Thứ Tư tuần 31 Thường niên năm I – Từ bỏ (Lc 14,25-33)

“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi,
thì không thể làm môn đệ tôi được”.
(Lc 14,27)

BÀI ĐỌC I (năm I): Rm 13, 8-10

“Yêu thương là chu toàn trọn cả luật”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn Lề luật. Ðó là: Chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ mê tham, và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 111, 1-2. 4-5. 9

Ðáp: Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong đất nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân.

Xướng: Trong u tối người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình.

Xướng: Người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang.

 

Tin mừng: Lc 14,25-33

25 Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ: 26 “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. Từ bỏ hết những gì mình có.

28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?

29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: 30 ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.’

31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ?

32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Phải từ bỏ tất cả để theo Chúa. Người tín hữu phải ý thức điều ấy cho thật rõ và chọn lựa dứt khoát, bởi vì đây là việc dấn thân suốt cuộc đời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi con theo Chúa và chọn Chúa. Đó phải là ưu tiên hàng đầu, không có điều gì trên đời này có thể hơn được, dù đó là tình máu mủ ruột thịt, dù đó là chính bản thân con.

Lạy Chúa, thực sự con vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của Lời Chúa, con chưa hiểu tại sao con phải từ bỏ tất cả để theo Chúa, để làm môn đệ Chúa. Thế nhưng chân lý quan trọng này Chúa luôn nhắc đi nhắc lại cho con. Chúa dạy con tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính của Người. Chúa dạy con: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì không được ích gì”. Chúa dạy người thanh niên giàu có rằng: để được sự sống đời đời thì về bán hết của cải rồi theo Chúa.

Lạy Chúa, dù con không hiểu, nhưng con tin Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Xin cho con tin vào Lời Chúa dạy để con vững bước theo Chúa, để con xác tín mãi mãi rằng chính Chúa là con đường đưa đến sự sống. Bước đi theo Chúa là điều quan trọng nhất trong cuộc sống con. Vì thế xin giúp con sẵn sàng từ bỏ những lợi ích khác. Xin cho con nhận ra rằng từ bỏ mọi sự vì Chúa không phải là dại khờ, thua lỗ, nhưng là một mối lợi và khôn ngoan. Amen.

Ghi nhớ:“Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống…)

1. Khung cảnh: Khi ấy “Có rất nhiều người đi đường với Chúa Giêsu”: họ đang cùng với Chúa Giêsu “tiến lên Giêrusalem”. Nhưng có lẽ họ cho rằng đây là một sự tiến lên để giành chiến thắng theo kiểu trần gian. Để xóa tan hiểu lầm này, Chúa Giêsu nói những lời tiếp theo.

2. Đại ý Chúa Giêsu nói: Ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu (“đi theo” Ngài) thì phải yêu mến Ngài hơn (diễn tả theo kiểu đặc biệt sêmít là “ghét”) tất cả những gì mình tha thiết nhất, chẳng hạn cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình nữa.

3. Sau đó Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn: Một người xây tháp trước khi xây phải tính toán kỹ để chọn lựa quyết định có nên xây hay không. Một ông vua trước khi đi giao chiến cũng phải tính toán kỹ để chọn lựa có nên giao chiến hay không. Cũng thế, nếu biết theo Chúa Giêsu phải chấp nhận từ bỏ tất cả, thì trước khi theo phải tính toán cho kỹ.

B. Suy niệm (…nẩy mầm)

1. Đây là những lời rất thẳng thắn và chân thành Chúa Giêsu nói rõ với “rất đông người” đang đi theo Ngài. Người ta theo đạo Chúa vì rất nhiều lý do và nhiều động cơ. Chúa Giêsu thấy cần nói thẳng với mọi người rằng theo Ngài thì phải từ bỏ (bỏ hết những gì mình tha thiết nhất, kể cả mạng sống), và lại còn phải vác thập giá. Dĩ nhiên, sự từ bỏ và vác thập giá không phải luôn là hiện thực, nhưng có theo Chúa trong tâm thế sẵn sàng chấp nhận như vậy khi hoàn cảnh xảy đến thì mới xứng đáng làm môn đệ Ngài. Trên thực tế, có nhiều người muốn theo Chúa nhưng không muốn từ bỏ và không muốn vác thập giá.

2. Có người thờ thập giá nhưng không vác thập giá. Có người quý chuộng thập giá Chúa Giêsu nhưng không quý chuộng thập giá mình. Những người đó không xứng đáng là môn đệ Chúa Giêsu.

3. “Hãy vác thập giá hằng ngày”: “Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục… Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế: chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi!” (John Newton).

4. “Ai không vác thập giá mình mà theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được”  (Lc 14,27)

Có người đàn ông kia là một kitô hữu. Vợ con ông đều chết cả, tài sản bị tiêu tan, địa vị cũng không còn, chỉ còn duy nhất một đức tin mong manh. Một hôm, ông đến gần một người thợ đang xây nhà thờ, thấy người kia đang đẽo gọt một miếng đá nhỏ để tạo ra một tam giác đứng, ông nhìn hồi lâu rồi hỏi:

– Anh đang làm gì vậy ?

– Bác nhìn lên đỉnh Tháp nhà thờ xem. Ở đó có một chỗ trống. Tôi đang đẽo miếng đá nhỏ này để đặt nó vào đó.

Ông gật gù ngẫm nghĩ, và cảm thấy như thể Chúa nói với mình: “Ta đang đẽo gọt con để con thích hợp với chỗ trống trong công trình của Ta…”,và ông rời chỗ ấy ra đi, tràn nước mắt hạnh phúc.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, mấy hôm nay con đang chán nản vì những thử thách nặng nề. Xin cho con đôi vai đủ lớn và đôi chân đủ mạnh để con vác thập giá đi theo Chúa. (Hosanna)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Điều kiện để theo Chúa (Lc 14,25-33)

  1. Lúc này Đức Giêsu không còn ở nhà ông biệt phái nữa, nhưng trên đường đi Giêrusalem, có dân chúng theo Người rất đông. Nhưng có lẽ họ cho rằng đây là một sự tiến lên để giành chiến thắng theo kiểu trần gian. Để xóa tan hiểu lầm này, Đức Giêsu nói với họ: Ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải yêu mến Ngài hơn tất cả những gì mình tha thiết nhất, chẳng hạn cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình nữa. Như vậy, để trở nên môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta cũng phải cùng đi con đường của Ngài và đường của Ngài là từ bỏ, là đón nhận Thập giá.
  2. Trên đường đi Giêrusalem, có rất đông người cùng đi, có người đi cho vui, có người có thiện cảm với Chúa muốn là môn đệ của Ngài, nên Đức Giêsu đã quay lại cho họ biết những điều kiện để làm môn đệ của Ngài: “Ai theo Ta mà không dứt bỏ (ghét) cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Ta. Và ai không vác thập giá mình mà đi theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta được” (Lc 14,26-27). Như vậy, Đức Giêsu kêu gọi những ai muốn theo Ngài hãy suy nghĩ cẩn thận để quyết định: nếu yêu chính bản thân mình, hay yêu bất kỳ ai khác, hoặc tiền tài danh lợi hơn Chúa thì không xứng đáng làm môn đệ Ngài.
  3. Thực ra, việc từ bỏ, vác thập giá, đau khổ và cả cái chết nữa không phải là những giá trị riêng rẽ từ nơi chúng, mà là những phương thế để đạt tới mục đích để giúp ta trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Đức Giêsu có quyền đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta và muốn mỗi người chúng ta đặt Ngài vào chỗ ưu tiên, đòi hỏi chúng ta yêu mến Ngài với hết mọi sự và với sức lực của mình trên cả tình thân gia đình. Và chỉ khi nào chúng ta dám từ bỏ mọi cản trở để yêu mến Ngài đến hết mọi sự để được đồng hoá với Ngài cách trọn vẹn, thì khi đó chúng ta mới biết đặt những sự vật và con người vào vị trí đúng, biết tôn trọng và yêu thương những sự vật và con người một cách đúng thật trong tình yêu thánh thiện của Chúa (R.Veritas).
  4. Theo những điều kiện Đức Giêsu nói, chúng ta có thể hiểu theo nghĩa đen hoặc theo nghĩa bóng. Có nhiều người đã hiểu theo nghĩa đen, nên đã bán hết gia tài bố thí cho người nghèo, có những vị đã bỏ hết danh vọng, chức quyền để theo Chúa. Có những vị khác đã bước qua con cái hay sẵn sàng chấp nhận cha mẹ từ bỏ mình, để ra đi dâng mình cho Chúa; cũng có những vị tự cắt tóc, rạch mặt, để khỏi trở thành dịp tội cho kẻ khác. Đó là những cử chỉ anh hùng, nhưng không phải là luật chung cho mọi người. Nhưng những người đi tu, chúng ta thấy cũng hiểu được theo nghĩa đen lời Chúa trên đây: bỏ cha mẹ, gia đình, anh chị em để nhận cộng đoàn mình sống làm gia đình, và nhận những người cùng chí hướng làm anh chị em, hoàn toàn sống theo tinh thần từ bỏ bằng ba lời khấn: vâng lời, khó nghèo và trong sạch (Theo Lm. Phạm Văn Phượng).
  5. Trong xu thế của thời đại hưởng thụ và tích luỹ này, nói đến “từ bỏ hết những gì mình có” xem ra là một thứ “cung đàn lạc điệu”. Tuy nhiên, đối với những người con cái Chúa”, đó là hai điều kiện tất yếu và tiên quyết, vì không từ bỏ cũng đồng nghĩa là không thể trở nên môn đệ của Chúa Kitô được. Ơn gọi làm “con cái Chúa” là chấp nhận sự điên rồ của Thập giá, cớ vấp phạm cho người đời. Có “từ bỏ hết những gì mình có”, là biết “nói không” với thế gian, ma quỷ và xác thịt mới có thể là “sen” mọc “giữa bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, là đèn để “gần mực” mà chẳng “đen”, nhưng chiếu sáng cho cả nhà. Vì thế, đòi hỏi trước tiên đối với người môn đệ của thời đại hôm nay là từ bỏ lối sống hưởng thụ tích lũy, điều mà người thời đại hôm nay đang theo đuổi (5 phút Lời Chúa).
  6. Sống trọn những cam kết của bí tích Thánh tẩy, sống trọn danh Kitô hữu, điều đó đôi khi đòi hỏi nhiều hy sinh. Thế nhưng chỉ thái độ dứt khoát chọn lựa và quyết tâm theo đuổi đến cùng mới thực sự làm chúng ta xứng danh Kitô. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại lối sống đạo xem chúng ta có đặt Chúa và giá trị Tin mừng vào địa vị ưu tiên trong cuộc sống hay chưa.
  7. Truyện: Giới Tử Thôi và công tử Trùng Nhĩ

Trong “Đông châu liệt quốc” có ông Giới Tử Thôi, người nước Tấn, đời Xuân Thu, là một bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ. Khi ấy, vua nước Tấn là Tấn Huệ Công sợ công tử Trùng Nhĩ cướp ngôi nên sai người đi ám sát. Được mật báo, Trùng Nhĩ cùng với một số bầy tôi đi lánh nạn. Trên đường chạy trốn từ nước Địch sang nước Tề phải đi qua nước Vệ, đoàn lánh nạn bị vua nước Vệ chặn lại toan bắt nên chạy càng trối chết. Chẳng may lạc đường lại hết lương thực, công tử Trùng Nhĩ không ăn được rau cỏ dại, nên sinh kiệt sức sắp chết. Thấy vậy, Giới Tử Thôi liền cắt thịt ở đùi mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn mới lại sức đi đến nước Tề an toàn. Đến lúc Trùng Nhĩ khôi phục lại được nghiệp lớn là làm vua nước Tấn, thì Giới Tử Thôi lặng lẽ về quê ở ẩn không màng lãnh công. Cả khi vua Tấn nhớ ơn người bầy tôi trung thành, muốn đền đáp công lao thì Giới Tử Thôi cõng mẹ vào rừng sống ẩn dật, nhất quyết không nhận (Võ Ngọc Thành, Nhân vật Đông châu, 1968, tr 324)

 

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một đoàn người hành hương bước đi mệt nhọc dưới sức nặng của cây thập giá đè trên vai. Một người trong đoàn không chịu được, liền cưa bớt đi một khúc cho nhẹ. Anh cảm thấy nhẹ nhõm hơn, anh rất hài lòng vì sáng kiến đó và cho rằng mình quả thật khôn ngoan.

Cuộc hành trình gian truân mang thập giá đã dẫn đoàn người đến trước một vực thẳm. Phải qua vực thẳm vì bên kia bờ là đích đến, nhưng lại không có một cây cầu nào để bước sang. Sau một lúc do dự, không ai bảo ai, mỗi người đều đặt cây thập giá của mình để bắc qua vực. Lạ lùng thay, thập giá mà mỗi người vác vừa khít với bề ngang của vực thẳm, chỉ riêng cây thập giá bị cưa bớt cho đỡ nặng là hụt, và người vác nó phải đứng lại bên kia với sự tuyệt vọng…

Suy niệm

Trên đường lên Giêrusalem, bằng một động tác mang tính biểu tượng, Đức Giêsu “quay lại” phía “đám đông cùng đi đường”, Ngài dạy cho tất cả những ai muốn theo Ngài bài học về điều kiện phải có để làm môn đệ của Người: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27). Vác thập giá theo chân Chúa như R. Meynet chú thích, “Để đến với Đức Giêsu là vui sướng bước theo Người, phải tận dụng mọi phương tiện và dẹp bỏ mọi hành lý cồng kềnh vô ích. Noi gương Chúa, con người phải giải phóng mình khỏi tất cả những gì cản trở bước chân. Chỉ có thập giá là cái phải mang theo để đi theo Ngài” (Theo L’Evangile selon Saint Luc. Analyse rhétorique, tập 2, Cerf, trg 157).

Chúa Giêsu không chỉ mời gọi môn đệ vác thập giá, nhưng chính Ngài đã vác thập giá trước, Ngài vác thập giá, thập giá gánh nặng tội của cả nhân loại. Thập giá mà Ngài vác là từ bỏ chính mình và chấp nhận Thiên ý của Chúa Cha (x. Mt 26,39.42.44; Mc 14,36; Lc 22,42). Người môn đệ của Chúa mang thập giá là chấp nhận con người mình, là mang thập giá niềm tin vượt qua chính mình và nên thánh từng ngày bằng sự cố gắng không rên rỉ. Như tông đồ Phaolô cũng có một cái dằm đâm vào xác thịt, và ngài đã ba lần xin Chúa cất cái dằm đó khỏi mình, nhưng Thiên Chúa phán “ơn ta đủ cho con” (x. 2Cr 12,7-9). Và Phaolô vẫn tiếp bước hành trình thập giá của người môn đệ rao giảng tình yêu: “Chúng tôi luôn mang trên mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu” (2Cr 4,10).

Thập giá được vác trên vai của mỗi người cũng là ánh sáng cứu độ soi đường như thánh Gioan Kim khẩu suy niệm và xác tín: “Cây Thánh Giá là hy vọng của các Kitô hữu, là sự sống lại của kẻ chết, là sự hướng dẫn cho kẻ mù, là cây gậy cho người què, là sự an ủi cho kẻ nghèo khổ, là sự kìm hãm của kẻ giàu sang, là sự hành hạ đối với kẻ xấu xa, là sự chiến thắng ma quỷ, là kẻ chỉ đạo cho người thanh niên, là bánh lái cho những người vượt sóng, là cửa biển cho những kẻ đi xa, là thành luỹ cho những kẻ bị vây hãm”.

Ước chi tôi và bạn mang tâm tình của thánh Phaolô mỗi ngày khi vác thập giá: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Ý lực sống

“Thập giá trở nên tiếng kêu tình yêu vô bến bờ của Thiên Chúa” (Maurice Zuldel).