Đức tin vốn bao gồm tình trạng trái ngược: Đón nhận những mâu thuẫn của sự phát triển tâm linh

Sách Công vụ Tông đồ nhắc nhở chúng ta rằng: “Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu” (Cv 17:28). Đây là minh chứng cho sự hiện diện khắp nơi của Thiên Chúa và lòng nhân từ vô biên của Ngài, Đấng nâng đỡ chúng ta qua những tình trạng có vẻ trái ngược này.

Từ cái chết đến sự sống

Tình trạng trái ngược của cái chết dẫn đến sự sống là trung tâm cơ bản trong lời rao giảng Kitô giáo. Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô thể hiện rõ nét câu chuyện này.

Như Rôma 6:4 khẳng định: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.”

Ở đây, cái chết không phải là kết thúc mà là sự chuyển tiếp đến một cuộc sống vĩnh cửu sâu xa hơn. Sự chuyển tiếp này phản ánh thế giới tự nhiên. Hạt giống phải được chôn vùi và chết đi để nảy sinh ra sự sống mới. Đây là tiếng vang vọng lại sự tái sinh về mặt tâm linh mà đức tin hứa hẹn.

Từ bóng tối đến ánh sáng

Theo Kinh thánh, chúng ta chuyển tiếp từ bóng tối đến ánh sáng, tượng trưng cho hành trình từ sự ngu dốt và tội lỗi đến sự soi sáng và cứu độ. Thánh vịnh 18:29 chép rằng: “Vâng, lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa làm cho ngọn đèn của con sáng tỏ, Ngài soi chiếu vào đời con tăm tối mịt mù.” Cách nói ẩn dụ này tỏ lộ ánh bình minh chan hòa, khởi sinh sau giờ phút thâm u nhất của đêm tối. Nó nhắc nhở chúng ta rằng niềm hy vọng và sự cứu độ sẽ nảy sinh sau nỗi tuyệt vọng, dù sâu xa bao nhiêu đi nữa.

Chúng ta cũng thấy sự chuyển tiếp này trong câu chuyện về Phaolô trên đường đi Đamát. Sự mù lòa theo nghĩa đen và nghĩa bóng của Phaolô chuyển thành việc nhìn thấy được và thấu suốt: “Ông Saolô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Đamát. Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống… Ông Khanania liền đi; ông vào nhà, đặt tay trên ông Saolô và nói: Anh Saun, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giêsu, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần. Lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Saolô, và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu phép rửa. Rồi ông ăn và khoẻ lại” (Cv 9:1-19 ). Câu chuyện này làm rõ quyền năng biến đổi của sự can thiệp của Thiên Chúa.

Từ đau khổ đến Niềm vui

Sự chuyển tiếp từ đau khổ đến niềm vui hàm chứa sự hiểu biết của Kitô giáo về đau khổ như một phần cần thiết cho sự phát triển tâm linh và niềm vui cuối cùng, dù có đau đớn. Giacôbê 1:2-4 khuyến khích các tín hữu: “Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì.”

Cách so sánh tương đồng việc luyện vàng bằng lửa mô tả chính xác quá trình này. Nhiệt độ cao đốt cháy tạp chất, tạo ra một chất có độ tinh khiết tuyệt đẹp và giá trị lớn. Tương tự như vậy, các thử thách tâm linh tinh luyện và củng cố đức tin của chúng ta, dẫn đến niềm vui sâu sắc.

Giáo sư John Lennox cho biết: “Thiên Chúa không hề cách xa sự đau đớn và nỗi đau khổ của con người vì chính Ngài đã trải qua sự đau đớn và nỗi đau khổ đó” [John Lennox, Where is God in a coronavirus world?]

Thiện thắng Ác

Chiến thắng cuối cùng của cái thiện trước cái ác là chủ đề trung tâm trong thuyết cánh chung của Kitô giáo. Cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác thường được mô tả như cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối.

Gioan 1:5 tuyên bố: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” Hình ảnh ánh sáng thắng bóng tối trấn an chúng ta về ưu thế tối thượng cuối cùng của điều thiện. Cách nói so sánh người chăn chiên bảo vệ đàn chiên của mình khỏi bầy sói gói gọn lời hứa này, làm nổi bật bản chất lòng nhân từ của Thiên Chúa là bảo vệ điều thiện và chiến thắng cái ác.

Kết luận

Do đó, đức tin thì vốn bao gồm tình trạng trái ngược. Đức tin thể hiện những sự chuyển tiếp có vẻ mâu thuẫn nhưng lại được giải quyết trong sự hòa điệu với kế hoạch của Thiên Chúa. Tuy nhiên, những sự chuyển tiếp này – từ cái chết sang sự sống, từ bóng tối sang ánh sáng, từ đau khổ sang niềm vui và sự thiện chiến thắng sự ác – không chỉ là những thành tố của giáo lý, chúng còn là những kinh nghiệm hướng dẫn người tín hữu đi qua những sự phức tạp của cuộc sống.

Chấp nhận và điều hướng những trái ngược này giúp chúng ta đào sâu thêm đức tin của chúng ta. Tâm linh của chúng ta cũng được củng cố, và cuộc sống của chúng ta thấm nhuần ý nghĩa sâu xa. Trong vũ khúc thần thiêng của những trái ngược này, chúng ta thực sự “sống, hoạt động và hiện hữu”, được ôm chặt trong vòng tay của Đấng vô biên mà bản tính của Ngài là đem lại sự sống từ cái chết, ánh sáng từ bóng tối, niềm vui từ đau khổ và điều thiện từ cái ác.

Rồi Người bảo ông Tôma: Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20:27)

“Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28).

Đức Giêsu bảo: Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20: 29).

Phêrô Phạm Văn Trung

Chuyển ngữ từ: catholicstand.com (26.06.2024)