Thứ Bảy tuần 27 Thường niên năm II – Tuân giữ Lời Chúa (Lc 11,27-28)

Đúng hơn phải nói rằng:
Phúc thay kẻ lắng nghe
và tuân giữ lời Thiên Chúa”.
(Lc 11,28)

BÀI ĐỌC I (năm II): Gl 3, 22-29

“Tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, Thánh Kinh đã giam giữ mọi loài dưới ách tội lỗi, để nhờ lòng tin vào Ðức Giêsu Kitô mà lời hứa được ban tặng cho những kẻ tin.

Nhưng trước khi đức tin chưa đến, thì chúng ta bị giam giữ dưới ách lề luật, để mong chờ đức tin sẽ được tỏ hiện. Bởi thế, lề luật là thầy dạy đưa chúng ta đến cùng Ðức Kitô, để nhờ đức tin, chúng ta được công chính hoá. Nhưng một khi đức tin đã đến, chúng ta không còn ở dưới quyền thầy dạy nữa. Bởi chưng, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô. Vì chưng, tất cả anh em đã chịu phép rửa tội trong Ðức Kitô, nên anh em đã mặc lấy Ðức Kitô. Nay không còn phân biệt người Do-thái và Hy-lạp, người nô lệ và tự do, người nam và người nữ: vì tất cả anh em là một trong Ðức Giêsu Kitô. Nhưng nếu anh em thuộc về Ðức Kitô, thì anh em là dòng dõi Abraham, những kẻ thừa tự như lời đã hứa.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 104, 2-3. 4-5. 6-7

Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).

Xướng: Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. Hãy tự hào vì danh thánh của Người, tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. 

Xướng: Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều Ngài phán quyết.

Xướng: Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những người được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu.

 

Tin mừng: Lc 11,27-28

27 Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!

28 Nhưng Người đáp lại: Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Hạnh phúc đích thực cho những ai biết cưu mang Chúa trong tâm hồn, để Chúa hiện diện trong cõi lòng, để tinh thần Chúa biểu lộ qua cách ăn nết ở, đó mới là người thực sự liên hệ với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con hình dung cảnh đám đông người Do thái vây quanh Chúa. Họ đang trầm trồ thán phục vì được chứng kiến những phép lạ phi thường và được nghe những lời giảng dạy khôn ngoan của Chúa. Những người phụ nữ mơ ước có một người con tài giỏi như Chúa. Người mẹ sinh ra Chúa thật phúc đức. Một trong số những phụ nữ đó đã không kìm được lòng ngưỡng mộ chợt thốt lên: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang Thầy và cho Thầy bú”. Và Chúa đáp lại: “Đúng ra là: phúc thay ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa”. Con nhận ra câu trả lời của Chúa ẩn chứa một bài học dạy con. Mẹ Maria là người được chúc phúc không phải chỉ vì Mẹ được phúc cưu mang Chúa, nhưng nhất là vì suốt đời Mẹ đã cưu mang Chúa trong tâm hồn. Mẹ kết hợp với Chúa trong kinh nguyện, Mẹ gặp gỡ Chúa trong Thánh Kinh. Mẹ đã hòa hợp ý mình với Thánh Ý Chúa. Mẹ đã mong chờ điều Chúa chờ mong: Mong ơn cứu độ sớm được thực hiện. Mẹ đáng được chúc phúc vì Mẹ chuyên tâm lắng nghe Thánh Ý Chúa và hết lòng thực hiện.

Lạy Chúa, Chúa không muốn giới hạn người thân trong mối dây huyết tộc mà thôi, nhưng đã mở rộng sang mối dây thiêng liêng. Mối dây thiêng liêng của đức tin đã liên kết mọi người trên thế giới trở thành anh chị em và thành con Thiên Chúa. Phần con, dù chẳng là mẹ hay là anh em họ hàng với Chúa, nhưng xin cho con biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa, để con trở nên người thân của Chúa và xứng đáng được Chúa chúc phúc. Amen.

Ghi nhớ: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống…)

1. Trong đoạn này, Chúa Giêsu muốn đề cao những người lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đề cao họ bằng cách coi họ còn trọng hơn mẹ ruột của Ngài.

2. Nhưng nói thề không phải là Chúa Giêsu coi rẻ Đức Maria, trái lại còn gián tiếp ca tụng Người: Người vừa là mẹ ruột đã sinh ra Ngài, vừa là một người luôn lắng nghe và thực hiện lời Thiên Chúa.

B. Suy niệm (…nẩy mầm)

1. Lắng nghe và giữ lời Chúa: Trong Tin Mừng Luca, rất nhiều lần Chúa Giêsu đề cao việc lắng nghe và giữ lời Chúa (Thí dụ chuyện Mác-ta và Maria). Hôm nay một lần nữa Chúa Giêsu đề cao những kẻ lắng nghe và giữ lời Ngài, thậm chí coi họ còn trọng hơn mẹ ruột của Ngài nữa.

2. Diễm phúc của Đức Mẹ: Phúc cho Mẹ không phải vì đã cho Chúa bú mớm, nhưng vì đã để lời Ngài biến thành xương thịt của mình. Trong thinh lặng, Mẹ đã nghiền ngẫm và để lời Chúa thành chính sự sống của Mẹ (Trích Mỗi ngày một tin vui)

3. Có 3 cách đọc Lời Chúa:

– Coi Lời Chúa như dầu gió: Khi bạn nhức đầu nóng lạnh, bạn xức dầu vì biết nó tốt cho sức khoẻ của bạn.

– Coi Lời Chúa như chiếc bánh bông lan: tuy khô khan khó nuốt nhưng cũng ngon và bổ.

– Coi Lời Chúa như quả đào, vừa mát vừa ngọt vừa bổ dưỡng.

Bạn đã đạt tới mức độ thứ ba chưa ?

4. Một bà kia rất thường đọc Sách Thánh và đọc rất sốt sắng. Khi được hỏi tại sao thì bà dùng một thí dụ để giải thích:

Hôm qua tôi nhận được một bức thư của một người tôi rất quý mến. Tôi đã đọc rất chăm chú và đọc đi đọc lại tới 5 lần. Không phải vì tôi không hiểu lời lẽ trong thư vốn đã quá rõ, nhưng vì tôi biết đó là những lời của một người rất thương tôi và tôi cũng rất thương người đó (United Presbyterian).

5. Bài Tin Mừng hôm nay bổ túc ý nghĩa cho bài hôm Thứ Ba (Lc 10,38-42: chuyện Mác-ta và Maria): phải dùng cả đôi tay phục vụ lẫn đôi tai lắng nghe Lời Chúa. Nói cách khác, phải thống nhất đời sống.

6. Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa (Lc 11,28)

Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Thiên sứ đã cất lời ngợi khen ấy với người trinh nữ được Thiên Chúa tuyển chọn. Mẹ không chỉ là người cưu mang và cho Chúa Giêsu bú mớm mà còn là người tôi tớ trung thành nhất của Thiên Chúa. Từng giây từng phút, Mẹ sẵn lòng đón đợi và thực thi Thánh Ý. Gương sống khiêm nhường và trung thành của Mẹ đã là một bằng chứng chân thật cho các bài giảng của Chúa Giêsu.

Mỗi ngày tôi vẫn ca vang Mẹ là người đầy ơn phúc. Nhưng tôi biết chắc Mẹ chưa hài lòng với những câu chúc tụng suông. Người muốn tôi thắng vượt thói xấu, mỗi ngài lại trở nên tốt đẹp hơn.

Cầu nguyện: 

Con cầu nguyện với Mẹ qua chuỗi Mân Côi mỗi ngày, để chuẩn bị tâm hồn lãnh nhận và tuân giữ lời Thiên Chúa. (Hosanna)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Thứ bảy tuần 27 thường niên: Thế nào là hạnh phúc thực sự (Lc 11,27-28)

  1. Giữa đám đông đang nghe Đức Giêsu giảng, có một phụ nữ, vì cảm phục trước việc Chúa làm phép lạ trừ quỷ câm, ngây thơ không biết khen ngợi Chúa thế nào, đã thốt ra câu khen ngợi Mẹ Ngài: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”. Nhưng Chúa nói: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Chúa”. Chúa nói thế không phải là Ngài coi rẻ Đức Maria, trái lại còn gián tiếp ca tụng Người: Người vừa là Mẹ ruột đã sinh ra Ngài, vừa là một người luôn lắng nghe và thực hiện lời Thiên Chúa.
  2. Dân gian có câu: “Một người làm nên cả họ thơm lây…” Khi thấy sự thành công của Chúa Giêsu đầy quyền năng trên quỷ thần, giảng dạy hay, chữa nhiều bệnh tật, dân dân lũ lượt theo Người… thì một người phụ nữ trong đám đông kêu lên: “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú mớm”. Xét theo phương diện này, thì Mẹ Maria là Đấng đầy ơn phúc đã cưu mang Chúa Giêsu và cho Người bú mớm. Tuy nhiên, hiểu rộng ra, đây cũng là cái phúc chung cho mọi người chúng ta. Bởi vì Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa, và cũng được hiểu Lời Chúa là chính Chúa. Cho nên, khi chúng ta yêu mến Lời Chúa, năng đọc và suy gẫm Lời Chúa, chính chúng ta đang làm mẹ cưu mang Chúa trong tâm hồn, và đang làm cho Chúa được lớn lên trong ta (Hiền Lâm).
  3. Diễm phúc thứ nhất là Đức Mẹ đã sinh ra Chúa Cứu Thế, và hạnh phúc thứ hai là Mẹ đã thực hành Lời Chúa. Trong Tin mừng hôm nay chính Chúa Giêsu đã dành cho mẹ Ngài một lời ca tụng đẹp đẽ nhất: đã nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa. Phúc cho mẹ không phải chỉ vì mẹ đã cho Chúa bú mớm, nhưng còn vì Mẹ đã ân cần đón nhận lời Chúa, mẹ đã suy niệm và để lời Chúa thành chính sự sống của mẹ. Quả thực, không có ai đã nghe lời Chúa và thực hành lời Chúa bằng Đức Mẹ. Tóm lại, Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu, vừa sống đời sống của Chúa, vừa sống đúng lời Chúa, nên mẹ đã được hai diễm phúc: một là đã sinh ra Chúa, dưỡng dục Chúa, hai là đã thực hành Lời Chúa, nên mẹ là người hoàn hảo nhất. (Lm. Phạm Văn Phượng).
  4. Trong cuộc sống, có nhiều điều làm cho chúng ta được vui vẻ, hạnh phúc: một lời khen chân thành, một bản nhạc du dương, một bức tranh tuyệt đẹp, một trận bóng hấp dẫn, một gia đình ấm êm… Khi nghe Đức Giêsu giảng, một người phụ nữ đã cất tiếng khen ngợi Mẹ Maria là người hạnh phúc, vì Mẹ đã cưu mang, sinh hạ và dưỡng nuôi Đức Giêsu. Đáp lại, Đức Giêsu đã mạc khải một chân lý quan trọng: Đức Maria là người diễm phúc nhưng không phải chỉ vì tương quan huyết nhục với Đức Giêsu, mà trên hết, vì Mẹ luôn lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Lắng nghe và thực hành Lời Chúa làm cho chúng ta được hạnh phúc, vì được trở nên người thân thuộc trong gia đình của Người. Gắn bó mật thiết với Lời Chúa giúp chúng ta xây căn nhà cuộc đời trên nền đá vững chắc, không một sức mạnh nào có thể tàn phá được.
  5. Chúa Giêsu đáp rằng: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa”. Nói như thế, Chúa Giêsu không có ý phủ nhận vai trò của Mẹ Maria trong việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng, nhưng qua những lời trên đây, Ngài mạc khải mối tương quan sâu xa giữa Ngài và Mẹ Maria; mối tương quan ấy không chỉ dừng lại ở huyết nhục, nhưng hơn ai hết, Mẹ là người đã triệt để lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa; cả cuộc đời Mẹ, từ biến cố truyền tin cho đến khi đứng dưới chân Thập giá, Mẹ đã đón nhận Lời Chúa, qua tiếng Xin Vâng.
  6. Một đời sống đạo đức gương mẫu vẫn luôn là một hấp lực và tác động người khác hơn cả những gì được viết trong sách vở. Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Đó là mối phúc mà ai trong chúng ta cũng có thể đạt được. Ước gì chúng ta tìm được hạnh phúc trong việc cưu mang Lời Chúa; cưu mang bằng cách lắng nghe, đón nhận và tuân giữ, để rồi một khi Lời Chúa đã trở nên sức sống, chúng ta có thể đem sự sống đó đến cho những người chung quanh chúng ta.
  7. Truyện: Thực hành Lời Chúa dạy

Có người nô lệ da đen kia đạo đức và trung thành, do được chủ mến chuộng, mỗi khi cần có thêm đầy tớ trong nhà, chủ thường dẫn theo người nữ tỳ da đen này để cô chọn cho chủ.

Một hôm, cô đã chọn một ông già có tật. Chủ nhất định không chịu mua vì nghĩ rằng: hắn chẳng được việc và chẳng đáng giá. Nhưng vì cô nữ tỳ cứ nài nỉ mãi nên buộc lòng ông chủ phải mua người nô lệ già này bị bệnh nặng. Cô nữ tỳ săn sóc ông với tất cả tình của người con hiếu thảo. Ông chủ ngạc nhiên hỏi:

– Bộ ông ấy là cha mày, sao mày chăm sóc ông ấy kỹ như thế ?

Người nữ tỳ trả lời:

– Thưa ông, người kia không phải là bố cháu, cũng không phải là bà con của cháu, trái lại còn là kẻ thù của cháu nữa. Bởi vì khi cháu con nhỏ, hắn đã bắt cóc cháu khỏi vòng tay cha mẹ của cháu, bán cháu như một đứa nô lệ. Nhưng vì cháu là người Công giáo nên cháu luôn thực hành lời dạy của Chúa Giêsu: “Hãy tha thứ thì sẽ được thứ tha”.

 

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Có người hỏi thi sĩ François Coppée, người Pháp: “Ai làm cho ông nên tốt lành như thế ?”. Ông trả lời ngay, không chút do dự: “Đó là mẹ tôi!”.

Mẹ Maria khi được sứ thần loan tin cho biết Mẹ sẽ là Mẹ của Con Đức Chúa Trời, Mẹ xưng mình là tôi tớ của Đức Chúa Trời và luôn làm theo thánh ý Ngài.

Suy niệm

Ðức Giêsu giảng dạy khôn ngoan, làm phép lạ và những việc phi thường. Nghe dạy và thấy những việc Ngài làm, đám đông dân chúng ngưỡng mộ và chúc tụng Mẹ Ngài vì đã cưu mang và nuôi dưỡng một người con vĩ đại: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”. Tuy nhiên trước lời ca tụng đó, Chúa Giêsu khẳng định: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”. Ngài muốn mạc khải về hạnh phúc siêu nhiên hơn tự nhiên, hạnh phúc đó được xây dựng trên nền tảng lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.

Qua khẳng định này, Chúa Giêsu không phải là không muốn làm vinh danh Đức Maria, người Mẹ yêu dấu của mình, Chúa muốn nhấn mạnh nền tảng của mối phúc là lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, mà chính Mẹ Maria đang vui hưởng.

Thật thế, Mẹ Maria là người đầu tiên đã lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành khi được sứ thần loan báo thánh ý Thiên Chúa về chương trình cứu độ, Mẹ thưa: “Vâng, này tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi điều Ngài truyền”.

Bằng việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa, Mẹ Maria cộng tác với Chúa Giêsu, Con Mẹ khai mở một thế giới mới của ơn cứu rỗi và sự sống mới. Với lời thưa “xin vâng”, Mẹ đã trở nên gương mẫu cho chúng ta: Lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy, đem lại hạnh phúc…

Xin cho chúng con noi gương Mẹ biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong cuộc sống. Ðể chúng con trở nên như Mẹ, người có phúc.

Ý lực sống

“Điều đẹp ý Ngài, xin dạy con thực hiện” (Tv 143,10).