“Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm.” (Lc 8,8)
BÀI ĐỌC I (năm I): 1 Tm 6, 13-16
“Con hãy gìn giữ huấn lệnh cho tinh tuyền, cho tới ngày Chúa lại đến”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Ðấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được cho tới ngày Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô lại đến, mà tới thời đã định, Ðấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Ðấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy, hay có thể xem thấy: Vinh dự và quyền năng (xin kính dâng) cho Người muôn đời. Amen!
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 99, 2. 3. 4. 5
Ðáp: Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá (c. 2c).
Xướng: Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.
Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa; chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.
Xướng: Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người.
Xướng: Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ.
Tin mừng: Lc 8, 4-15
4 Người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giêsu. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: 5 “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất.
6 Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt.7 Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt.8 Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm”. Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe.”
9 Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì.10 Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu”.
11 “Đây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa.
12 Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ.
13 Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc.
14 Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành.
15 Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả”.
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Lời Chúa như hạt giống, lòng người như thửa ruộng. Hãy cầy xới mảnh đất tâm hồn để hạt giống Lời Chúa phát triển và sinh ra những hoa trái thánh thiện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đang gieo hạt Lời Chúa vào lòng con. Con có nhiệm vụ vun xới cho Lời Chúa nảy mầm, bám rễ vào lòng con. Chúa tin tưởng con, trao phó cho nhiệm vụ vun trồng cây đức tin và hằng ngày đợi chờ con dâng về Chúa những hoa trái việc lành phúc đức.
Con quyết không để lòng mình như vệ đường chai cứng. Con sẽ nghe theo tiếng lương tâm, sống theo lẽ phải. Con sẽ học hỏi Lời Chúa và giáo lý để luyện lương tâm con ngay thẳng, để Lời Chúa nảy mầm nơi tâm hồn con.
Xin cho lòng con đừng trở nên sỏi đá. Có nhiều lúc con muốn thực thi Lời Chúa nhưng lại ngại khó. Xin cho con đừng bỏ cuộc khi Tin Mừng đòi con cố gắng.
Xin cho con biết khai quang tâm hồn con khỏi những bụi gai thói hư tật xấu vốn phát triển nhanh theo tính tự nhiên. Cả những công ăn việc làm, cả những giải trí vui chơi khi đã trở nên đam mê, cũng là bụi gai bóp nghẹt Lời Chúa nơi con. Xin cho lòng con biết hướng về Chúa và vươn tới những điều cao đẹp.
Xin cho con biết siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Giao Hòa và bí tích Thánh Thể, để tâm hồn con trở thành mảnh đất tốt thích hợp cho Lời Chúa trổ sinh hoa trái thánh thiện trong đời sống con. Amen.
Ghi nhớ:“Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Phân tích
Đoạn Tin Mừng này mời gọi chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Nước Trời, sự tăng trưởng của nó cũng như thái độ đón nhận của con người.
1. Mầu nhiệm Nước trời
Dụ ngôn người gieo giống chính là dụ ngôn nói về mầu nhiệm Nước Trời trong chiều kích cánh chung. Nước Thiên Chúa như hạt giống đã được gieo vãi và sẽ tiến triển tới mùa gặt. Lúc đó, Nước Thiên Chúa mới phát triển toàn vẹn. Trong quá trình phát triển, có lúc sẽ gặp trở ngại như những hạt rơi trên đường, rơi trên đá và rơi vào gai góc bị người ta chà đạp, chim trời ăn mất, thiếu nước hoặc bị chết ngộp giữa gai góc. Nhưng cuối cùng, Nước Thiên Chúa vẫn cứ phát triển và nảy nở tới mùa gặt bội thu vì không có một sức mạnh nào dù là của người ta hay ma quỷ có thể cản trở được.
2. Thái độ đón nhận của con người
Nhưng hiện thời, Nước Thiên Chúa đang trong giai đoạn triển nở. Vì thế, thái độ của con người đối với Nước Trời là vấn đề cần được lưu tâm. Đó cũng là sự bận tâm giải thích dụ ngôn trong hoàn cảnh hiện tại cùng tác giả Tin Mừng. Nước Chúa hay là Lời Chúa được rao giảng cho con người, nhưng người ta có đón nhận và làm triển nở được hay không. Đây chính là lý do của việc giải thích dụ ngôn: “Đã được ban cho các ngươi những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa”, còn đối với những người khác thì tác giả áp dụng cho họ tư tưởng của Isaia: “Họ nhìn mà không thấy; họ nghe mà không hiểu”.
Suy gẫm 1
– Nước Trời qua dụ ngôn này là một thực tại rất rõ ràng. Chỉ những ai không muốn đón nhận mới nhìn hay nghe mà không thể thấy, không thể hiểu. Chính thái độ đón nhận nửa vời của con người, mới làm cho hạt giống Nước trời hay Lời Chúa thui chột đi vì sự chai đá, vì những bận tâm thế tục hay vì sự lựa chọn không dứt khoát. Vì thế, Nước Trời sẽ không sinh hoa kết quả nơi họ. Trái lại, với những ai biết đón nhận, thì Lời Chúa và Nước Trời sẽ triển nở và đem lại kết quả dồi dào phong phú. Nơi bản thân những người đó, đôi lúc cũng có những cản trở, những khó khăn, nhưng với sự kiên nhẫn và “tâm tình thiện chí”, họ sẽ vượt qua và đạt đến thắng lợi cuối cùng.
– Dụ ngôn người gieo giống thúc giục những ai muốn trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, khi đón nhận sứ điệp Tin Mừng, phải luôn nghiêm túc kiểm thảo và lượng giá mọi phản ứng nơi mình. Vì có nhiều cản trở từ bên ngoài lẫn bên trong con người là những đe dọa không để nó phát triển. Vì thế, chỉ những ai quảng đại và kiên trì đương đầu với những trở ngại đó mới trở thành môn đệ của Chúa và chỉ có họ mới có thể sinh hoa kết quả trong đời sống đạo đức của mình.
– Vậy lời cuối cùng của chúng ta ở đây không phải là xếp loại mình thuộc mảnh đất nào: đường đi, đá sỏi hay bụi gai, nhưng là nỗ lực để biến tất cả trở thành mảnh đất trù phú để Lời Chúa sinh hoa kết quả và Nước Chúa bám rễ sâu trong đời sống của mình. Giờ đây, ơn Chúa trong bàn tiệc Thánh sẽ giúp chúng ta làm công việc đó cùng với nỗ lực của riêng bản thân chúng ta.
Suy gẫm 2
– Dụ ngôn người gieo giống mà Chúa Giêsu giải thích cho thấy lòng quảng đại vô bờ bến của Thiên Chúa và sự đáp trả cần có của con người trước ân huệ của Thiên Chúa.
Lòng quảng đại của Thiên Chúa được diễn tả qua cách thức gieo giống: người gieo giống làm như không bận tâm gì đến mức phí tổn ghê gớm do số lượng hạt giống mình gieo vãi và cũng không lo chọn chỗ đất này, bỏ chỗ đất nọ. Dĩ nhiên, Chúa Giêsu có tả theo kiểu canh tác ở quê hương Ngài là gieo hạt trước rồi mới cày úp sau (nên mới có chuyện gieo cả trên đường mòn người ta qua lại, gieo trên chỗ có đất sỏi, gieo vào bụi cây gai) nhưng chủ đích Chúa nhắm nhiều hơn, đó là diễn tả về lòng Thiên Chúa hậu hĩnh, quảng đại trong việc ban ơn: Ngài không dè xẻn, không phân biệt, lựa lọc kẻ xấu, người tốt. Ai cũng được Ngài yêu thương, yêu thương vô điều kiện. Vì thế, có một số tín hữu đi đến chỗ ỷ nại vào tình thương Chúa. Họ lý luận, con người không cần phải cố gắng vẫn được cứu độ, vì Chúa đã thương ban ơn vô điều kiện, bởi đó họ cứ việc sống buông thả, phóng túng.
– Lời Chúa Giêsu giải thích về dụ ngôn trở nên lời nhắc nhở cảnh cáo một số tín hữu ỷ nại vào tình thương Chúa, sống buông thả, phóng túng. Đành rằng, Thiên Chúa quảng đại, nhưng phía con người cũng phải tích cực trong việc nhận lãnh ơn và phát huy ơn Ngài. Những kẻ lười biếng và bê tha sẽ giống như bụi gai làm chết ngạt hạt giống hay những hòn đá làm hạt giống héo rụi vì không có đất màu. Chỉ những kẻ biết dùng sự tự do Chúa ban mà quảng đại cộng tác với ơn Chúa để Lời Chúa trổ sinh dồi dào như hạt giống nở thành hàng chục, hàng trăm hạt khác.
– Ai trong chúng ta cũng hiểu và đích thân cảm nhận điều đó trong cuộc sống: không có gì tốt đẹp nảy sinh từ những kẻ ươn hèn hoặc phung phí ân huệ, tài năng Chúa ban. Dĩ nhiên, Chúa không đòi ta phải có những thành quả cụ thể ngay cho bằng đòi ta kiên trì cố gắng. Tiến triển nhiều hay ít không quan trọng bằng có quyết tâm và ngày ngày thể hiện quyết tâm ấy.
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Dụ ngôn người gieo giống (Lc 8,4-15)
- Khi đi truyền giáo, Đức Giêsu đi rao giảng về Nước Thiên Chúa hay Nước trời. Đây là những ý tưởng quá trừu tượng mà thính giả phần lớn là dân quê, ít học, ngay các Tông đồ nòng cốt cũng ở trong tình trạng đó. Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống đi gieo lúa để nói về hạt giống Lời Chúa. Theo đó, Lời Chúa như hạt giống được gieo vào lòng mọi người, để có thể phát triển và sinh hoa kết quả tùy theo thái độ đón nhận của từng người: có người không chấp nhận, có người chấp nhận với thái độ ơ hờ lạnh nhạt, có người đón nhận với lòng thành để Lời Chúa có thể sinh hoa kết quả dồi dào gấp 30, 60 hay 100 lần.
- Để dễ hiểu dụ ngôn này, chúng ta cần biết phương pháp gieo giống của người Do thái thời Đức Giêsu. Theo kỹ thuật canh tác thông thường, người nông dân cày xới đất trước, rồi mới gieo vãi hạt giống. Nhưng vào thời Đức Giêsu, người nông dân Palestina xem ra đảo ngược phương pháp canh tác ấy khi họ gieo vãi rồi mới cày xới. Với kỹ thuật canh tác này dĩ nhiên người nông dân xem ra không nhọc công nhưng lại phí phạm rất nhiều hạt giống. Vì vậy, người nông dân không tính toán, không loại trừ. Cả mảnh đất màu mỡ lẫn mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người đi gieo không bỏ rơi mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Ông luôn muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp mọi nơi.
- Hôm nay Đức Giêsu kể dụ ngôn người gieo giống và mạc khải cho biết: người gieo giống là Thiên Chúa. Hạt giống là Lời của Người qua các tổ phụ, tiên tri và sau hết là chính Đức Giêsu. Tuy nhiên, thân phận hạt giống thì khác nhau, vì thế, có hạt bị quên lãng, bỏ ngoài tai và vô tâm, chỉ 1/4 là được đón nhận. Lý do thân phận của hạt giống bị hư hoại nhiều, là vì sự chai cứng trên lối mòn hay bởi gai góc, đá sỏi cằn khô. Chỉ 1/4 số hạt gieo vãi được may mắn rơi vào đất tốt, đủ điều kiện để hạt giống nảy mầm, đơm bông kết trái. Hình ảnh này cho thấy thực trạng của xã hội chúng ta hôm nay cũng đang bị đủ thứ gai góc, sỏi đá và lối mòn đe dọa đến hạt giống của Lời Chúa (Ngọc Biển).
- Tâm hồn mỗi người là một thửa ruộng, và không có thửa ruộng nào vô ích. Thiên Chúa sẽ gieo hạt giống Lời Chúa vào mỗi tâm hồn không loại trừ. Việc gieo Lời Chúa lúc nào cũng dồi dào phong phú, còn phía chúng ta, chúng ta sẽ đón nhận Lời Chúa với thái độ nào? Theo bài Tin mừng, Đức Giêsu đã phân chia thành 4 loại đất mà người nông phu gieo hạt giống. Bốn loại đất ấy tiêu biểu cho 4 thái độ của con người trước Lời Thiên Chúa:
* Đất vệ đường: những kẻ chẳng tha thiết gì đến Lời Chúa. Lời gieo xuống đó chẳng bao lâu thì bị quỷ dữ cướp đi.
* Đất lẫn sỏi đá: những người mau mắn đón nhận Lời Chúa nhưng không quý chuộng bao nhiêu. Khi gặp chút gian khó là bỏ cuộc.
* Đất có nhiều gai: những người cũng đón nhận Lời Chúa, nhưng điều họ quan tâm hơn là những đam mê, vui thú, của cải… Các thứ sau này như gai góc um tùm dần dần làm cho Lời Chúa bị chết nghẹt.
* Đất tốt: những người sốt sắng đón nghe Lời Chúa, ghi sâu vào trong tâm hồn và quảng đại đem ra thi hành trong cuộc sống.
- Hạt giống nào cũng ẩn chứa những hy vọng; bông hoa nào cũng mang đến những niềm vui. Dẫu biết rằng có những hạt giống bị hư hao do các loại tâm hồn vệ đường, đá sỏi, bụi gai, nhưng người gieo giống – hình tượng của Thiên Chúa – vẫn lạc quan, vì hy vọng sẽ có những hạt rơi vào tâm hồn đất tốt, để rồi sinh hoa kết hạt bội thu. Có vẻ như thất bại của các hạt giống càng lúc càng gia tăng: hạt giống chưa kịp nảy mầm bị chim trời ăn mất, hạt giống đã nảy mầm nhưng bị chết héo, hạt giống đã thành cây con nhưng bị chết ngạt. Thế nhưng, chỉ cần vài hạt giống rơi vào đất tốt, hạt gấp trăm, chẳng những bù đắp những hư hao, và còn dư dật phong phú. Dụ ngôn cho ta cái nhìn lạc quan về Nước trời, về việc nên thánh của người con cái Chúa (5 phút Lời Chúa).
- Truyện: Hạt giống bông lau
Trong số những vị anh hùng xây dựng Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, phải kể đến Benjamin Franklin, tạ thế năm 1790. Ông là một văn sĩ, nhà ấn loát và xuất bản; lại còn là một nhà phát minh, một khoa học gia, thương gia và nhà ngoại giao. Một hôm, ông nhận được món quà từ Ấn độ. Đó là một cây chổi bông lau. Nhìn cây chổi, ông thấy có vài hạt còn dính lại ở đó, ông đã nhặt ra và lấy đem gieo, thế là hạt giống nảy mầm, sinh hoa kết hạt. Tới mùa gặt, ông lại lấy những hạt giống đó đem phân phát cho các bạn bè xóm ngõ. Tất cả đều đem gieo, và chẳng bao lâu, Hoa Kỳ đã có một kỹ nghệ làm chổi bông lau phát đạt rải rác khắp nơi trong quốc gia. Đó cũng là nhờ Benjamin đã có sáng kiến, biết lợi dụng vài hạt giống nhỏ mọn.
Chúng ta có thể rút ra được bài học qua kinh nghiệm này: sau khi đã tìm hiểu Lời Chúa, chúng ta phải quyết tâm lắng nghe, thực hành và phổ biến Lời Chúa cho người khác. Muốn cho cuộc đời chúng ta sinh hoa kết quả, muốn cho bản thân thành đạt trên đường đời, hãy kiểm tra ruộng lúa tâm hồn thường xuyên và kỹ lưỡng như người nông phu luôn biết săn sóc ruộng sạ của mình. Càng vất vả cày bừa, diệt cỏ, càng can đảm diệt tính hư nết xấu, Lời Chúa gieo xuống, càng đem lợi ích cho cuộc đời chúng ta.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Nhờ nghe Lời Chúa, dân thành Ninivê ăn năn trở lại và được cứu rỗi.
Nhờ nghe Lời Chúa, vua Đavít bắt đầu nhận thấy tội lỗi nặng nề của mình và ăn năn thống hối, trở thành một vị vua thánh thiện.
Nhờ nghe Lời Chúa, Âugustinô bắt đầu xấu hổ về những tội mình đã phạm hồi còn trẻ, ăn năn hối cải, trở lại với Chúa, và trở thành một vị giám mục thông thái, thánh thiện.
Nhờ nghe Lời Chúa, Phanxicô Xaviê đã từ bỏ những đeo đuổi vinh sang trần tục, ra đi làm việc tông đồ để trở thành một trong những nhà truyền giáo danh tiếng nhất của Giáo hội.
Suy niệm
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trình bày giáo huấn nước Thiên Chúa qua dụ ngôn về người gieo giống và giải thích dụ ngôn đó. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa dụ ngôn và những lời giải thích dụ ngôn.
Khi trình bày dụ ngôn, Chúa nhấn mạnh đến sự hiệu nghiệm của hạt giống, dù có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá, có hạt rơi vào bụi gai, nhưng cũng có hạt rơi trên đất tốt và sinh hoa kết quả gấp trăm. Thiên Chúa là người gieo hạt giống đã làm tất cả để hạt Lời Ngài giảng dạy nảy sinh mầm.
Khi giải thích dụ ngôn cho các môn đệ, Chúa Giêsu như muốn nhấn mạnh đến sự cộng tác của con người để làm cho Lời Chúa được sinh hoa kết quả. Hạt giống Lời Chúa sinh hoa trái, nhưng còn phụ thuộc vào mảnh đất có được canh tác tốt. Mảnh đất phải được dọn cỏ, phải được nhặt những viên đá để hạt giống Chúa được tự do tăng trưởng, được sinh hoa kết trái mang lại lợi ích thiêng liêng cho cuộc sống.
Dẫu biết rằng tâm hồn mình còn nhiều sỏi đá, cỏ lùng, đừng thất vọng mà để hoang tàn, nhưng xin vẫn cứ chăm chỉ: Chăm chỉ nhặt sỏi, chăm chỉ nhổ cỏ, vun trồng chuẩn bị tốt cho mảnh đất của đời mình để sẵn sàng đón nhận hạt giống được gieo trong mùa màng hồng ân. Khi mùa gặt tới, mong rằng, mảnh đất đời tôi, đời bạn nuôi dưỡng giống, ít nhất cho những hạt sinh được ba mươi…
Ý lực sống
“Chúa đã viếng thăm ruộng đất và tưới dội: Ngài làm cho đất trở nên phong phú bội phần” (Tv 64,10).
Tin tức liên quan khác
Chiêm ngắm những vết thương ở bàn chân của Đức Kitô (bài 4)
Diễn từ Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho phái đoàn trao Giải thưởng “È Giornalismo” năm 2023
Các phản ứng đối với “Fiducia supplicans”: tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin
Người biến đổi hình dạng (06.08.2023 – Lễ Chúa Hiển Dung)
Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho phái đoàn của Liên đoàn Quốc tế các Đại học Công giáo
Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha tại Hội nghị quốc tế về thường huấn cho các linh mục
Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho thành viên Ngoại giao đoàn cạnh Tòa thánh, năm 2024
Lối sống của chúng ta và hành tinh đang kiệt quệ