Thông điệp thứ tư của Đức Phanxicô, Dilexit nos (“Ngài đã yêu thương chúng ta”), được công bố vào ngày 24 tháng 10 năm 2024. Sau đây là một số câu trích dẫn nổi bật từ văn bản dành cho “tình yêu vừa nhân loại vừa thần linh của Trái Tim Chúa Giêsu Kitô.”
1. ĐỀ CAO TRÁI TIM
“Giả dối và ngụy trang không có chỗ đứng” trong trái tim
“Trái tim thường tiết lộ ý định thật sự của chúng ta, những gì chúng ta thực sự suy nghĩ, tin tưởng và khao khát, những ‘bí mật’ mà chúng ta không nói với ai: nói cách khác, đó là sự thật trần trụi về bản thân chúng ta. Đó là phần thuộc về chúng ta không phải là vẻ bề ngoài hay ảo ảnh, mà là chân thật, thực tế, hoàn toàn là ‘chúng ta thực sự là ai.’” (5)
Đề cao trái tim luôn là điều khó khăn
“Các vấn đề mà xã hội lỏng lẻo ngày nay đặt ra đã được bàn luận nhiều, nhưng việc xem nhẹ trái tim, vốn là hạt nhân sâu xa của nhân tính, đã có lịch sử lâu đời. Chúng ta thấy điều này hiện diện trong chủ nghĩa duy lý Hy Lạp và tiền Kitô giáo, trong chủ nghĩa lý tưởng hậu Kitô giáo và chủ nghĩa duy vật dưới nhiều hình thức khác nhau. Trái tim đã bị bỏ qua trong nhân học, và truyền thống triết học lớn xem đó là khái niệm xa lạ, ưu tiên các khái niệm khác như lý trí, ý chí, hoặc tự do.” (10)
“Tôi là trái tim mình”
“Có thể nói rằng tôi là trái tim mình, vì trái tim của tôi là yếu tố khiến tôi khác biệt, định hình bản sắc tinh thần của tôi và kết nối tôi với những người khác. Các thuật toán vận hành trong thế giới kỹ thuật số cho thấy: suy nghĩ và ý chí của chúng ta ‘đồng nhất’ hơn chúng ta tưởng trước đây. Chúng dễ đoán và do đó có thể bị thao túng. Nhưng điều đó không đúng với trái tim.” (14)
“Trong thời đại trí tuệ nhân tạo này, chúng ta không được quên rằng thơ ca và tình yêu là cần thiết để cứu lấy nhân tính của chúng ta.” (20)
2. MỘT THẾ GIỚI ĐÁNH MẤT TRÁI TIM
Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót
“Trước Trái Tim của Đức Kitô, một lần nữa tôi cầu xin Chúa thương xót thế giới đau khổ này, nơi mà Ngài đã chọn sống như một người trong chúng ta. Xin Ngài tuôn đổ kho báu ánh sáng và tình yêu của Ngài, để thế giới chúng ta, dù áp lực tiến bước giữa chiến tranh, bất bình đẳng kinh tế-xã hội và sự lạm dụng công nghệ đe dọa nhân loại, có thể tìm lại điều quan trọng và cần thiết nhất: trái tim của mình.” (31)
Trong một thế giới mà chúng ta bị thúc đẩy để tiếp tục mua sắm
“Trong một thế giới mà mọi thứ đều được mua bán, giá trị của con người dường như ngày càng phụ thuộc vào những gì họ có thể tích lũy được nhờ sức mạnh của tiền bạc. Chúng ta liên tục bị thúc đẩy để duy trì việc mua sắm, tiêu dùng và đánh lạc hướng chính mình, bị giam cầm trong một hệ thống hạ thấp nhân phẩm, không cho chúng ta nhìn vượt khỏi ra ngoài những nhu cầu nhỏ nhặt, tức thời của mình. Tình yêu của Đức Kitô không có chỗ trong cơ chế lệch lạc này, thế nên chỉ có tình yêu đó mới có thể giải phóng chúng ta khỏi một cuộc chạy đua điên rồ mà không còn chỗ cho một tình yêu vô vị lợi.” (218)
3. TÌNH YÊU BA CHIỀU CỦA ĐỨC KITÔ QUA HÌNH ẢNH TRÁI TIM
Tình yêu thần linh, nhân loại … và nhạy cảm
“Hình ảnh trái tim Chúa nói với chúng ta về một tình yêu ba chiều. Đầu tiên, chúng ta chiêm ngưỡng tình yêu thần linh vô biên của Ngài. Sau đó, tâm trí chúng ta hướng đến khía cạnh tâm linh của nhân tính Ngài, nơi trái tim là ‘biểu tượng của tình yêu mãnh liệt nhất, được truyền vào linh hồn Ngài, làm phong phú thêm ý chí nhân loại của Ngài.’ Cuối cùng, ‘đó cũng là biểu tượng của tình yêu nhạy cảm của Ngài.’” (65)
“Ba tình yêu này không tách biệt, song song hay rời rạc, mà cùng hoạt động và biểu hiện trong một sự thống nhất sống động và liên tục.” (66)
4. SÙNG KÍNH THÁNH TÂM KHÔNG LẠC HẬU
Giờ Thánh Ngày Thứ Năm
“Mặc dù không ai bị bắt buộc phải dành ra một giờ chầu Thánh Thể mỗi thứ Năm, nhưng chắc chắn nên khuyến khích thực hành này. Khi chúng ta thực hiện điều này với lòng sùng kính, hiệp nhất với nhiều anh chị em của chúng ta và khám phá trong Thánh Thể tình yêu mênh mang của trái tim Đức Kitô, chúng ta ‘thờ lạy, cùng với Giáo hội, dấu chỉ và sự biểu lộ của tình yêu thần linh đã yêu thương nhân loại qua trái tim của Ngôi Lời nhập thể.’” (85)
Một Tình yêu vô biên
“Những gì chúng ta chiêm ngưỡng và thờ lạy là toàn thể Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, được biểu hiện qua hình ảnh làm nổi bật là trái tim Ngài. Trái tim bằng xương bằng thịt ấy được coi là dấu chỉ đặc biệt của nội tâm của Con Thiên Chúa nhập thể và tình yêu của Ngài vừa thần linh vừa nhân loại. Hơn bất kỳ phận nào khác trong thân thể Ngài, trái tim của Đức Giêsu là ‘dấu chỉ và biểu tượng tự nhiên của tình yêu vô biên của Ngài.’” (48)
Ngài chưa bao giờ ngừng yêu thương
“Đôi khi, chúng ta có thể bị cám dỗ nghĩ rằng mầu nhiệm tình yêu này là một thánh tích đáng ngưỡng mộ từ quá khứ, một linh đạo tốt đẹp phù hợp với thời đại khác. Nhưng chúng ta cần nhắc nhở bản thân rằng, như một nhà truyền giáo thánh thiện từng nói, ‘trái tim thần linh này đã để cho ngọn giáo của kẻ thù đâm vào để qua vết thương thánh đó, tuôn đổ các bí tích mà nhờ vậy Giáo hội được hình thành, trái tim thần linh ấy chưa bao giờ ngừng yêu thương.’” (149)
Trái tim có những lý do riêng của mình
“Có thể đối với một số người, khía cạnh lòng sùng kính Thánh Tâm thiếu một nền tảng thần học vững chắc, nhưng trái tim có lý do của nó. Ở đây, cảm thức đức tin (sensus fidelium) nhận ra điều gì đó huyền nhiệm, vượt xa logic của con người chúng ta, và hiểu rằng cuộc khổ nạn của Đức Kitô không chỉ là một sự kiện trong quá khứ, mà là một sự kiện mà chúng ta có thể chia sẻ qua đức tin. Đối với lòng đạo đức Kitô giáo, suy niệm về việc Đức Kitô tự hiến trên thập giá bao hàm điều gì đó hơn cả sự tưởng nhớ. Niềm tin này có nền tảng thần học vững chắc.” (154)
An ủi Ngài
“Như thế, tôi yêu cầu không ai được xem nhẹ lòng sùng kính nhiệt thành trong dân thánh trung tín của Thiên Chúa, mà trong lòng đạo đức bình dân, họ tìm cách an ủi Đức Kitô. Tôi cũng khuyến khích mọi người cân nhắc xem một vài biểu hiện tình yêu an ủi Chúa có thể hợp lý, đúng đắn và khôn ngoan hơn những hành động yêu thương lạnh lùng, xa cách, tính toán và chỉ có tính danh nghĩa mà đôi khi được thực hành nơi những người tự cho mình có đức tin suy tư, tinh tế và trưởng thành không.” (160)
5. ĐIỀU ĐỨC KITÔ MONG ĐỢI Ở NGƯỜI KITÔ HỮU
Phẩm giá của từng con người
“Khi liên kết với những tầng lớp thấp nhất trong xã hội (x. Mt 25,31-46), ‘Đức Giêsu đã đem đến một điều mới mẻ là công nhận phẩm giá của mọi người, đặc biệt là những người bị coi là ‘không xứng đáng.’ Nguyên tắc mới này đã thay đổi diện mạo thế giới trong lịch sử nhân loại, nó nhấn mạnh rằng con người càng xứng đáng được chúng ta tôn trọng và yêu thương hơn khi họ yếu đuối, bị khinh miệt hoặc đau khổ, thậm chí đến mức mất đi hình ảnh con người. Nó đã đem đến sự sống cho các tổ chức chăm sóc những người ở trong hoàn cảnh bất lợi, như trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, người già không có ai chăm sóc, người mắc bệnh tâm thần, người mắc bệnh nan y hoặc dị dạng nặng, và những người sống trên đường phố.” (170)
Phục hồi vẻ đẹp
“Trong sự hiệp nhất với Đức Kitô, giữa đống đổ nát do tội lỗi chúng ta gây ra trong thế giới này, chúng ta được kêu gọi xây dựng một nền văn minh mới của tình yêu. Đó là ý nghĩa của việc đền tạ mà trái tim Đức Kitô muốn chúng ta thực hiện. Giữa sự tàn phá do sự dữ sai lầm gây ra, trái tim Đức Kitô mong muốn chúng ta hợp tác với Ngài để khôi phục sự tốt lành và vẻ đẹp cho thế giới chúng ta.” (182)
Xin lỗi
“Một phần của tinh thần đền tạ này là thói quen xin lỗi anh chị em của mình, thể hiện lòng cao quý giữa sự yếu đuối của con người. Xin lỗi là một phương tiện để hàn gắn các mối quan hệ, vì nó ‘mở lại đối thoại và thể hiện ý chí thiết lập lại mối dây bác ái huynh đệ … Nó chạm đến trái tim của anh chị em mình, mang lại sự an ủi và truyền cảm hứng chấp nhận sự tha thứ được yêu cầu. Ngay cả khi điều không thể cứu chữa không thể phục hồi hoàn toàn, thì tình yêu luôn có thể tái sinh, làm cho nỗi đau trở nên dễ chịu hơn.’” (189)
6. “NHỮNG NHÀ TRUYỀN GIẢNG YÊU THƯƠNG”
Giống như bất kỳ người nào đang yêu
“Sứ mạng, như một sự toả sáng tình yêu từ trái tim Đức Kitô, đòi hỏi những nhà truyền giảng phải là những người đang yêu, những người bị cuốn hút bởi Đức Kitô, cảm thấy bị ràng buộc để chia sẻ tình yêu đã thay đổi cuộc đời mình. Họ sốt ruột khi thời gian bị lãng phí cho các vấn đề thứ yếu hoặc tập trung vào những chân lý và quy tắc, vì mối quan tâm lớn nhất của họ là chia sẻ những gì họ đã trải nghiệm. Họ muốn người khác cảm nhận được sự tốt lành và vẻ đẹp của Người Dấu Yêu thông qua những nỗ lực của mình, dù còn khiếm khuyết. Điều đó chẳng phải là điều mà bất kỳ người đang yêu nào cũng trải qua sao?” (209)
Dám nói với người khác
“Đức Kitô xin anh chị em đừng bao giờ xấu hổ khi nói với người khác, về tình bạn của mình với Ngài, với sự tôn trọng và tế nhị. Ngài xin anh chị em dám nói với người khác rằng việc anh chị em tìm thấy Ngài thật tốt lành và tuyệt đẹp biết bao.” (211)
Đình Chẩn
Chuyển ngữ từ: aleteia.org
Hình: TIZIANA FABI | AFP
Nguồn: phatdiem.org
Tin tức liên quan khác
26 tháng 12: Ngày thứ 2 trong tuần Bát nhật Giáng sinh: Thánh Stêphanô (Mt 10,17-22)
Thứ Năm tuần 25 Thường niên năm I – Dấu hỏi cho người khác (Lc 9,7-9)
Video ý cầu nguyện của ĐTC cho tháng 10: cầu cho Thượng hội đồng
Thứ Hai tuần 21 Thường niên năm I – Chúa Giêsu khiển trách sự giả hình (Mt 23, 13-22)
Người sửa xe
Diễn từ của Đức Thánh Cha dành cho thành viên Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử năm 2024
Đức Giám mục Giáo phận Kon Tum đến thăm Giáo họ Sa Loong
Ngày cuối chuyến viếng thăm của Đức Tổng Giám mục Paul Richard Galagher tại Việt Nam