ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO
NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2022
Kính gửi Quý Thầy Cô giáo,
Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 16 đang diễn ra với chủ đề “Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ”. Nét đặc trưng mà sự kiện trọng đại này muốn nhắm tới, đó là tính “Hiệp Hành” trong Giáo Hội, được mô tả qua ý nghĩa thật vắn tắt của từ ngữ: cùng nhau bước đi.
Khi liên kết một chút kinh nghiệm mục vụ về giáo dục với tập sách “Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính Hiệp hành”, tôi cảm nhận được rằng Giáo dục Kitô giáo, một tinh thần giáo dục mà chúng ta đang theo đuổi, “nhằm giúp con người biết cách thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý…, cũng như huấn luyện họ biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý” (x. Tuyên ngôn Giáo Dục Kitô giáo Gravissimum Educationis, số 2), cũng luôn phải là một nền giáo dục mang đậm tính hiệp hành.
Thật vậy, nếu gọi việc giáo dục là một tiến trình làm phong phú con người, thì trên con đường ấy, cho dù mỗi người một vai trò, cả thầy lẫn trò phải cùng nhau bước đi như những người bạn đồng hành. Thiếu vắng sự đồng hành ấy, công trình giáo dục sẽ không đưa đến một kết quả như chính tên gọi của nó.
Nhân dịp ngày Nhà Giáo Việt Nam sắp đến, cùng với lời chào chúc thân tình đến quý ân sư và quý thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước, tôi cũng muốn chia sẻ thêm một vài suy nghĩ của mình.
1. Mục tiêu của giáo dục Kitô giáo
Sống trong cuộc đời này, ai cũng có những mơ ước. Có thể khẳng định rằng: Giáo dục chính là chiếc chìa khóa mở cửa cho tất cả những ước mơ ấy. Thật vậy, không ai phủ nhận được vai trò và hiệu quả của giáo dục trong đời sống con người, bởi lẽ nhờ giáo dục, cuộc sống con người sẽ được trưởng thành và thăng tiến về mọi mặt.
Theo đó, việc giáo dục của Giáo Hội không chỉ nhằm mục đích “phát triển sự trưởng thành của con người… mà còn đặc biệt hướng đến việc đảm bảo rằng những người đã chịu phép rửa trở nên biết trân quí hơn món quà đức tin mà họ đã lãnh nhận” (x. Tuyên ngôn Giáo Dục Kitô giáo Gravissimum Educationis, số 2).
Tiến trình này cũng đã được Thánh Phaolô định hướng trong lời nhắn nhủ với người anh em đồng môn Timôthêô rằng “Phần anh, hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc. Anh biết anh đã học với những ai. Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Giê-su” (2 Tm 3, 14-15). Lời nhắn nhủ ấy hàm chứa mục tiêu lớn nhất và sau cùng của giáo dục Kitô giáo, đó là để chúng ta được ơn cứu độ.
Hướng về mục tiêu này, chúng ta không thể nào xem nhẹ vai trò của một giáo chức Kitô giáo, vốn được Thánh Phaolô suy tư và nhìn nhận như một ơn gọi đến từ Thiên Chúa, bởi chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, Dân Thánh Chúa được kiện toàn, cho đến khi tất cả đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô (x. Ep 4, 11-13). Vậy, làm thế nào để chúng ta thi hành sứ mệnh này đúng với tinh thần mà Thánh Phaolô đã nói ở trên?
2. Những thực hành cụ thể
Sẽ luôn là hữu ích khi lặp lại vai trò của giáo chức Công giáo trong công việc hàng ngày của mình. Đó là, chúng ta không được phép dừng lại trong phạm vi kiến thức thuần túy, mà còn phải hướng các bạn trẻ về một cuộc sống hướng thiện với đầy đủ các mối liên hệ: với chính mình, với tha nhân, với môi trường và trên hết là với Thiên Chúa.
Trong viễn cảnh đó, cũng sẽ không là phóng đại hay đề cao chủ nghĩa duy tâm khi nói rằng: quý thầy cô nên đặt Thiên Chúa lên trên hết trong việc giáo dục, bởi lẽ Người là Chân – Thiện – Mỹ. Những khái niệm này càng được gieo trồng, đón nhận và triển nở, thì đời sống con người càng trở nên phong phú và hạnh phúc. Tổ phụ Môisen coi đó là nguyên do để người ta gọi anh em là một dân tộc khôn ngoan và thông minh (x. Đnl, 4,8).
Tuy nhiên, để có được những kinh nghiệm đức tin phong phú, nhằm trợ lực cho sứ mạng của mình, chúng ta không nên bằng lòng với việc giáo dục đức tin ở giai đoạn sơ cấp nơi các lớp giáo lý mà chúng ta đã từng học, nhưng phải quan tâm hơn đến việc học hỏi thêm về kiến thức giáo lý, nâng cao những xác tín đức tin của mình.
Trong ý hướng đó, tôi muốn chia sẻ thật vắn tắt về chủ đề “Dân tộc của Thiên Chúa”. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu độ người ta cách riêng rẽ từng người một, không liên kết với nhau, nhưng Ngài muốn thiết lập họ thành một Dân, là Dân nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài cách thánh thiện” (số 781).
Đoàn Dân ấy được khởi sự từ trong Cựu ước qua các tổ phụ và được kiện toàn trong Tân ước bởi Chúa Giêsu, là chính Giáo Hội của Người. Chính vì thế, dân tộc này sẽ mang những đặc tính khác với bất kỳ một dân tộc hay một quốc gia nào khác. Dựa trên những câu chuyện trong Phúc âm, chúng ta có thể nhìn thấy ba đặc tính cơ bản:
– Dân tộc của Thiên Chúa là một dân tộc trần thế. Vì mang yếu tố trần thế, nên cũng bao hàm yếu tố hữu hình, không hoàn hảo. Điều này được thể hiện trong câu chuyện ngụ ngôn về cỏ lùng (x. Mt 13, 24-30). Ý thức điều đó để ta biết sống khiêm nhường, bao dung và yêu thương nhau hơn.
– Dân tộc của Thiên Chúa là một dân tộc tâm linh mà trong đó con người được kêu gọi bước vào qua việc tự nguyện cam kết sống theo những đòi hỏi của Phúc âm. Đặc trưng cho việc cam kết này là sống theo các Mối Phúc (x. Mt, 5, 3-12). Khắc ghi điều này để ta bám vào Lời Chúa vốn được coi là ngọn đèn chiếu soi cuộc sống chúng ta hôm nay và ngày mai vĩnh cửu.
– Dân tộc của Thiên Chúa chỉ được thành toàn trong tương lai, bởi sự can thiệp cứu tinh của Thiên Chúa. Điều này được diễn tả qua một loạt những câu chuyện trong Phúc âm Matthêô chương 25: Dụ ngôn mười trinh nữ; Dụ ngôn những yến bạc; Cuộc Phán Xét chung.
– Các chủ đề trên hướng chúng ta về Chúa Giêsu, Ngài là chủ và là trung tâm Dân tộc của Thiên Chúa qua những mặc khải của Ngài. Trung tâm quan trọng của Dân Thiên Chúa là Con người của Chúa Giêsu. Trở thành một thành viên của dân tộc này phải đoán trước sự thất bại và sự bách hại, giống như Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu tạo ra Dân tộc của Thiên Chúa cách quyết định trong Bữa ăn tối cuối cùng (x. Mc, 14, 22-25). Luôn nhớ như vậy để chúng ta trung thành với đức tin, mà biểu lộ của đức tin chính là đời sống đạo hàng ngày của mình.
Từ Dân Thiên Chúa, chúng ta học hiểu về Thiên Chúa qua Con của Ngài là Chúa Giêsu trong những lá thư tới.
3. Ước mong của người đồng hành
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay xoay quanh chủ đề: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8 ). Tôi muốn mượn lại câu Kinh Thánh này để chia sẻ đến quý thầy cô ước mong của mình. Dù biết rằng luôn có những khó khăn trước mắt, nhưng Chúa Phục Sinh vẫn tin tưởng trao cho các môn đệ một lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).
Vậy, hôm nay, dù có những hạn chế nhất định, quý thầy cô hãy luôn là những nhân chứng cho Chúa Giêsu và Phúc âm của Người. Chúng ta không có những tiết học về Chúa, nhưng lại có rất nhiều cơ hội để làm chứng về Người. Chúng ta không có những hoạt động mang màu sắc đức tin, nhưng lại có rất nhiều thời gian sống và biểu lộ đức tin của mình. Tôi tin rằng đó mới là những bài học sống động và giá trị nhất mà chúng ta truyền lại cho các thế hệ kế tiếp, đó mới là một nét hiệp hành sinh động mà Giáo Hội của chúng ta đang hướng tới.
Phần các con học sinh, trong những ngày này, có lẽ các con đang tìm mọi cách để bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với quý thầy cô. Điều này là chính đáng và phải đạo, vì nó cho thấy cả một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cùng với những bó hoa, những lời chúc tốt đẹp, các con hãy biểu lộ lòng biết ơn của mình qua việc trân trọng những điều hay lẽ phải mà thầy cô đã truyền đạt, ghi nhớ những bài học đức tin mà thầy cô đã chia sẻ. Tác giả Thánh vịnh 50 đã viết về một tình trạng tiêu cực: “chính ngươi lại ghét điều sửa dạy, lời Ta truyền, đem vất bỏ sau lưng” (Tv 50, 17). Ước mong cho những lời ấy không trở thành một thực tế đáng buồn cho cuộc sống chúng ta.
Quý Thầy Cô thân mến,
Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo có nhắc đến vai trò giáo dục: “…- Cha mẹ…. gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho tất cả các cộng đồng…- Nhiệm vụ giáo dục trước tiên thuộc về gia đình, nhưng cũng cần đến sự trợ giúp của toàn thể xã hội…- Sau cùng, Giáo Hội có trách nhiệm giáo dục với một lý do đặc biệt, …vì Giáo Hội có nhiệm vụ loan truyền cho mọi người biết con đường cứu rỗi,…” (x. Tuyên ngôn Giáo Dục Kitô giáo Gravissimum Educationis, số 3).
Qua những lời trên, thay mặt cho Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi vui mừng gửi lời chúc mừng đến tất cả quý thầy cô trên mọi miền đất nước một ngày Nhà Giáo Việt Nam 2022 vui tươi và hạnh phúc trong sứ mạng giáo dục. Chúc quý thầy cô luôn là những người thầy cô tốt cho các học sinh thân yêu của mình.
Thân ái trong Chúa Kitô.
Vĩnh Long, ngày 16 tháng 11 năm 2022.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
Nguồn: uybangiaoduchdgm.net (17.11.2022)
Tin tức liên quan khác
Thứ Tư tuần 13 Thường niên năm I – Ơn giải thoát (Mt 8,28-34)
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoàn
ĐTC Phanxicô: Được nên công chính nhờ ân sủng, chúng ta được kêu gọi làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa
Giờ Chầu Thánh Thể tạ ơn và cầu nguyện cho Đức cha tân cử Giu-se Vũ Công Viện
Thứ Ba tuần 21 Thường niên năm II (Mt 23,23-26)
Đức Thánh Cha: Người trẻ cần chứng tá
Giáo lý cho bài giảng Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm A
Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoàn Giáo hội Chính thống Copte Ai Cập