Thứ Sáu tuần 15 Thường niên năm II – Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế (Mt 12,1-8)

“Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ”. (Mt 12,7)

BÀI ĐỌC I (năm II): Is 38, 1-6. 21-22. 7-8

Ta đã nghe lời ngươi cầu nguyện, và Ta đã lau sạch nước mắt của ngươi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Trong những ngày ấy Êdêkia đau gần chết. Tiên tri Isaia, con ông Amos đến thưa người rằng: “Chúa phán thế này: Ngươi hãy sắp xếp công việc nhà cửa của ngươi, vì ngươi sắp chết, không sống được nữa”. Êdêkia liền quay mặt vào vách, cầu nguyện cùng Chúa rằng: “Ôi lạy Chúa, con van xin Chúa, xin Chúa hãy nhớ lại: con đã sống ngay chính trước mặt Chúa, và đã làm những điều đẹp lòng Chúa”. Rồi Êdêkia than khóc lớn tiếng.

Bấy giờ Chúa phán cùng Isaia rằng: “Hãy đi nói với Êdêkia rằng: Ðây Chúa là Thiên Chúa Ðavít, tổ phụ ngươi, phán thế này: Ta đã nghe lời ngươi cầu nguyện, và Ta đã thấy nước mắt của ngươi. Ta sẽ cho ngươi sống thêm mười lăm năm nữa. Ta sẽ cứu ngươi và bảo vệ thành này khỏi tay vua Assyria”.

Isaia sai người đi lấy mẩu bánh trái vả đắp lên mụn ung độc, và vua liền khỏi bệnh. Bây giờ Êdêkia hỏi: “Có dấu nào cho ta biết coi ta còn lên đền thờ Chúa được chăng?” Isaia đáp: “Ðây là dấu lạ Chúa ban cho vua, vì Chúa sẽ thực hiện lời Người đã phán: “Ta sẽ làm cho bóng đã ngả trên bảng độ Acaz lui lại mười độ”. Và mặt trời lui lại mười độ.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Is 38, 10. 11. 12. 16

Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu mạng sống con, ngõ hầu con khỏi phải chết (c. 17b).

Xướng: Con đã từng nói: Ðến nửa đời con, con sẽ đi đến cửa địa ngục. Con sẽ bị giam giữ những năm cuối đời con. – Ðáp.

Xướng: Con đã từng nói: Con sẽ không nhìn thấy Thiên Chúa trong đất nước những kẻ nhân sinh: con sẽ không còn thấy người ta nữa, không còn trông thấy dân chúng sống yên vui. – Ðáp.

Xướng: Miêu duệ con đã xa cách và lìa bỏ con, như chiếc lều của những mục tử. Như người thợ dệt, con lôi cuốn đời sống con đi; con chặt đứt nó, khi nó còn muốn kéo dài. – Ðáp.

Xướng: Lạy Chúa, đời sống con là như thế, và đời sống tinh thần của con cũng như vậy, nhưng xin Chúa hãy thuyên chữa và cứu sống con”. – Ðáp.

 

Tin mừng: Mt 12, 1-8

1 Khi ấy, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người đói, liền bứt bông lúa mà ăn.

2 Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người rằng: “Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat”.

3 Người nói với các ông rằng: “Các ông không đọc thấy Đavít và những người đi với ông đã làm gì khi đói lả sao?

4 Các ông cũng không đọc thấy Đavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không được phép ăn, chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao?

5 Hay các ông không đọc thấy trong luật rằng: Ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc tội đó sao?

6 Tôi bảo cho các ông biết, đây có Đấng còn trọng hơn đền thờ nữa. 7

Vì nếu các ông biết được điều này là, ‘Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ’, chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội, 8 vì chưng Con Người cũng là chủ ngày Sabbat”.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu dạy ta biết ý nghĩa của lề luật: lề luật là để phục vụ con người, giúp con người thực thi ý muốn của Thiên Chúa là sống nhân nghĩa với tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nhóm biệt phái thường bất bình tranh luận với Chúa về những điều được phép hay không được phép làm trong ngày lễ nghỉ. Nhân những cuộc tranh luận ấy, Chúa cho chúng con hiểu rằng tôn giáo không phải là một quyền lực áp đặt, để biến con người thành một thứ máy móc, hay những kẻ nô lệ. Trái lại, sống trong đạo là một hành động của tình yêu mến. Chúa đã khẳng định: “Ta muốn lòng nhân chứ không muốn lễ tế”.

Lạy Chúa, Chúa đến không phải để đánh đổ mọi tập tục và lề luật, nhưng là để kiện toàn chúng bằng cách mặc cho chúng tinh thần bác ái yêu thương. Vì thế, mọi lề luật đều trở nên trống rỗng và vô nghĩa nếu không được tuân giữ vì tình yêu.

Lạy Chúa, con chợt giật mình khi nhiều năm tháng qua con sống một cách máy móc, giữ giới răn Chúa là vì sợ chứ không phải vì yêu mến Chúa và yêu mến anh chị em. Vì vậy, đời sống đức tin đối với con là một gánh nặng, các thứ lề luật đè nặng trên vai đôi lúc tưởng chừng như không kham nổi. Con cũng chẳng khác gì người biệt phái, sống giả dối, hình thức bề ngoài, còn nội tâm thì trống rỗng khô khan.

Lạy Chúa, xin tha thứ cho đời sống bất xứng của con. Xin ban cho con Thần Khí Tình Yêu của Chúa, để từ nay con sẽ sống cho Chúa và tha nhân với tất cả tình yêu, hầu đáp lại tình thương mà Chúa đã dành cho con. Amen.

Ghi nhớ:“Con Người cũng là chủ ngày sabbat”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Chúa Giêsu bị các người biệt phái kết án vì chuyện các môn đệ Ngài bứt lúa trong ngày Sabbat.

Thực ra điều mà các người biệt phái trách không phải vì họ đói mà bứt lúa để ăn (x. Đnl 23,26; cho phép ăn lúa nơi đồng của người khác), nhưng vì họ đã làm việc trong ngày hưu lễ (x. Xh 34, 21; cấm gặt lúa trong ngày Sabbat: người biệt phái quá vụ luật đã coi việc bứt vài bông lúa có nghĩa là gặt lúa!). Trong câu chuyện này cũng nên lưu ý câu trả lời của Chúa Giêsu trích Hôsê 6,6 “Ta muốn tình thương chứ không màng hy lễ”.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Vụ việc này là một mình họa cho thấy Luật (“ách”) của người biệt phái do không có tình thương trong đó nên đã trở thành nặng nề như thế nào. Họ không hề quan tâm đến cơn đói của các môn đệ, mà chỉ rình mò xem các ông có làm gì phạm đến luật không để mà kết án.

Khi không có tình thương, mọi sở hữu nhỏ nhoi của anh chị em tôi đều có thể bị tôi kết án. Ngược lại, khi đã thương thì tôi có thể thông cảm cho những sai lầm đó cách đễ dàng.

2. “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ”: Chúa Giêsu muốn tôi lấy lòng nhân từ mà đối xử với anh chị em. Đó chính là của lễ quý hơn mọi của lễ khác mà tôi có thể dâng lên cho Chúa.

3. “Con người cũng là chủ của ngày Sabbat”: tôi phải giữ luật vì Chúa chứ không phải vì luật.

4. Qua vụ việc này, Chúa cũng dạy ta đừng xét đoán người khác một cách ”lý thuyết”, mà phải để ý đến hoàn cảnh nữa.

5. Ngày nọ Khổng Tử dẫn đệ tử từ nước Lỗ sang nước Tề. Trong đám đệ tử có Nhan Hồi và Lộ Tử là hai môn sinh được Khổng Tử sủng ái nhất.

Thời Đông Chu, loạn lạc khắp nơi khiến dân chúng lầm than đói khổ. Thầy trò Khổng Tử cũng có nhiều ngày nhịn đói cầm hơi. Ngày đầu tiên đến đất Tề, Khổng Tử và các môn sinh được một người nhà giàu biếu một ít gạo. Khổng Tử liền phân công: Lộ Tử và các môn sinh khác vào rừng kiếm củi, còn Nhan Hồi dảm nhận việc nấu cơm.

Đang đọc sách ở nhà trên, Khổng Tử bỗng nghe thấy tiếng động ở nhà bếp. Nhìn xuống, Ngài bắt gặp Nha hồi đang mở vung xới cơm cho tay vào nắm từng nắm nhỏ rồi bỏ vào miệng. Khổng Tử than thở: ”Người học trò tín cẩn nhất của Ta lại là kẻ ăn vụng”.

Khi Lộ Tử và các môn sinh khác trở về, Khổng Tử cho tập họp các môn sinh lại và nói: ”Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm cho Thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương, Thầy muốn xới một bát cơm để cúng Cha mẹ. Nhưng liệu nồi cơm này có sạch không?”

Nhạn Hồi chắp tay thưa: ”Dạ nồi cơm này không sạch. Khi cơm vừa chín con mở vung ra xem thử. Chẳng may một cơn gió tràn vào. Bồ hóng và bụi rơi xuống làm bẩn nồi cơm. Sau đó con xới cơm bẩn ra định vất đi. Nhưng nghĩ rằng cơm ít mà anh em thì đông. Cho nên con đã ăn phần cơm ấy. Thưa Thầy như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi”.

Nghe Nhạn Hồi nói xong, Khổng Tử lại ngẩng mặt lên trời mà than rằng: ”Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật. Suýt nữa Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ”.

6. “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ”. (Mt 12,7)

Tôi đứng đó dưới ánh mặt trời. Trước mặt tôi bóng đen đổ dài phía sau trên nền đất. Tôi chợt nghĩ: Mặt trời sao đen thế!

Xoay người 180 độ, cái bóng vẫn đổ dài phía sau trên nền đất. Nhưng truớc mặt tôi Mặt trời bừng sáng rược rỡ.

Lời Chúa hôm nay hé mở cho tôi lối sống mới, lối sống tự do của lòng nhân từ, không sợ hãi, không hình thức nệ luật.

Lạy Chúa, bước vào đời con phải chấp nhận luật chơi của cuộc sống. Xin cho con luôn ý thức luật lệ chỉ là phương thức để con sống hoàn thiện và là cầu nối để con đến với Thiên Chúa và tha nhân. (Hosanna)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Tinh thần của Lề Luật (Mt 12,1-8)

  1. Người biệt phái trách môn đệ Chúa Giêsu không giữ ngày hưu lễ, vì bứt gié lúa để ăn lúc đói. Người biệt phải chỉ xét trên mặt chữ của bản luật, mà không nhìn thấy nhu cầu của anh em mình. Luật được Thiên Chúa ban hành không phải để gò ép, nhưng là để thăng tiến con người, giúp con người đi trên con đường ngay thẳng. Vì thế, phục vụ con người đúng lý, đúng cách là thi hành luật trọn hảo nhất. Do đó, Chúa Giêsu đã nói với người biệt phái: “Ta chuộng nhân nghĩa chứ không phải lễ tế”.
  2. Bộ luật của người Do thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho Maisen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong sách Lêvi và Đệ nhị luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ Sabat, thuộc giới răn thứ 3 trong Thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.

Thực ra, khi ban bố Lề Luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ – luật sĩ – biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ; còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ (Hiền Lâm).

  1. “Paparazzi” theo tiếng Ý là tên gọi những tay chuyên rình chụp hình lén những nhân vật nổi tiếng để gây xì-căng-đan. Nhưng người Biệt phái này hẳn cũng đóng vai paparazzi đeo bám theo Chúa Giêsu và các môn đệ bén gót mới có thể bắt gặp các ông này bứt lúa ăn trong ngày sabat, một việc họ bảo là không được phép làm trong ngày hưu lễ. Thế là có cớ để “kiếm chuyện” với Chúa Giêsu. Mang sẵn một định kiến đầy ác ý tìm cách bắt lỗi người khác như thế là tự bít kín mọi ngõ ngách để cảm thông, và đồng thời biến lề luật trở thành công cụ săn lùng và kết án người khác (5 phút Lời Chúa).
  2. Hôm nay, trước cảnh các môn đệ Chúa Giêsu đói bụng, bứt mấy bông lúa vò nát để ăn, nhân cơ hội này người biệt phái bắt bẻ Chúa Giêsu về luật sabát, bởi vì:

– Người Biệt phái chú tâm đến hình thức của luật đến nỗi quên đi bản chất của luật là bác ái yêu thương, họ sẵn sàng để người khác đói khát chứ không thà lỗi luật. Luật là cứu sống chứ không phải giết chết.- Họ vốn chủ trương là hassidim, nghĩa là giữ luật cách khắt khe, nên khi bắt bẻ Chúa Giêsu là ngầm ý đề cao mình và che giấu sự giả hình của mình.

– Họ xem luật như cứu cánh và bắt buộc Thiên Chúa phải theo ý họ mà thưởng công cho họ. Trong khi luật chỉ là dẫn đường, còn cùng đích phải là Thiên Chúa.

  1. Cuộc tranh luận của Chúa Giêsu đều được trình thuật đầy đủ trong các Tin mừng Nhất lãm, nhưng nơi Tin mừng Matthêu, tác giả lưu ý hai điểm:

– Thứ nhất , quyền hành của Chúa Giêsu trên các việc thực hành đạo đức.

– Thứ hai, lòng nhân từ có ưu tiên trên việc thực hành đạo đức.

Trả lời cho thắc mắc của những người biệt phái tại sao các môn đệ Ngài không giữ luật Hưu lễ, Chúa Giêsu nhắc lại việc xảy ra trong Cựu ước liên quan đến Đavít và những người tuỳ tùng khi đói, tức khi khẩn thiết, đã làm điều không được phép làm; hoặc việc các tư tế trong Đền thờ không nghỉ ngày Hưu lễ mà cũng không mắc tội. Rồi Chúa kết luận: ”Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: ‘Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông sẽ chẳng lên án kẻ vô tội”. Lòng nhân từ phải là căn bản cho những phán đoán của chúng ta đối với anh em; cần phải hành xử theo lòng nhân từ này hơn là chỉ xét đoán anh em những việc bên ngoài (Mỗi ngày một tin vui).

  1. Lề luật tối thượng là lòng “nhân hậu”. Để bảo vệ con người cần phải có luật lệ. Để xã hội tiến triển trật tự cần phải có luật lệ. Nhưng nếu những luật lệ đó trở thành bất nhân, không bảo vệ con người, không đem lại hạnh phúc cho con người, cần phải phá bỏ. Thờ phượng Chúa là điều phải làm. Nhưng nếu vì lề luật mà bất nhân thì Chúa không ưng nhận. Chúa khẳng định: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ”. Lòng nhân hậu là lề luật tối thượng.
  2. Truyện: Tấu khúc nhạc yêu thương

Thi sĩ George Herbert, người Anh, ngoài tài làm thơ, ông còn có năng khiếu về hoà nhạc.

Một buổi tối nọ, lúc đang trên đường đi dự buổi hoà nhạc, thi sĩ gặp một chiếc xe ngựa bị sa lầy. Trên xe hàng hóa chất rất nặng. Bác đánh xe ngựa thì già yếu và con ngựa thì quá đỗi gầy còm.

Không chút ngần ngại, thi sĩ đã bỏ cây đàn bên vệ đường rồi giúp bác đánh xe ngựa bốc dỡ hàng hoá và đẩy chiếc xe ra khỏi vũng lầy. Sau đó, ông lại tiếp tục giúp xếp hàng lên xe. Rồi nhìn con ngựa gầy còm mà ái ngại cho nó, ông tặng bác đánh xe ngựa một số tiền để mua cỏ cho nó ăn.

Công việc xong xuôi thì trời đã về khuya. Bộ đồ dạ hội của thi sĩ cũng đã lem luốc những bùn. Tuy thế, ông vẫn đến nơi đã hẹn. Tới nơi thì buổi dạ hội đã xong rồi.

Một người bạn nói với ông: “Nhà thơ của chúng ta đã lỡ mất một buổi hoà nhạc tuyệt vời”.

Thi sĩ George Herbert mỉm cười đáp lại: “Phải, đúng thế. Nhưng để đền bù lại, tôi đã tấu được một khúc nhạc tuyệt vời hơn rất nhiều. Đó chính là tấu khúc nhạc yêu thương”.

 

Suy niệm 4: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Nhà giảng thuyết Alexander Smellie có lần viết: Cụm từ “tôi phải” là một quy luật đạo đức khi lương tâm được ơn trên soi sáng hướng dẫn, nhưng khi lương tâm lệch lạc vì tội lỗi, hẹp hòi và quá khích, câu đó có thể đẩy ta vào chỗ đi ngược lại Đức Kitô.

 Một người Ấn Độ nói với một quan chức Anh: “Khi người chồng chết, thì lương tâm bảo chúng tôi là phải hoả thiêu người vợ goá trong tang lễ của chồng”.

 Quan chức Anh đáp: “Nếu anh làm thế, thì lương tâm bảo tôi là phải treo cổ anh !”.

Suy niệm

Ngày Sabát là ngày thánh thiêng vì là ngày của Chúa, ngày nhớ đến công trình tạo dựng và giải phóng dân của Ngài. Từ “Sabát” theo tiếng Hipri có nghĩa là “nghỉ ngơi”, tức là ngừng hoạt động. Muốn ám chỉ ngày thứ Bảy, sau sáu ngày sáng tạo, ngày thứ Bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi (x. St 2,1-2) cho con người cũng được nghỉ ngơi trong Chúa. Việc giữ ngày Sabát trở thành luật lệ Cựu ước vào thời Môisê. Ngày Sabát được quy định để dân Chúa tuyển chọn – dân Israel:

  • Nhớ sự hoàn tất cuộc sáng tạo của Thiên Chúa (x. Xh 20,8-11).
  • Giữ dấu hiệu Giao ước Đức Chúa với dân Israel – dân được tuyển chọn (x. Ed 20,12).
  • Nhớ sự cứu chuộc Đức Chúa giải phóng ách nô lệ Ai Cập cho dân Ngài (x. Đnl 5,12-15).

Cho nên với ngườiDo Thái, việc giữ ngày Sabát một cách tỉ mỉ chu đáo nói lên tầm quan trọng của đời sống trong tôn giáo… Ai vi phạm ngày này có thể bị xử tử (x. Xh 31,14), bị ném đá (x. Ds 15,32-36).

Câu chuyện xảy ra vào một ngày Sabát: Thầy trò Giêsu đang mệt vì đói, băng qua đồng lúa và các môn đệ đã bứt các bông lúa để ăn. Theo sách Đệ Nhị Luật thì hành động này được phép làm: “Khi vào đồng lúa của người đồng loại, anh em có thể lấy tay bứt bông lúa” (x. Đnl 23, 26). Nhưng theo các người biệt phái, điều này bị cấm làm trong ngày Sabát, vì các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa và vò trong tay (trước khi ăn như người ta thường làm) giống với việc gặt và xay lúa, mà gặt và xay lúa là một trong ba mươi chín việc không được phép làm trong ngày Sabát. Cho nên, người biệt phái kết luận việc các môn đệ bứt lúa tức làlàm việc là phạm đến Luật Môisê.

Đức Giêsu đã trưng dẫn chuyện vua Đavít để trả lời cho sự buộc tội của người pharisiêu với môn đệ Ngài: Đavít là ăn bánh tiến (x. 1 Sm 21,1-6). Bánh này gồm mười hai ổ lớn được đặt trước nhà tạm (x. Lv 24,5-9). Vào ngày Sabát, bánh mới được thay, bánh cũ chỉ dành cho các tư tế dùng, cho nên vua đã làm điều không được phép làm.Trong truyền thống Do Thái, vua Đavít là thánh vươngnên được coi là đạo đức mẫu mực. Nếu Đavít và các thân cận khi đói lấy bánh tiến dành riêng cho tư tế, có thể được miễn giữ luật liên quan đến bánh thánh thì Đức Giêsu và các môn đệ trong trường hợp nào đó cũng có thể được miễn giữ ngày Sabát thánh như sách Macabêcũng đã nhắc đến (x. 1Mcb2,34-38).

Hơn thế nữa, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài là “Chúa” của ngày Sabát. Ngài mạc khải chính mình như là sự sống viên mãn và là cùng đích của giới luật ngày Sabát. Ngài đưa ngày Sabát đến viên mãn.Ngài mặc cho ngày đó một ý nghĩa tương quan với con người do ân sủng và tình thương của Thiên Chúa: “NgàySabát được lập ra vì con người, chứ không phải con ngườivì ngày Sabát”.

Ðể chứng minh điều đó, Chúa đã chữa người bại tay trong ngày Sabát. Qua đó, Chúa Giêsu dạy chúng ta dùng ngày Chúa Nhật – Sabát mới trong mầu nhiệm Phục sinh, để thờ phượng Chúa và phục vụ anh chị em, làm cho anh em sống triển nở trong ơn thánh. Chúng ta quyết tâm vâng lời Chúa và tha thiết cầu nguyện cho mọi Kitô hữu hiểu ý nghĩa của ngày Chúa nhật – Sabát của Kitô giáo.

Ý lực sống

“Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gc 2,8).