Thứ Sáu tuần 8 Thường niên năm I – Phải sinh hoa trái việc lành (Mc 11,11-26)

“Anh em hãy tin vào Thiên Chúa”. (Mc 11, 22)

BÀI ĐỌC I: Hc 44, 1. 9-13

“Cha ông chúng ta là những người biết xót thương người, danh tiếng tồn tại từ đời nọ sang đời kia”.

Trích sách Huấn Ca.

Chúng ta hãy ca tụng những vĩ nhân và các tổ phụ chúng ta qua các thời đại. Có những người không ai nhớ đến nữa: Họ qua đi như không bao giờ có họ, họ sinh ra như thể không có họ sinh ra, và con cháu của họ cũng thế. Nhưng có những người nhân hậu mà việc thiện của họ không bao giờ bị lãng quên. Dòng dõi họ được hưởng hạnh phúc, và họ sẽ có con cháu nối dòng, miêu duệ họ trung thành với lời giao ước và con cái họ nhờ họ cũng được trung thành. Miêu duệ họ sẽ tồn tại đến muôn đời, và vinh quang của họ không bao giờ bị lu mờ.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b

Đáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).

Xướng:

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Đấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. – Đáp.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. – Đáp.

3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Đó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. – Đáp.

Tin mừng: Mc 11,11-26

11Đức Giêsu vào Giêrusalem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bêtania cùng với Nhóm Mười Hai.

12 Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bêtania, thì Đức Giêsu cảm thấy đói. 13Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả.

14Người lên tiếng bảo cây vả: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!” Các môn đệ đã nghe Người nói thế.

15Thầy trò đến Giêrusalem. Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu.

16Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ. 17Người giảng dạy và nói với họ: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”

18Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giêsu. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người.

19Chiều đến, Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi thành.

20Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ. 21Ông Phêrô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giêsu: “Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!”

22Đức Giêsu nói với các ông: “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. 23Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: và dời chỗ đi, nhào xuống biển! mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý.

24Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. 25Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em.

26 Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Tâm hồn ta là đền thờ Thiên Chúa ngự, nên phải giữ gìn thật trong sáng, không bị hoen ố bởi dục vọng xấu xa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vào đền thờ Giêrusalem và chứng kiến cảnh hỗn độn bán buôn ồn ào. Chúa đã không để nhà Chúa biến thành sào huyệt trộm cướp. Chúa quả quyết: “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện”. Chúa đuổi tất cả những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ. Chúa muốn những gì dành cho Thiên Chúa phải xứng đáng với Thiên Chúa.

Lạy Chúa, nhà thờ là trung tâm của cộng đồng giáo xứ. Mỗi khi đến nhà Chúa con mong được tận hưởng bầu khí trang nghiêm thánh thiện. Con quyết tâm góp phần mình, cả vật chất và tinh thần, để nhà Chúa luôn trở nên xứng đáng là nơi nguyện cầu, là điểm hẹn cho mọi người đến gặp gỡ Chúa. Ước gì từ nơi nhà thờ Giáo xứ, đời sống tâm linh của con được nuôi dưỡng và thăng tiến từng ngày.

Hôm nay, Chúa đến với tâm hồn con như một ngôi đền thánh đầy vẻ tôn nghiêm và thánh thiện. Đó là điều Chúa mong muốn và chờ đợi. Xin ban cho con lòng mến yêu tôn thờ để con biết dành phần tốt nhất trong cõi lòng dâng lên Chúa. Chúa biết con hơn chính bản thân con. Xin đừng để con tính toán cầu lợi và mặc cả với Chúa trong những lời cầu xin.

Lạy Chúa, mỗi ngày giờ, từng phút giây, đang có biết bao tâm hồn vươn cao hướng về Chúa. Con xin hợp lời ca tụng Chúa. Nhưng cũng có bao kẻ thờ ơ, lãnh đạm hoặc bôi bác, lợi dụng với lời cầu xin. Xin Chúa thanh luyện để con giữ được đền thánh phúc vinh trong tâm hồn. Con xin dâng tâm hồn con trong tay Chúa. Xin Chúa thánh hóa con. Amen.

Ghi nhớ:“Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc. Các ngươi hãy tin vào Thiên Chúa”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Miền Palestin hay trồng cây vả, cây nho, cây Oliva. Xin đừng lầm cây vả của Do Thái với cây sung của chúng ta. Cây vả của Do Thái: thấp, quả cây ăn ngon bổ, dùng làm bánh Gatô.

Hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây vả bị chúc dữ, để lại cho chúng ta bài học riêng. Chúng ta biết là Chúa Giêsu đang lên Giêrusalem dự lễ Vượt qua, người Biệt phái càng tranh luận gay gắt với Chúa. Trước những chống đối cứng lòng ấy, Chúa Giêsu dùng một hình ảnh bóng bẩy. Số là hôm ấy lên Giêrusalem, Chúa thấy đói và đảo mắt nhìn lên cây vả không có trái, mà chỉ thấy cành lá xanh um (c.12). Thánh Máccô nói là chưa phải mùa quả vả (c.13). Thật ra, Chúa lên Giêrusalem vào đầu tháng 4 là lễ Vượt qua. Vào tháng tư, có thể nhìn thấy ít ra những quả nho nhỏ rồi, vào tháng hè quả chín. Nhưng Chúa Giêsu đã không tìm được một quả nào.

Cây vả là tượng trưng cho dân Do Thái được bàn tay yêu thương của Thiên Chúa quan phòng vun trồng trong đất hứa. Dân đó có sứ mệnh đón nhận Đấng Cứu Thế. Cây vả đó được săn sóc kỹ lưỡng bởi Maisen, các Quan án, Tiên tri… cây vả được chăm sóc bón tỉa bằng giới luật, bằng ơn huệ. Thân cây sần sùi tươi tốt sống qua bao nhiên biến cố của Ai Cập, nô lệ Babylon. Trở về đất hứa, họ cũng đã xây Đền thánh cử hành đại lễ, cũng có những lề luật về Sabát, ăn chay, cầu nguyện, việc lành. Nhưng tất cả trở thành thứ màn trình diễn mà trong lòng không nhắm hướng về Giavê, và cuối cùng Đấng Cứu Thế đến qua dân tộc Israel thì họ từ chối.

Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây vả được ươm trồng, đáng lẽ phải sinh hoa trái cho nhà nông, thì đã không được gì lại choán đất. Chúa đã nguyền rủa chúc dữ “Từ nay chẳng còn ai ăn trái cây mi” (c.14). Đấy là cây “trái cấm.” Kinh Thánh mô tả “Sáng sớm hôm sau cây vả đã chết khô đến tận gốc” (c.20). Các môn đệ ngạc nhiên, một phép lạ xảy ra dĩ nhiên làm ngạc nhiên. Nhưng Chúa Giêsu còn làm các ông ngạc nhiên hơn nữa, vì Ngài ban quyền năng cao hơn phép lạ đó. Đó là quyền năng của đức tin và của lời cầu nguyện. Phép lạ làm những chuyện hữu hình như “Cây cối héo tàn, chuyển núi dời non…” Nhưng lời cầu nguyện với đức tin sẽ làm Thiên Chúa “xúc động” mà làm như ý kẻ xin: “Tất cả những gì các ngươi cầu xin với lòng tin, thì sẽ được” (c.24).

Điều này không có nghĩa là khi chúng ta cầu nguyện có thể thay đổi chương trình của Thiên Chúa. Nhưng từ đời đời, Thiên Chúa đã biết đến lời cầu nguyện của chúng ta như thế và Ngài đã phác họa chi tiết chương trình cứu rỗi của Ngài. Cho nên đức tin và cầu nguyện cần hơn cả phép lạ vậy. Nếu không có đức tin và cầu nguyện thực sự thì giống như một thân cây xanh um và rồi chết khô héo úa ngày Chúa phán xét. Ngược lại, sống trong đức tin và cầu nguyện sẽ sinh thêm nhiều hoa trái, và bên ngoài thân cây có sù sì nhưng nhựa sống thật sự và âm thầm vì “Ai ở trong Ta sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5)

Cây chết khô là một lời cảnh báo nghiêm trọng là đời sống tín hữu phải luôn có hoa trái khi Chúa tới. Điều mà Chúa đòi không phải là hoa lá cành hay chỉ là những tư tưởng tốt, chưa đủ, mà là những việc tốt, những việc lành phúc đức, chứ không phải chỉ lời nói suông. Cho nên một người, một tâm hồn nhận nhiều ơn thánh mà không sinh hoa trái thiêng liêng thì càng bị án nặng nề. Phép lạ này chứng tỏ Chúa uy quyền toàn năng. Nhưng cũng nói lên giá trị của kinh nghiệm bằng lòng tin về phía con người chúng ta.

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Dụ ngôn cây vả chết khô (Mc 11, 11-26)

  1. Bài Tin mừng hôm nay, thánh Marcô ghi lại cách tóm tắt nhiều sự kiện và lời dạy của Đức Giêsu: Ngài nguyền rủa cây vả không sinh trái, xua đuổi quân buôn bán ra khỏi đền thờ giáo huấn về sức mạnh của niềm tin, giá trị của lời cầu nguyện và lời mời gọi sống tha thứ để được tha thứ. Chúng ta chú trọng tới hai vấn đề là dụ ngôn cây vả và việc thanh tẩy đền thờ.
  2. Bài Tin mừng kể lại hai câu chuyện có liên hệ với nhau và giải thích cho nhau. Đó là câu chuyện cây vả bị chúc dữ chết khô và câu chuyện xua đuổi những người buôn bán ở Đền thờ./Tại sao Đức Giêsu lại chúc dữ cây vả làm nó chết khô như vậy? Một lời chúc dữ thật kỳ lạ. Đối với Đức Giêsu, nếu chỉ nhằm thỏa mãn cơn đói, thì việc làm trên xem ra là cách phản ứng của một kẻ mất trí bất bình thường: nổi giận với một cây vào không thể sinh hoa trái./Đức Giêsu muốn làm một việc bí ẩn, được giải thích bởi câu chuyện xua đuổi những người buôn bán ở đền thờ liền sau đó. Nghĩa là Đức Giêsu không nhắm tới cây vả, nhưng là Đền thờ. Bởi vì Đền thờ đã không đáp lại sự trông chờ của Thiên Chúa, nó biến thành cái chợ, thành hang trộm cướp, nó khơi dậy sự phẫn nộ của Thiên Chúa và nó sẽ bị tàn phá. Như vậy, cây vả bị chúc dữ và chết khô là hình ảnh của đền thờ Giêrusalem sẽ bị tàn phá bình địa sau này (Lm. Phạm Văn Phượng, OP, Chia sẻ TM hằng ngày, tập 1, tr 81).
  3. Để hiểu rõ hơn, cây vả và đền thờ là hai biểu tượng có liên hệ mật thiết với nhau. Chúng nói lên thực trạng đạo đức lúc bấy giờ của một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn.

Dân Do thái là dân được Thiên Chúa tuyển chọn để đón chờ Lời hứa Cứu Thế, nhưng sau bao nhiêu phép lạ Chúa làm, bao nhiêu những hồng ân Chúa trao, tới lúc này lòng dạ của họ vẫn chẳng có gì thay đổi. Họ chẳng khác gì một cây vả bên ngoài rất xanh tươi, nhưng bên trong nó không còn khả năng sinh hoa kết trái. Cây vả không hoàn thành được nhiệm vụ của nó. Nó đáng nhận hình phạt bị chết khô./Đền thờ cũng vậy. Chức năng của Đền thờ là giúp người ta được gần gũi Chúa qua lời cầu nguyện, qua việc tạ ơn, qua việc tiếp xúc với Chúa. Nhưng Đền thờ đã không còn giữ được chức năng đó nữa. Đức Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ với ước mong để trả lại cho Đền thờ những chức năng phải có. Nhưng rồi công việc của Chúa cũng chẳng thành công. Và cuối cùng Đền thờ đã bị tàn phá vào năm 70./Các nhà chú giải Kinh thánh coi đây là những hình ảnh Chúa muốn dùng để “thức tỉnh” chúng ta. Người Kitô hữu chúng ta cũng vậy, nếu không cộng tác với ơn Chúa, để làm trổ sinh những hoa trái của đức tin và nếu cứ sống mãi trong cảnh tội lỗi như Đền thờ bị tục hóa, thì rồi cũng sẽ phải chung số phận như vậy.

  1. Chính vì không muốn để con người biến Đền thờ Thiên Chúa thành hang trộm cướp mà Đức Giêsu đã tẩy uế Đền thờ. Ngài đuổi những kẻ buôn bán, lật bàn của những kẻ đổi tiền và xô ghế của những người bán bồ câu. Ngài bảo: “Nhà Ta được gọi là nhà cầu nguyện của các dân tộc, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp”./Thật thế, nhờ Bí tích Rửa tội, tâm hồn người tín hữu đã trở thành Đền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị. Nhưng thay vì ý thức sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong tâm hồn để sống thân tình với Ngài, chúng ta lại đưa vào đó biết bao chuyện gian tham, lừa lọc, trộm cắp, mưu mô, hận thù, ghen ghét. Đức Giêsu có lý để khiển trách chúng ta, như Ngài đã phẫn nộ với những kẻ buôn bán trong Đền thờ ngày xưa.
  2. Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng lưu ý chúng ta phải tôn trọng Nhà thờ là nơi tôn nghiêm, quy tụ các tín hữu, cử hành Phụng vụ Lời chúa và phụng vụ Thánh Thể, mọi người có chung một niềm tin, một lời cầu tôn vinh Thiên Chúa. Nhà thờ chính là Hội thánh thu nhỏ, không phải là ngôi nhà kín luỹ cao, trái lại phải mở rộng để đón tiếp mọi người, không phân biệt màu da sắc tộc, ngôn ngữ, tốt xấu, miễn là có thành tâm đến để gặp gỡ Thiên Chúa.
  3. Truyện: Tâm sự của ông Mahatma Gandhi

Mahatma Gandhi, vị thánh của dân tộc Ấn độ, trong nhật ký tự thuật của mình, ông kể lại rằng: khi còn theo học ở Nam Phi, ông rất thích và say mê đọc Kinh thánh, đặc biệt là “Bài giảng trên núi”.

Ông xác tín rằng Kitô giáo chính là đạo để giải đáp cho hệ thống đẳng cấp đã gây thương tổn cho đất nước Ấn độ của ông từ bao thế kỷ. Ông thực sự nuôi ý định trở thành Kitô hữu.

Ngày kia, ông vào Nhà thờ để dự lễ và nghe giảng. Người ta chặn ông lại ở cửa Nhà thờ và nhẹ nhàng cho ông hay rằng: nếu ông muốn dự lễ, xin mời ông đến một Nhà thờ dành riêng cho người da đen.

Ông đã ra đi và không bao giờ trở lại Nhà thờ nữa.