WHĐ (26/04/2024) – Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người lấp đầy và gánh lấy mọi sự. Thực tại của việc Thiên Chúa trở thành một trong những thụ tạo của chính Ngài, ngự giữa dân Ngài và sống một cuộc sống giống như dân Ngài là một mầu nhiệm quá lớn lao và bao trùm đến nỗi tâm trí con người không thể nắm bắt hay đánh giá đầy đủ những gì đã xảy ra và những gì tiếp tục xảy ra, vì hành động yêu thương bao la này. Thiên Chúa đã đến với chúng ta. Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta không đơn độc.
Toàn bộ công trình sáng tạo và tất cả những gì đích thực là con người, đều được tiếp nhận và hoàn thành trong mầu nhiệm Nhập Thể. Không có gì bị mất. Không có gì rơi bên đường. Trong Chúa Giêsu Kitô, tất cả đều trở nên trọn vẹn.
Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo khẳng định một cách đẹp đẽ: “Tất cả những đau khổ của nhân loại trong mọi thời, dưới ách nô lệ tội lỗi và sự chết, tất cả mọi lời van xin và chuyển cầu suốt lịch sử cứu độ, đều được thu tóm vào Tiếng kêu lớn của Ngôi Lời Nhập Thể” (số 2606).
Mọi sự đều được Chúa Giêsu Kitô đỡ nâng và nâng lên cao. Là những tín hữu được mời gọi cầu nguyện, chúng ta tin tưởng rằng mọi lời cầu nguyện của chúng ta đều được chứa đựng và hoàn thiện trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha. Chúng ta biết rằng mọi lời cầu nguyện đều được lắng nghe và đều được dâng lên trước mặt Chúa Cha trong Chúa Giêsu Kitô. Khi cầu nguyện, cuộc chiến đấu và sự buồn thương của chúng ta tìm được sự bình an và thanh thản nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Tiếng kêu van và lời cầu nguyện của chúng ta được chấp nhận trong Chúa Giêsu Kitô. Chúa Cha vui mừng khi thấy thụ tạo của Ngài và các dưỡng tử của Ngài được phục hồi trong Con của Ngài. Khi chấp nhận bản tính con người qua Chúa Giêsu Kitô, Chúa Cha đáp lại những tiếng kêu van và nài xin của dân Ngài bằng cách lắng nghe Con Ngài, làm cho Con Ngài sống lại từ cõi chết và tôn vinh Con Ngài trước tất cả mọi người. Sách Giáo lý nói với chúng ta: “Chúa Cha đón nhận tất cả và, vượt quá mọi mong đợi, Ngài nhận lời tất cả khi cho Con Ngài sống lại. Như vậy, toàn thể kinh nguyện trong nhiệm cục tạo dựng và cứu độ được thực hiện và hoàn tất. Tập Thánh vịnh trao cho chúng ta chìa khoá của việc cầu nguyện trong Chúa Kitô” (số 2606).
Mầu nhiệm Nhập Thể hướng chúng ta đến mầu nhiệm Phục Sinh. Trong Chúa Kitô Phục Sinh, mọi sự đều thay đổi. Sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa, về bản thân, tình yêu, đau khổ, sự vĩnh cửu, thiên đàng và kinh nguyện đều thay đổi.
Sự Phục Sinh đặt kinh nguyện dưới một ánh sáng hoàn toàn khác và cho chúng ta thấy sức mạnh của kinh nguyện trong việc kéo chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn và nhận được sự bình an, chữa lành và lòng nhân từ yêu thương của Ngài. Trong Sự Phục Sinh, chúng ta thấy sự hoàn thành của một cuộc hành trình vẫn còn đang diễn ra, của ngôi nhà mà chúng ta hằng mong ước, và sự viên mãn của một hôn ước vẫn đang trong những cơn đau quằn quại của cuộc đời.
Sách Giáo Lý dạy: “Chính trong “Ngày hôm nay” của biến cố Phục sinh, Chúa Cha phán: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con. Con cứ xin, rồi Cha ban tặng, muôn dân nước làm sản nghiệp riêng, toàn cõi đất làm phần lãnh địa” (số 2606).
Chúa Kitô Phục Sinh là ơn cứu chuộc, niềm hy vọng, là con đường dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. Không gì có thể kết hợp được những đau khổ và những lời cầu nguyện, những tiếng kêu than và những lời cầu xin của nhân loại như Sự Phục Sinh đã kết hợp. Trong Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta nhìn thấy mục đích mà chúng ta theo đuổi.
Sách Giáo lý tiếp tục: “Thư Do thái dùng những lời lẽ bi thảm để diễn tả lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã đem lại chiến thắng cứu độ như thế nào: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Ngài khỏi chết. Ngài đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Ngài” (số 2606).
Vinh quang Phục Sinh không phải là vinh quang không đổ máu. Vinh quang đó đã giành được và mang lại nhờ cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Trong bản tính nhân loại của Ngài – bản tính nhân loại của chúng ta – Ngài đã “học được thế nào là vâng phục bằng những tiếng kêu van khóc lóc” và “trải qua nhiều đau khổ” (Hípri 5:7-8).
Một thực tại như vậy sẽ khiến chúng ta tràn đầy hy vọng khi chúng ta đau khổ, rơi nước mắt, kêu van và đau khổ trước những vất vả của cuộc sống. Trong Chúa Kitô, chúng ta thấy được ý nghĩa, giá trị và mục đích của những đau khổ và kinh nguyện của chính mình. Và những điều này không bị lãng phí. Trong Chúa Giêsu Kitô, những đau khổ và kinh nguyện đó được cất lên và dâng lên Chúa Cha.
Lời mời gọi dành cho Kitô hữu chúng ta, đó là đi theo con đường của Chúa. Chúng ta thấy rằng đường lối của Ngài bao gồm những tiếng kêu van và đau khổ. Ngài đã chấp nhận những tiếng kêu van và đau khổ, và chúng ta được mời gọi làm điều tương tự. Chúng ta được mời gọi bước đi trên con đường của Ngài và hiệp nhất những đau khổ, kinh nguyện và tiếng kêu van của chúng ta với những đau khổ, kinh nguyện và tiếng kêu van của Ngài.
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: cruxnow.com (21/04/2024)
Tin tức liên quan khác
Đức Giám mục Giáo phận Kon Tum đến thăm Giáo họ Sa Loong
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Tham dự viên Hội nghị Quốc tế về Thông điệp Pacem in Terries
Giáo xứ Gia Phổ: 119 em lãnh nhận Hồng ân Thánh Thần
Đức Thánh Cha gặp người nghèo và người tị nạn tại Nhà thờ thánh Elisabeth của Hungary
Một ơn gọi! Một cuộc đời! – Bài giảng của Đức Bênêđictô XVI nhân dịp sinh nhật 85 tuổi
Giáo xứ Tam Toà cung nghênh kiệu Chúa Hài Đồng Giê-su.
Đức Hồng Y Marengo: Người dân Mông Cổ có ấn tượng tốt đẹp về Đức Thánh Cha Phanxicô
Niềm vui chia sẻ