Thứ Hai tuần 12 Thường niên năm I – Đừng xét đoán (Mt 7,1-5)

“Anh em đừng xét đoán,
để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”. (Mt 7, 1)

BÀI ĐỌC I:     St 12, 1-9

“Abram ra đi như Chúa đã truyền dạy”.

Trích sách Sáng Thế.

Khi ấy, Chúa phán cùng Abram rằng: “Ngươi hãy từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho. Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn; Ta sẽ chúc lành cho ngươi, và Ta sẽ cho danh ngươi nên lớn lao, ngươi sẽ là một mối chúc lành. Ta sẽ chúc lành cho những ai chúc lành cho ngươi, và sẽ chúc dữ cho ai chúc dữ cho ngươi. Nơi ngươi mọi dân nước sẽ được chúc phúc”.

Abram ra đi như Chúa đã truyền dạy, và có ông Lót đi theo. Khi bỏ đất Haran, Abram được bảy mươi lăm tuổi. Ông đem Sarai, vợ ông, và Lót là cháu, cùng với tất cả tài sản và gia nhân mà họ có ở Haran. Họ ra đi đến đất Canaan. Khi họ tới nơi, Abram rảo qua các xứ cho đến Sikem, thung lũng thời danh. Bấy giờ người Canaan đang ở xứ này.

Chúa đã hiện ra với Abram và phán rằng: “Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi”. Ông đã dựng ở đó một bàn thờ kính Thiên Chúa, Đấng đã hiện ra với ông. Rồi từ nơi ấy, ông đi đến núi ở phía đông Bêthel mà cắm trại: phía tây của trại là Bêthel và phía đông là Hai. Ông cũng dựng ở đó một bàn thờ kính Chúa, và khấn cầu danh Chúa. Abram cứ tiến dần mãi về (Nageb ở) phía nam.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 32, 12-13. 18-19. 20 và 22

Đáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

Xướng:

1) Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Tự trời cao Chúa nhìn xuống, Người xem thấy hết thảy con cái người ta. – Đáp.

2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. – Đáp.

3) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Đấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. – Đáp.

Tin mừng: Mt 7,1-5

1 “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, 2 vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.

3 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?

4Sao anh lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh?

5 Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Một trong những đòi hỏi của lòng bác ái là đừng bao giờ xét đoán và lên án anh em mình. Hơn nữa, ta xét đoán anh em thế nào, thì Thiên Chúa cũng xét đoán ta như vậy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, bản tính tự nhiên của con người là muốn hơn người khác, nên khi thấy ai hơn mình, thì tìm đủ mọi cách để hạ họ xuống: vạch trần những khuyết điểm hay thổi phồng những lỗi lầm của họ.

Lạy Chúa, bản tính tự nhiên đó cũng tồn tại trong con. Con vẫn nhìn anh em sống chung quanh con bằng một cái nhìn dò xét đầy nghi ngờ. Con đã đóng khung anh em con trong một cái nhìn đầy thành kiến và ghen ghét. Vì quá chủ quan, nên con không thấy cái xà trong mắt con, mà chỉ nhìn thấy cái rác trong mắt anh em. Con đã đeo một cái bị gồm những tật xấu của con ở đàng sau lưng, nên không thấy được những lỗi lầm to lớn của mình, nhưng lại dễ trông thấy những khuyết điểm nhỏ bé của người anh em. Con luôn dễ dãi với chính mình mà lại khắt khe với người khác.

Lạy Chúa, khi nhìn một sự việc, người ta có nhiều đoán xét khác nhau. Nếu tâm hồn con rộng lượng, con sẽ nhìn người khác với ánh mắt cảm thông. Nếu tâm hồn con xấu xa, con sẽ dễ kết án người khác cách bất công.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp con biết sáng suốt nhận ra những lỗi lầm của mình. Xin ban cho con một tình yêu bao dung để con không bao giờ vạch lá tìm sâu hoặc phê bình người khác một cách ác ý. Xin cho con biết tha thứ để được Chúa thứ tha. Và xin cho con một tâm hồn quảng đại để luôn nghĩ tốt về người khác. Amen.

Ghi nhớ:“Hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Hôm nay Chúa Giêsu dạy về sự xét đoán:

1. Thiên Chúa sẽ xét đoán chúng ta tùy theo cách chúng ta xét đoán người khác. Trong những câu sau đây ta phải luôn hiểu ngầm chữ Thiên Chúa:

– “Các con đừng xét đoán để khỏi bị (Thiên Chúa) xét đoán.”

– “Các con xét đoán thế nào thì cũng bị (Thiên Chúa) đoán xét như vậy. Các con dùng đấu nào mà đong cho người ta thì (Thiên Chúa) cũng sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy.”

2. Thay vì xét đoán người khác, mỗi người hãy lo xét đoán chính mình: “Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt ngươi. Hãy lấy cái đà trong mắt ngươi ra trước đã.”

Suy gẫm

1. Tại sao tôi thích xét đoán người khác?

– Lý do “có vẻ chính đáng” là tôi yêu thích sự thiện, do đó khi thấy người khác không thiện thì tôi lên án.

– Nhưng ngoài lý do “có vẻ chính đáng” ấy ra, còn nhiều lý do không chính đáng chút nào mà khoa tâm lý có thể vạch trần ra:

a/ do cái tính ác nằm sẵn trong người tôi thích “hạ” kẻ khác và ngầm sung sướng một cách vô ý thức khi người khác bị “hạ”;

b/ Đó là một cạnh tranh kiểu tiểu nhân: hạ người khác để nâng tôi lên. Khi tôi nói rằng người đó không tốt thì một cách gián tiếp tôi nói rằng tôi tốt.

2. Đức Giám mục Fulton Sheen đưa ra một tiêu chuẩn như thế này: tôi thường xét đoán người khác về nhiều khuyết điểm gì, đó là dấu tôi có chính khuyết điểm đó.

3. “Phê và tự phê” đó là một khẩu hiệu rất hay vì nó nhắc ta không nên chỉ làm một việc là phê người khác, nhưng phải làm thêm việc phê phán chính mình nữa. Tuy nhiên khẩu hiệu này vẫn chưa hay bằng giáo huấn của Chúa Giêsu: Ngài dạy tự phê trước rồi sau đó mới phê người ta.

4. Một hôm satan thích chí vô cùng vì đã phát minh ra được một cái gương vô cùng kỳ diệu: Bất cứ điều gì trong gương ấy cũng bị đảo lộn. Khuôn mặt kiều diễm nhất nhìn vào tấm gương cũng xấu xí, ghê rợn. Satan nghĩ có thể đưa tấm gương lên thiên đàng để chia rẽ Thiên Chúa và các thiên thần.

Satan liền đội tấm gương lên đầu và bay thẳng lên trời. Dọc đường hắn nhìn vào tấm gương và càng thích thú khi thấy gương mặt xấu xí của hắn nay càng xấu xí hơn. Nhưng càng bay tới thiên đàng thì hắn càng thấy gương mặt hắn xấu thê thảm. Cứ thế chưa tới cửa thiên đàng thì hắn không chịu vẻ thô bạo xấu xí của hắn nữa. Tay hắn run lẩy bẩy và đánh rơi tấm gương xuống trần gian. Tấm gương vỡ tan từng mảnh và lan tràn khắp trên mặt đất. Đó là khởi đầu đại họa cho con người: từng hạt cát nhỏ bám vào mắt ai thì nằm mãi ở đó, và người đó chỉ thấy cái xấu trên thế gian này thôi.

Câu chuyện trên muốn nói rằng: nhìn thấy cái xấu nơi người khác không phải là điều tự nhiên của con người, đó là một cái nhìn của quỷ.

Nơi mỗi người vẻ đẹp của Thiên Chúa vẫn còn chiếu sáng. Chính cái nhìn này mới là nền tảng cho đức ái Kitô giáo.

5. Sở dĩ ta nên tránh việc phê phán và nghĩ xấu cho người là vì đoán xét của ta thường sai lạc, ít khi ta phê phán người khác một cách khách quan, mà thường phê phán theo cảm tính và ý nghĩ chủ quan của ta. Câu chuyện sau đây trong sách Liệt Tử vừa nghe thì thấy rất tầm thường nhưng nó chứa đựng một chân lý sâu xa về sự phê phán chủ quan của ta.

Có người đánh mất cái búa. ngờ cho đứa con nhà láng giếng lấy trộm.

Anh ta trông dáng nó đi, rõ ra đứa ăn trộm búa, nhìn vẻ mặt nó, rõ ra đứa ăn trộm búa, thấy nó cất nhắc, cử động, không một tí gì, là không rõ ra đứa ăn trộm búa cả.

Được một lúc, người ấy tìm thấy chiếc búa trong hố thì hôm sau trông thấy con người láng giềng: ngôn ngữ, cử chỉ, lại không còn một tí gì giống đứa ăn trộm búa nữa.

Câu chuyện này được viết ra hằng ngàn năm trước đây, vừa nghe thì có vẻ nhạt nhẽo vô duyên, nhưng đọc kỹ thì thấy nó phản ứng thật trung thực tâm lý của đa số con người đã sống từ ngàn năm trước cũng như hiện đang sống bây giờ. Sở dĩ phán đoán của chúng ta sai lạc là vì lý trí của ta thường bị chi phối bởi trăm ngàn yếu tố: như tiền bạc, danh vọng, lợi, hại, yêu, ghét, thân, sợ…

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Đừng xét đoán người khác (Mt 7, 1-5)

  1. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: anh em không được xét đoán lên án kẻ khác, vì việc đó thuộc quyền của Thiên Chúa. Anh em xét đoán kẻ khác thế nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ xét đoán anh em như vậy. Sao anh em thấy cọng rác nhỏ trong con mắt kẻ khác, còn cái xà trong mắt anh em, mà anh em không thấy, nghĩa là lỗi lầm nhỏ mọn của người khác thì anh em thấy rõ rồi phê bình lên án đủ thứ, còn tội nặng nề của anh em, anh em lại không chịu thấy, không chịu nhận, không lo sửa chữa. Hãy lo từ bỏ sửa chữa tội lỗi của anh em trước đã rồi anh em mới giúp được kẻ khác chừa bỏ lỗi lầm của họ.
  2. Xénophon, nhà hiền triết Hy lạp sống vào giữa thế kỷ thứ 5 TCN đã nói như sau: “Thượng Đế đặt trên vai con người hai cái bị: một cái đằng trước, một cái đằng sau. Cái bị đằng sau chứa đựng tất cả những cái xấu của chính con người mình, còn cái bị đằng trước thì đầy rẫy những cái xấu của người khác. Do đó, con người khó mà thấy được những thiếu sót của mình, nhưng lại dễ dàng nhìn thấy những khuyết điểm của người khác”.
  3. Khuynh hướng tự nhiên của con người là dễ dàng kết án người khác, nhưng lại tỏ ra dễ dãi với mình. Chúa Giêsu đến để chỉnh đốn khuynh hướng lệch lạc ấy. Ngài mời con người hoán cải, nghĩa là quay trở lại với mình, nhìn thẳng vào thực chất của mình, để từ những yếu đuối, bất toàn của mình để dễ dàng thông cảm và tha thứ cho người khác hơn. Đó là nội dung những lời khuyên của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay.

Dân gian có câu:

Chân mình thì lấm lê mê,
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.

Hay:

Bàng quan giả tỉnh,
đương cục giả mê.
(Việc mình thì quáng, việc người thì sáng)

Chúa Giêsu vạch rõ tính cách của nhiều người trong chúng ta thường thì không thấy lỗi lầm của mình, nhưng lại soi mói dò xét cái lỗi của người khác mà lắm khi cái lỗi của chúng ta còn lớn gấp trăm lần cái lỗi của tha nhân.

“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy?” Cái lỗi nhỏ như cái rác của tha nhân thì mình dễ nhìn thấy, nhưng cái lỗi lớn như xà nhà của mình thì lại không thấy. Chúng ta dễ dàng kết án cái lỗi nhỏ nhặt của tha nhân, nhưng lại không ý thức về những tội tày đình của bản thân…

  1. Con người không thể tự cho mình quyền xét đoán, phê phán người khác, mà chỉ có một mình Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự. Ngài hiểu con người hơn chính họ và mời gọi con người hãy nhìn vào bản thân mình: hãy nhìn vào mắt mình để lấy cái xà đã đóng chặt vào đó, cái xà được kết tinh bằng lỗi lầm, thành kiến, ác ý. Lấy được cái xà, mắt sẽ trong sáng, con người sẽ nhìn rõ sự vật.

Cái nhìn của đôi mắt không có cái xà sẽ không còn là cái nhìn của phê phán, chỉ trích, nhưng là cái nhìn của Chúa Giêsu, một cái nhìn đầy yêu thương, tha thứ, mang lại cho kẻ được nhìn niềm tin yêu, hy vọng. Lêvi, người thu thuế, sẵn sàng bỏ mọi sự để theo Thầy; Giakêu, người thu thuế trưởng, đã thành tâm hoán cải, Mađalêna đã dứt khoát từ bỏ con đường tội lỗi. Tất cả đã chuyển hướng cuộc đời bởi cái nhìn từ ái bao dung của Chúa Giêsu (Mỗi ngày một tin vui).

  1. Tóm lại, như lời Chúa Giêsu dạy: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng đong bằng đấu ấy cho anh em” (Mt 7, 1-2), nghĩa là khi chúng ta dùng lăng kính chủ quan của mình để xét cho anh em thế nào, thì chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa thể ấy. Vậy nên, nếu khi xét đoán, chúng ta cần biết nhìn lại chính mình, nhất là trong lời xét đoán về anh em có thực sự khách quan hay không, có thực sự vì yêu thương anh em và vì sự thật hay không.
  2. Truyện: Biểu diễn trồng táo

Tại một xứ Hồi giáo, có một người đàn ông bị vua ra lệnh treo cổ, vì đã ăn trộm thức ăn của người khác. Như thường lệ, trước khi bị xử, tội nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ tử tội bèn xin nhà vua:

– Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, mọc thành cây và có trái ăn tức khắc. Đây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là khi thần chết đi rồi, bí quyết này sẽ không được truyền lại cho hậu thế.

Nhà vua truyền chuẩn bị mọi sự để sáng hôm sau tử tội sẽ biểu diễn trồng táo. Đến giờ hẹn, trước mặt vua và các quan văn võ, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói:

– Chỉ có người nào chưa hề ăn trộm của người khác mới trồng được hạt giống này. Vì tôi đã lỡ ăn trộm nên không thể trồng được.

Nhà vua vẫn chiều lòng tên ăn trộm, nên quay sang nhìn tể tướng. Sau một lúc do dự, vị tể tướng thưa:

– Tâu bệ hạ, thần nhớ lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của người khác. Thần nhận thấy không đủ điều kiện để trồng hạt táo này.

Nhà vua đưa mắt nhìn quanh các quan văn võ đang có mặt. Ông nghĩ may ra quan thủ kho trong triều là người nổi tiếng trong sạch có thể đủ điều kiện. Nhưng quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố với mọi người rằng ông cũng đã có lần gian tham trong chuyện tiền bạc.

Không tìm được ai, nhà vua mới định cầm hạt táo đến bỏ vào lỗ. Nhưng ông cũng chợt nhớ ra lúc con nhỏ ông đã có lần đánh cắp báu vật của vua cha.

Bấy giờ người tử tội mới chua xót lên tiếng:

– Tâu bệ hạ, các ngài là những người quyền thế cao trọng, không thiếu thốn gì. Vậy mà các ngài không thể trồng được hạt táo này, chỉ vì các ngài cũng đã có lần lấy của người khác. Còn hạ thần, một con người khốn khổ, chỉ vì lỡ lấy thức ăn của người khác cho đỡ đói, thế mà các ngài đã kết án treo cổ hạ thần.

Nghe thế, nhà vua và cả triều thần như xốn xang trong lương tâm. Ông bèn ra lệnh phóng thích người ăn trộm.