“Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói:
“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao ?” (Mc 4,38)
BÀI ĐỌC I: Dt 11, 1-2. 8-19
“Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng Sáng Lập”.
Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt. Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac, và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập. Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Đấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.
Chính trong đức tin mà tất cả những kẻ ấy đã chết trước khi nhận lãnh điều đã hứa, nhưng được nhìn thấy và đón chào từ đàng xa, đồng thời thú nhận rằng mình là lữ khách trên mặt đất. Những ai nói những lời như thế, chứng tỏ rằng mình đang đi tìm quê hương. Giá như họ còn nhớ đến quê hương dưới đất mà họ đã lìa bỏ, chắc họ có đủ thời giờ trở về. Nhưng hiện giờ họ ước mong một quê hương hoàn hảo hơn, tức là quê trời. Vì thế, Thiên Chúa không ngại để họ gọi mình là Thiên Chúa của họ, vì Người đã dọn sẵn cho họ một thành trì. Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Abraham đã dâng Isaac. Ông hiến dâng con một mình, ông là người nhận lãnh lời hứa, là người đã được phán bảo lời này: “Chính nơi Isaac mà có một dòng dõi mang tên ngươi”. Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã đón nhận con ông như một hình ảnh.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Lc 1, 69-70. 71-72. 73-75
Đáp: Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài (c. 68a).
Xướng: 1) Chúa đã gầy dựng cho chúng tôi một uy quyền cứu độ, trong nhà Đavít là tôi tớ Chúa. Như Ngài đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa. – Đáp.
2) Để giải phóng chúng tôi khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng tôi. Để tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng tôi, và nhớ lại lời thánh ước của Ngài. – Đáp.
3) Lời minh ước mà Ngài tuyên thệ, với Abraham tổ phụ chúng tôi, rằng Ngài cho chúng tôi được khỏi sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù. Phục vụ Ngài trong thánh thiện và công chính, trước tôn nhan Ngài, trọn đời sống chúng tôi. – Đáp.
Tin mừng: Mc 4, 35-41
35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.
37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.
Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao ?” 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.
40Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế ? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin ?” 41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu đang ở trên thuyền với các môn đệ. Ngài dùng quyền năng để dẹp tan sóng gió. Hôm nay Chúa cũng đang hiện diện trong cuộc đời chúng ta. Hãy lên tiếng cầu cứu, Chúa sẽ ra tay cứu giúp.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thật là thú vị khi chứng kiến cảnh Chúa dẹp tan bão táp giữa biển khơi. Phép lạ Chúa làm thật bất ngờ. Điều đó khơi dậy nơi tâm hồn con ý thức về một Thiên Chúa quyền uy và đầy sức mạnh.
Sống giữa biển đời với bao sóng gió gian nan thử thách, tâm hồn con chao đảo tưởng chừng như đắm chìm. Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin để con nhận ra Chúa đang hiện diện nơi cuộc đời con. Chúa vẫn “hiện diện một cách vắng mặt”, hiện diện một cách kín đáo.
Con muốn xác tín rằng: Thiên Chúa con tin thờ là Thiên Chúa quyền uy. Con biết rằng nếu Chúa muốn, Chúa sẽ ra tay dẹp yên sóng biển. Nhưng đối với con, điều quan trọng nhất là xin Chúa nâng đỡ cuộc đời con, để con vượt thắng những gian nan thử thách trong cuộc sống: một sự hiểu lầm, người thân đau ốm lâu ngày, mùa màng thất thu, con cái ngỗ nghịch ngang bướng…
Con tin Chúa vẫn đang hiện diện nơi cuộc đời con. Đôi vai trĩu nặng những trái ý, con không chịu đựng một mình nhưng được chia sẻ trên đôi vai của Chúa nữa. Xin giúp con nhận ra được sự hiện diện của Chúa trong gia đình. Sự hiện diện ấy là ánh sáng giúp nhận ra con người thật của con, như luồng sáng soi tỏ những hạt bụi li ti. Sự hiện diện ấy là sức mạnh đỡ nâng và giải thoát, như hôm nào trên biển, Chúa uy quyền dẹp yên bão tố. Amen.
Ghi nhớ:“Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người ?”
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
Các đoạn Tin mừng từ thứ Bảy tuần này đến thứ ba tuần sau lần lượt kể các phép lạ của Chúa Giêsu, mỗi Phép lạ mặc khải một khía cạnh khác của mầu nhiệm Chúa Giêsu.
Phép lạ dẹp yên bão tố này chứng tỏ uy quyền của Chúa Giêsu trên sức mạnh của thiên nhiên:
– Những chi tiết mô tả sức mạnh của thiên nhiên: Một trận cuồng phong, sóng ập vào thuyền, thuyền đầy nước, các môn đệ hoảng sợ…
– Những chi tiết mô tả sức mạnh ưu việt của Chúa Giêsu: Ngài vẫn ngủ, Ngài hăm đe gió và truyền cho biển, sau chỉ một lời truyền của Ngài gió liền tắt và biển lặng như tờ, sau phép lạ các môn đệ hỏi nhau: “Người là ai mà cả đến gió lẫn biển cũng tuân lệnh ?”
B. Suy niệm (…nảy mầm)
1. Vì Chúa là Chúa tể thiên nhiên nên khi nhìn thiên nhiên, chúng ta phải dâng lời ca tụng Chúa:
Chúc tụng Chúa đi mọi cơ binh thượng giới
Chúc tụng Chúa đi mặt trời với mặt trăng
Chúc tụng Chúa đi hỡi tinh tú muôn ngàn
Chúc tụng Chúa đi nào mưa sương tất cả
Chúc tụng Chúa đi mọi luồng gió cơn giông
Chúc tụng Chúa đi sức nóng với lửa hồng
Chúc tụng Chúa đi trời nồng và khí lạnh
Chúc tụng Chúa đi nào sương đọng mưa tuôn
Chúc tụng Chúa đi kìa trời đông tiết giá
Chúc tụng Chúa đi băng phủ tuyết rơi
Chúc tụng Chúa đi hỡi đêm ngày đắp đổi
Chúc tụng Chúa đi ánh sáng và bóng tối
Chúc tụng Chúa đi chớp giật với mây trôi
(Trần Văn 62)
2. Sức mạnh thiên nhiên cũng là những hiện tượng tự nhiên xảy đến trong cơ thể ta. Thí dụ: lúc ta khỏe khi ta bệnh, khi ta trẻ lúc ta già…
Có lúc sức khỏe suy sụp làm ta tưởng mình đang ở trên một chiếc thuyền gặp cuồng phong bão táp. Và khi đó hình như Chúa vẫn ngủ. Những thực sự Ngài không ngủ, Ngài vẫn là người lèo lái dẫn dắt thuyền đời của ta. Hãy phó thác cho Ngài dẫn dắt.
3. Thi sĩ Lord Tennyson và một người bạn đang đi dạo trong vườn hoa và cùng nhau trao đổi về những chủ đề thời thượng của quần chúng. Là một Kitô hữu, người bạn muốn biết thái độ của thi sĩ dối với Đức Kitô như thế nào. Sau mấy giây thinh lặng người bạn hỏi: “Anh có khi nào nghĩ về Đức Kitô không ?”
Tennyson đưa tay ngắt một bông hoa rực rỡ tỏa hương bên đường và nói: “Như mặt trời dối với đóa hoa thế nào, thì Đức Kitô dối với tôi cũng vậy.” (Góp nhặt)
4. “Người này là ai mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”
Khi cuộc chiến tranh kết thúc, tôi và các con di cư vào nam để tìm chống. Chúng tôi đã bám trụ trên mảnh đất Sài Gòn cho đến khi được tin tức chồng và biết được nơi ở hiện tại của anh ấy. Chúng tôi mừng lắm, vội vã tìm đến địa chỉ đó thì hỡi ơi, anh ấy đã phản bội đi theo người đàn khác bà giầu sang hơn. Cuộc đời tôi đến đây như đã hết. Tôi đau khổ và chỉ muốn chết thôi. Vì các con nên tôi đã tiếp tục sống và vượt qua tất cả những bất công, những cay đắng của cuộc đời. Trở về Hà nội ư ? Cón mặt mũi nào! Ở lại Saigòn này ư ? Tôi thẫn thờ bước đi cho đến khi gặp được một ngôi thánh đường. Tiếng chuông chiều như mời gọi. Thế là chúng tôi bước vào ngôi thánh đường. Chúng tôi bắt gặp một người đàn ông trần trụi trên Thập giá, trông còn tội nghiệp hơn chúng tôi nhiều. Như gặp được người đồng cảm với mình, chúng tôi liền quì xuống và thổ lộ tâm tình….Giờ thì tôi tìm được một nơi ở và công việc ổn định cho cuộc sống. Và Ngài đã trở thành người yêu của tôi, người cha của những đứa con tôi” (Trích lời tâm sự của một phụ nữ tân tòng)
Cuộc sống quanh ta có biết bao điều kỳ diệu. Và khám phá được quyền năng của Thiên Chúa, Đấng giúp chịta khỏi những hụt hẵng của cuộc sống, hiểu được ý nghĩa của hai tiếng yêu thương và tìm lại cho mình một cuộc sống hứng khởi.
Luôn có Chúa trong tâm hồn
Có một người đàn bà đạo đức nọ trong cơn bệnh thập tử nhất sinh, chỉ có hy vọng duy nhất để cứu sống là phải chịu một cuộc giải phẫu.
Người đàn bà chấp nhận cuộc giải phẫu với hy vọng còn tiếp tục sống để lo cho người con trai của bà.
Khi người ta bắt đầu giải phẫu, bà yêu cầu cho con bà được chứng kiến những giờ phút đau đớn của bà. Thời đó chưa có thuốc tê cho nên bệnh nhân thường phải trải qua những đau đớn khủng khiếp.
Mặc dù đau đớn, nhưng người đàn bà xem ra vẫn can đảm chịu đựng được. Thế nhưng vào tới những giây phút cuối, khi lưỡi dao mổ của các bác sĩ chạm đến gần trái tim thì người đàn bà rùng minh và miệng kêu lên: “Lạy Chúa!”
Chứng kiến cảnh đau đớn của người mẹ, đứa copn trai không cầm được cảm xúc đã thốt lên những lời xúc phạm đến Thiên Chúa. Ngay lúc đó người đàn bà nghiêm chỉnh bảo con: “Hỡi con, im đi, con làm mẹ đau đớn hơn lưỡi dao mổ của các bác sĩ nhiều. Con đã làm xỉ nhục Đấng ban sức mạnh và an ủi cho mẹ”
Nói xong, bà mở bàn tay ra cho mọi người xem một tượng chịu nạn nhỏ mà bà nắm chặt trong tay suốt từ lúc bắt đầu cuộc giải phẫu đến giờ. Đó là thuốc tê đã làm dịu những cơn đau của bà.
Sau mấy tháng quần quại đau đớn trên giường bệnh, người đàn bà đã an nghỉ trong Chúa. Trước khi lìa đời, bà đã trao ảnh chuộc tội đó lại cho người con trai và dặn cậu: “Con hãy giữ lấy ảnh này vì đó sẽ là niềm an ủi cho con”.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa dẹp yên sóng gió (Mc 4,35-41)
- Sau một loạt bài nói về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, hôm nay thánh Marcô kể lại cho chúng ta phép lạ Chúa dẹp yên sóng gió trên biển cả. Chúa Giêsu ngồi trên thuyền giảng dạy dân chúng. Giảng xong, Người bảo các môn đệ chèo thuyền qua biển hồ Tibêriat mà sang miền Ghêrasa… Bỗng cơn bão lớn nổi lên, sóng tạt nước vào thuyền sắp chìm. Các môn đệ sợ hãi, còn Chúa thì nằm ngủ ở sau lái. Các ông vội vã đánh thức Người và nói: “Thầy ơi! Chúng ta chết mất”. Người trỗi dậy truyền khiến sóng gió yên lặng, rồi bảo các ông: “Sao anh em nhát đảm quá! Anhem chưa tin Thầy sao ?” Còn các ông thì khiếp vía hỏi nhau: Người là ai mà sóng gió phải vâng phục Người ?
- Biển hồ Tibêriat này cũng có tên gọi là Galilê. Biển có chiều dài 21km và chỗ rộng nhất là 13 km. Thung lũng Jordan là một vết nứt sâu trên mặt đất và biển Tibêriat là một phần của vết nứt đó. Nó thấp hơn mặt biển 200 mét nên khí hậu ấm áp dễ chịu, nhưng cũng đem lại nhiều nguy hiểm. Bên phía tây có núi non, thung lũng, khe suối, nên khi gió lạnh từ phía tây thổi đến thì thung lũng, khe suối này có tác dụng như những cái phễu lớn. Gió bị nén trong đó và thổi ào ào xuống hồ bất thình lình với sức gió dữ dội đến nỗi mặt hồ phẳng lặng biến thành sóng gió gào thét. Vì thế, biển Tibêriat hay nổi lên những cơn sóng gió bão táp vào ban chiều hay ban đêm.
- Các môn đệ chưa hiểu rõ con người Đức Giêsu, các ông coi Ngài cũng chỉ là một Đấng tiên tri có quyền phép, làm được nhiều phép lạ để cho nhiều người tin theo, nên các ông mới thắc mắc với câu hỏi “Người này là ai ?” Khi bão tố yên lặng, các ông chứng kiến một việc mà chỉ Thiên Chúa mới có thể hoàn thành. Điều đó có ý nghĩa là Đức Giêsu có quyền năng của Thiên Chúa. Thực ra, họ mới biết Đức Giêsu theo quan niệm của người đương thời. Đồng thời, nhờ phép lạ này cho thấy Đức Giêsu chăm sóc các môn đệ của Ngài.
Theo suy luận của J. Hervieux thì “khi đọc lại câu chuyện Chúa đi qua biển và dẹp yên sóng gió như vậy, Marcô cố gắng đáp ứng những nhu cầu hiện thực của Giáo hội thời Ngài. Những tín hữu Rôma đang phải điêu đứng vì những cuộc bách hại. Họ đang sống trong nỗi lo sợ, giống như các môn đệ trong con thuyền vượt biển xưa. Đối với họ, Đức Kitô hình như đang ngủ. Việc Ngài ‘vắng mặt’ rõ ràng trong những biến cố bi thảm họ đang sống, tạo cho họ thêm e dè sợ sệt! Chúa phải làm gì để giải thoát họ khỏi cảnh chết chóc đang rình rập” (Fiches dominicales, năm B, tr 207).
- Đường lối sư phạm của Chúa rất huyền diệu, ta không hiểu nổi, nhưng dầu sao nó cũng nhắm giúp chúng ta tin tưởng rằng: trong mọi nơi mọi lúc “Con thuyền Giáo hội lúc nào cũng bịsóng gió dập dồn” (theo Tertullianô), nhưng không sao, không bị chìm được vì luôn có Ngài ở đó, Ngài có vẻ ngủ nhưng thực ra Ngài vẫn thức, để theo dõi chúng ta chèo chống và chờ đợi chúng ta kêu cầu Ngài giúp đỡ. Theo nhận xét của chúng ta, dù có Đức Giêsu ở trong thuyền với các môn đệ thì bão tố vẫn xảy ra. Vì thế, dù bão tố có chụp xuống chúng ta, điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta. Nếu chúng ta có đức tin, chúng ta sẽ không nghi ngờ Ngài ở với chúng ta, và chúng ta sẽ hướng về Ngài để cầu xin và tin chắc rằng Ngài sẽ đến giúp đỡ.
- Một ngày kia, viên lái đò chở hoàng đế César qua sông, thấy sóng cả đã ngả tay chèo, được hoàng đế phán ra một câu bất hủ: “Anh không biết là anh đang chở hoàng đế César sao ?”
Một vị hoàng đế bất lực trước cơn cuồng phong dữ dội, thế mà dám nói những lời như thế! Thì huống hồ ở đây, không phải là vị vua trần thế mà là vua cả trên trời Ngài làm sao cho sóng gió bão táp phải lặng yên sao! Thánh vịnh đã nói:
Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng
Sóng đang gầm, bỗng im tiếng.
Họ vui mừng vì trời yên bể lặng
Và Chúa dẫn đưa về bến mong chờ (Tv 107,29-30).
- Mỗi người chúng ta không khác gì chiếc thuyền nan chông chênh giữa biển trần gian đầy sóng gió bão táp, khó khăn nối tiếp khó khăn. Nếu chúng ta chỉ dựa vào sức mình hay dựa vào một quyền năng nào đó thì chúng ta sẽ thất bại. Ai có thể cứu chúng ta thoát khỏi sóng gió ba đào khi chiếc thuyền của chúng ta sắp chìm ? Chỉ còn có Thiên Chúa. Ngài như người Cha lái con tàu vững chắc trên biển cả, chúng ta là con chỉ biết tin tưởng vào quyền năng của Người Cha trên trời. Có Chúa trong đời, Ngài sẽ hướng dẫn cuộc đời của mỗi chúng ta. Lúc đó, những cô đơn như bị xoá nhoà, những khó khăn dường như nhỏ lại, những yếu đuối như được sức mạnh. Chúng ta không cầu xin cho cuộc đời mình như biển lặng, nhưng xin cho cõi lòng chúng ta được tĩnh lặng ngay giữa lúc biển động.
- Truyện: Cha tôi cầm lái con tàu
Một thi sĩ người Anh, ông Byron, có viết một câu chuyện như sau:
Hôm ấy, một con tàu đang rẽ sóng lướt đi trên mặt biển mênh mông. Bỗng chốc, bầu trời kéo mây đen đặc. Rồi giông tố ầm ầm nổi lên, sấm chớp kinh hoàng. Mưa càng lớn, gió càng mạnh. Các hành khách kêu la hỗn loạn. Duy có một em bé cứ ngồi chơi trên boong tàu như không có gì xảy ra cả.
Lạ lùng, một thuỷ thủ dương to đôi mắt hỏi em:
– Em không sợ chết sao ?
Cậu bé thản nhiên trả lời:
– Sao lại sợ ? Chính ba em cầm lái con tàu này mà!
Tin tức liên quan khác
Liệu nữ tu có nên học hành?
Giáo họ Trung Thành – Giáo xứ Ngô Xá: Thánh lễ Tạ ơn và Cắt băng Khánh thành Nhà thờ
Ngày 14/09: Suy tôn Thánh giá, lễ kính (Ga 3,13-17)
Hội nghị thường niên các Đại Chủng Viện năm 2022: Đúc kết thuyết trình và thảo luận ngày thứ IV
Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023: Hiệp hành trong hành động
Đức Thánh Cha: Trong lao động phải quan tâm đến con người hơn là lợi ích cá nhân
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tại Singapore ngày 12/9/2024 – Thứ Năm sau Chúa nhật 23 Thường Niên
Tại sao cầu nguyện với Đức Mẹ?