“Tôi bảo cho anh biết: ‘anh sẽ không ra khỏi đó
trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng”.
(Lc 12,59)
BÀI ĐỌC I (năm I): Rm 7, 18-25a
“Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi cái xác chết này?”
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi biết rằng sự lành không ở trong tôi, nghĩa là trong huyết nhục của tôi. Vì chưng ước muốn thì tôi vẫn có, nhưng làm cho sự lành nên hoàn hảo thì không sao được. Bởi vì sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm. Thực ra nếu tôi làm điều tôi không muốn, thì bấy giờ không phải chính tôi làm điều đó, nhưng là sự tội ở trong mình tôi. Thành ra khi tôi muốn làm sự lành, tôi nhận thấy trong tôi có lề luật, vì sự dữ vẫn kèm bên tôi. Theo như con người bên trong, tôi cũng ưa thích lề luật Thiên Chúa: nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một lề luật khác đối địch với lề luật tâm thần tôi, và giam hãm tôi dưới ách lề luật sự tội trong chi thể tôi. Tôi là con người vô phúc! Ai sẽ cứu tôi khỏi cái xác chết này? Cảm tạ Thiên Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Như thế, chính tôi lấy tâm thần mà phục vụ lề luật Thiên Chúa; còn về xác thịt, thì vâng phục lề luật của sự tội.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 118, 66. 68. 76. 77. 93. 94
Ðáp: Lạy Chúa, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài
Xướng: Xin Chúa dạy con sự thông minh và lương tri, vì con tin cậy vào các chỉ thị của Ngài.
Xướng: Chúa là Ðấng tốt lành và nhân hậu, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài.
Xướng: Xin Chúa tỏ lòng thương hầu uỷ lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa.
Xướng: Nguyện Chúa xót thương cho con được sống, vì luật pháp Ngài là sự sung sướng của con.
Xướng: Ðời đời con không quên những huấn lệnh của Ngài, bởi lẽ đó mà Ngài đã ban cho con được sống.
Xướng: Con thuộc về Chúa, xin Chúa cứu độ con, vì con tìm kiếm huấn lệnh của Ngài.
Tin mừng: Lc 12, 54-59
54Đức Giêsu cũng nói với đám đông rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: ‘Mưa đến nơi rồi’, và xảy ra đúng như vậy. 55Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: ‘Trời sẽ oi bức’, và xảy ra đúng như vậy. 56Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét ?
57 “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải ? 58Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. 59Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng”.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Từng biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống là những dấu chỉ chứng tỏ Thiên Chúa vẫn đang làm chủ lịch sử và thực hiện việc cứu độ nhân loại. Khi nhận ra những dấu hiệu ấy, chúng ta cần phải xác định lập trường sống một cách dứt khoát.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc sống của con được đan dệt với những vui buồn sướng khổ, may mắn và thất bại. Con nhận biết rằng Chúa đang can thiệp vào những biến cố ấy. Ngày nay không thiếu những dấu chỉ chứng tỏ Chúa vẫn đang hiện diện trong cuộc đời con.
Ngày xưa Chúa đã trách người Do thái vì họ không biết đọc những dấu chỉ thời đại. Họ sáng suốt đoán trước thời tiết qua những hiện tượng thiên nhiên, nhưng họ lại mù tối không nhận ra được những dấu chỉ mà Chúa đang ngỏ với họ qua các phép lạ và giáo lý của Chúa. Chúa mời gọi những ai theo Chúa hãy đọc và hiểu dấu chỉ ơn cứu độ của Chúa đang thực hiện giữa loài người.
Lạy Chúa, xin cho con được đôi mắt sáng của đức tin, để thấy được bàn tay yêu thương của Chúa đang dẫn dắt con trong từng biến cố. Con cũng cần Chúa cho đôi tai tỉnh thức, để sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa đang mời gọi con đáp lại tình Chúa thương yêu. Và giữa những thất bại khổ đau, xin cho con nghe được tiếng Chúa vẫn không ngừng kêu gọi sống vui tươi lạc quan và tin tưởng phó thác.
Xin cho con nhận ra những dấu chỉ của Chúa, luôn biết can đảm dứt khoát từ bỏ thói hư tật xấu, cương quyết sửa những lỗi lầm, để cuộc sống của con cũng trở thành một dấu chỉ sống động của Chúa cho những người khác. Amen.
Ghi nhớ:“Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất ? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu ?”
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
Những lời này Chúa Giêsu nói cho những người do thái thời Ngài nghe. Ý chính là khuyên họ hãy sáng suốt nhận ra những dấu chỉ thời đại:
– cc 54-56: họ rất giỏi nhìn những dấu chỉ thiên văn để đoán trước trời sẽ mưa hay sẽ oi bức. Tại sao họ không nhận ra ý nghĩa của những Tin mừng Giêsu nói và những việc Ngài làm để biết rằng đã đến thời cuối cùng của lịch sử cứu độ ?
– cc 57-59: bằng dụ ngôn hai người đưa nhau ra tòa, Chúa Giêsu khuyên hãy gấp rút lo hòa giải với nhau trước khi bị tòa kết án.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Khi cơ thể ta mang thêm một chứng bệnh, khi một phần cơ thể ta yếu đi… tất cả đều là những tín hiệu cho biết trước ngày lìa thế của ta càng lúc càng gần. Tại sao nhiều người không nhận ra những tín hiệu ấy và sống như sẽ không bao giờ chết ?
2. “Thiên Chúa nói thì thầm trong cơn vui sướng của chúng ta; Ngài nói đủ nghe trong lương tâm của chúng ta; nhưng Ngài la lớn trong những cơn đau của chúng ta” (C.S. Lewis).
3. Khi biết chắc mình không còn nhiều thời giờ, người ta phải giải quyết nhiều vấn đề một cách rất gấp rút. Đối với những vấn đề quan trọng, thì cho dù không biết chắc thời giờ của mình còn lại nhiều hay ít, người khôn ngoan cẩn thận cũng lo giải quyết sớm. Điều chắc chắn: số phận đời đời là một vấn đề quan trọng. Điều ta không nắm chắc: thời giờ của mình còn lại bao nhiêu.
4. “Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này sao các ngươi không biết nhật xét ?” (Lc 12,56)
Đất nước đã thay đổi rất nhiều. Tôi nhận ra điều đó ở trang phục của người dân thành phố. Người ta bỏ ra nhiều thời gian hơn để mua sắm, may mặc. Các mode áo quần xuất hiện liên tục rồi thay đổi liên tục. Có những kiểu lịch sự, sang trọng làm người mặc trở nên duyên dáng, đáng yêu. Nhưng cạnh đó cũng có những kiểu hạ thấp giá trị người mặc. Vật chất giúp người ta sống thoải mái và xứng đáng hơn; nhưng cũng chính nó làm cho kẻ yếu lòng đánh mất phẩm giá cao quí của con người. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, tôi cảm thấy chao đảo trước những biến đổi của xã hội. Các chuẩn mực đạo đức văn hoá dường như đang lung lay. Đâu là ranh giới giữa đời sống thoải mái và một đời sống quá phụ thuộc vào vật chất, đâu là ranh giới giữa hạnh phúc và lầm lạc ?
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho biết sáng suốt nhận ra con đường đúng đắn cho cuộc đời. (Hosanna)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Tìm hiểu các hiện tượng trời đất (Lc 12,54-59)
- Đức Giêsu giáo huấn dân chúng: Người trách họ, vì họ biết đem điềm trời mà đoán được thời tiết, nhưng lại không biết cách xét các việc đang xảy ra để nhận biết thời giờ cứu rỗi. Người khuyến dụ thính giả hãy để ý đến các dấu hiệu của thời đại mà lo tính công việc của mình trước ngày thẩm phán.
Người cũng nhấn mạnh đến sự cần kíp phải làm hoà với anh em, nghĩa là phải chấm dứt càng sớm càng tốt tình trạng gây hấn, oán hờn trước khi đến với quan toà xét xử. Người cũng là vị Thẩm phán tối cao sẽ xét xử chúng ta về tình yêu đối với anh em. Thế nên đừng chần chừ kéo dài cơn giận như lời giáo huấn của thánh Phaolô: “Anh em đừng phạm tội, chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn, đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng” (Ep 4,26-27).
- Khác với ngày nay với máy móc hiện đại về khí tượng thuỷ văn, có thể dự báo trước về thời tiết và phát hiện được những cơn bão từ xa mà phòng tránh; người xưa thì đúc rút những kinh nghiệm xảy ra, từ đó đoán biết những hiện tượng thiên nhiên sắp xảy đến, như:
Ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì mưa,
Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa…
Dân Do thái thời Đức Giêsu vốn từ du mục qua định cư, họ có nhiều kinh nghiệm về đoán biết thời tiết như vậy:
Mây kéo lên phía tây, mưa đến ngay tức khắc,
Khi gió nồm thổi tới, trời oi bức bắt đầu.
Đức Giêsu trách những người Do thái giỏi đoán biết về hiện tượng thiên nhiên, để phòng tránh hay đón mùa, nhưng lại không nhận ra những lời nói và việc làm của Đức Giêsu làm để đón nhận đó chính là dấu chỉ của Đấng Messia, và để canh tân đời sống (Hiền Lâm).
- Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn xác định rằng: sự xuất hiện của Ngài ngang qua các hành động và lời giáo huấn cho thấy: Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, đến để cứu thoát con người khỏi tội lỗi, khỏi chết phần hồn và đem lại cho nhân loại hạnh phúc thật. Đây chính là một điềm lạ vĩ đại, cả thể, nhằm loan báo Triều đại Thiên Chúa đến và đang hiện diện giữa nhân loại thì họ lại không tin, không nhận ra. Tại sao vậy ? Thưa, họ mong đợi nơi Đấng Cứu Thế phải là một người hùng, đánh đông dẹp bắc bằng vũ lực; phải là Đấng giải phóng dân tộc Do thái khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma. Phải là người giỏi giang về binh đao và xuất xứ của Đấng ấy phải là quyền quý, cao sang…
- Cha ông ta ngày xưa muốn dự đoán thời tiết thì dựa vào kinh nghiệm mà đặt ra những “công thức” đại loại như: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa thì râm”. Ngày nay với những phương tiện như vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, người ta có thể dự báo được thời tiết xa hơn và chính xác hơn. Chính nhờ những dự đoán thời tiết như vậy, con người có thể phòng tránh được thiên tai, cũng như sắp xếp công việc của mình sao cho đạt kết quả cách tốt đẹp nhất. Tiếc thay khoa học tự nhiên phục vụ con người trong những lĩnh vực thuộc cuộc sống đời này có những bước tiến nhảy vọt, còn khoa học tâm linh giúp đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu thì sao mà èo uột, khập khiễng!!! Chúa than phiền về những người biết nhận xét cảnh sắc đất trời mà không biết nhận xét dấu hiệu của thời đại này, và Ngài gọi họ là người “đạo đức giả” (5 phút Lời Chúa).
- Thiên Chúa không bao giờ bỏ mặc con người. Ngay cả khi con người tưởng chừng như mất tất cả, thì đó chính là lúc Thiên Chúa ban ơn dồi dào hơn; từ những mất mát, Thiên Chúa biến thành khởi điểm của những điều kỳ diệu.
Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta mặc lấy cái nhìn lạc quan và tin tưởng. Chúng ta dễ cảm tạ Thiên Chúa khi gặp may mắn, thịnh đạt, thành công; nhưng chúng ta dễ bị cám dỗ để không nhận ra sự hiện diện và tác động của Ngài trong những mất mát, thua thiệt. Nhìn vào điểm báo thời tiết, chúng ta biết được trời sắp mưa hay sắp nóng nực; cũng thế, nhìn vào những may mắn và cả những thất bại, thua thiệt, chúng ta hãy nhận ra lời mời gọi tin tưởng và dâng lời cảm tạ Chúa. Mỗi gặp gỡ, mỗi biến cố đều là dấu chỉ thời gian, vừa bày tỏ sự hiện diện và tác động yêu thương của Chúa, vừa mời gọi chúng ta tín thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa (Mỗi ngày một tin vui).
- Truyện: Nhìn ra dấu chỉ
Một trong những cuốn phim hay nhất của Charlot đó là cuốn phim có tựa đề: “Ánh sáng đô thị”. Câu chuyện tình này kể về gã lang thang và một cô gái mù bán hoa.
Một nhà tỉ phú trong vùng ngày nào cũng dừng lại mua hoa của nàng. Và một ngày kia, gã lang thang là chàng Charlot cũng dừng lại mua hoa. Cô bán hàng tưởng là người tỷ phú. Thế là một giấc mộng đã nối kết hai tâm hồn lại với nhau. Nàng tưởng mình gặp người mình mơ mộng từ lâu nay. Chàng hết lòng yêu nàng, cố gắng làm việc để kiếm tiền giúp nàng chữa bệnh, với hy vọng nàng sẽ được khỏi tật mù lòa.
Nhưng vì một sự ngộ nhận, cảnh sát bắt chàng. Sau thời gian cầm tù, chàng được tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm cô gái mù, nhưng nàng không còn ở đó nữa. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho, người con gái đã được chữa lành và nay đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần, nhưng không thể nào nhận ra nàng.
Tình cờ một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng nhặt lấy. Cô gái cười như nhạo báng. Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười, chàng quay lại. Chàng hỏi một cách nhút nhát: “Cô đã thấy được rồi sao ?”… Người con gái nhận ra tiếng nói quen thuộc… nàng từ từ nhặt chiếc hoa và gắn lên áo chàng. Và nàng thốt lên trong cảm xúc: “Anh đấy sao ?”
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Nhà nông Việt Nam qua kinh nghiệm của ông cha từ xa xưa, họ có những quan sát đoán biết thời tiết để gieo trồng cho đúng thời đúng vụ và đạt năng suất cao, ví dụ qua các câu ca dao sau:
Đêm trời lạnh, trăng sao không tỏ,
Ấy là điềm mưa gió tới nơi.
Đêm nào sao sáng xanh trời,
Ấy là nắng ráo yên vui suốt ngày.
Những ai chăm việc cấy cày,
Điềm trời trông đó, liệu xoay việc làm.
Hay:
Kiến đen tha trứng lên cao,
Thế nào cũng có mưa rào rất to.
Đoán biết thời tiết để tiên liệu cho công việc, cho cuộc sống là điều cần thiết.
Suy niệm
Mọi dân tộc đều trân trọng truyền thống, kinh nghiệm sống của cha ông ví dụ như những bài học áp dụng từ lao động, từ thiên nhiên, người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng vậy, họ đón nhận kinh nghiệm từ cha ông họ, biết nhìn cảnh sắc đất trời để có những cách đối phó, ứng xử: Nhìn mây đoán được mưa, thấy gió đoán được trời sẽ oi bức…
Nhưng họ lại không nhận biết được dấu chỉ của thời đại: Không nhận ra Chúa Giêsu, Đấng phải đến loan báo Tin Mừng, chữa lành bệnh tật cho người đau yếu, trừ quỷ cho người bị quỷ ám và làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ què đi được, người mù được thấy… như lời các ngôn sứ loan báo, nhưng họ lại không nhận ra đó là dấu chỉ của nước Thiên Chúa đang đến.
Cho nên, Đức Giêsu đã khiển trách họ chỉ biết “nhận xét cảnh sắc đất trời” trong vũ trụ tự nhiên, nhưng lại không nhận biết những dấu lạ của Con Người đang hiện diện.
Ðức Giêsu kêu gọi hãy nhận ra dấu chỉ thời đại qua sự hiện diện của Ngài, mà tỏ lòng sám hối. Khi bất hòa với anh em, phải biết đi tìm sự hòa giải với anh em trước khi đến với tòa xét xử của Thiên Chúa, vị Thẩm Phán Tối Cao, Ngài sẽ xét xử chúng ta theo tình yêu thương mà chúng ta đối xử với anh em.
Thật thế, chúng ta, những môn đệ của Chúa Kitô trong thời đại hôm nay, cần phải tỉnh táo để nhận ra những dấu chỉ, những ý định của Chúa qua từng biến cố hằng ngày để sám hối, canh tân biến đổi chính mình mỗi ngày.
Ý lực sống
“Anh em đừng phạm tội, chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Ðừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng” (Ep 4,26-27).
Tin tức liên quan khác
Kinh truyền tin (23/10/2022): ĐTC mời gọi hãy đề phòng tính tự ngưỡng mộ mình và chủ nghĩa phô trương
Đức Thánh Cha: Giáo hội mở cửa cho tất cả, nhưng “không” chúc lành cho kết hợp đồng giới
Giáo Xứ Kẻ Vang – Chuỗi Hoạt Động Trong Tuần Chầu Đền Tạ
ĐTC Phanxicô gặp gỡ liên tôn với người trẻ Singapore
Mùng 2 Tết: Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ (Mt 15,1-6)
Tìm hiểu câu Tin mừng: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46)
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 07/2024: Cầu cho việc Chăm sóc mục vụ bệnh nhân
Lịch sử đích thực của trụ đài ở Quảng trường Thánh Phêrô