“Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện,
chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết
và không bị đưa ra ánh sáng.”
(Lc 8, 17).
BÀI ĐỌC I (năm I): Esd 1, 1-6
“Ai thuộc dân Chúa, hãy lên Giêrusalem và xây cất nhà Chúa”.
Khởi đầu sách Esdra.
Năm thứ nhất triều đại Kyrô vua nước Ba-tư, để ứng nghiệm lời Chúa đã phán bởi miệng Giêrêmia, Chúa giục lòng Kyrô vua nước Ba-tư, và ông truyền công bố bằng lời rao và sắc chỉ trong khắp nước rằng: “Ðây là lệnh của Kyrô vua nước Ba-tư: Chúa là Chúa Trời đã ban cho ta mọi nước trên mặt đất, chính Người truyền dạy ta phải xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong nước Giuđêa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Người? Xin Thiên Chúa của nó ở cùng nó. Nó hãy lên Giêrusalem trong xứ Giuđêa, và xây cất nhà của Chúa là Thiên Chúa Israel, chính Người là Thiên Chúa ngự ở Giêrusalem. Và tất cả những người khác đang cư ngụ bất kỳ nơi nào, thì từ nơi mình ở, hãy giúp họ bằng vàng bạc, của cải và súc vật, đừng kể những gì tình nguyện dâng cho đền thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem.
Các trưởng tộc thuộc chi họ Giuđa, Bêngiamin, các tư tế, các thầy Lêvi và mọi người được Chúa thúc giục trong lòng, đều vùng dậy tiến lên, để xây cất đền thờ Chúa ở Giêrusalem. Toàn thể dân chúng sống trong vùng lân cận cũng tiếp tay giúp họ vàng bạc, của cải, súc vật, những đồ quý, không kể những gì họ tự ý dâng cúng.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi
Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ; bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.
Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.
Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.
Tin mừng: Lc 8, 16-18
16 “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.
17 Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.
18 Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Hình ảnh cái đèn đặt trên giá cao để chiếu sáng, ám chỉ đến sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu và của những ai tin vào Ngài. Mỗi tín hữu phải là ngọn đèn cháy sáng cho đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là ánh sáng của Chúa Cha hằng soi sáng cho gian trần. Chính Chúa đã phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống”.
Trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, con được trao ban cây nến cháy sáng, để chỉ rằng: từ nay, con được ánh sáng của Chúa soi chiếu cho trong cuộc đời, con phải giữ gìn ngọn đèn luôn cháy sáng, và đặt trên giá cao để soi sáng cho muôn người.
Lạy Chúa, ánh sáng tự nó không thể che giấu, nhưng luôn chiếu sáng. Là nhân chứng của Chúa, con không thể không rao giảng Tin Mừng. Vâng, lạy Chúa, rao giảng là làm chứng tá cho Chúa, là ơn gọi và là sứ mệnh Chúa đã trao phó cho con. Xin cho con luôn biết sống Phúc âm hằng ngày để làm chứng tá cho Chúa.
Xin cho con biết nhẫn nại thực hiện cách phi thường những công việc bổn phận hằng ngày, như chiếc đèn trong âm thầm lặng lẽ, không quên nhiệm vụ của mình là luôn giương cao ánh sáng cho muôn người.
Xin cho con biết sống đời phục vụ bác ái, vì trong mọi thời, ngôn ngữ của tình thương luôn dễ hiểu, và việc làm của tình thương luôn chiếu sáng.
Và giữa những đêm đen của đau khổ thất vọng, giữa những sương mù của cuộc đời phong ba bão táp, xin cho con là ngọn hải đăng đem lại niềm tin yêu và thắp sáng cho cuộc đời hôm nay. Amen.
Ghi nhớ:“Ðặt đèn trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy sự sáng”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích ( Hạt giống…)
Qua hình ảnh chiếc đèn được đặt nơi cao tỏa chiếu ánh sáng, Chúa Giêsu muốn khuyên tín hữu phải có một cuộc sống gương mẫu để chiếu sáng trước mặt mọi người: Chúa Giêsu đem Tin Mừng đến trần gian, giảng dạy về Nước Trời, thành lập Giáo hội. Ngài không muốn những điều trên dành riêng cho một nhóm người nào riêng biệt, nhưng muốn thông ban cho mọi người. Riêng các Kitô hữu, họ phải sống sao cho người ta nhìn vào mà nhận ra Tin Mừng Nước Trời. Họ đã được hưởng ánh sáng Tin Mừng thì họ đừng giữ cho riêng mình, đừng dập tắt, trái lại phải tìm cách làm lan tỏa ánh sáng đó ra chung quanh.
– “Chẳng có gì bí ẩn mà không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che dấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng”: những chữ “gì” này nói đến các mầu nhiệm Nước Chúa. Trong thời kỳ của Chúa Giêsu thì chúng còn được che giấu, còn là bí ẩn. Nhưng đến thời các tông đồ và thời của Giáo Hội, chúng phải được loan truyền, tỏa lan rực rỡ như ánh sáng của ngọn đèn đặt trên nơi cao.
– “Vậy hãy để ý đến cách thức anh em nghe”: Do cách nghe Lời Chúa mà Lời đó có kết quả hay không.
– “Ai có thì sẽ được cho thêm, còn ai không có thì ngay cái họ tưởng có cũng sẽ bị lấy mất”: Câu này là một ngạn ngữ được Chúa Giêsu mượn dùng. Một kinh nghiệm ở đời là kẻ đã giàu thì ngày càng giàu thêm, còn người đã nghèo lại cứ nghèo đi, bởi vì “vốn sinh lãi, nợ đẻ nợ”. Chúa Giêsu mượn kinh nghiệm này để khuyến khích người ta chăm chỉ lắng nghe Tin mừng: càng thực thi Lời Chúa thì lại càng hiểu được Lời Chúa nhiều hơn.
B. Suy gẫm (… nảy mầm)
1. Lời Chúa là chiếc đèn soi sáng cho tôi và cho mọi người. Mỗi ngày ngọn đèn Lời Chúa được thắp sáng trong Thánh lễ và lúc nguyện gẫm. Để đèn trên giá cao là tôi sống Lời Chúa và nói Lời Chúa cho nhiều người khác được nghe. Lấy hũ che đèn lại hoặc đặt đèn dưới gầm giường là nghe Lời Chúa xong rồi quên đi, suốt ngày không nghĩ tới và không nói tới nữa.
2. Thực tế còn nhiều tín hữu đọc kinh, dự lễ nhiều nhưng chưa có thói quen học hỏi và sống Lời Chúa.
3. Thánh Giacôbê đã viết: “Một đức tin không có việc làm là đức tin chết.” Một đức tin không được diễn đạt, không được ứng dụng trong đời sống hằng ngày phải chăng không là đức tin chết ?
4. “Chẳng có gì bí ẩn mà không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che dấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng” (Lc 8, 17).
Với ước mong “làm được cái gì đó” cho những người dân quê, chúng ta lên đường tham gia chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè ở biên giới Tây Ninh. Lòng nhiệt thành hăng say của tuổi trẻ khiến chúng tôi bị hụt hẫng khi nhận ra những giới hạn của mình. Chúng tôi muốn làm một điều gì đó thật lớn lao cho họ nhưng đành bất lực.
Xin cảm tạ Cha vì Ngài đã cho con biết rằng: không phải khi nào con làm được điều gì lớn lao mới là lúc con làm vinh danh Chúa, nhưng từ những hành vi dù rất nhỏ bé của con: kể một câu chuyện, tập hát cho trẻ em, nghe và chia sẻ cùng thanh niên, đi làm chung với những người già… thì hình ảnh của Cha cũng sẽ ngày càng lớn lên trong mọi người.
Gương vua Alexandre
Sau khi chiếm được thành Babylon rồi, Alexandre đem quân vào Ba Tư, Ngài đi với 1.000 kỵ binh và một đội lục quân trang bị sơ sài. Vì khinh thường nguy hiểm, ngài không chuẩn bị, thành thử bị một trận rét cắt ruột ở trong hang núi. Rồi ngài tới một vùng rét buốt quanh năm, nước đóng thành băng giá, quân sĩ của ngài tưởng chết rét đến nơi. Họ kinh ngạc nhìn những vùng tuyết giá mênh mông, không hề có dấu chân người, làm cho họ vô cùng khiếp sợ. Họ không chịu tiến bước, họ muốn quay trở lại, vì theo họ, tiến nữa sẽ chết hết.
Thấy lòng quân như vậy, Alexandre không hề tác oai mà cũng không hề phạt người nào. Ngài xuống ngựa, một mình đi bộ tiến lên giữa vùng băng tuyết. Những cận thần thấy rằng nếu bỏ ngài thì xấu hổ, cũng đành phải tiến lên. Kế đó, các tướng tá cũng bắt chước, và cuối cùng quân sĩ cũng tiến theo.
Lúc nào cũng đi đầu, nhà vua cầm đuốc phá băng, mở một con đường. Đến lúc đó, chẳng còn ai phàn nàn, ai cũng bắt chước ngài làm việc. Vì thế đội quân của Alexandre vượt được rặng núi cheo leo và tới một địa điểm có bóng người. Đội quân thoát chết: đó cũng là nhờ ý chí cương quyết và lòng can đảm của Alexandre đại đế.
Không một lời khuyên răn nào, một sự giáo dục nào có khả năng mạnh mẽ hơn đức tính gương mẫu. Ta không thể nói: Hãy nghe lời ta nói, chứ đừng bắt chước việc ta làm, vì đó là lời nói của kẻ lường gạt. Lời nói và việc làm bao giờ cũng phải luôn nhất trí. Càng những lúc khó khăn, ta càng phải tôn trọng lời hứa. Những kẻ nói suông, quen thói quan liêu, chỉ tay năm ngón, lúc nào cũng chỉ là những kẻ rỗng tuếch trong lĩnh vực chỉ huy, không bao giờ trở thành người lãnh đạo giỏi.
Tấm gương của Alexandre xứng đáng là gương sáng cho chúng ta.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Dụ ngôn cái đèn (Lc 8,16-18)
- Qua hình ảnh chiếc đèn được đặt nơi cao chiếu ánh sáng, Đức Giêsu muốn khuyên tín hữu phải có một cuộc sống gương mẫu để chiếu sáng trước mặt người khác; Đức Giêsu đem Tin mừng đến trần gian, giảng dạy về Nước trời, thành lập Giáo hội. Ngài không muốn những điều trên dành riêng cho một nhóm người nào riêng biệt, nhưng muốn thông ban cho mọi người. Riêng các Kitô hữu, phải sống sao cho người ta nhìn vào mà nhận ra Tin mừng Nước trời. Họ đã được hưởng ánh sáng Tin mừng thì họ đừng giữ cho riêng mình, đừng dập tắt; trái lại, phải tìm cách làm lan toả ánh sáng đó ra cho mọi người chung quanh.
- Chiếc đèn được đốt lên phải được đặt trên cao để soi sáng cho mọi người trong nhà. Lý do hiện hữu của chiếc đèn là để soi sáng. Cũng thế, lý do hiện hữu của người Kitô hữu là phải tỏa sáng niềm tin của mình. Việc làm chứng cho đức tin trong cuộc sống hằng ngày của những Kitô hữu chúng ta, không phải là một việc làm có tính cách nhiệm ý, nghĩa là muốn hay không tùy ý, mà trái lại đó là một đòi hỏi tất yếu, bao trùm tất cả đời sống Kitô hữu chúng ta.
Chiếc đèn ấy được đốt lên bằng những hành động cụ thể hằng ngày. Thiên Chúa là Đấng chân thật, bởi vì sự chân thật ấy được thể hiện bằng một chuỗi những yêu thương đối với con người. Người Kitô hữu chỉ thực sự là Kitô hữu khi cuộc sống của họ thể hiện chính cuộc sống của Chúa, là yêu thương và phục vụ.
- “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường” (Lc 8,18)
Ánh sáng có nhiều tên gọi khác nhau. Ánh sáng mặt trời được gọi là ánh nắng; ánh sáng mặt trăng là ánh trăng; ánh sáng đèn được gọi là ánh đèn… Trong đêm Vọng Phục sinh, khi mọi sự đang chìm trong bóng tối, ngọn nến phục sinh được thắp lên và được khởi xướng: “Ánh sáng Chúa Kitô”. Ánh sáng ấy là chính Chúa Kitô, là Lời Chân lý. Người Kitô hữu đón nhận ánh sáng Phục sinh trong ngày lãnh bí tích Thánh tẩy, được mời gọi giữ cho ánh sáng chân lý ấy toả sáng mãi trong suốt cuộc đời, để những người lân cận cũng nhìn thấy ánh sáng ấy. Nghĩa là, bằng nhiều cách thế, những ai tiếp xúc, “đi vào nhà”, đều nhìn thấy ánh sáng Chúa Kitô đang được ta “đặt trên đế” – trong cuộc sống của mình. Khi ấy, bạn được gọi tên “Ánh sáng cho trần gian” (Mt 13,14) (5 phút mỗi ngày).
- Quả thật, Lời Chúa luôn có sức chiếu sáng rất mạnh. Chỉ tiếc rằng Lời Chúa rót vào tai một số người giống như dầu châm vào những cây đèn mà chúng không chịu cháy, nên chúng cũng vô ích. Bà Chiara Lubich nói: “Chúng ta phải sống thế nào để cho dù các sách Tin mừng trên thế giới có bị đốt hết đi, thì người ta cũng vẫn có thể nhìn vào cuộc sống chúng ta mà chép lại Tin mừng đúng từng câu, từng chữ”.
Đức Cha Jean Koret, vị Giám mục Tiệp Khắc đã từng phải sống lén lút ở chế độ Tiệp Khắc trước kia, tâm sự rằng: Ngài đã gặp gỡ được nhiều người tốt, lúc ngài phải đi làm việc như một công nhân, hơn là lúc ở trong toà Giám mục. Tiết lộ trên đây của Đức cha Jean Koret, đã phản ánh trung thực điều Chúa Giêsu đã phán: “Có ai đốt đèn rồi đem để ở trong thùng hay dưới gầm giường không?”
- Tuy nhiên, muốn trở nên đèn sáng để chiếu soi trần gian, người môn đệ phải biết gắn bó đời mình với Đức Giêsu là nguồn Ánh sáng. Luôn biết sẵn sàng để cho Lời Chúa soi chiếu cuộc đời của mình trước, rồi kế đó, người môn đệ sẽ chiếu toả cho anh chị em của mình những giá trị Tin mừng.
Ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội, mỗi người đều được đón nhận một cây nến cháy sáng qua lời mời gọi của vị chủ sự: “Hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Kitô”. Như thế, chúng ta thuộc về ánh sáng, hay nói đúng hơn, chúng ta là ánh sáng và bổn phận phải chiếu toả ánh sáng cho mọi người chung quanh. Không bao giờ chúng ta được phép chỉ giữ ánh sáng cho riêng mình. Hoặc có khái niệm: “Đèn nhà ai nấy rạng”. Nếu chúng ta có chủ trương ích kỷ, hẳn là một điều vô lý, vì: “Không ai thắp đèn rồi lấy hũ che lại, hay đặt dưới gầm giường”.
Chúng ta hãy cầu xin cho mọi Kitô hữu chúng ta, luôn ý thức tầm quan trọng của việc sống niềm tin trong cuộc sống và quyết tâm sống niềm tin ấy, để mỗi người trở thành những ngọn đèn được thắp sáng giữa môi trường mà chúng ta đang sống và cũng để cho cuộc sống của chúng ta đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.
- Truyện: Ngọn đèn tỏa sáng
Vào buổi chiều nọ, một người lấy từ trong hộp một cây nến nhỏ và leo lên tầng tháp cao. Cây nến hỏi:
– Chúng ta đang đi đâu vậy?
– Đi lên cao hơn để chỉ đường cho tàu bè vào cảng.
– Nhưng tôi bé nhỏ thế này làm sao tàu bè thấy được?
– Chỉ cần ngươi cứ cháy sáng thôi, còn mọi việc để ta lo.
Tới đỉnh tháp, người ấy đặt cây nến vào trong một cái đèn có ghép những tấm kính phản quang. Nhờ đó, mà ánh sáng lan tỏa ra và mọi tàu bè có thể thấy được.
Tin tức liên quan khác
Thánh Giuse, “Idol” trong thế giới ồn ào
Ba lợi ích của việc ăn chay theo thánh Tôma Aquino
Thứ Tư tuần 1 mùa Chay (Lc 11,29-32)
Vatican tổ chức khám bệnh miễn phí cho người nghèo nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VIII
Thánh lễ Xưng tội và Rước Lễ Lần Đầu tại Giáo Xứ Vĩnh Cư
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tại Indonesia vào ngày 05/9/2024, thứ Năm tuần 22 Thường Niên
Thứ Ba tuần 27 Thường niên năm II – Tất bật công việc (Lc 10,38-42)
Thứ Tư tuần 30 Thường niên năm II – Hãy qua cửa hẹp (Lc 13,22-30)