôn giáo. Chính những luật lệ ấy nâng chúng ta lên cao khỏi những khuynh hướng thấp lè tè của bản năng, để đến gần và nên giống Đức Kitô hơn.
- Đức Giêsu vẫn coi việc giữ luật là việc tốt, là việc đạo đức. Nhưng Ngài muốn rằng, việc giữ luật phải phát xuất từ tình thương; nếu không, việc giữ luật chỉ là việc đạo đức ở bên ngoài, mà bên trong không có thực chất. Giữ luật là thể hiện tình thương, không có tình yêu thương thì không còn phải là luật của Chúa.
- Truyện: Giữ luật một cách máy móc
Một người Do thái nọ qua đời. Sau khi đã khám nghiệm, các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng nghĩa y học và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất.
Giữa lúc đang chuẩn bị hạ huyệt người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, mọi người rất đỗi ngạc nhiên khi thấy kẻ chết đã sống lại.
Thế nhưng vị giáo trưởng chủ trì tang lễ ra hiệu cho mọi người thinh lặng, rồi nói với kẻ chết sống lại như sau:
– Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ, ông quả thực là người đã chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của các bác sĩ.
Nói xong ông truyền cho ban tang lễ đóng nắp quan tài lại và tiếp tục nghi thức an táng.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Trên đường trốn sự truy bức của vua Saulê, Đavít và các thuộc hạ đói không có gì ăn đã ăn bánh tiến (x. 1Sm 21,1-6), điều không được phép làm…, bánh tiến gồm mười hai ổ lớn được đặt trước nhà tạm (x. Lv 24,5-9). Vào ngày Sabát, bánh mới được thay, bánh cũ chỉ dành cho các tư tế.
Khi kể câu chuyện về vua Đavít, Đức Giêsu muốn cho thấy rằng nếu Đavít và các thuộc hạ có thể được miễn giữ luật liên quan đến bánh thánh thì Đức Giêsu và các môn đệ trong trường hợp nào đó cũng có thể được miễn giữ ngày Sabát thánh (x. 1Mcb 2,34-38).
Suy niệm
Người biệt phái bắt bẻ Chúa Giêsu và môn đệ Ngài, khi các môn đệ vì đói mà bứt bông lúa ăn trong ngày Sabát. Chúa Giêsu trả lời buộc tội của họ khi dẫn chứng vua Đavít đã vào đền thờ lấy bánh dành cho thượng tế để ăn cho đỡ đói. Qua đó, Chúa Giêsu nhấn mạnh giá trị cao cả nhất là hướng dẫn hành vi của con người vì con người chứ không cứng nhắc luật vì luật.
Như thế, Chúa Giêsu không đến để hủy bỏ Lề Luật như người biệt phái thường kết án Ngài, nhất là vi phạm ngày Sabát. Vào mỗi ngày Sabát, Ngài vẫn đến hội đường Do Thái đọc Kinh Thánh, như thế Ngài vẫn tuân giữ ngày Sabát, nhưng Ngài mặc cho ngày đó một ý nghĩa cao cả. Vì thế với ngày Sabát, Chúa Giêsu đưa ra ba viễn tượng sâu sắc hơn luật về ngày Sabát của người Do Thái:
- Chúa Giêsu xác nhận sự tôn trọng luật ngày Sabát. Tuy nhiên, Ngài nhấn mạnh: Phải vượt trên cách thực thi luật pháp cứng nhắc của người Pharisiêu, khi chú ý đến ý nghĩa nhân văn của ngày Sabát. Trình thuật các môn đệ bứt bông lúa trong ngày Sabát mà Chúa Giêsu bảo vệ, giải thích Lề Luật dưới ánh sáng của thánh ý Thiên Chúa: “Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabát”. Ngày Sabát nhắm đến sự sống viên mãn của con người (Mc 3,4; Mt 12,11-12).
- Chúa Giêsu hoàn thành ý nghĩa ngày Sabát như Ngài đến để kiện toàn Lề Luật (x. Mt 5,17): Đó là ngày của tình thương và giải thoát con người khỏi sự dữ trong sự hiệp thông với Thiên Chúa. Sứ mạng của Chúa Giêsu được hoàn tất trong việc trao ban cho nhân loại ân sủng để thực hiện ơn gọi của mình, bởi ơn gọi đó mà Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy đã tạo dựng con người. Ân sủng được ban trước hết cho những người bị tổn thương nơi thân xác và linh hồn, đó là: Những người đau yếu bệnh hoạn, những người tàn tật, những người đui mù, những người tội lỗi. Đối với Chúa Giêsu, ngày Sabát là ngày của hành động giải thoát.
- Chúa Giêsu là “Chúa” của ngày Sabát vì Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài đưa ngày Sabát đến viên mãn, qua đó Ngài mạc khải chính mình như là sự sống viên mãn, là cùng đích của giới luật ngày Sabát.
Trong ý nghĩa đó của ngày Sabát, Chúa Giêsu đã bộc lộ sự tự do và cứu chữa trong ngày Sabát đến mức dường như các phép lạ thường tập trung vào ngày này: Sau việc bứt bông lúa trong ngày Sabát (x. Mc 2,23-28; Mt 12,1-8; Lc 6:1-5); Chúa chữa lành người bị bại tay (x. Mc 3,1-6; Mt 12,9-14; Lc 6:6-11), Chúa chữa lành người phụ nữ còng lưng (x. Lc 13,10-17) và người mắc bệnh phù thũng (Lc 14,1-6). Chúa chữa người bị bại liệt ở hồ nước tại Bếtdatha (x. Ga 5,1-18) Chúa cho sáng mắt người mù từ khi mới sinh cũng trong ngày Sabát (x. Ga 9,1-41).
Xin Chúa dạy cho chúng ta hiểu biết tính tích cực của Lề Luật. Thực thi luật Chúa không phải là gánh nặng, nhưng với tất cả tình yêu thương như thánh Phaolô dạy: “Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13, 10)
Ý lực sống
“Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gc 2,8).
Tin tức liên quan khác
Hiệp Hành: Cùng đi với Chúa Kitô – Đức Cha Phêrô
Tĩnh Huấn Giới Trẻ Giáo Phận: Giới trẻ! Niềm hy vọng của Giáo Hội
Thứ Bảy tuần 25 Thường niên năm II (Lc 9,43b-45)
Thiên Chức Linh Mục – Một Đời Tạ Ơn
Đức Hồng Y Zuppi thăm Trung Quốc như một phần trong sứ vụ vì hòa bình ở Ucraina
Ý cầu nguyện tháng Tám 2024 của Đức Giáo hoàng: Cầu cho các nhà lãnh đạo chính trị
Ban Phụng Vụ – Giáo Phận Hà Tĩnh: Khóa Tập Huấn Thừa Tác Viên Ngoại Thường Trao Mình Thánh Chúa
Hội đồng Giám mục – Ngày làm việc thứ II của Đại hội XV