“Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy,
và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. (Ga 13,20)
BÀI ĐỌC I: Cv 13, 13-25
“Bởi dòng dõi Đavít, Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Rời Paphô, Phaolô và các bạn vượt biển đến Perghê xứ Pamphy-lia; còn Gioan từ biệt các ngài, và trở về Giêrusalem. Hai ngài sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Sau khi đọc sách luật và các tiên tri, những thủ lãnh nhà hội đường sai người đến nói với các ngài rằng: “Hỡi anh em, nếu ai trong anh em có lời khuyên bảo dân chúng, xin hãy nói”.
Phaolô đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng và nói: “Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây. Thiên Chúa dân Israel đã chọn Tổ phụ chúng ta, Người đã thăng tiến dân Người khi họ còn cư ngụ trong nước Ai-cập và Người ra tay mạnh mẽ đưa cha ông chúng ta ra khỏi nước ấy. Trong thời gian bốn mươi năm, Người chịu đựng thói xấu họ trong hoang địa; và sau khi đã tiêu diệt bảy dân tộc trong đất Canaan, Người đã cho họ chiếm đất của các dân tộc ấy gần bốn trăm năm mươi năm; và sau đó, Người ban cho họ các thẩm phán cho đến tiên tri Samuel. Kế đó, họ xin một nhà vua và Thiên Chúa cho Saolê, con ông Cis, thuộc chi họ Bengiamin, cai trị họ bốn mươi năm. Sau khi loại bỏ Saolê, Chúa đã đặt Đavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: ‘Ta đã gặp được Đavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta’.
“Bởi dòng dõi Đavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ, Đấng mà Gioan đã báo trước khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: ‘Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người’“.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 88, 2-3. 21- 22. 25 và 27
Đáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời; qua mọi thế hệ, miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”, trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. – Đáp.
2) Ta đã gặp Đavít là tôi tớ của Ta. Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người. – Đáp.
3) Thành tín và ân sủng của Ta hằng ở với người, và nhân danh Ta, sức mạnh người tăng thêm mãi. Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Tảng Đá cứu độ của con”. – Đáp.
Tin mừng: Ga 13,16-20
16 Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.
17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! 18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.
19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.
20 Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu đã tuyển chọn các môn đệ để họ tiếp tục sứ mạng cứu thế. Người được chọn phải biết quảng đại đáp lại với lòng trung thành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn kẻ Chúa muốn. Chúa biết người Chúa chọn. Được Chúa đoái thương là một ân huệ cao vời. Và Chúa vẫn tôn trọng tự do của con người. Tình thương Chúa đã trao ban một cách trọn vẹn, nhưng con vẫn có thể đón nhận hoặc chối từ. Điều đó đã xảy ra nơi nhóm Mười Hai, là những người được Chúa săn sóc một cách đặc biệt. Ông Giu-đa đã trở thành kẻ phản bội vì từ chối yêu thương, còn các tông đồ khác, dù có yếu đuối lỗi lầm, nhưng vẫn một lòng trung thành với tình yêu của Chúa.
Lạy Chúa, Chúa có lầm chăng ? Con tin chắc Chúa không lầm khi Chúa chọn ông Giu-đa. Và con tin chắc Chúa không lầm khi Chúa chọn con. Vì đó là chương trình Chúa thực hiện ơn cứu độ. Chúa đã chọn gọi con, con đã dứt khoát đứng về phía Chúa khi gia nhập Giáo Hội, khi con tuyên xưng niềm tin vào Chúa. Nhưng có những lúc con đã lạm dụng tự do Chúa ban để không chọn Chúa, để chối từ tình thương Chúa. Đồng thời con cũng chối từ sống yêu thương anh em. Con đã chối từ hạnh phúc khi chối từ tình yêu. Con đã chọn đau khổ khi cố tình sống ngoài tình yêu.
Lạy Chúa, xin Chúa gìn giữ con sống trong tình yêu Chúa. Xin đừng để con lạm dụng tự do để phản bội Chúa. Và nếu con có yếu đuối lỡ lầm, xin cho con biết tin tưởng trở về với Tình Yêu. Amen.
Ghi nhớ:“Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Bài giáo lý thứ 5: Chủ đề Đón nhận.
Trong khung cảnh bữa tiệc ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ để dạy các ông bài học yêu thương và phục vụ, Chúa Giêsu dạy tiếp một bài học rất cần cho mọi Kitô hữu: hãy biết đón nhận những kẻ Chúa sai đến với mình: “Ai đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy; và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. “No man is an island”, đó là tựa đề một quyển sách (Không ai là một hòn đảo). Ai sống cũng có những người khác sống chung quanh. Cuộc sống đầy những dịp gặp gỡ. Khi tôi đến gặp ai, nếu người ta lạnh nhạt với tôi, tôi có khó chịu không ? Thế thì tại sao khi người ta đến với tôi, tôi lại không đón nhận. Huống chi Chúa Giêsu còn muốn tôi coi những người đến với tôi là do Chúa sai đến.
2. Sau khi lãnh Bí tích Rửa tội, Kitô hữu gia nhập một cộng đoàn gồm những anh chị em mới trong Đức Kitô, và những người lãnh đạo thay mặt Chúa hướng dẫn mình. Đó là những người mà Chúa sai đến với mình và Chúa muốn mình đón nhận. Tôi đã đón nhận anh chị em như thế nào ? Tôi có luôn vui vẻ đón nhận sự hướng dẫn của những người có trách nhiệm hướng dẫn tôi không ?
3. Đón tiếp hay đón nhận đòi tôi phải hy sinh thời giờ, công việc và có khi của cải tiền bạc nữa. Không muốn hy sinh những thứ đó thì không phải là đón tiếp và đón nhận, hoặc chỉ là đón tiếp cách thờ ơ lãnh đạm.
4. Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức giấc rất sớm. Anh quyết định chuẩn bị căn xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quý. Người khách đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ Ngài đã hiện ra và báo cho anh biết Ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm sau.
Người thợ giầy ngồi chờ đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng anh hồi hộp sung sướng. Hẳn là Chúa đến. Anh ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người phát thư. Sáng hôm đó là một ngày cuối đông. Cái lạnh đã khiến mặt mũi tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện run lẩy bẩy ngoài cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.
Người thợ giầy lại vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó lại hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy lấy bút viết vài chữ để lại trên bàn, báo cho người khách quý biết mình đã đi ra ngoài. Nhưng tìm đường dẫn đứa bé về nhà đâu phải là chuyện đơn giản và nhanh chóng. Mãi chiều tối anh mới tìm ra nhà đứa bé và khi anh về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.
Vừa bước vào nhà, anh đã thấy có người đang đợi anh. Nhưng đó không phải Chúa mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà đã không thể chợp mắt suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giầy lại hối hả đến săn sóc đứa bé. Nửa đêm anh mới về nhà, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ.
Thế là một ngày đã qua mà Chúa chưa đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ, người thợ giầy nghe tiếng Chúa nói với anh: “Cám ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc an ủi Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay”. (Trích “Món quà giáng sinh”)
5. “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy; và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.
Chị tôi có một anh bạn cùng lớp. Tôi không ưa kiểu nói năng gàn dở của anh. Một hôm anh đến chơi, chị nhờ tôi pha nước. Mê coi ti-vi, bực mình vì quấy rầy, tôi đã pha cho anh ly nước mật chua và khoái chí khi thấy bộ mặt nhăn nhó của anh.
Chúa đã phục sinh gần hai ngàn năm, nhưng con người vẫn cứ ngụp lặn trong thế giới cũ mèm của hận thù, đố kỵ. Thế giới này sẽ đẹp hơn, nếu như mọi người biết bao dung và khoan dung cho nhau, yêu thương và phục vụ lẫn nhau.
Lạy Chúa, xin giúp con hiểu rằng, mỗi người con gặp là một sứ giả của Chúa, Người mang đến cho con bài học về lẽ yêu thương. Xin cho con luôn biết yêu thương đón tiếp họ, để cả hai chúng con được sống trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài. (Epphata)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Tinh thần phục vụ (Ga 13, 16-20)
- Trong khung cảnh bữa Tiệc ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu tiếp tục giáo huấn cho các ông biết tinh thần phục vụ trong yêu thương và khiêm nhường. Ngài hạ mình rửa chân cho các ông. Đức Giêsu đã mang lại ý nghĩa đích thực cho hai chữ “phục vụ”: phục vụ là sống như người tôi tớ, là sống trọn vẹn cho tha nhân, vì tha nhân…
Ngoài ra, Đức Giêsu dạy tiếp một bài học rất cần cho mọi Kitô hữu: hãy biết đón nhận những kẻ Chúa sai đến với mình: “Ai đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy; và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.
- Việc rửa chân cho các môn đệ không chỉ là một cử chỉ hay là một bài học của phục vụ, nhưng qua đó Đức Giêsu còn muốn loan báo chính cái chết của Ngài như tột cùng của thân phận tôi tớ mà Đức Giêsu đã đón nhận. Thật thế, người tôi tớ không sống cho mình, mà hoàn toàn sống cho người khác, đến độ trao nộp cả mạng sống mình. Như vậy, đối với Đức Giêsu, phục vụ là sống trọn vẹn cho người khác. Chính qua sự phục vụ cho đến chết ấy mà Đức Giêsu thể hiện thiên tính của Ngài. Ngài là Đấng hằng hữu, vì Ngài có thể đón nhận thân phận con người và trao ban thân phận ấy cho người khác; Ngài là Đấng toàn năng vì cách thế thể hiện quyền năng ấy chính là phục vụ và phục vụ cho đến chết.
- Quyền năng của Thiên Chúa là quyền năng của phục vụ; sức mạnh của Thiên Chúa là sức mạnh của tình yêu. Chúng ta hiểu được sự thành công của Mahatma Gandhi trong cuộc tranh đấu bất bạo động của ông, ông nói như sau: “Tình yêu là sức mạnh vạn năng mà con người có thể có trên mặt đất này”. Yêu thương như Thiên Chúa yêu có nghĩa là yêu thương cho đến cùng, yêu thương cả kẻ thù và sẵn sàng hiến thân hy sinh cho họ. Phục vụ như Thiên Chúa phục vụ có nghĩa phục vụ mà không tranh giành, không tính toán hơn thiệt, không tìm lợi danh cho bản thân (Mỗi ngày một tin vui).
- Đón tiếp người được Chúa sai đến
Sau bài học về hy sinh phục vụ, Đức Giêsu dạy tiếp về sự đón tiếp. Lời nói về sự đón tiếp của Đức Giêsu nhằm tới chính sự thờ ơ của người Do thái đã không đón nhận Ngài, khi “Người đến nhà mình mà người nhà không ra nhận” (Ga 1, 11). Người Do thái tự hào mình tin Thiên Chúa, nhưng lại không đón tiếp Đấng được Thiên Chúa sai đến, âu cũng vì họ vẽ ra: “Đấng được sai đến” đó theo ý họ, và họ không chấp nhận một Đấng Thiên Sai không thoả mãn những tiêu chuẩn trần thế của họ.
Người Chúa sai đến với chúng ta cụ thể nhất chính là những người có trách nhiệm rao giảng, thánh hoá và dẫn dắt chúng ta. Các vị đến với chúng ta nhân danh Chúa trong phẩm vị và sứ vụ được Chúa giao phó cho Giáo hội, chúng ta đã đón tiếp các ngài như thế nào? Ít nhiều chúng ta cũng giống dân Do thái xưa, thích đón tiếp những vị được sai đến hợp ý chúng ta hơn là đón tiếp vị được sai đến theo ý Chúa.
- Phục vụ Chúa trong anh em
Thánh Biển Đức căn dặn các đan sĩ: “Khi anh em đón tiếp và phục vụ khách, thì không phải anh em đang đón tiếp và phục vụ khách, mà là cung kính đón tiếp chính Đức Kitô ở trong khách”. Và Đức Giêsu cũng đã đồng hoá chính Ngài hiện thân trong mọi mảnh đời khi Ngài nói về ngày phán xét chung: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).
Như thế, khi ý thức được Chúa ở trong mọi người, thì chúng ta không thể nổi giận cau có với “Chúa” được, mà là một sự kính trọng và chu đáo như Mátta và Maria đã đón Chúa vào nhà mình. Thấy Chúa trong anh em thì chúng ta sẽ dễ tôn trọng và yêu thương nhau…
- Truyện: Khai sinh Hội Bác ái Vinh Sơn
Khoảng năm 1883, dưới sự lãnh đạo của một thanh niên Ozanam, 8 thanh niên Công giáo trường đại học Paris thường gặp nhau, để thảo luận chiến thuật bảo vệ Giáo hội đang bị tấn công tứ phía. Những buổi thảo luận đã diễn ra suốt một năm, nhưng chưa đưa đến một hành động nào. Tình cờ 8 sinh viên nghe một lời thách thức của kẻ chuyên chống phá Giáo hội:
“Các anh luôn nói đến công lao Giáo hội của các anh trong quá khứ, nhưng Giáo hội các anh bây giờ đã chết rồi. Nếu các anh bảo Giáo hội vẫn đang sống, hãy chứng minh đi. Một năm qua, tôi chỉ thấy các anh thảo luận tranh cãi nhau bằng môi mép, nhưng chưa thấy một hành động cụ thể nào”.
Lời thách đố ấy được 8 sinh viên Công giáo tiếp nhận như một bài học quý giá. Buổi chiều hôm đó, thay vì thảo luận, hành động đầu tiên của họ là thu nhặt số củi khô dùng để sưởi ấm ở phòng trọ và họ còn mang biếu cho người nghèo đang rét run tại phòng bên cạnh, vì không có tiền để mua chất đốt.
Đó là buổi chiều đầu tiên khai sinh Hội Bác ái Vinh Sơn chuyên hoạt động giúp đỡ người nghèo theo tinh thần thánh Vincent de Paul. Những người tiên phong của hội này hiểu rằng: “Người tín hữu Kitô không thể bênh vực Giáo hội bằng những lời nói suông, mà phải bằng chính những hành động cụ thể, bằng chính cả cuộc sống của họ.
Tin tức liên quan khác
ĐTC Phanxicô thúc giục Giáo hội đồng hành với người lao động có công việc bấp bênh
Những Nghị Phụ Cuối Cùng Của Công Đồng Vatican II
Nghi thức Tuyên xưng Đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Vũ Công Viện
Diễn từ Đức Thánh Cha dành cho các thành viên Hiệp hội Thăng tiến Gia đình
Lược sử Giáo xứ Tam Tòa Đồng Hới Quảng Bình Giáo phận Hà Tĩn
Chúa đã nhận lời tôi cầu xin
Tại sao nghiện rượu là tội lỗi?
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma