“Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.
BÀI ĐỌC I (năm I): Ðnl 34, 1-12
“Môsê qua đời tại đó như Chúa đã truyền dạy, và không còn tiên tri nào như ông đứng lên nữa”.
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Trong những ngày ấy, ông Môsê từ đồng bằng Moab đi lên núi Nêbô, ngọn núi Phasga, ngay trước mặt thành Giêricô. Và Chúa cho ông thấy khắp xứ Galaad cho đến Ðan, cả miền Nephtali, đất Ephraim và Manassê, cả xứ Giuđa cho đến Biển Tây, phần đất phía nam vùng đồng bằng rộng lớn Giêricô, là thành cây chà là, cho đến Sêgor. Chúa phán cùng ông rằng: “Ðây là Ðất Ta đã thề hứa với Abraham, Isaac và Giacóp bằng những lời này: “Ta sẽ ban nó cho con cháu ngươi”. Ta đã cho ngươi thấy tận mắt xứ ấy, nhưng ngươi sẽ không được qua đến đó”.
Môsê, tôi tớ của Chúa, đã qua đời tại đó, trên đất Moab, như Chúa đã truyền dạy. Ông được chôn cất trong thung lũng tại xứ Moab, ngay trước mặt thành Phegor. Mãi đến nay, không ai biết ngôi mộ của ông. Khi Môsê qua đời, ông được một trăm hai mươi tuổi: mắt vẫn chưa mờ và răng vẫn chưa lung lay. Con cái Israel thương khóc ông suốt ba mươi ngày trong đồng bằng Moab. Ngày thọ tang Môsê chấm dứt, thì Giosuê, con ông Nun, được đầy tinh thần khôn ngoan, vì Môsê đã đặt tay trên ông. Con cái Israel vâng lời ông, thi hành mệnh lệnh Chúa đã truyền cho Môsê.
Về sau, trong Israel không còn tiên tri nào như Môsê đứng lên nữa: ông là người Thiên Chúa từng quen mặt. Biết bao dấu lạ, kỳ công Chúa đã sai ông làm trong đất Ai-cập, chống lại Pharaon cùng tất cả triều thần và xứ sở vua ấy. Môsê đã tác oai và làm những việc kỳ diệu vĩ đại trước mắt toàn thể Israel.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 65, 1-3a. 5 và 8. 16-17
Ðáp: Chúc tụng Chúa là Ðấng đã ban cho linh hồn chúng tôi được sống
Xướng: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Người; hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa.
Xướng: Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa. Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta! Hỡi chư dân, hãy chúc tụng Thiên Chúa chúng tôi, và loan truyền lời ca khen Người.
Xướng: Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao. Tôi đã mở miệng kêu lên chính Chúa, và lưỡi tôi đã ngợi khen Người.
Tin mừng: Mt 18, 15-20
15 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em.
16 Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng.
17 Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
18 “Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.
19 “Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó.
20 Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.
Bài giảng của linh mục Giuse Bùi Công Trác
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Trong Giáo Hội, việc sửa bảo lẫn nhau phải dựa trên tinh thần bác ái. Các sinh hoạt trong Giáo Hội sẽ có giá trị tích cực khi nhân danh Chúa Giêsu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống hằng ngày, trước lỗi lầm của kẻ khác, con dễ dàng đưa ra lời kết án, buộc tội. Nên Chúa muốn con có một thái độ khác: đó là nhắc bảo giúp nhau sửa lỗi.
Việc kết án buộc tội làm con tách lìa khỏi kẻ khác, vì khi đó con xem họ là kẻ có lỗi, còn con là người không có lỗi, là người tốt. Chúa muốn con đến với những người yếu đuối, lỡ lầm, để thông cảm với họ và nhắc bảo họ về hành vi sai trái, với mục đích tách họ ra khỏi lầm lỗi, để họ có thể hội nhập vào cộng đoàn giáo xứ, giáo họ.
Lạy Chúa, con biết rằng để có thể giúp kẻ khác trở về, con cần phải yêu thương họ và đối xử với họ như anh chị em. Khi con chưa thật lòng thương yêu kẻ khác, con chưa thể giúp đỡ, nhắc bảo họ được. Xin Chúa giúp con yêu thương kẻ khác bằng chính tình yêu của Chúa, một tình yêu đầy lòng tha thứ và có sức mạnh cải thiện con người.
Chúa đã tha thứ cho người đàn bà ngoại tình, Chúa đã tha thứ cho thánh Phêrô… Chúa cũng đã tha thứ cho con biết bao lần. Chúa cũng muốn con thực hiện sự tha thứ ấy trong cuộc sống của con. Xin Chúa cho con cảm nghiệm được tình yêu Chúa dành cho con, để con sống tình yêu Chúa đối với kẻ khác.
Lạy Chúa, xin thương sửa dạy con. Amen.
Ghi nhớ:“Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Sửa lỗi cho anh em (Mt 18,15-20)
- Tiếp tục nói về nếp sống cộng đoàn, Đức Giêsu dạy chúng ta cách thế sửa lỗi cho anh em. Người nhấn mạnh việc sửa lỗi phải dựa trên lòng bác ái, tình yêu thương, kiên nhẫn và xây dựng. Cách sửa lỗi của chúng ta nhằm giúp đương sự hồi tâm hoán cải. Khi có người trong cộng đoàn lỗi phạm, hãy sửa dạy cách kiên nhẫn qua nhiều giai đoạn: gặp riêng, nhờ một ít người nữa cùng mình đi thuyết phục, trình kẻ có thẩm quyền. Khi tất cả mọi cố gắng đều vô ích, thì mới kể người đó không là thành phần của cộng đoàn nữa.
- Qua dụ ngôn về con chiên lạc, Chúa Giêsu đã cho biết: Thiên Chúa không muốn cho một tội nhân nào phải hư đi, nên qua bài Tin mừng hôm nay, Người buộc chúng ta phải làm hết sức mình để sửa lỗi cho nhau. Điều này đòi hỏi mỗi phần tử sống trong cộng đoàn phải lưu tâm vấn đề không được để một ai hư mất, nghĩa là phải tích cực đóng góp phần mình vào công việc giúp đỡ lẫn nhau sống hoàn thiện. Cần tránh những thái độ lãnh đạm, thờ ơ, khinh khi, xét đoán và kết án tha nhân, nhất là những người cần phải được giúp đỡ để nên hoàn thiện hơn.
- Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc cho chúng ta về thái độ phải có đối với những người tội lỗi trong cộng đoàn. Tội lỗi, nết xấu, đó là một thực tại không thể tránh được, dù đó là cộng đoàn do chính Chúa Giêsu qui tụ. Cộng đoàn có Chúa hiện diện, nhưng đồng thời là cộng đoàn bao gồm những người yếu đuối, có thể lỗi phạm. Lời Chúa dạy về việc sửa lỗi huynh đệ cần được chúng ta lưu tâm: Kẻ phạm lỗi kia là người anh em chúng ta, chứ không phải là kẻ thù. Lời khuyên, giúp đỡ, sửa lỗi riêng tư phải là bước đầu tiên; kế đến là việc sửa lỗi chung nhờ sự hỗ trợ của cộng đoàn; cuối cùng là phán quyết của vị đại diện đã được Chúa trao cho tác vụ bảo vệ sự hiệp nhất và hiệp thông cũng như chữa trị những gì làm hại đến cộng đoàn (Mỗi ngày một tin vui).
- Phải hết sức tế nhị trong việc sửa lỗi, đừng ăn nói một cách thẳng thừng. Sự việc đã xảy ra: Khi chứng kiến đội tuyển bóng đá nước nhà thắng chật vật đội Đài Loan với tỉ số 2-1, một vị quan chức nọ đã nói: “Ông Miura (huấn luyện viên của đội tuyển Việt Nam) là huấn luyện viên dở nhất trong lịch sử”.
Khi gặp điều không ưng ý, hay khi đứng trước những lỗi lầm, sai phạm, khuyết điểm của người khác, chúng ta thường có thói quen chỉ trích, chê bai họ cách công khai, quyết liệt, nhằm làm mất uy tín của họ, để rồi qua đó, ta kín đáo đề cao chính mình.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy có thái độ tôn trọng và tế nhị khi sửa lỗi người khác. Khi ấy, chúng ta hãy gặp riêng họ, chỉ một mình ta với họ mà thôi. Việc gặp gỡ riêng tư này giúp hai bên nói chuyện với nhau cách cởi mở hơn, cũng như hiểu biết nhau nhiều hơn. Không những vậy, việc này còn giúp chúng ta giữ gìn thanh danh và uy tín của họ.
- Nói chung, tinh thần sửa lỗi cho nhau phải hoàn toàn đặt trên “nền tảng đức ái”, nhằm cứu vãn và xây dựng hơn là áp dụng kỷ luật. Vì đối với Chúa, mọi phương thức phải được sử dụng để đưa người tội lỗi trở về trước khi vấn đề được đặt ra trước cộng đoàn. Và nếu cộng đoàn phải dùng quyền, để loại trừ một phần tử bất khả kháng, thì điều này cũng chỉ vì bác ái mà thôi, bác ái đối với đương sự trước tiên, để đương sự biết hồi tâm hoán cải, sau đó bác ái với các phần tử khác trong cộng đoàn, kẻo có ai theo gương xấu mà phạm tội.
- Sửa lỗi cho nhau là một nghệ thuật rất khó đạt được sự hoàn chỉnh. Do đó điều quan trọng trước tiên là phải tập cảm nghiệm được sự hiện diện của Đức Kitô ở giữa chúng ta. Nhờ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Kitô và nhờ sức mạnh của Ngài, chúng ta có thể dễ dàng giúp nhau sửa lỗi trong tinh thần xây dựng. Nếu những bệnh nhân cần đến sự săn sóc chữa trị của bác sĩ, thì những người lỗi lầm cũng cần đến tình thương và cảm thông của người khác để được nâng đỡ và khích lệ trên con đường hoán cải.
- Truyện: Cách sửa lỗi đầy tình thương
Trong sách ẩn tu có câu chuyện sau: Ngày kia, vị Giám mục Amolas đến thăm mục vụ tại một làng nọ. Dân chúng bày tỏ sự bất mãn của họ đối với vị ẩn tu trên núi, vì ông hiện đang chung sống với một người phụ nữ.
Sau khi nghe những lời kết án, Giám mục Amolas quyết định cùng dân làng leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt nối gót theo sau. Vị ẩn tu thấy đám đông, ông hoảng sợ và cấp tốc bảo người phụ nữ trốn vào trong chiếc thùng rỗng.
Đức Giám mục là người đầu tiên đến và cũng là người đầu tiên bước vào túp lều. Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay tình hình. Ung dung, ngài đi thẳng đến ngồi trên chiếc thùng gỗ để nghỉ chân. Rồi bình thản vẫy tay gọi dân làng vào và bảo: “Vào đây, các người hãy vào đây và lục soát kỹ xem trong túp lều có người phụ nữ nào không”.
Họ tìm khắp nơi nhưng không thấy gì. Thấy tình thế đã dịu, Đức Giám mục mới nói: “Bây giờ các người phải quỳ xuống xin lỗi Thiên Chúa, vì đã nói xấu vị ẩn tu này vô cớ”.
Và sau đó, khi mọi người đã lục tục kéo nhau xuống núi, Đức Giám mục Amolas mới tiến gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt của ông và chậm rãi nói: “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy”.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Nhân gian có câu: “Nhân vô thập toàn”, nghĩa là con người không có ai hoàn hảo. Trong kiếp nhân sinh, ai cũng có những thiếu sót và lầm lỗi, mà tôi và bạn đã có những kinh nghiệm từ chính bản thân mình trong cuộc sống. Nhưng mỗi người theo thánh ý của Chúa Giêsu, được mời gọi vượt lên trên, chữa lành những khiếm khuyết, bất toàn, lầm lỗi để trở “nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Vì thế, mỗi người phải luôn sửa lỗi và cần được sửa lỗi.
Suy niệm
Chúa Giêsu trong Tin Mừng (Mt 18:15-17) dạy cho chúng ta bài học sửa trị trong tình huynh đệ xuất phát từ đức ái tuyệt hảo mà Đức Chúa Giêsu đã dạy: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,31).
Việc sửa lỗi cho nhau dựa trên tình yêu và lời của Chúa: “Anh em phải tha thứ cho nhau đến bảy mươi lần bảy”, nghĩa là cảm thông mãi mãi và tha thứ không ngừng…
Chúa Giêsu đã đưa ra tiến trình sư phạm tiệm tiến:
- Một mình với người anh em có lỗi: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi”. Tế nhị kín đáo, gìn giữ danh dự cho anh em là bổn phận của đức ái Kitô.
- Nhưng nếu sự tế nhị của ta dành cho anh em bị khinh thường, chúng ta dùng biện pháp mạnh hơn bằng việc nhờ sự đóng góp, sửa chữa nơi những anh em khác có uy tín như Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: “Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân”. Nếu lòng nhân ái của chúng ta một lần nữa bị chà đạp, thì chúng ta nại đến Giáo hội can thiệp: “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh”.
- Nhưng nếu tất cả biện pháp đều thất bại thì: “Không nên lấy của thánh mà đem cho chó” hoặc “đem ngọc ném cho heo giẫm lên” (Mt 7,6), do sự cố chấp không muốn trở về chính lộ của người lỗi lầm. Đức Giêsu dứt khoát khép lại lộ trình sửa chữa: “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”, vì họ tự cắt đứt nguồn tình yêu bao dung đến từ Thiên Chúa qua anh em, tự tách mình ra khỏi cộng đoàn yêu thương, cộng đoàn tiến về sự hoàn thiện như Cha trên trời.
Tiến trình sửa sai huynh đệ mang tinh thần bao dung thương xót của tình yêu, nhưng công minh, thẳng thắn với kẻ cố chấp từ chối lòng nhân ái, bao dung của anh em. Trước bài học sửa sai huynh đệ mà Chúa dạy, chúng ta cùng rút tỉa cho cuộc sống mình:
- Trong tư cách là người phạm lỗi: “Đừng nói: Tôi tự nhiên như vậy. Sửa sao được”, đó là những khuyết điểm con phải “nên người”, “nên con Chúa”. Những tính ấy bất xứng với con” (ĐHY FX. Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng). Chân thành đón nhận và sửa chữa theo những chỉ bảo của anh em, của các vị trách nhiệm cộng đoàn để sự khiếm khuyết của mình được lấp đầy bằng tình yêu của Thiên Chúa qua anh em. Nếu không đón nhận sự chân thành sửa chữa từ anh em, chúng ta sẽ đối diện với cái họa: Họa vì chối bỏ tình thương của Thiên Chúa, họa do mình tự tách biệt, cách đứt nguồn suối ân sủng trong Giáo hội.
- Trong bổn phận trách nhiệm giúp anh em sửa lỗi, tôi và bạn luôn mang tình yêu, mặc lấy lòng bao dung, đó là tiếng nói cảnh tỉnh giúp người anh em nhận ra lầm lỗi để sửa chữa, đó là nâng đỡ tình bác ái: “cuộc sống huynh đệ thử thách và nâng đỡ tình bác ái, cây trên rừng che đỡ nhau lúc gió bão” (Đường Hy Vọng).
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết mở lòng trước những lời chỉ dạy của anh em… Xin cho con được lòng đầy bao dung yêu thương, cất tiếng nói chân lý để bổ khuyết những thiếu sót, sửa chữa những lầm lỗi trong tha nhân.
Ý lực sống
“Anh em hãy mặc lấy áo của sự thành thật, thông cảm, nhân hậu… khiêm nhượng, hiền lành, kiên nhẫn. Chịu đựng lẫn nhau, tha thứ cho nhau… Trên hết mọi sự, anh em hãy mặc lấy tình yêu” (Cl 3,12-14).
Tin tức liên quan khác
Chúa nhật 27 Thường niên năm A – Lòng tham (Mt 21, 33-43)
Diễn văn của ĐTC trong buổi gặp các giám mục, các linh mục và phó tế, tu sĩ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ
Tọa đàm tìm hiểu việc mở án phong chân phước và phong thánh cho Đức Cha Pierre Lambert de la Motte cấp giáo phận
Tiếng gọi
Các tín hữu được mời gọi ngày 28/7 cùng cầu nguyện cho hoà bình ở Sudan
Các hoạt động của Đức Thánh Cha trong ngày 12 tháng 9 tại Singapore
Các đại biểu của Giáo hội Châu Phi chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục ở Roma
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51)