Trái tim mục tử chẳng bao giờ đóng kín

Vatican News – Andrea Tornielli, Giám đốc Biên tập của Vatican News suy tư về tuyên ngôn “Fiducia supplicans”, vốn mở ra khả năng ban chúc lành đơn giản cho các cặp đôi trong những hoàn cảnh trái quy tắc, cũng như về thái độ của Chúa Giêsu và huấn quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Nemo venit nisi tractus”: Không ai đến với Chúa Giêsu nếu không được lôi kéo, Thánh Augustinô đã viết như thế để diễn giải những lời của Chúa Giêsu: “Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy”.

Ở nguồn gốc sự thu hút của chúng ta đối với Chúa Giêsu – sự hấp dẫn mà Đức Bênêđíctô XVI đã nói đến, nhắc lại cách thức đức tin được lan truyền – luôn có hành động của ân sủng. Thiên Chúa luôn đi trước, kêu gọi, lôi kéo, đưa chúng ta tiến một bước về phía Ngài, hay ít nhất khơi dậy trong chúng ta ước muốn thực hiện bước đó, ngay cả khi chúng ta vẫn cảm thấy mình thiếu sức lực và thấy mình tê liệt.

Trái tim của người mục tử không thể thờ ơ với những người đến gần ngài, khiêm tốn xin được chúc phúc, bất chấp hoàn cảnh, lịch sử hay con đường cuộc đời của họ. Trái tim của người mục tử không dập tắt được ánh sáng lập lòe của một người cảm nhận được sự bất toàn của chính mình, biết rằng họ cần đến lòng thương xót và sự giúp đỡ từ trên cao.

Trái tim của người mục tử nhìn thấy trong lời cầu xin chúc lành đó một vết nứt trên tường, một lỗ hổng nhỏ mà qua đó ân sủng có thể đã hoạt động. Vì vậy, mối quan tâm đầu tiên của họ không phải là đóng lại vết nứt nhỏ, mà là đón nhận và cầu xin chúc lành và lòng thương xót để những người đi trước họ có thể bắt đầu hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa dành cho cuộc đời họ.

Nhận thức cơ bản này được phản ánh trong Tuyên ngôn “Fiducia supplicans” của Bộ Giáo lý Đức tin về ý nghĩa của các chúc lành, mở ra khả năng ban chúc lành cho các cặp vợ chồng trong hoàn cảnh trái quy tắc, kể cả các cặp đôi đồng giới. Nó làm rõ rằng sự chúc lành trong trường hợp này không có nghĩa là chấp thuận những lựa chọn trong cuộc sống của họ và nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh mọi nghi lễ hoặc các yếu tố khác có thể gần giống nghi thức hôn nhân.
Tuyên bố này đào sâu tín lý về các chúc lành, phân biệt giữa các chúc lành nghi lễ và phụng vụ với những chúc lành tự phát là những hành vi sùng kính gắn liền với lòng đạo đức bình dân. Đây là một văn bản cụ thể hóa những lời được Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Evangelii Gaudium (EG 47) cách đây 10 năm: “Hội Thánh không phải là một trạm thu phí; Hội Thánh là Nhà Cha, có chỗ cho mọi người, với tất cả các vấn đề của họ.” 

Nguồn gốc của Tuyên ngôn là phúc âm. Trên hầu hết mọi trang Tin Mừng, Chúa Giêsu phá vỡ các truyền thống và quy định tôn giáo, sự tôn trọng và các quy ước xã hội. Ngài thực hiện những hành động gây tai tiếng cho những người tự cho mình là đúng, những người được gọi là “trong sạch”, những người tự che chắn mình bằng những chuẩn mực và quy tắc để tạo khoảng cách, từ chối và đóng cửa. Trên hầu hết các trang Tin Mừng, chúng ta thấy các tiến sĩ luật cố dồn ép Thầy Giêsu bằng những câu hỏi thăm dò, rồi lẩm bẩm phẫn nộ trước sự tự do tràn đầy lòng thương xót của Ngài: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng!”

Chúa Giêsu sẵn sàng chạy đến nhà viên đại đội trưởng ở Caphácnaum để chữa lành người đầy tớ yêu dấu của ông ấy, mà không lo ngại việc mình bị ô uế khi vào nhà một người ngoại giáo. Ngài cho phép người đàn bà tội lỗi rửa chân cho Ngài giữa những cái nhìn phán xét và khinh thường của quan khách, không hiểu tại sao Ngài không đuổi bà đi. Ngài nhìn và gọi Giakêu là người thu thuế trong khi ông bám vào cành cây sung, không yêu cầu ông phải hoán cải và thay đổi cuộc sống trước khi nhận được ánh mắt thương xót đó. Ngài không lên án người phụ nữ ngoại tình, theo luật phải bị ném đá nhưng tước vũ khí của những kẻ hành quyết cô, nhắc nhở họ rằng họ cũng như mọi người – đều là tội nhân. Ngài nói Ngài đến vì người bệnh chứ không phải người khỏe mạnh, so sánh chính Ngài với hình ảnh duy nhất của người mục tử sẵn sàng bỏ mặc chín mươi chín con chiên không được bảo vệ để tìm kiếm con chiên bị lạc. Ngài chạm vào người cùi, chữa lành cho anh ta khỏi bệnh tật cũng như sự kỳ thị là một kẻ bị ruồng bỏ “không thể chạm tới”. Những người “bị loại bỏ” này đã gặp được cái nhìn của Ngài và cảm thấy được yêu thương, những người nhận được vòng tay thương xót được ban cho họ mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Khi nhận ra mình được yêu thương và được tha thứ, họ nhận ra mình là ai: những tội nhân đáng thương như mọi người khác, cần được hoán cải, cầu xin mọi điều.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các tân hồng y vào tháng 2 năm 2015: “Đối với Chúa Giêsu, vấn đề trước hết là làm sao dấn thân để cứu lấy những ai ở xa, chữa lành thương tích của bệnh nhân, phục hồi hết mọi người cho gia đình của Thiên Chúa! Và điều này gây tai tiếng cho một số người! Chúa Giêsu không sợ loại tai tiếng này! Ngài không nghĩ đến những người khép kín, bị vấp phạm ngay cả bởi công cuộc chữa lành, bị vấp phạm trước bất kỳ hình thức cởi mở nào, bởi bất kỳ hành động nào vượt quá giới hạn tinh thần và tâm linh của họ, bởi bất cứ một chăm sóc hay dấu hiệu dịu dàng nào không hợp với ý nghĩ thường tình của họ và cái thuần nghi thức của họ.”

Tuyên ngôn nhấn mạnh: “Học thuyết Công giáo lâu đời về hôn nhân” không thay đổi: chỉ trong bối cảnh hôn nhân giữa một người nam và một người nữ thì “các mối quan hệ tình dục mới tìm thấy ý nghĩa tự nhiên, đúng đắn và hoàn toàn nhân bản của chúng”.

Vì vậy, cần tránh thừa nhận hôn nhân là “điều gì mâu thuẫn với nó”. Nhưng từ góc độ mục vụ và truyền giáo, cánh cửa không đóng lại đối với “các cặp đôi trong hoàn cảnh trái quy tắc” đang tìm kiếm một chúc lành đơn giản, có lẽ trong chuyến viếng thăm đền thánh hoặc trong cuộc hành hương.

Học giả Do Thái Claude Montefiore nhận định nét đặc thù của Kitô giáo ở chỗ: “Trong khi các tôn giáo khác mô tả loài người tìm kiếm Thiên Chúa, thì Kitô giáo lại công bố một Thiên Chúa tìm kiếm nhân loại… Chúa Giêsu dạy rằng Thiên Chúa không chờ đợi sự ăn năn của tội nhân; Ngài đi tìm để gọi họ về với chính Ngài.”

Cánh cửa cầu nguyện mở ra và một lời chúc lành nhỏ bé có thể là một khởi đầu, một cơ hội, một sự giúp đỡ.

Chuyển ngữ: Tâm Bùi