Soi vào ánh sáng

SOI VÀO ÁNH SÁNG

(Bài Ðọc I Đêm Vọng Phục Sinh)

Robert David

Giáo sư Université de Montréal

WGPQN (11.03.2024) – Chủ đề ánh sáng xuất hiện ngay từ những câu đầu tiên của Kinh thánh. Nhưng chúng ta hiểu thế nào về việc ánh sáng xuất hiện trước cả khi mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao được tạo thành? Không phải thiên văn học cho ta câu trả lời này, mà đúng hơn là nghiên cứu chủ đề ánh sáng xuyên suốt Giao Ước thứ nhất (Cựu Ước), và kiến thức về bối cảnh lịch sử chính xác mà văn bản này được viết ra. Những câu trả lời này soi sáng một số thực tại cơ bản trong đời sống đức tin của chúng ta.

 

Những câu đầu tiên của Kinh Thánh có chủ đề về ánh sáng. Tác giả Sáng Thế Ký chương 1, sau khi phối cảnh về trạng thái nguyên thủy (trái đất trong tình trạng trống rỗng, bóng tối (sic ở số ít trong tiếng Hípri) bao trùm vực thẳm, và thần khí khuấy động trên mặt nước (Stk 1, 2), hình thành lời mời gọi hiện hữu đầu tiên của Thiên Chúa: “Phải có ánh sáng” (Stk 1, 3). Tuy nhiên, ánh sáng xuất hiện mà không cần đề cập đến bất kỳ hành động nào khác của Thiên Chúa (trái ngược với các câu 7.16.21.25.27), và lần đầu tiên vẻ đẹp mới mẻ này tỏ mình cho Thiên Chúa: “Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp” (St 1,4) Bất cứ ai đọc toàn bộ bản văn này với một chút chú ý sẽ không thể không nhận ra một sự mâu thuẫn nào đó giữa những câu đầu tiên này liên quan đến ánh sáng, ngày và đêm, và xác định rằng ánh sáng là “ngày”, bóng tối là “đêm” (St 1, 5), trong khi chỉ đến câu Stk 1, 14 thì mới đề cập đến các ngôi sao được kêu gọi để cai trị ngày và đêm. Vậy thì ánh sáng không đến từ các vầng sáng lớn này là gì? Làm sao chúng ta có thể hóa giải được sự căng thẳng nảy sinh giữa Stk 1, 3 và Stk 1,14? Một phân tích tóm tắt về chủ đề ánh sáng trong văn chương Kinh Thánh mở ra những con đường để cố gắng phá vỡ sự căng thẳng này.
Hãy loại bỏ ngay từ đầu những khuynh hướng của những người chủ trương hòa hợp (Concordisme) muốn văn bản Kinh thánh phù hợp với dữ liệu của khoa học hiện đại bằng cách đề xuất rằng ánh sáng trong Sáng Thế Ký 1, 3 tương tự như ánh sáng phát ra từ nano giây (nanosecondes – một phần tỷ giây) đầu tiên của Vụ nổ lớn (Big Bang), cố làm cho ý tưởng trở nên hợp lý rằng ánh sáng của Stk 1, 3 khác với ánh sáng của các vầng sáng trong Stk 14. Tác giả của bản văn, chắc chắn là ai đó thuộc giới tư tế vào khoảng thế kỷ thứ VI – V trước Công nguyên, có tầm nhìn vũ trụ hoàn toàn khác với chúng ta và không có gì trong vũ trụ tinh thần của ông có thể khiến ông đưa ra một điều như vậy (chưa kể rằng những người theo chủ trương hòa hợp sẽ phải giải thích sự hiện diện của nước trong Stk 1, 2!)
 
Rõ ràng là tác giả của văn bản mang tính phụng vụ cao này (một văn bản tương tự như một hình thức kinh cầu trong đó thường lặp lại những cách diễn tả như “Liền có như vậy”, “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”, “Qua một buổi chiều và một buổi sáng”, “Đó là ngày thứ X-Y”), đã xây dựng tác phẩm của mình theo cách mà ba ngày đầu tiên (1-2-3) dùng để tách các “bao bì” (contenants) nguyên thủy to lớn ra khỏi nhau trong khi ba ngày tiếp theo (4-5-6) cung cấp “vật chứa bên trong” (contenu) sẽ lấp đầy không gian được tạo ra trong “bao bì”. Do đó, cấu trúc văn chương là như thế này:

 

PHÂN TÁCH (bao bì)

 

LÀM ĐẦY (vật chứa bên trong)

1. Ánh sáng với Bóng tối

4. Các vầng sáng

2. Nước phía trên với Nước phía dưới

5. Cá và Chim

3. Đất liền với Biển cả

6. Muôn thú và Con người

 

Tất cả đều quy tụ vào ngày thứ bảy (ngày Sabát), rất được yêu chuộng đối với các thành viên trong cộng đồng tư tế. Do đó, từ quan điểm văn chương, chúng ta có thể hiểu rằng tác giả cần tách ánh sáng (ngày 1) để có thể chèn các vầng sáng (ngày 4) vào cấu trúc văn bản của mình. Nhưng điều này cũng không cho chúng ta biết làm thế nào để hiểu được ý nghĩa của từ “ánh sáng” trong Stk 1, 3. Nếu nó không phải là các hạt quang tử “photons” phát sáng thì nó là cái gì?

 

Từ “ánh sáng” trong tiếng Hípri có nguồn gốc từ ’or, được sử dụng hơn 170 lần trong Kinh Thánh tiếng Hípri. Giống như các ngôn ngữ Sêmít khác, một từ gốc có thể hình thành ra nhiều từ khác, các danh từ như “vầng sáng” (Stk 1, 13-14; Xh 25, 38; Cn 15, 30; Ed 32, 7-8; v.v.) hoặc “đèn nến nhiều ngọn” (candelabra/menorah) (Xh 25, 31; Ds 8, 2; Dcr 4, 2; v.v.), hoặc thậm chí các động từ như “chiếu sáng/soi sáng” (Stk 1, 15; Xh 13, 21; Tv 105, 39; v.v…); “thắp sáng” (Is 27, 11); “làm cho chiếu sáng” (Đn 9, 17; v.v.). Trong các văn bản trình thuật, ý nghĩa của từ ’or thường là “ánh sáng ban ngày” hoặc “ánh sáng ban mai” (Tl 16, 2; 19, 26; 1 Sm 14, 36; 2 V 7, 9; v.v.). Tuy nhiên, Stk 1 giống với một văn bản thi ca – phụng vụ (poético-liturgique) hơn là một câu chuyện kể. Do đó, chúng ta phải tìm ở nơi khác xem “ánh sáng” này có quy chiếu đến điều gì. Có những con đường khác nhau dành cho những người ai nghiên cứu các văn bản Kinh thánh. Ba con đường có vẻ đặc biệt thú vị và đầy hứa hẹn.

Tác giả Stk 1, thuộc tầng lớp tư tế, khá quen thuộc với văn chương thánh vịnh. Sách Thánh Vịnh có số lần xuất hiện nhiều nhất của từ gốc “ánh sáng” trong Giao Ước thứ nhất, tức Cựu Ước (34 lần). Trong một số bản văn này, ánh sáng tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa (Tv 4, 7; 27, 1). Thánh vịnh 80 sử dụng cách diễn đạt sau đây làm chủ đề chính: “Xin toả ánh (từ gốc ‘ortôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ” (xem 4.8.20; xem thêm Tv 31, 17; 89, 16; 119, 135 ; v.v.) . Từ quan điểm này, ánh sáng trong Stk 1, 3-5 không gì khác hơn là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi nguồn gốc của mọi sự, mọi sự sống, mọi sự hình thành. Không có ánh sáng này thì sự chết (hay bóng tối) sẽ xâm chiếm vạn vật (Tv 13, 3; 36, 10; 56, 14; v.v.). Không có gì đáng ngạc nhiên khi tác giả Tin Mừng Gioan, trong tựa ngôn nổi tiếng của mình, cũng đưa ra nhận xét tương tự về ánh sáng (Ga 1, 4). Nếu “ánh sáng” trong Stk 1, 3-5 biểu trưng cho sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa, thì có lẽ đây là lý do tại sao tác giả không thêm một động từ nào khác để chỉ hành động “làm” hoặc “sáng tạo” sau lời kêu gọi về sự hình thành ánh sáng. “Phải có ánh sáng”. Liền có ánh sáng.

Ngoài ra, “ánh sáng” còn có thể gắn liền với ý niệm công lý, luật pháp, sự tôn trọng. Nhiều đoạn Thánh vịnh và văn chương ngôn sứ nêu bật mối liên hệ giữa ánh sáng và công lý theo vết chân của đoạn trích này: “Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh, công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ” (Tv 37, 6; xem thêm Tv 112, 4; Is 59, 9; Mi 7, 9). Tương tự như vậy, việc đọc Is 58, 6-10 đáng để xem xét kỹ vì Giao Ước thứ hai (Tân Ước) sẽ lấy cảm hứng từ nó để nói về hành động của các môn đệ Đức Kitô. Trong bối cảnh này, ánh sáng trong Stk 1, 3-5 sẽ tượng trưng cho tầm quan trọng tiên quyết của công lý và luật lệ khắp mọi thời và mọi nơi.

Cuối cùng, một con đường cuối có thể được khám phá, mặc dù khó nắm bắt đối với những người đương thời của chúng ta. Tác giả của Stk 1 chắc chắn là người ở Babylon và văn bản của ông được soạn thảo để thể hiện một quan điểm chính trị mang tính lật đổ chống lại những tham vọng của người Babylon và các thần thánh của họ. Vào cuối thời kỳ lưu đày ở Babylon, và trái với mọi mong đợi, các bản văn trong sách Isaia trình bày dân Israel là “ánh sáng của thế gian” (Is 42, 6,16; 49, 6; 60, 1-3) mà tất cả các quốc gia sẽ hướng tới. Trong bối cảnh này, tác giả của Stk 1 sẽ lật đổ những tuyên bố của người Babylon về quyền bá chủ bằng cách đặt, ngay từ đầu văn bản chống lại người Babylon của mình, một sự ám chỉ gần như không che đậy về tầm quan trọng của Israel, dân tộc tầm thường này trong mắt người Babylon, đối với tương lai của thế giới. Stk 1, 3tt sẽ thắp lên ngọn lửa ái quốc và kêu gọi phản kháng thay vì tiêu tan đi.

Chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc chắn ý định thực sự của tác giả Stk 1 khi ông chọn làm nổi bật lên sự xuất hiện của ánh sáng như yếu tố đầu tiên trong trình thuật của mình, nhưng ngày nay chúng ta có thể xem xét nhiều con đường khả thi. Những con đường này nhắm đến những thực tại nền tảng cho đời sống đức tin của chúng ta. Khi đọc Stk 1 trong phụng vụ Phục sinh, trong khi màn đêm rực rỡ lên với ánh sáng những ngọn nến, chúng ta sẽ ưu tiên cho ý nghĩa nào hơn? Đó là sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa mời gọi, trong từng giây phút hiện hữu, biến đổi bóng tối (sức mạnh của cái chết) thành ánh sáng (sức mạnh của sự sống)? Đó là việc thúc đẩy công lý trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống hàng ngày của chúng ta? Hay phản kháng lại các thế lực nô lệ hóa muốn nhốt chúng ta trong cảnh nô lệ và biến chúng ta thành những con tốt thí để phục vụ lợi ích của chúng? Ý nghĩa này không loại trừ những ý nghĩa khác; có lẽ nên cố gắng tổng hợp để đánh giá cao sự phong phú của văn bản này và để nó thâm nhập sâu hơn vào thực tại hàng ngày của chúng ta.

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Chuyển ngữ từ: Parabole, Mars 2018, Vol XXXIV, số 1, tr. 4-6

Nguồn: gpquinhon.org