Thứ Hai tuần 22 Thường niên năm II (Lc 4,16-30)

“Tôi bảo thật các ông:
Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. (Lc 4,24)

BÀI ĐỌC I (năm II): 1 Cr 2, 1-5

“Tôi đã công bố cho anh em bằng chứng của Chúa Kitô chịu đóng đinh”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, phần tôi, khi tôi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan, tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa. Thật vậy, tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Phần tôi, chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đã đến với anh em; lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 118, 97. 99. 100. 101. 102

Ðáp: Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp Chúa biết bao (c. 97a).

Xướng: Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp Chúa biết bao, suốt ngày con mải suy gẫm về luật đó.

Xướng: Chỉ thị Chúa khiến con thành khôn ngoan hơn quân thù, vì muôn đời chỉ thị đó vẫn theo con.

Xướng: Con khôn ngoan hơn những bậc tôn sư, nhờ suy gẫm về những lời nghiêm huấn của Ngài.

Xướng: Con am hiểu hơn những bậc lão thành, vì huấn lệnh của Ngài con tuân giữ.

Xướng: Con kìm hãm chân con xa mọi đường gian ác, để con giữ trọn lời dạy của Ngài.

Xướng: Con không bước trật đường thánh dụ của Ngài, bởi vì chính Ngài đã dạy bảo con.

 

Tin mừng: Lc 4, 16-30

16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh.

17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: 18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công bố một năm hồng ân của Chúa.

20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. 21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao ?”

23 Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” 24 Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.”

25 Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn.

27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.” 28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.

29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

Bài giảng của linh mục Giuse Vũ Hữu Hiền

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp:Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai cứu độ trần gian. Nhưng những người Do thái đồng hương với Chúa đã từ chối tiếp nhận Ngài, vì Ngài đã không thỏa mãn những tham vọng trần thế của họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con nhớ trong đoạn mở đầu Phúc âm thứ tư, Thánh Gioan tông đồ đã viết: “Ngài đến nhà mình nhưng người nhà đã chẳng chịu tiếp đón Ngài”.

Lạy Chúa, điều ấy đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi những người đồng hương với Chúa tại Na-da-rét, và ngày hôm nay cũng đúng với chính con nữa.

Vâng lạy Chúa, con đã không tiếp nhận Chúa. Con quên rằng Chúa là bạn của người nghèo, của người bệnh tật, của kẻ khổ đau. Vì thế con đã xua đuổi Chúa đi khi con hất hủi anh em, khi con nhẫn tâm từ chối giúp đỡ những người nghèo đói, bệnh hoạn, khổ đau, sa chân lỡ bước. Con đã không tiếp nhận Chúa, vì trong lời nguyện hằng ngày, con chỉ đòi hỏi Chúa ban ơn theo ý con mà không bao giờ xin cho con biết vâng theo Ý Chúa trong mọi nghịch cảnh cuộc đời. Con đã không nhìn ra Chúa thật gần gũi với con qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Con đã xô đẩy Chúa xuống vực thẳm khi con nhào xuống vực sâu tội lỗi.

Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ cho con. Xin cho con nhận ra những ân huệ mà Chúa đã yêu thương phủ đầy đời con. Xin ban thêm đức tin, để con tin thật Chúa là Đấng Thiên Sai cứu độ trần gian và Chúa đã sai con đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Xin cho con được sống mãi trong nhà Chúa, được luôn kết hợp với Chúa qua các bí tích, để con xứng đáng là người nhà và là người môn đệ trung thành của Chúa. Amen.

Ghi nhớ:“Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó… Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”.

 

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống…

Bắt đầu từ hôm nay, phụng vụ chọn đọc Tin Mừng theo thánh Luca.

Đoạn Tin Mừng hôm nay nói về hoạt động của Chúa Giêsu ở Nazarét, quê hương Ngài:

Ngày sabbat, Ngài vào hội đường, dựa trên doạn sách Isaia để công bố chương trình hành động của Ngài. Đó là mang Tin Mừng ơn cứu độ cho người nghèo khổ.

Bài giảng đã gây hứng khởi trong lòng thính giả. Họ thầm mong rằng vì tình đồng hương, Ngài sẽ ưu tiên làm phép cho họ. Nhưng Ngài đã chốt từ, bởi vì Ngài là Đấng cứu độ của mọi người chứ không phải của riêng ai.

Thất vọng, dân Nazarét trục xuất Ngài khỏi thành và muốn giết Ngài.

B. Suy niệm (…nẩy mầm)

Sứ mang của chúng ta nối tiếp sứ mang Chúa Giêsu, là mang Tin Mừng và ơn cứu độ cho mọi người. Nếu có ưu tiên cho ai, thì đó là những kẻ nghèo khổ chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, chứ không phải là những người bà con, bạn bè thân thuộc chúng ta.

Thế nào là “loan Tin Mừng cho người nghèo khổ ?”. Những người nghèo khổ quanh tôi là ai ? Tôi có quan tâm ưu tiên đến việc loan báo Tin Mừng cho họ chưa ?

Hai câu chuyện Cựu ước cho thấy các ngôn sứ Êlia và Êlisê ưu ái những người ngoại. Chúa Giêsu cũng thế. Còn tôi, hình như tôi xa lánh người ngoại, tôi nguyện dè với họ, tôi còn giữ nhiều thành kiến về họ, tôi có thái độ tự tôn coi mình hơn họ.

Đối với Chúa Giêsu, người dân Nazarét chỉ mong Ngài nể tình đồng hương mà ưu tiên ban cho họ nhiều đặc ân. Khi ước muốn không đạt thì họ quay mặt phản đối và trục xuất Ngài. Đó là một thái độ hoàn toàn vụ lợi. Phải chăng thái độ của tôi đối với Chúa cũng vụ lợi như thế ?

Bài Tin Mừng này làm tôi nhớ đến quê hương, cha mẹ, anh chị em, bà con, bạn bè.. Những người này thực sự là nguồn an ủi trợ lực cho tôi. Xin cho họ luôn là trợ lực chứ đừng bao giờ là trở lực cho sứ mạng Tin Mừng của tôi.

Trợ lực và trở lực: 

Hai thanh niên lớn lên trong một gia đình với một người cha nghiện rượu. Vì còn trẻ mỗi cậu sống theo ý muốn riêng mình.

Nhiều năm sau, một cậu trở nên nghiện rươu không thể cải thiện. Cậu kia là người chống uống rượu. Một tâm lý gia tìm hiểu hậu quả của việc nghiện rượu gây cho những đứa trẻ trong gia đình hỏi cậu thứ nhất: “Tại sao anh trở nên người nghiện rươu ?” và cậu thứ hai: “Tại sao anh trở nên người chống rượu ?”.

Cả hai cùng câu trả lời: “Ông có thể mong đợi điều gì khác khi ông có người cha như tôi ?”(Góp nhặt).

“Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Luca 4,18-19).

Tôi lênh đênh trên chiếc xuồng máy vào các xã vùng sâu của miền Đồng Tháp đã được nửa ngày. Là thành viên của đoàn công tác xã hội cứu trợ lũ lụt, hơn chục lần tôi phải leo lên bờ đất trơn tuột, sình lầy để vào những căn lều phong phanh cũ nát. Không khí oi nồng và cảm giác chênh vênh trên mặt nước làm tôi nuốt không trôi mẫu bành mì ăn trưa. Còn nửa trái quýt, cảm thấy không ăn được nữa tôi nhét vào tay một cậu bé ốm nhách, đen thui như cục than. Không hiểu vì vị ngọt không thể tìm thấy ở vùng đất khắc nghiệt ấy hay vì điều gì mà ánh mắt em nhìn tôi vui vui, thật lạ.

Một niềm vui bé con được thắp lên từ một hành động vô tình. Niềm vui ấy có lẽ sẽ được nhân lên gấp đôi trong tôi nếu tôi biết san xẻ cho em phần ăn với tất cả tấm lòng yêu thương, nhân ái.

 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa Giêsu về thăm quê hương (Lc 4,16-30)

  1. Đức Giêsu về thăm quê hương với tình cảm thân thiện, chân thành; Người vào hội đường chia sẻ Kinh thánh với anh em đồng hương của Người. Qua đoạn sách tiên tri Isaia, Ngài thẳng thắn tuyên bố: lời sấm này đã ứng nghiệm nơi Người. Dân thành Nazareth rất thán phục ân sủng và sự khôn ngoan của Đức Giêsu với lời tuyên bố kia. Nhưng thực tế họ khó chấp nhận vì thân thế Người quá bình thường, hơn nữa khó do điều khiển được Người làm những điều họ mong muốn, họ đầy căm phẫn và định thủ tiêu Người.
  2. Người đời vẫn nói: “Không nơi nào đẹp bằng quê hương” hoặc “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Khi nói những điều đó là người ta muốn chứng minh rằng: bất cứ ai cũng yêu mến quê hương của mình, yêu nơi sinh trưởng, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đây là xét về tình cảm cá nhân mỗi người dành cho quê hương.

Còn về chính quê hương, đối lại với cá nhân, tức là tình cảm của người đồng hương dành cho cá nhân, thì phải chấp nhận chân lý bất hủ của Chúa Giêsu nói trong Tin mừng: “Không một tiên tri nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Đây cũng là một quan niệm cố hữu bình dân: “Bụt nhà không thiêng”. Chúa Giêsu đã tuyên bố chân lý bất hủ này về chính bản thân Ngài, tại quê hương Nazareth của Ngài (Lm. Phạm Văn Phượng).

  1. Sau hơn một năm đi giảng dạy nhiều nơi, làm nhiều phép lạ, danh tiếng Ngài đã vang đi khắp nơi và về tới cả quê hương mình, Chúa Giêsu trở về thăm quê hương là Nazareth. Theo thói quen Ngài vào hội đường cầu nguyện và nghe Sách thánh. Ngài được mời đọc Sách thánh và mở đúng đoạn sách tiên tri Isaia nói về vai trò và sứ mạng của người Tôi tớ Thiên Chúa… Ngài gấp sách lại và tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh quý vị vừa nghe”.

Theo câu nói đó, Chúa Giêsu muốn tự giới thiệu mình một cách xa xa: Ngài là ai, là người được Thiên Chúa sai đến, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế mà mọi người đang trông đợi. Ngài hơn cả tiên tri Êlia và Elisê. Nghe Chúa nói vậy dân làng Nazareth hết sức tức giận, kéo Ngài ra khỏi hội đường, đưa Ngài lên núi để xô Ngài xuống vực thẳm cho chết đi, nhưng giờ Ngài chưa tới, nên họ không làm gì được Ngài.

  1. Tuy tỏ ra tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Đức Giêsu, nhưng người Nazareth chỉ nhìn thấy một phương diện của Đức Giêsu là con ông Giuse, họ không thể nhận ra nơi Người, vị tiên tri cuối cùng mà Is 61 đã ám chỉ, tức là họ không nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, bởi lẽ họ đã có thành kiến với Ngài. Thánh Luca đã mô tả thái độ thành kiến của dân chúng bằng những lời lẽ như sau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”. Câu hỏi đó chứng tỏ bắt đầu họ hoài nghi về Chúa Giêsu. Câu hỏi đó ngụ ý nói rằng: Tưởng ai chứ ông đó thì chúng ta quá biết rồi, vì ông ấy ở cùng xóm với chúng ta, con ông Giuse hàng xóm, chứ ai đâu mà lạ.
  2. Hiểu rõ tâm trạng mù tối của dân nơi quê hương, Đức Giêsu đã diễn tả tâm tình ấy bằng kiểu nói vấn nạn: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình… Đòi hỏi này sẽ được lặp lại ở chân thánh giá rằng: “Nếu ông là Đấng Messia thì hãy tự cứu mình đi”. Đáp lại yêu sách này, Đức Giêsu trả lời bằng một câu tục ngữ: “Không một tiên tri nào được chấp nhận nơi quê hương mình”. Ý tưởng này cũng đồng nghĩa: “Bụt nhà không thiêng”.

Thành kiến được định nghĩa là một suy nghĩ, một cái nhìn khó thay đổi về việc gì đó. Khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình “như đúng rồi”, lại còn úp lên đó cái khung cứng nhắc của cảm tính, người thành kiến sẽ không thể nhìn người khác như họ là, mà trái lại sẽ đánh giá theo kiểu: “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng vuông”. Chẳng những thế, người thành kiến lại thích đeo cặp kính đen, để chỉ nhìn thấy phương diện xấu xa, bi quan, tiêu cực của sự việc. Những người đồng hương đương thời với Đức Giêsu đã nhìn Người với đôi mắt thành kiến như thế. Đối với họ thì gà thì đẻ ra gà, chứ không thể đẻ ra công được. Với cái nhìn thành kiến, họ không thể nào nhận ra Đức Giêsu, mà họ vẫn tưởng là con bác thợ mộc Giuse lại là Con Thiên Chúa được (5 phút Lời Chúa).

  1. Truyện: Tránh thành kiến với người khác

Một hôm cậu bé Tagore làm một bài thơ và đưa lên cho cha xem. Ông thân sinh tỏ vẻ khinh và nói: “Dở lắm”. Hôm sau, cậu bé lại đem cho cha một sáng tác mới. Ông thân sinh cũng bĩu môi nói: “Thơ mày là thơ thẩn”.

Tagore mới nghĩ ra kế sách. Cậu đem bài thơ của mình mới làm, chép lại thật kỹ và ghi xuất xứ là trích trong cuốn thơ cổ. Cậu ta lại quên đề tên của cuốn thơ cổ đó. Nhưng lần này ông thân sinh đọc xong, mắt sáng rực lên, vỗ đùi khen: “Tuyệt! Tuyệt!” Rồi đem khoe tíu tít với con trai lớn của ông hiện đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học: “Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào hay như bài này”.

Ông con trai chủ nhiệm đọc xong, cũng hết mình đồng ý, xoa tay khen ngợi là hay đáo để và muốn trích đăng lên mặt báo của ông… Bấy giờ ông anh cũng như thân sinh đòi Tagore phải đem cuốn thơ cổ kia, để đối chiếu chứng minh và cũng dễ bề ghi xuất xứ khi đăng báo.

Đến đây câu chuyện mới vỡ lẽ ra: Có ai ngờ trên đây là một cách dàn cảnh bịa đặt của cậu Tagore. Ông thân sinh giận sôi máu lên. Nhưng rồi cũng phải nhìn con với ánh mắt thán phục và hối hận cho thái độ thành kiến của mình.

 

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một linh mục truyền giáo tại Uganđa ở châu Phi, kể chuyện việc đi dự thánh lễ ngày Chúa nhật một cách kỳ lạ như sau: Hai vợ chồng Benedetto và Filomena bị mù. Họ sống cạnh một thiếu nữ bị bại hai chân, tên là Formosa. Mỗi sáng Chúa nhật, ba người này đi dự thánh lễ tại nhà thờ cách xa hai cây số.

Cách họ đi dự lễ như sau: Formosa thấy đường nhưng không đi được, nên phải bò hai tay. Filomena đui, đi sau Formosa, cầm chân của Formosa lên. Còn Benedetto thì vừa vịn vào vai vợ, vừa đi. Cả ba người, hai đui, một bại, giúp nhau đi dự thánh lễ mỗi ngày Chúa nhật như vậy!

Suy niệm

Trong khi những khát vọng và bao nỗ lực của con người qua những cuộc cách mạng trong dòng lịch sử đã không đem lại sự tự do, công bằng hoàn toàn cho con người, có một người đã vượt lên trên tất cả, vượt trên mọi cuộc cách mạng, vượt lên trên không gian và thời gian để đem lại sự tự do và bình đẳng cho mọi người, ở mọi nơi và qua mọi thời đại, đó chính là Đức Giêsu Kitô.

Chính Ngài giải phóng con người khỏi đau khổ, tù đày, áp bức và dẫn đưa con người đến một xã hội công bình, bác ái viên mãn. Đức Giêsu với tước hiệu Kitô luôn là niềm hy vọng vĩnh cửu của nhân loại mà thánh sử Luca đã trình bày với lời của ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm, cho biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:18-19).

Ðức Giêsu được xức dầu thánh hiến và đầy tràn Thánh Thần. Ngài được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo: những kẻ nghèo tiền nghèo bạc, nghèo sức khỏe, nghèo tiếng nói, nghèo cả trong thân phận cùng đinh của họ. Đức Kitô cũng được sai đến với những kẻ bị giam cầm: giam cầm bởi cảnh tù đày áp bức do chính anh em đồng loại gây nên, giam cầm trong chính bản thân mình do sự tự ti mặc cảm và loay hoay mãi để tìm lối thoát mà vẫn không tìm ra. Ngài đến trong đời để giải thoát chúng ta khỏi mọi cảnh tù đày: tù đày bởi nỗi lo sợ, bởi thành kiến, bởi ích kỷ tham lam. Ngài đem đến cho người mù niềm tin, người mù hy vọng, mù ‎lý trí và ý chí được thấy ánh sáng trong tâm linh với niềm tin. Đức Kitô đem lại tự do cho người bị áp bức và cả người gây áp bức bóc lột bằng tinh thần hối cải trong đức ái. Những trang Tin Mừng đã chỉ cho ta thấy rõ sứ mạng giải thoát của Ngài, cùng với những lời rao giảng là những dấu lạ: người què đi được, người mù được thấy, kẻ tội lỗi được ơn trở lại…

Như Đức Giêsu đã khẳng định: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4:21). Từ “hôm nay” diễn tả hành động trong hiện tại về sứ mạng giải phóng của Đức Kitô, không chỉ là trong quá khứ mà luôn được thể hiện trong lòng nhân loại qua muôn thế hệ. Tác động giải thoát không phải trong bạo lực như cuộc cách mạng của con người đã sử dụng mà là trong tác động của Thánh Thần.

Nếu chúng ta biết để cho Ngài hành động trong niềm tin và sự phó thác, thì những lo âu, những khốn khó của chúng ta sẽ được Ngài chia sẻ gánh vác. Như thế, chúng ta đã được giải thoát ngay trong chính niềm tin của chúng ta vào Ngài.

Ý lực sống

“Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
 cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta.
Soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tối tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”.

(Lc 1,78-79)