Di dân là “chứng nhân hy vọng đặc tuyển” trong thế giới tan hoang

TGPSG/Vatican News — Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn lần thứ 111, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV nhấn mạnh đến chứng tá quan trọng mà người di dân và tị nạn mang lại trong một thế giới bị ảnh hưởng bởi xung đột và bất công, khi họ hy vọng và kiếm tìm một tương lai tốt đẹp và hòa bình hơn.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIV nhấn mạnh rằng người di dân và tị nạn là chứng nhân của niềm hy vọng và lòng kiên cường giữa nghịch cảnh, đồng thời kêu gọi hướng đến một tương lai của hòa bình và tôn trọng phẩm giá con người, trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 111, được công bố vào thứ Sáu, ngày 25-7.

Năm nay, Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn sẽ không được cử hành vào ngày 24-9 như thường lệ, mà sẽ trùng với sự kiện Năm Thánh dành cho người di dân và cho các sứ vụ, diễn ra vào ngày 4 và 5-10. Sự kiện thường niên này kêu gọi các tín hữu bày tỏ sự nâng đỡ và gần gũi với hàng triệu người buộc phải rời bỏ quê hương và nơi chốn thân quen.

Theo Liên Hiệp Quốc, tính đến cuối năm 2024, có khoảng 123,4 triệu người trên toàn thế giới bị buộc phải di dời do bị bách hại, xung đột, bạo lực hoặc những nguyên nhân khác.

Khát vọng hòa bình là điều thiết yếu cho nhân loại

Đức Giáo Hoàng Lêô XIV mở đầu Sứ điệp của mình bằng cách nhấn mạnh rằng thế giới đang “đối mặt với những viễn cảnh đáng sợ và nguy cơ tàn phá toàn cầu.”

Ngài giải thích: “Viễn cảnh chạy đua vũ trang trở lại và phát triển các loại vũ khí mới, kể cả vũ khí hạt nhân; sự thờ ơ trước những tác hại của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay; cùng với tác động của sự bất bình đẳng kinh tế sâu sắc – tất cả khiến cho những thách đố hiện tại và tương lai ngày càng trở nên cam go.” Đức Thánh Cha nói thêm rằng chính những nguyên nhân này đã buộc hàng triệu người phải rời bỏ quê hương.

Ngài lưu ý rằng xu hướng phổ biến hiện nay là chỉ chú trọng đến “lợi ích của một cộng đồng giới hạn”, điều này đe dọa việc chia sẻ “trách nhiệm, hợp tác đa phương, mưu cầu lợi ích chung và tinh thần liên đới toàn cầu”.

Theo Đức Giáo Hoàng Lêô, “điều quan trọng là trong lòng mỗi người cần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một tương lai hòa bình và tôn trọng phẩm giá của mọi người”.

Ngài nhấn mạnh rằng “tương lai ấy là điều thiết yếu trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nhân loại và toàn thể tạo thành”, đồng thời trích dẫn sách ngôn sứ Dacaria trong Kinh Thánh để khẳng định rằng, với tư cách là Kitô hữu, “chúng ta tin và hy vọng vào sự hoàn thành trọn vẹn của lời hứa ấy, vì Thiên Chúa luôn trung tín với những gì Ngài đã hứa.”

Người Di Dân và Tị Nạn – Những chứng nhân của hy vọng qua chính câu chuyện cuộc đời họ

Đức Thánh Cha giải thích rằng người di dân và tị nạn có một vai trò quan trọng trong việc làm chứng cho niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Đối với Giáo hội Công giáo, “nhân đức hy vọng đáp ứng khát vọng hạnh phúc mà Thiên Chúa đã đặt trong trái tim mỗi người nam và người nữ”; và chính hành trình tìm kiếm ấy “chắc chắn là một trong những động lực chính” khiến người di dân, tị nạn và tha hương lên đường – biến họ thành “những sứ giả” và “chứng nhân đặc tuyển của hy vọng”.

“Thật vậy,” ngài nói, “mỗi ngày họ đều thể hiện điều ấy qua lòng kiên trì và niềm tín thác vào Thiên Chúa, khi họ đối mặt với nghịch cảnh và đi tìm một tương lai trong đó họ thấy le lói hy vọng về sự phát triển toàn diện và hạnh phúc đích thực của con người” – Đức Thánh Cha so sánh điều này với kinh nghiệm của dân Israel trong Kinh Thánh.

“Trong một thế giới u tối vì chiến tranh và bất công, ngay cả khi mọi thứ tưởng chừng như đã mất,” Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, “lòng can đảm và sức bền bỉ của họ là một chứng từ anh hùng cho một đức tin có thể nhìn xa hơn những gì đôi mắt con người nhìn thấy, và ban cho họ sức mạnh để vượt qua cả cái chết trên những hành trình di dân đầy hiểm nguy ngày nay.”

Tầm quan trọng của việc đón tiếp người Di Dân

Đồng thời, Đức Giáo Hoàng Lêô cũng giải thích rằng các cộng đoàn biết đón tiếp người di dân và tị nạn cũng có thể trở thành “một chứng tá sống động của hy vọng” khi họ thể hiện “lời hứa về một hiện tại và một tương lai trong đó phẩm giá của mọi người – như con cái Thiên Chúa – được công nhận”.

Ngài nói: “Theo cách ấy, người di dân và tị nạn được nhìn nhận như anh chị em, là một phần trong gia đình nơi họ có thể bày tỏ tài năng và tham gia trọn vẹn vào đời sống cộng đoàn.”

Người Di Dân và Tị Nạn Công Giáo có thể làm sống động lại Giáo Hội

Trên bình diện thiêng liêng, Đức Thánh Cha Lêô nhấn mạnh rằng người di dân và tị nạn cũng nhắc nhớ Giáo hội về “chiều kích lữ hành của mình – luôn trong hành trình tiến về quê hương vĩnh cửu, được nâng đỡ bởi một niềm hy vọng là nhân đức đối thần.” Ngài kêu gọi Giáo hội và các tín hữu hãy trở thành “Dân Chúa đang tiến bước về quê trời”, và tránh khỏi “cám dỗ sống an phận cố định” hay trở nên “thuộc về thế gian”.

Theo hướng này, Đức Giáo Hoàng cho rằng người di dân và tị nạn Công giáo có một sứ mạng đặc biệt: trở thành “những nhà truyền giáo của hy vọng tại các quốc gia đón tiếp họ, mở ra những con đường đức tin mới nơi Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô chưa được loan báo, hoặc khởi xướng cuộc đối thoại liên tôn dựa trên đời sống hằng ngày và việc tìm kiếm các giá trị chung.”

Ngài nói: “Đây chính là một sứ mạng của di dân (missio migrantium) do di dân thực hiện, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị đầy đủ và hỗ trợ liên tục thông qua việc hợp tác hữu hiệu giữa các Giáo hội.”

Ngài nhận định: “Với nhiệt huyết thiêng liêng và sức sống mạnh mẽ, họ có thể giúp làm sống động trở lại những cộng đoàn Giáo hội đang trở nên cứng nhắc và trì trệ, nơi mà tình trạng sa mạc hóa thiêng liêng đang lan rộng một cách báo động.” “Sự hiện diện của họ cần được nhìn nhận và trân quý như một phúc lành đích thực từ Thiên Chúa – một cơ hội để mở lòng đón nhận ân sủng của Người, Đấng đang ban thêm sức sống và niềm hy vọng mới cho Giáo hội của Người.”

Tác giả: By Isabella H. de Carvalho

Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Vatican News

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *