TGPSG – Tôi được sinh ra trong lúc cảnh nhà thiếu trước hụt sau. Cha mẹ tôi là người thành thị, buộc phải rời phố về quê trong thời mà nhiều gia đình phải đi kinh tế mới. Cả hai phải vất vả làm việc suốt ngày mà vẫn không đủ sống nên phải gởi hai anh tôi cho bà ngoại nuôi.
Khi tôi lên ba, cha tôi đi ruộng về hái được trái chùm bao, trái cà chín cây, … hoặc lượm được củ khoai còn sót trên ruộng, cái trứng chim, trứng vịt đẻ rớt ngoài đồng… đều gói ghém lại đem về cho tôi. Tôi vẫn còn nhớ mãi ánh mắt lấp lánh niềm vui của ông khi nhìn tôi ăn các trái cây chín một cách ngon lành. Hết ngày làm ngoài đồng, ông tắm rửa sạch sẽ rồi leo lên võng nằm, ẵm tôi lên để ngồi trên bụng. Hai cha con nói chuyện vui vẻ với nhau trong khi chờ mẹ tôi dọn cơm. Cơm thường chỉ có chút rau luộc, một chút tép rong và cá nhỏ kho chung với nhau, nên bay hết cái vèo sau chén cơm đầu tiên. Tôi thỉnh thoảng còn được thêm cái trứng luộc, cha mẹ tôi chỉ có cơm và chén nước mắm là hai món chính, không bao giờ thiếu. Sau này, khi mẹ tôi nuôi được bầy gà thì bữa ăn có chất hơn.
Mẹ tôi suốt ngày lo mượn sân xi măng nhà người ta lo phơi lúa hay phơi đậu tùy theo mùa vụ. Khi đậu khô mới được ngồi ở nhà lo lựa đậu. Trưa nếu có cha tôi về thì ông dẫn tôi qua cầu khỉ rồi đưa gào mên cơm cho tôi đem cho mẹ. Không có cha thì tôi đứng bên này cầu đợi có ai đi ngang nhờ dẫn qua dùm.
Có một điều mà hai mẹ con luôn làm chung với nhau không bỏ ngày nào, đó là việc lần chuỗi Môi Khôi. (Nghe mẹ tôi nói từ lúc tôi còn trong bào thai, mẹ tôi một tay cầm chuỗi, tay kia đặt trên bụng để tôi cùng hiệp thông với mẹ.) Bốn tuổi tôi đã có thể thuộc kinh để hai mẹ con luân phiên đối đáp với nhau. Cha tôi thì lúc lần chuỗi lúc không, vì làm ruộng phải tùy theo con nước ra vô mà khai đường cho nước vô đỡ phải bơm, có khi đi tới tối, có khi tới nửa đêm hoặc gần sáng.
Chín tuổi đầu tôi đã phải mang tang cha, một nỗi đau kéo dài không dứt! Tuy nhiên, Chúa đóng cánh cửa này thì mở cánh cửa khác. Sau khi được trở về nhà ngoại ở Sài Gòn, Chúa cho tôi học hành rất tấn tới. Mẹ tôi cũng kiếm được việc làm để nuôi chúng tôi. Trước ngưỡng cửa vào đại học, tôi phân vân trước lời mời gọi tu trì của Chúa. Tôi đã suy nghĩ rất lâu trước khi nói với mẹ vì sợ mẹ buồn, không ngờ mẹ tôi quyết định rất mau chóng: “Mẹ có con đường của mẹ, con có con đường của con. Mẹ không thể ở bên con suốt đời. Con theo Chúa mẹ rất an tâm.”
Trên con đường tu, có Mẹ Maria luôn dẫn đưa tôi từng bước theo đoàn sủng của dòng, có Chúa giữ gìn và đưa tôi tới Kinh Thành Mơ Ước để tu học 9 năm. Về dạy học vài năm, Người lại đưa tôi đi học tiếp theo nhu cầu của nhà dòng. Hôm nay tôi có kết quả thi đậu hai thứ tiếng mới. Đây là một hồng ân rất lớn Chúa ban cho tôi, vì tôi đã đạt những điều kiện cần cho việc theo chương trình học và có thể tự đào sâu tiếp mà không bị áp lực về việc thi cử. Kiến thức rộng mênh mông, tôi còn phải tiếp tục học rất nhiều trong vài ba năm tới. Nhìn lại đoạn đường từ bé thơ cho đến nay, tôi tạ ơn Chúa đã dẫn đưa tôi qua nhiều khúc quanh của cuộc đời.
Như Thánh Phanxicô Assisi sau khi đi đường mệt nhọc giữa trưa hè tìm được một chỗ nghỉ chân dưới một gốc cây có tàn lá che mát, bên cạnh dòng suối nước trong lành mát rượi, đã bật khóc khi nghĩ từ không biết bao đời Chúa đã đặt sẵn ở đây một bóng mát và một dòng suối để cho mình nghỉ ngơi. Con xin tạ ơn Chúa đã quan phòng chăm sóc con từ bao nhiêu năm nay bằng tình yêu vô biên của Người. Xin Chúa giúp con luôn tiến bước trên con đường yêu thương Chúa đã dành sẵn cho con.
Tóc Ngắn (TGPSG)
Tin tức liên quan khác
Chúa nhật 3 Phục sinh năm A (Lc 24,13-35)
Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Toà Thánh đã tới Việt Nam
Hoạt động loan báo Tin Mừng của Dòng Thừa sai Scheut ở Mông Cổ
Phỏng vấn Đức Hồng y Giorgio Marengo, Giám mục Phủ doãn tông tòa Ulaanbaatar – Mông Cổ
Thứ Ba tuần 3 mùa Chay (Mt 18,21-35)
Tài liệu Laudato si’ thứ hai của ĐTC sẽ được công bố vào ngày 4/10/2023
Thứ Sáu tuần 1 mùa Chay (Mt 5,20-26)
Kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phaolô VI và Thượng phụ Shenouda III