Khi bắt đầu viết những dòng này, người viết đang sợ là mình sẽ dông dài thành một bài kể khổ (mà thực ra lứa 9x như tôi đi tu thì cũng đâu còn thiếu thốn so với lớp lớp cha anh), nên mong rằng, các bạn trẻ đã – đang hay chuẩn bị tìm hiểu Ơn gọi đừng vội bĩu môi và kéo qua. Các bạn cứ coi như đang đọc nhanh một status (trạng thái) về mấy suy nghĩ của người viết chợt nảy lên giữa tâm tình hướng về ngày Chúa nhật IV Phục sinh – Cầu nguyện cho Ơn thiên triệu. Bắt đầu thôi!
“Vượt sướng”: Nghịch lý nhưng là thực tế
Kỳ thực thì người viết không có ý khẳng định cái tiêu đề trên kia đúng 100% cho mọi trường hợp, nhưng chắc hẳn đó là một thực tế đang diễn ra, đồng thời là một trong nhiều nguyên nhân khiến các bạn trẻ ngại dấn bước trên hành trình theo đuổi ơn gọi tu trì.
Rất nhiều dịp vào các Thánh lễ dành riêng Thiếu nhi hoặc giới trẻ, tôi thấy các cha khi giảng cũng hay hỏi ai trong các con muốn đi tu như các cha, các sơ và thường thì chỉ lác đác, thậm chí, không có cánh tay nào dưới các bạn trẻ dám giơ lên.
Ngày trước, khi đến chơi ở các gia đình, các cha mà gặp trẻ con trong nhà đó, các ngài sẽ thường khích lệ các em sau này lớn đi tu giống cha, rồi cha mẹ các em cũng mạnh mẽ động viên em nhỏ chút nữa cha về, cha đưa con vào nhà xứ ở luôn để đi tu với cha. Thường thì các em có vẻ e sợ nhưng rất phấn khích. Đó từng là cách hạt mầm ơn gọi gieo vào lòng tụi nhỏ. Và các em cứ hồi hộp chờ mãi đến lúc cha về để được cha đưa vào nhà xứ mà không thấy cha nhắc lại (chính bản thân người viết cũng “bị lừa” kiểu như trên). Nhưng ngày nay, vẫn trong một hoàn cảnh như thế, ngay lập tức các em sẽ lắc đầu và nhất quyết trả lời “không đi tu” đâu ạ.
Đó có thể là những ví dụ rất nhỏ nhặt nhưng là cả một thay đổi ngầm đã, đang xảy ra trước sức hấp dẫn của lời mời gọi tu trì.
Khi tôi đang giúp xứ và cha xứ có đón được hẳn một mâm (6 đến 8 bạn) các em nhỏ vào nhà xứ sinh hoạt. Tôi cho các em được chia sẻ ở nhà xứ với cha với thầy và các bạn có vui không, thì các em lại ấm ức kể khổ. Các em bảo cũng vui nhưng mà không sướng thầy ạ! Tại ở đây với cha với thầy thì phải dậy sớm, phải đi lễ sáng, phải quét sân nhà xứ, rồi không được xem tivi, không có điện thoại để mượn chơi game, rồi con phải tự giặt quần áo, phải rửa bát, học bài đúng giờ… Sau ít ngày thì một nửa các em xin về vì thầy bắt ăn đủ hai bát cơm (ông thầy ác thật!). Hình như các em vào ở nhà xứ để thử tu chút mà có vẻ khổ đủ đường.
Sẽ còn rất nhiều những câu chuyện vui vui nữa để nhìn thấy thực tế rằng, khi điều kiện sống được đủ đầy, việc bắt các bạn trẻ phải bớt sướng một chút, phải hy sinh một chút là cả một nan đề.
Ai sướng, ai khổ?
Nhưng nói đi thì lại phải nói lại, vậy hoá ra ngày trước khổ quá thì mới có nhiều người đi tu để được bớt khổ và được sung sướng hay sao?
SAI. Ai bảo đi tu là sướng và ai dám khẳng định là khổ thì có nhiều người đi tu để tìm cách đổi đời. Vậy tại sao từ xưa đến nay, linh mục vẫn luôn luôn thiếu ở mọi nơi mọi thời, cơn khát những tâm hồn dâng hiến phục vụ như các tu sĩ vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai. “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10,2) – Lời Đức Giê-su dạy các môn đệ cũng là lời mời gọi chúng ta hãy cầu xin với Chúa Cha, chưa bao giờ hết tính thời sự và cấp bách. Ơn gọi vẫn luôn luôn thiếu, bất chấp những con số thống kê khi tăng khi giảm.
Các bạn trẻ phải vượt sướng để lao mình vào cánh đồng lúa mênh mông chắc chắn là cả một thách thức vì đi gặt cho Chúa thì đâu có thể nói là sung sướng, là đổi đời.
Thực ra, sướng hay khổ – no hay đói – thiếu thốn hay đủ đầy chỉ là một khái niệm rất tương đối chủ quan, với người này lại khác với người kia. Mà cái chính ở đây chính là ý chí đủ mạnh để vượt qua và dấn bước trong sự phó thác vào cây gậy dẫn đường trong tay Chúa Mục Tử.
Khi con người ta đã lấp đầy mình trong cái ê hề thoả mãn, con người ta dễ thoả hiệp và dừng lại – như thế, không còn chỗ cho Chúa, cho một lý tưởng dâng hiến được chen chân vào. Vượt sướng cũng là dám vét rỗng mình và dành phần cho Chúa hành động.
DÁM hoặc KHÔNG
Tôi vô cùng ấn tượng và đặc biệt thích cái cách mà ngôn sứ Giê-rê-mi-a diễn tả về ơn gọi của mình: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20,7). Có cái gì đó vừa hấp dẫn vừa mê hoặc, đắm say nhưng lại rất thực tế. Đó chính là mầu nhiệm của Ơn Thiên triệu. Vừa có sự tình tứ của Đấng Kêu gọi, vừa có sự dịu dàng ngoan nguỳ của kẻ đáp lại. Nhưng ẩn sâu trong mầu nhiệm ấy chính là một sự liều lĩnh. Cái liều lĩnh bất chấp của Thiên Chúa trước con người mỏng dòn yếu đuối dễ sa ngã và cái liều lĩnh can đảm của người được gọi: Vâng! Này con đây!
Quả thế, đôi khi, ơn gọi phải bắt đầu bằng một chữ DÁM – dám từ bỏ, dám bước theo, dám lên đường, dám đón nhận… Vì trước mọi cảnh huống, chỉ khư khư dựa vào sức con người là không thể.
Các bạn trẻ ngày nay bị xem là ý chí kém – tức là nếu phải chọn, các em sẽ chọn một cái gì đó an toàn, vừa sức và dễ bị phụ thuộc vào hoàn cảnh, tiêu chuẩn có sẵn. Nhưng huyền nhiệm về ơn gọi đâu thể là những gạch đầu dòng sẵn có. Bước theo Chúa và vâng phục Giáo hội là khi tôi không còn sống trong viễn tượng tôi vạch ra mà là sống theo cách Chúa muốn tôi trở thành. Đó chính là ơn gọi, mà nếu không đủ liều lĩnh để khởi đầu, không gom góp đủ ý chí mạnh để bứt phá mọi sự sướng khổ thì có lẽ tôi còn chưa đi tu.
Tạm kết
Miên man một hồi thì tôi muốn thay lại cái mệnh đề “vượt sướng” đi tu – tưởng là mới mẻ của thời đại đầy đủ hiện nay bằng một lời mời gọi đã liên lỉ vang lên từ chính Đức Giê-su: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). “Vượt sướng” chính là một hình thức TỪ BỎ trong hoàn cảnh ê hề của hiện tại.
Ước mong các bạn trẻ sẽ DÁM vượt qua những gì tưởng là sướng để vét cạn mình, để liều lĩnh buông mình trong hành trình mới mẻ theo Chúa.
Cây Dâu
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
Tin tức liên quan khác
Thứ Sáu tuần 12 Thường niên năm II (Mt 8,1-4)
ĐHY Parolin khai mạc Hội nghị tình Huynh đệ Nhân loại
ĐTC Phanxicô gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn Luxembourg
Chín điều nên biết về Tuần Thánh
Tiếng gọi
Thư của Đức Phanxicô gởi các tân Hồng y sẽ được tấn phong ngày 07/12/2024
Giáo xứ Tam Tòa mừng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyện Tội
Thứ Tư tuần 7 Phục sinh – Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện cho các môn đệ (Ga 17,11b-19)