WHĐ (07.08.2024) – Đến với tượng Đức Mẹ, chúng ta có thể để ý đến dòng chữ dưới chân Mẹ: “REGINA PACIS – ORA PRO NOBIS – XVII. II. MCMLIX”. Đây là tiếng Latinh: Lạy Nữ Vương Hòa Bình, cầu cho chúng con – 17.02.1959. Vậy câu này có nghĩa gì?
Ai đến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn, chắc chắn sẽ thấy một tượng Đức Mẹ trước nhà thờ. Đây là quảng trường được mang tên: Đức Bà Hòa Bình. Sau Mẹ là nhà thờ chính tòa Sài Gòn; bên trái Mẹ là bưu điện thành phố, trước mặt Mẹ là đường Đồng Khởi hướng Bạch Đằng, bên phải Mẹ là nhà xứ chính tòa. Từ tháp chuông nhà thờ nhìn ra là quảng trường với 4 con đường giao nhau tạo thành hình thánh giá, trung tâm đặt tượng Đức Mẹ Hòa Bình với vườn hoa xung quanh.
Tôi không hướng dẫn du lịch ở đây. Tuy nhiên, đến với tượng Đức Mẹ, chúng ta có thể để ý đến dòng chữ dưới chân Mẹ: “REGINA PACIS – ORA PRO NOBIS – XVII. II. MCMLIX”. Đây là tiếng Latinh: Lạy Nữ Vương Hòa Bình, cầu cho chúng con – 17.02.1959. Vậy câu này có nghĩa gì?
1. Đức Maria – Nữ Vương Hòa Bình
a) Nguồn gốc
Danh hiệu “Nữ Vương Hòa Bình-Regina Pacis” bắt nguồn từ lời cầu nguyện cổ xưa của Giáo Hội, khi người Công giáo kêu cầu Đức Mẹ trong những lúc thắng lợi cũng như khó khăn[1]. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Piô XII chính thức thiết lập lễ kính Đức Mẹ với danh hiệu “Nữ Vương Hòa Bình” vào năm 1954, sau Năm Thánh Mẫu[2]. Sở dĩ Giáo hội tôn vinh danh hiệu này của Mẹ, là vì Mẹ của toàn thể nhân loại, một người mẹ với lòng thương xót và sự bảo vệ đặc biệt dành cho con cái mình. Đừng quên đây là sau thế chiến thứ 2, một thời kỳ đặc biệt khi thế giới đối mặt với nhiều thách thức về hòa bình. Đức Maria cũng mang lại hòa bình cho nhân loại. Thời kỳ này thế giới đang đối diện với những biến cố lớn, từ chiến tranh đến xung đột chính trị và xã hội, làm nổi bật hơn bao giờ hết sự cần thiết của hòa bình.
Khi Đức Mẹ được tôn xưng là “Nữ Vương-Queen” vì Mẹ là Mẹ của Chúa Kitô, Vua muôn vua. Cụ thể Đức Giáo Hoàng Piô XII viết: “Maria được gọi là Mẹ của Chúa; từ điều này dễ dàng suy ra rằng Mẹ là một Nữ Vương, vì Mẹ đã sinh ra một người con, người mà, ngay từ lúc được thụ thai, bởi sự kết hợp giữa bản tính nhân loại với Ngôi Lời, cũng là một con người – Vua và Chúa của muôn loài.” (Ad Caeli Reginam số 34).
Theo đó, hầu như trong các thông điệp hòa bình, Giáo hoàng thường kết thúc bằng việc van nài Đức Maria cầu bầu cùng Chúa. Đức Maria, trong vai trò Nữ Vương Hòa Bình, là biểu tượng của sự hòa hợp và bình an mà Thiên Chúa mang đến cho thế giới thông qua sự can thiệp của Mẹ. Giáo hội và chúng ta cũng tin như thế.
b) Cơ sở Kinh Thánh
Có lẽ trong Tân Ước không đề cập đến danh hiệu này của Đức Mẹ. Chúng ta có thể tìm thấy chút dấu vết trong lời chào của Thiên thần Gabriel: “Kính chào Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà” (Lc 1,28). Nhiều người tin rằng đây là nguồn gốc của danh hiệu hòa bình. Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa trên suy luận và tin rằng danh hiệu này có cơ sở Kinh Thánh:
– Lời tiên tri về Chúa Giêsu là Vua: Khi loan báo về sự thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu, thiên thần Gabriel nói: “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32-33). Dựa vào câu này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho rằng: Chúng ta trình diện trước Chúa Giêsu, Vua Hòa Bình. Vương quốc hòa bình của Người cũng là vương quốc của ân sủng và chân lý, của công lý và tình yêu. Và Mẹ của Người, Đức Trinh Nữ Maria[3].
– Đức Mẹ là Mẹ của Vua: Vì Đức Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng được gọi là Vua, nên Đức Mẹ cũng được tôn xưng là Nữ Vương. Như thánh Ioannes Damascenus viết: “Khi Mẹ trở thành Mẹ của Đấng Tạo Hóa, Mẹ thực sự trở thành Nữ Vương của mọi thụ tạo.”[4]
– Đức Mẹ là Nữ Vương phục vụ và yêu thương: Đức Mẹ đáp lại lời thiên thần với tâm tình của người tôi tớ khiêm nhường: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38). Đức Mẹ không phải là nữ vương quyền lực thế tục, mà là Nữ Vương phục vụ và yêu thương, như Chúa Giêsu đã sống[5].
Có lẽ vì những nền tảng trên, truyền thống Giáo hội luôn đề cao vai trò của Đức Maria. Giáo hội cũng nhìn nhận Đức Maria như một biểu tượng của hòa bình. Các cuộc hiện ra của Đức Maria tại Fatima, Lourdes… đều mang thông điệp hòa bình và sự cần thiết của cầu nguyện, ăn năn và cải thiện đời sống. Đó là một trong những nơi thể hiện sự hiện diện của Đức Maria rõ nhất trong lịch sử. Những lần hiện ra này đều khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và sự cần thiết của cầu nguyện.
2. Ora Pro Nobis – Cầu cho chúng con
a) Ý nghĩa của lời cầu nguyện
“Ora Pro Nobis” tiếng Latin có nghĩa là Ora: Động từ mệnh lệnh, ngôi 2 số ít, nghĩa là “cầu nguyện”; Pro: Giới từ, nghĩa là “cho” hoặc “vì”; Nobis: Đại từ ngôi nhất số nhiều, nghĩa là “chúng tôi”. Như vậy, câu này có nghĩa tiếng Việt: “Cầu nguyện cho chúng con”.
Đây là một lời cầu nguyện đơn giản nhưng chứ đầy sức mạnh. Nhờ đó người tín hữu xin Đức Maria cầu bầu cùng Thiên Chúa cho những nhu cầu rất thực tế. Lời cầu nguyện này thể hiện sự tin tưởng vào sự can thiệp và lòng thương xót của Đức Maria. Nó không chỉ là một lời xin đơn thuần mà còn là một hành động của đức tin, thể hiện lòng tin tưởng tuyệt đối vào Đức Maria.
b) Vai trò của Đức Maria trong sự cầu bầu
Theo giáo lý Công giáo, Đức Maria có vai trò đặc biệt trong việc cầu bầu cho nhân loại. Còn nhớ tiệc cưới Cana, khi Chúa Giêsu thực hiện phép lạ đầu tiên biến nước thành rượu, chính Đức Maria đã can thiệp và xin con mình giúp đỡ (Ga 2,1-11). Điều này minh chứng cho sự quan tâm và khả năng can thiệp của Đức Maria trong những tình huống khó khăn của đời sống. Giáo hội luôn tin rằng: Nhờ mối liên hệ mật thiết với Chúa Giêsu, Đức Mẹ đóng vai trò Trung Gian và Đấng Chuyển Cầu giữa Thiên Chúa và nhân loại[6].
c) Cầu nguyện với Mẹ Maria
Lời cầu nguyện “Ora Pro Nobis” có thể nói với các thánh. Ở đây, cụ thể chúng ta van nài với Đức Maria. Khi đó, chúng ta không chỉ tin lời xin của mình sẽ được Chúa nhận lời, nhưng còn muốn nói gương của Đức Mẹ. Mẹ là mẫu gương hoàn hảo của đức tin, hy vọng và bác ái, để các tín hữu noi theo. Trong những thời khắc khó khăn, người tín hữu hướng về Mẹ Maria như một nguồn an ủi và hy vọng. Sự cầu nguyện này không chỉ giúp họ tìm thấy bình an trong tâm hồn mà còn giúp họ cảm nhận được sự hiện diện của Đức Maria trong cuộc sống hàng ngày.
3. Ngày của nguyện cầu
Đây hoàn toàn là suy tư cá nhân. Sau lời cầu nguyện trên, chúng ta thấy có ngày tháng năm: 17.02.1959. Thực vậy, vào ngày 17 tháng 2 năm 1959, Đức Hồng y Krikor Bédros XV Agagianian, đặc sứ của Giáo hoàng Gioan XXIII từ Roma qua Sài Gòn để chủ tọa lễ bế mạc Đại hội Thánh Mẫu Toàn Quốc. Vào chiều hôm đó, Đức Hồng y đã làm phép bức tượng Đức Mẹ trước Nhà Thờ Đức Bà.
Dù bạn đến Nhà Thờ Đức Bà vì lý do du lịch hay nguyện cầu, xin cứ đến dưới chân tượng Đức Mẹ. Đó là một thời gian cụ thể của bạn. Lúc đó và ở với Mẹ, hẳn là bạn có những câu chuyện rất riêng tư, những vấn đề rất cụ thể và những nguyện cầu cần nói với Mẹ. Giữa xôn sao của phố phường Sài Gòn, hy vọng lòng bạn lắng lại để dâng những lo lâu và ước nguyện của mình lên Thiên Chúa. Dưới chân của Đức Mẹ, bạn có may mắn được thưa lên: “Lạy Nữ Vương Hòa Bình, cầu cho chúng con”. Chúng con hoặc cho chính con, hoặc cho một ai đó bạn muốn nguyện cầu. Với thành tâm của mình, chúng ta hy vọng Đức Mẹ sẽ đoái thương và hồng ân Chúa sẽ đến trong lời nguyện của bạn. Đó là khoảnh khắc rất đặc biệt, thánh thiêng và bình an.
Nếu cầu nguyện là nguồn mạch của đời sống thiêng liêng, giúp người tín hữu tiến gần Chúa, thì Đức Mẹ là người giúp chúng ta đến nhanh hơn. Xin đừng ngại thưa với Mẹ. Khi lòng mình bấn loạn, bất an và sầu khổ, xin Mẹ là nữ vương Hòa Bình an ủi lòng của bạn và của gia đình. Tôi luôn tin rằng Sự can thiệp của Đức Maria giúp người tín hữu cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa và tìm thấy bình an trong tâm hồn.
Kết luận
Việc tôn kính Đức Maria và cầu nguyện với Mẹ không chỉ là một phần của đời sống đức tin mà còn là một nguồn động lực để xây dựng một thế giới hòa bình và công bằng. Đức Maria, Nữ Vương Hòa Bình, luôn đồng hành và hướng dẫn chúng ta trên con đường đạt tới hòa bình đích thực, không chỉ trong tâm hồn mà còn trong xã hội và thế giới.
“Ở đây và lúc này, lạy Nữ Vương Hòa Bình, xin cầu cho chúng con! Amen.”
______
[1] https://www.vatican.va/content/pius-xii/en/encyclicals/documents/hf_p-xii_enc_11101954_ad-caeli-reginam.html (số 2). [2] Xem: (cf. Encyclical Letter Ad Caeli Reginam, 11 October 1954: AAS 46 [1954] [3] Xem Holy Mass at the “Somhlolo Stadium” of Mbabane (Swaziland), số 1. [4] Prudentius, Dittochaeum, XXVII: PL LX, 102 A. [5] General Audience of 22 August 2012 [6] https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/audiences/1997/documents/hf_jp-ii_aud_05111997.html
Tin tức liên quan khác
Chúa nhật 34 Thường niên năm A – Chúa Kitô Vua (Mt 25,31-46)
Đức Hồng y Parolin: Đức Giáo Hoàng đến thăm Mông Cổ như “người hành hương mang lại niềm hy vọng cho toàn thế giới”
Giáo xứ Tam Đa: Thánh Lễ Làm Phép Nhà Thờ và Cung Hiến Bàn Thờ
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Chay 2024: Bài 3 – Ta là Mục tử Nhân lành
ĐHY Fernández coi việc tra tấn hoặc giết người đồng tính là không thể chấp nhận được
Vì lý do sức khoẻ Đức Thánh Cha không đi Dubai tham dự COP28
Thánh Lễ Trên Địa Cầu của Pierre Teilhard De Chardin
ĐHY Zuppi gửi thư của ĐTC Phanxicô cho Tổng thống Biden