“Quả thật, ai không chống lại chúng ta
là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 40)
BÀI ÐỌC I: Ds 11, 25-29
“Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Ước gì toàn dân được nói tiên tri”.
Trích sách Dân Số.
Trong những ngày ấy, Chúa ngự xuống trong đám mây, và phán cùng Môsê, đồng thời lấy thần trí trong Môsê mà phân phát cho bảy mươi vị bô lão. Khi Thần Trí ngự trên các ông, các ông liền nói tiên tri, và về sau các ông không mất ơn ấy.
Vậy có hai vị ở lại trong lều trại, một người tên là El-đad, và người kia tên là Mê-đad. Thần Trí đã ngự trên hai ông: vì hai ông được ghi tên vào sổ, nhưng không đến ở trong nhà xếp. Khi hai ông nói tiên tri trong lều trại, thì có đứa trẻ chạy đến báo tin cho ông Môsê rằng: “El-đad và Mê-đad đang nói tiên tri trong lều trại”. Tức thì Giosuê, con ông Nun, tuỳ tùng của ông Môsê, và là kẻ được chọn trong số đông người, liền thưa rằng: “Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi”. Ông Môsê đáp lại rằng: “Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ”.
Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 18, 8. 10. 12-13. 14
Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).
Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.
Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.
Xướng: Dù tôi tớ Chúa quan tâm về những điều luật đó, lại hết sức ân cần tuân giữ, nhưng có nhiều chuyện lầm lỗi, nào ai hay? Xin rửa con sạch những lỗi lầm không nhận thấy.
Xướng: Cũng xin ngăn ngừa tôi tớ Chúa khỏi tính kiêu căng, đừng để tính đó làm chủ trong mình con. Lúc đó con sẽ được tinh toàn và thanh khiết, khỏi điều tội lỗi lớn lao.
BÀI ÐỌC II: Gc 5, 1-6
“Của cải các ngươi bị mục nát”.
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Này đây, hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi bị mục nát, áo quần các ngươi đã bị mối mọt gặm. Vàng bạc của các ngươi đã bị ten sét, và ten sét sẽ là bằng chứng tố cáo các ngươi, và sẽ ăn thịt các ngươi như lửa đốt. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi cơn thịnh nộ trong ngày sau hết. Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi.
Ðó là lời Chúa.
Tin mừng: Mc 9, 37-42.44.46-47
38 Ông Gioan nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.”
39 Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.
40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.41 “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.
42 “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.
43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt.
45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục.
47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, 48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.
Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 26 Thường niên năm B
WHĐ (25/9/2024) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 26 Thường niên năm B theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Số 821, 1126, 1636: Đối thoại đại kết Số 2445-2446, 2536, 2544-2547: Mối nguy hiểm của tình yêu vô độ đối với của cải Số 1852: Ghen tuông Bài Ðọc I: Ds 11, 25-29 Bài Ðọc II: Gc 5, 1-6 Phúc Âm: 9,38-43.45.47-48 |
Số 821, 1126, 1636: Đối thoại đại kết
Số 821. Để đáp lại lời kêu gọi hợp nhất của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh cần:
– canh tân thường xuyên để ngày càng trung thành hơn với ơn gọi của mình; sự canh tân này là động lực của phong trào hợp nhất[1].
– hối cải tận đáy lòng “để sống phù hợp hơn với Tin Mừng”[2], vì chính sự bất trung với ân sủng của Đức Kitô là nguyên nhân gây chia rẽ giữa các chi thể;
– cầu nguyện chung, vì “sự hối cải tận đáy lòng và sự thánh thiện trong đời sống, cùng với những lời kinh chung và riêng cầu cho sự hợp nhất các Kitô hữu, phải được coi như là linh hồn của mọi phong trào đại kết và có thể xứng đáng được mệnh danh là sự đại kết trong tinh thần”[3];
– hiểu biết nhau trong tình huynh đệ[4];
– đào tạo tinh thần đại kết cho các tín hữu và nhất là cho các linh mục[5];
– đối thoại giữa các nhà thần học và gặp gỡ giữa các Kitô hữu của các Giáo Hội và các cộng đoàn khác nhau[6];
– hợp tác giữa các Kitô hữu trong các lãnh vực khác nhau để phục vụ con người[7].
Số 1126. Ngoài ra, bởi vì các bí tích diễn tả và phát huy sự hiệp thông đức tin trong Hội Thánh, nên luật cầu nguyện (lex orandi) là một trong những tiêu chuẩn cốt yếu của việc đối thoại nhằm tái lập sự hợp nhất các Kitô hữu[8].
Số 1636. Trong nhiều miền, nhờ cuộc đối thoại đại kết, một số cộng đoàn Kitô hữu đã tổ chức sinh hoạt mục vụ chung cho các đôi hôn nhân hỗn hợp. Nhiệm vụ của sinh hoạt này là giúp cho các đôi phối ngẫu biết sống hoàn cảnh đặc biệt của họ dưới ánh sáng đức tin. Sinh hoạt đó cũng phải giúp họ vượt thắng những căng thẳng giữa các bổn phận của họ đối với nhau và đối với các cộng đoàn Giáo Hội của họ. Sinh hoạt mục vụ chung phải khuyến khích làm tăng trưởng những gì đối với họ là chung trong đức tin, và tôn trọng những gì còn làm họ chia rẽ.
Số 2445-2446, 2536, 2544-2547: Mối nguy hiểm của tình yêu vô độ đối với của cải
Số 2445. Tình yêu đối với người nghèo không thể đi đôi với tình yêu vô độ đối với của cải hoặc việc sử dụng của cải cách ích kỷ:
“Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các ngươi hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các ngươi. Tài sản của các ngươi đã hư nát, quần áo của các ngươi đã bị mối ăn. Vàng bạc của các ngươi đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các ngươi; nó sẽ như lửa thiêu hủy xác thịt các ngươi. Các ngươi đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. Các ngươi đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các ngươi. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các ngươi, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh. Trên cõi đất này, các ngươi đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các ngươi đã được no đầy thỏa mãn trong ngày sát hại. Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người” (Gc 5,1-6).
Số 2446. Thánh Gioan Kim Khẩu nhắc lại điều này một cách mạnh mẽ: “Không cho kẻ nghèo được chia sẻ của cải thuộc về mình, là ăn cắp của họ và cướp lấy mạng sống của họ; … của cải chúng ta đang nắm giữ, không phải là của chúng ta, nhưng là của họ”[9]. “Phải thỏa mãn những đòi hỏi của đức công bằng trước đã, kẻo những tặng phẩm đem cho, tưởng là vì bác ái, mà thật ra là phải đền trả vì đức công bằng”[10].
“Khi tặng bất cứ thứ gì cần thiết cho người nghèo, thì không phải chúng ta tặng những gì của chúng ta, nhưng là chúng ta trả lại cho họ những gì là của họ; chúng ta trả nợ theo đức công bằng, hơn là chúng ta làm những việc từ thiện”[11].
Số 2536. Điều răn thứ mười cấm sự tham lam và ước muốn sở hữu của cải trần thế cách vô chừng mực; cấm sự ham muốn phát sinh do đam mê vô độ của cải và quyền lực do của cải đem lại. Điều răn này cũng cấm ước muốn làm điều bất công gây thiệt hại cho người lân cận về của cải trần thế của họ.
“Khi Lề luật dạy: ‘Chớ tham của người’, thì có nghĩa là chúng ta đừng ham muốn những gì của người khác. Thật vậy, sự khao khát ham muốn của cải của người khác thì bao la, vô tận và chẳng bao giờ được thoả mãn, như đã chép rằng: ‘Người thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ’ (Gv 5,9)”[12].
Số 2544. Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ yêu mến Người trên tất cả mọi sự và mọi người, và mời gọi họ từ bỏ “mọi sự họ có”[13] vì Người và vì Tin Mừng[14]. Trước cuộc khổ nạn của Người ít lâu, Người đã cho họ gương bà góa nghèo ở Giêrusalem, bà này, trong cảnh túng cực của mình, đã cho đi tất cả những gì bà có để sống[15]. Lệnh truyền giữ trái tim tự do đối với của cải là bắt buộc để vào được Nước Trời.
Số 2545. Mọi Kitô hữu phải “điều khiển các tình cảm của mình cách đúng đắn, kẻo việc sử dụng của cải trần gian và sự gắn bó với sự giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Tin Mừng, cản trở họ theo đuổi sự trọn hảo của đức mến”[16].
Số 2546. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5,3). Các mối phúc cho chúng ta thấy trật tự của hạnh phúc và ân sủng, của vẻ đẹp và sự bình an. Chúa Giêsu tán dương niềm vui của những người nghèo, Nước Trời đã là của họ[17]:
“Tôi thấy Ngôi Lời gọi sự khiêm tốn tự nguyện của tâm hồn là ‘sự nghèo khó trong tinh thần’, và thánh Tông Đồ nêu lên cho chúng ta tấm gương nghèo khó của Thiên Chúa, khi ngài nói: ‘Người đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em’ (2 Cr 8,9)”[18].
Số 2547. Chúa khóc thương những người giàu có, bởi vì họ đã được an ủi[19] trong của cải dư dật. “Kẻ kiêu căng tìm kiếm và yêu thích các nước trần gian, còn: Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”[20]. Việc phó thác cho sự quan phòng của Cha trên trời giải thoát khỏi những âu lo về ngày mai. Sự tín thác vào Thiên Chúa chuẩn bị cho việc hưởng vinh phúc của những người nghèo[21]. Họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa.
Số 1852: Ghen tuông
Số 1852. Tội lỗi rất đa dạng. Thánh Kinh đưa ra nhiều danh sách các tội lỗi. Thư gửi tín hữu Galata đối chiếu các công việc của xác thịt với hoa trái của Thần Khí: “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5,19-21)[22].
Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 26 Thường Niên năm B
Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 26 Thường Niên năm B.
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 26 Thường Niên năm B (26/9/2021) – Giáo hội cần loại bỏ não trạng đóng cửa và loại trừ Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 26 Thường Niên năm B (30/9/2018) – Mở lòng để đón nhận điều bất ngờ đến từ Thiên Chúa Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 26 Thường Niên năm B (27/9/2015) – Đừng ngăn cản bất cứ điều gì tốt lành Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 26 Thường Niên năm B (30/9/2012) – Chúa hoạt động trong Giáo Hội và trong thế giới |
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Ai là môn đệ đích thực của Ðức Kitô ? Ðó là người sống theo tinh thần của Ngài. Tinh thần ấy được Ðức Giêsu nhấn mạnh trong bài Tin Mừng hôm nay:
– Không kỳ thị chia bè phái. Vì chân lý không độc quyền thuộc về một người nào.
– Vì danh Ðức Giêsu, một công việc nhỏ mọn cũng có giá trị.
– Tinh thần từ bỏ của người môn đệ. Phải sẵn sàng từ bỏ những gì làm mất hạnh phúc vĩnh cửu, dù xem ra thân thương nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, được làm môn đệ Chúa thật là sung sướng. Nhưng một người môn đệ đích thực phải là người sống theo tinh thần của Chúa: không ghen tương, ích kỷ, mà trái lại luôn yêu thương nâng đỡ anh em mình. Lạy Chúa, chúng con muốn được làm môn đệ của Chúa, xin Chúa biến đổi chúng con thành con người Chúa mong muốn. Amen.
Ghi nhớ:“Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Phân tích
Trong bài Tin mừng này Chúa Giêsu dạy hai bài học:
a/ Bài học bao dung và hợp tác: Khi thấy một số người không thuộc nhóm Mười Hai mà cũng nhân danh Chúa Giêsu để trừ qủy thì Gioan khó chịu; ông xin Chúa ngăn cấm. Chúa Giêsu chẳng những không ngăn cấm họ mà còn sửa dạy các môn đệ mình một bài học.
– Người đời thường có óc bè phái: ích kỷ bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phương châm của thế gian là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta.”
– Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn người khác bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ mà sẵn sàng hợp tác với những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai không chống đối ta tức là ủng hộ ta.”
b/ Người làm gương xấu gây vấp phạm cho những người bé mọn đưa đến hậu quả tai hại trầm trọng đến nỗi Chúa nói “thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và ném nó xuống biển còn hơn.”
– Ngay cả bản thân mà gây cớ vấp phạm cho mình thì cũng phải tự khắt khe với chính mình để diệt trừ nguy hiểm tận gốc: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt nó đi…”
Suy gẫm
1. Người thốt lên những lời sặc mùi đố kỵ này là ai? Đó chính là Gioan “người môn đệ mà Chúa Giêsu thương yêu, ” người đã một lần xin Chúa khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi một làng Samari không tiếp đón Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài. Con người tự nhiên của Gioan vốn ích kỷ như thế, nhưng nhờ tình thương của Chúa Giêsu, sau này Gioan trở nên rất quảng đại và bao dung. Nhìn gương thánh Gioan, tôi không thất vọng về bản chất xấu xa của mình, nhưng tôi tin cậy vào tình thương có sức biến đổi tuyệt vời của Chúa.
2. Gioan là một trong ba môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu, thế mà vẫn nặng đầu óc phe phái; Gioan đố kỵ với cả những người “nhân danh Chúa mà trừ qủy, ” tức là những người làm việc tốt.
Thánh Gioan mà còn như thế thì huống chi là tôi. Tôi phải khiêm tốn thừa nhận trước Chúa và trước lương tâm rằng tôi đã nhiều lần đố kỵ ghen ghét các anh chị em tôi, ganh ghét không phải vì họ xấu mà chính vì họ tốt. Và tôi phải hết sức đề phòng không để cho khuynh hướng ghen ghét ấy khuynh đảo tôi nữa.
3. Tôi thường nhìn người khác một cách nghi kỵ và khắt khe: “Họ không ủng hộ tôi tức là họ chống đối tôi.” Do cái nhìn ấy, nếp sống của tôi trở nên bi quan và khép kín. Hôm nay Chúa dạy tôi một cái nhìn rất bao dung và rất lạc quan: “Ai chẳng chống đối các con là ủng hộ các con.” Chắc chắn với cái nhìn này đời tôi sẽ vui tươi hơn và tôi sẽ làm việc thoải mái hơn.
4. Có một truyện ngụ ngôn Ấn Độ như sau: Một hôm thần Krisna muốn thử lòng các vua trên trần thế:
Trước tiên thần cho gọi Duriana, một ông vua nổi tiếng tàn ác đến:
– Ta muốn ngươi đi khắp thế giới tìm cho ta một con người có lòng tốt.
Duriana đi khắp thế giới một thời gian rồi trở về tâu:
– Lạy Ngài, con không thể gặp được một người nào như thế cả, vì mọi người đều ích kỷ, đê hèn.
Thần gọi tiếp một ông vua khác nổi tiếng quảng đại, tên là Damanatra và ra lệnh ngược lại:
– Ngươi hãy đi tìm cho ta một người thực sự xấu xa.
Một thời gian sau, Damanatra trở về buồn bã báo cáo:
– Lạy Ngài, con xin chịu tội, con đã gặp rất nhiều người hẹp hòi, ích kỷ, gian tham, trộm cắp… nhưng người thực sự xấu xa thì con không gặp. Cho dù có vấp ngã, mọi người đều có lòng tốt.
5.”Ai cho các con một ly nước lã…”: Tục ngữ VN có câu “nước lã vã lên hồ, ” nghĩa là từ không có gì cả mà làm nên chuyện. Vậy cho “một ly nước lã” nghĩa là hầu như chẳng cho gì cả, thế mà Thiên Chúa vẫn kể và vẫn thưởng công. Giá trị của tấm lòng kẻ biết phục vụ là như thế.
6.”Ai làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin vào Thầy, thà buộc cối xay vào cổ nó….” Cớ vấp phạm là những lời nói và hành động nhiều khi rất vô tình; ai ngờ hậu qủa chúng gây ra cho người khác và cho chính mình lại to lớn như thế.
Tôi đâu có biết rằng một lời nói của tôi chỉ vì chơi đùa thôi, nhưng làm cho anh chị em tôi đau lòng đến cả đêm không ngủ. Huống chi một lời nói vì nóng giận mà tôi không kềm chế được…
Chúa dạy tôi phải quan tâm đến anh chị em. Trước khi làm gì hay nói gì tôi cũng phải suy nghĩ xem lời nói và việc làm đó sẽ tác động gì nơi người anh chị em tôi.
7.”Nếu tay con nên dịp tội, hãy chặt đi… Nếu chân con… Nếu mắt con… Thà có một tay… một chân… một mắt mà được vào nước Thiên Chúa”. Được vào nước Thiên Chúa là điều quý giá nhất, so với nó không có hy sinh từ bỏ nào là quá đáng cả.
Hiện giờ tôi cần phải “chặt” cái gì?
8. Có một thuyền trưởng ghé tàu qua đảo hoang, bắt gặp một khối lượng nam châm rất lớn. Ông đem hết lên tàu để về làm giàu. Nhưng tàu bị lạc giữa biển không sao định hướng được, kim nam châm hải bàn lúc nào cũng chỉ về phía khoang tàu chứa khối nam châm. Cuối cùng lương thực thiếu, nhiên liệu cạn dần, người thuyền trưởng phải quyết định vất bỏ khối nam châm để hải bàn có thể định hướng đúng mà cứu cả con tàu.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
TRÁNH GƯƠNG XẤU VÀ DỊP TỘI
A. DẪN NHẬP
Chúa Giêsu vẫn tiếp tục dạy dỗ các Tông đồ. Bài đọc 1 và bài Tin mừng hôm nay ăn khớp với nhau. Cũng như ông Maisen khiển trách ông Giôsuê ganh tị không cho hai người khác nói tiên tri chỉ vì họ không đến dự lễ tấn phong. Chúa Giêsu cũng khuyên các Tông đồ đừng ganh tị với những người không thuộc Nhóm 12 mà vẫn nhân danh Chúa mà trừ quỷ, trái lại phải có tinh thần hợp tác. Sau đó, Chúa Giêsu hứa thưởng công bội hậu cho những ai giúp đỡ các môn đệ của Ngài.
Điều mà chúng ta muốn bàn đến trong bài chia sẻ hôm nay là gương xấu và dịp tội. Chúa Giêsu lên án cách mạnh mẽ và quyết liệt đối với những ai nêu gương xấu cho những kẻ bé mọn, tức là những người còn kém đức tin, yếu đuối, dốt nát, bị khinh bỉ: “Thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn”.
Ngoài ra, Chúa Giêsu còn khuyên phải tránh các dịp đưa đến tội. Ngài dùng một kiểu nói cường điệu mà nói lên tính cách nặng nề của dịp tội: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi…”. Thực ra, chúng ta không nên hiểu theo nghĩa đen câu nói của Ngài, mà phải hiểu theo nghĩa tượng trưng, vì nếu tay, chân, mắt nên dịp tội thì phải chặt đi thì chắc mọi người phải chặt hết, và như vậy Hội thánh Chúa chỉ bao gồm toàn những người què cụt sao?
Vì thế, chúng ta phải quyết tâm loại trừ mọi gương xấu và dịp tội. Chúng ta phải chống lại các chước cám dỗ, lánh xa các dịp tội và tránh xa những dịp nguy hiểm có thể đưa đến tội, theo nguyên tắc: “Đào vi thượng sách”: lánh đi là tốt nhất. Nguyên tắc này cũng phù hợp với Lời Chúa: “Ai thích sự nguy hiểm sẽ rơi vào sự nguy hiểm” (Gv 3,27), ai yêu thích dịp tội thì sẽ dễ dàng sa ngã vào tội đó.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Ds 11,25-29
Để chia sẻ gánh nặng trong việc cai trị dân, ông Maisen đã chọn ra 70 vị kỳ mục, làm lễ tấn phong cho các ông, chuyển giao Thần khí của mình cho các ông để các ông nói tiên tri. Trong số đó có 2 vị không đến dự lễ tấn phong mà vẫn nói tiên tri. Giosuê thấy thế rất khó chịu và bảo ông Maisen cấm hai ông ấy nói. Nhưng ông Maisen chẳng những không ngăn cấm mà còn nói: “Phải chi Đức Chúa ban Thần khí trên toàn dân của Người để họ đều là tiên tri”.
+ Bài đọc 2: Gc 5,1-6
Bài đọc 2 này chỉ là chủ đề phụ. Như các tiên tri xưa, thánh Giacôbê cảnh cáo người giàu có một cách dữ dội. Sở dĩ thánh nhân phê phán nặng lời bởi vì:
– Họ tích trữ tiền của một cách phi pháp như không trả công cho thợ…
– Họ bóc lột người vô tội mà họ không ngại kết án.
– Họ dùng tài sản để thỏa mãn khát vọng khoái lạc và làm hại người công chính.
+ Bài Tin mừng: Mc 9,38-48 – Bài Tin mừng hôm nay được chia thành hai phần:
a) Tránh óc bè phái
Cũng giống như ông Giosuê và ông Maisen trong bài đọc 1, ông Gioan thấy có một số người không thuộc Nhóm 12 mà vẫn nhân danh Chúa mà trừ quỷ và ông xin Đức Giêsu ngăn cấm họ. Nhưng Ngài chẳng những không ngăn cấm mà lại còn cho một bài học: “Ai không chống Talà ủng hộ Ta”. Ngài nói như thế là có ý dạy cho các môn đệ đừng nhìn người khác bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ, mà còn phải hợp tác với những người thiện chí.
b) Tránh gương mù, gương xấu
“Đừng làm gương xấu cho kẻ bé mọn”. Chúng ta không được hiểu kẻ bé mọn đây là trẻ con, ngây thơ, yếu đuối, nhưng còn phải hiểu nghĩa rộng hơn, đó là những kẻ còn kém đức tin. Nếu những người lãnh đạo mà làm cớ cho họ vấp phạm thì “phải buộc thớt cối xay vào cổ mà ném xuống biển còn hơn”.
Ngoài ra, khi nói tới gương xấu hay dịp tội đến từ bản thân mình làm nên cớ vấp phạm thì Chúa khuyên: hãy chặt nó đi.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Gương xấu và dịp tội
Bài Tin mừng hôm nay tiếp nối bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước, thuật lại việc Chúa Giêsu giáo huấn các môn đệ. Trong bài này, Marcô kể lại câu chuyện sau khi khiển trách Gioan về tội ganh tị, Chúa Giêsu hứa ban phần thưởng cho những ai tiếp đón các môn đệ Ngài; đồng thời, Ngài dạy không được làm gương mù gương xấu và còn phải tránh các dịp tội. Trong bài này, chúng ta chỉ bàn đến phần thứ ba là tránh gương xấu và dịp tội mà thôi.
I. TRÁNH GƯƠNG XẤU
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nêu ra nhiều điểm rất quan trọng liên quan tới đời sống cộng đoàn. Mặc dù những điểm ấy lúc ban đầu nhằm gửi đến các người lãnh đạo trong cộng đoàn, nhưng cũng thích hợp với mọi môn đệ của Đức Giêsu.
Trước tiên Ngài khuyên các Tông đồ hãy có tinh thần hợp tác đừng ngăn cản những ai góp phần vào việc làm sáng danh Chúa. Tiếp đó, Ngài chúc phúc cho những ai giúp đỡ các ông và hứa phần thưởng bội hậu cho những người ấy.
Sau đó, Đức Giêsu đề cập đến tội gây ra sự vấp ngã – làm cho người khác phạm tội. Ngài tuyên bố lời cảnh báo nghiêm khắc chống lại những người dẫn những kẻ bé mọn tin vào Ngài đi lạc lối. Ngài nói: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển thì hơn” (Mc 9,42).
Thiên chức của người tông đồ cao quý như vậy nên Đức Giêsu dạy các Tông đồ không được làm gương xấu cho những kẻ bé mọn. Vậy “những kẻ bé mọn” đây là ai? Chúa muốn ám chỉ những người hèn kém, khờ dại, dốt nát, không được học hỏi những vấn đề luật pháp: hạng người này, trong Do thái giáo, có khuynh hướng bị khinh bỉ. Những kẻ bé mọn có lòng tin này là những người thuộc giai cấp bình dân có thiện chí muốn học hỏi Kinh thánh, luật pháp, thường được các thầy thông luật giải thích Thánh kinh, luật pháp, nhưng lại bị giải thích sai lạc vì những gương xấu.
Vì thế, việc cảnh giác đề phòng làm gương xấu cho những “kẻ bé mọn” này, Chúa Giêsu muốn nhắm tới các thủ lãnh tôn giáo mà Ngài đã có lần tố cáo họ đã độc quyền chiếm đoạt sự giải thích Thánh kinh và đóng cửa không cho kẻ muốn vào (Lc 6,39; Mt 15,14) và dụ ngôn về con chiên lạc (Lc 15,3-7; Mt 18,12-14).
Chúa Giêsu đã răn đe rất nghiêm ngặt những ai gây gương mù gương xấu: “Thà buộc cối xay vào cổ người ấy mà ném xuống biển còn hơn”. Lời răn đe rất thẳng thắn và quyết liệt. Thớt cối xay nặng như thế mà kéo dìm một tội nhân dưới nước thì không thể nào ngóc đầu lên được: ý nói đến sự xấu xa, ghê tởm, nặng nề của tội làm gương xấu.
Trong bức thư của Lentulô, tổng trấn Do thái gửi cho hoàng đế Tiberiô, để diễn tả chân dung Chúa Kitô, có câu này: “Khi ông (Chúa Kitô) quở trách sửa phạt, thật cả là một sự ghê sợ; nhưng khi khuyên bảo dạy dỗ ông lại rất hoà nhã đằm thắm, làm cho thiên hạ tin phục say mê”.
Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy lộ ra hai tính cách đó: nửa trước Chúa khuyên bảo nhân từ dịu dàng, nửa sau Chúa rất nghiêm thẳng đối với hai vấn đề gương xấu và dịp tội.
Truyện: Cha Béc-na Vô-gan
Trên một chuyến xe lửa, cha Béc-na Vô-gan gặp một hành khách ăn nói rất tự do và thô tục. Ông ta nói những chuyện đồi bại, lấy làm thích thú và cười khoái trá. Mọi thái độ khôn ngoan và lịch sự nhắc ông ta để ông ta im lặng đều không hiệu quả. Xe đến ga, người hành khách ấy xuống. Cha Vô-gan thò đầu ra cửa xe gọi theo: “Này ông, ông còn quên cái gì đây này”. Người đó vội lên toa, nhìn quanh và hỏi: “Quên cái gì đâu?” Cha Vô-gan nói với giọng tử tế nhưng cứng rắn: “Ông để lại một ấn tượng xấu cho hành khách trong toa”. Người ấy xấu hổ đi xuống ngay.
II. TRÁNH CÁC DỊP TỘI
Đối với dịp tội Chúa Giêsu nói tiếp: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi, thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục” (Mc 9, 43).
1. Phải hiểu Lời Chúa như thế nào?
Chúng ta thấy Đức Giêsu nói một cách quyết liệt như thế, ta phải hiểu thế nào? Thực ra, Ngài dùng lối nói cường điệu của những nhà hùng biện như thế là muốn cho chúng ta thấy sự trầm trọng của gương xấu, của chước cám dỗ, của những dịp tội, và xác định mối nguy hại có khi không nhỏ mà nó gây ra cho mọi người.
Nếu chúng ta hiểu lời Chúa theo nghĩa đen thì chúng ta thấy Giáo hội sẽ ra làm sao? Chắc chắn sẽ xảy ra trong hai trường hợp:
a) Trường hợp 1: Thế giới này sẽ có một Giáo hội bi đát, khủng khiếp và rùng rợn không thể tưởng tượng: một Giáo hội toàn là những người bị thương, bị tật, bị què, bị chột…, vì không ai là không phạm tội, và phạm tội rất nhiều lần trong suốt cuộc đời của mình.
b) Trường hợp 2: Giáo hội sẽ không tồn tại, vì không có người. Chắc chắn không ai dám gia nhập vào một Giáo hội tàn nhẫn như thế. Chẳng những không bao giờ thực hiện điều ấy, mà Giáo hội còn dạy những điều ngược lại. Sách giáo lý Công giáo của Giáo hội đòi phải “Tôntrọng sự toàn vẹn của thân thể”. Sách giáo lý cho biết: “… Tra tấn thể xác hay tinh thần để điều tra, để trừng phạt tội phạm, đe dọa đối phương, để trả thù, là điều nghịch với sự tôn trọng con người và phẩm giá con người. Ngoài những trường hợp trị liệu, việc cố tình cắt bỏ, huỷ hoại hoặc triệt sản, thực hiện trên những người vô tội đều nghịch với luật luân lý” (số 2297).
Thực ra, những lời nói của Chúa Giêsu không thể được hiểu sống sượng theo nghĩa đen. Đường hướng mà Đức Giêsu muốn đưa ra là người ta phải tránh xa tội nặng bằng bất cứ giá nào. Chúng ta phải sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể làm được, để loại trừ điều ác ra khỏi đời sống chúng ta. Mục đích của Ngài là in sâu vào tâm trí chúng ta không thể nào tẩy xóa được, rằng Nước Thiên Chúa đáng cho chúng ta hy sinh mọi thứ khác.
2. Nói về dịp tội
a) Nguyên nhân
+ Thiên Chúa cho phép
Không ai có thể phủ nhận được sự hiện hữu của dịp tội, của cám dỗ. Chính ma quỷ đã cám dỗ để làm hư hoại loài người, dĩ nhiên là Thiên Chúa cho phép cám dỗ để thử thách lòng trung thành của con người. Chúng đã cám dỗ ông Adong và bà Evà, và ông bà đã sa ngã, đã bất trung với Chúa. Ngay Chúa Giêsu cũng bị ma quỷ cám dỗ trong hoang địa nhưng đã chiến thắng một cách vẻ vang. Chính vì vậy mà Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Mt 26,41; Mc 14,38; Lc 22,40).
Nếu nói rằng Chúa cám dỗ chúng ta thì không đúng, không bao giờ Chúa cám dỗ chúng ta mà Ngài chỉ cho phép ma quỷ cám dỗ chúng ta trong mức độ chúng ta có thể chịu đựng được để thử thách chúng ta thôi, vì “lửa thử vàng, gian nan thử người nhân đức”. Như vậy, cám dỗ tự nó không xấu, nó chỉ là một sự thử thách và nó có lợi cho những ai cố gắng chiến thắng nó để vượt qua thử thách vì như người ta nói: “Vô hoạn nạn, bất anh hùng”.
+ Loài người gây ra
Con người sống trong xã hội có tương quan với nhau, do đó có ảnh hưởng tương tác, hoặc là ảnh hưởng tốt hoặc là ảnh hưởng xấu. Vì vậy mà Chúa Giêsu đã nói: “Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã” (Mt 18,7). Và Chúa còn lên án mạnh mẽ hơn: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42; Mt 18,6).
Ngày nay người ta sống gần gũi với nhau hơn bao giờ hết. Người ta có thể đi từ châu lục này đến châu lục kia trong vòng mấy giờ đồng hồ, cho nên ảnh hưởng giữa con người càng nhanh chóng và càng mạnh. Dù chúng ta có biết điều đó hay không, chúng ta vẫn là tảng đá gây vấp phạm hay tảng đá giúp cho người khác vượt qua trên con đường đến ơn cứu độ (x. Mt 21,42-44).
Chúng ta có thể trở thành tảng đá vấp ngã hay tảng đá giúp cho người khác vượt qua là tùy ở cách sống của chúng ta: nếu chúng ta gây gương mù gương xấu thì chắc chắn đã trở thành tảng đá vấp ngã. Ngược lại, nếu chúng ta nêu gương sáng giúp người khác sống tốt hơn thì chúng ta trở thành tảng đá giúp người ta vượt qua:
Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
Lại trở nên đá tảng góc tường.
Đó chính là công trình của Chúa,
Công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta (Tv 118,22-23).
Dựa vào câu Thánh vịnh trên, Chúa Giêsu nói: “Bởi đó, Tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân làm cho nước ấy sinh hoa lợi. [Ai ngã xuống đá này, kẻ ấy sẽ tan xương; đá này rơi trúng ai sẽ làm người ấy nát thịt]” (Mt 21,43-44).
b)Phải chống trả chước cám dỗ
Cám dỗ hiện diện khắp nơi mà không ai có thể thoát được. Chính Chúa Giêsu cũng bị ma quỷ cám dỗ. Chúa đã nhắc bảo các Tông đồ: “Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22,31). Như vậy công việc của chúng ta là chỉ việc chống lại chước cám dỗ. Cuộc chiến chống ba thù là một cuộc trường kỳ kháng chiến, không bao giờ kết thúc. Và trong cuộc chiến này phải phân thắng bại, không được thoả hiệp: một là thắng, hai là bại. Adong Evà đã để lại gương thất bại, còn Đức Giêsu đã nêu gương chiến thắng rực rỡ.
Dĩ nhiên trong cuộc chiến một mất một còn này đòi phải gian khổ, hy sinh, từ bỏ có khi ngay cả đến bản thân mình, không có từ bỏ không chiến thắng được. Truyện: Đánh bẫy khỉ
Người ta đồn thổi rằng: ăn thịt khỉ, nhất là óc khỉ sẽ trị được bệnh phong thấp. Nên người ta tìm cách đánh bẫy khỉ. Họ lấy trái dừa bổ làm đôi, nhét vào trong đó một trái cam thơm ngon, rồi khoét một lỗ nhỏ vừa bằng nắm tay khỉ, xong cột trái dừa lại như trước. Sau đó đem cột chặt trên cây. Ngửi thấy mùi thơm của cam, khỉ sẽ chạy đến, leo lên cây, thọc tay vào trái dừa, nắm chặt lấy trái cam mà lôi ra.
Thọc tay vào thì dễ, nhưng rút ra thì không được, vì bàn tay khỉ bây giờ đã quá lớn so với lỗ dừa. Có một điều rất trớ trêu, là không bao giờ khỉ chịu buông quả cam ra để bàn tay được tự do. Đã nắm được của ăn rồi thì cứ khư khư giữ lấy. Biết mình bị mắc bẫy nhưng cứ nắm chặt quả cam, dẫy dụa, kêu la chí choé. Và người thợ săn cứ ung dung bắt lấy con khỉ dại khờ đáng thương.
Thế giới chung quanh ta đang sống có nhiều cạm bẫy, nhiều cám dỗ, nhiều dịp tội làm chúng ta sa ngã. Ngay chính thân xác chúng ta cũng có thể là những dịp tội khiến chúng ta lỗi luật Chúa. Chúa Giêsu nói hơi mạnh: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi” (Mc 9,43). Chúng ta phải hiểu rằng kiểu nói “chặt tay, chặt chân, móc mắt” chỉ có ý nói theo nghĩa tượng trưng, để diễn tả các dịp tội mà ta có thể tìm thấy trong chính bản thân mình.
Nói tới cắt tỉa, chặt bỏ, từ bỏ là những động từ gợi lên cho chúng ta sự đau đớn, nhưng như người ta nói: “Thuốc đắng đã tật” (Tục ngữ), đau đớn lại là một điều cần thiết cho sự lành mạnh, nó là một điều kiện “bất khả thiếu”. Chính vì vậy, Ludovic Giraud đã viết: “Nỗi đau đớn với chúng ta như lưỡi cày đối với mặt đất, nó cày xới, nhưng để làm cho đất màu mỡ, cũng như việc cắt tỉa cây cối: làm cây cối nhẹ nhàng, mạnh khoẻ và đẩy nhanh những dòng nhựa lên cao”.
Xét ra Lời của Chúa cũng không xa thực tế lắm. Có người chỉ vì lòng tham lam của cải chứ không phải vì Nước trời mà đã dám hy sinh một phần thân thể. Họ dám hy sinh cái nhỏ để chiếm được cái lớn. Đó là ông O’Neil, nhà thám hiểm đã đạt mục tiêu. Khi nhóm thám hiểm đến gần phần đất mới, vị thuyền trưởng tuyên bố: “Hễ ai chạm tay trước hết vào phần đất trên bờ thì người ấy làm chủ phần đất ấy”. Ông O’Neil quyết tâm chiếm cho bằng được. Ông chèo chiếc thuyền nhỏ vào bờ. Nhận thấy có kẻ khác vượt lên trên mình, ông quyết định lấy rìu chặt đứt cánh tay trái và liệng vào bờ, chạm đất trước hết, thắng cuộc.
Nhà thám hiểm cụt một tay để được một nước thế gian, thì trong việc chiếm lấy Nước trời, Chúa dạy chúng ta cũng phải sẵn sàng hy sinh tất cả những gì thân thiết và quý mến.
c)Tránh dịp nguy hiểm
Người ta thường nói: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” hoặc “Gần mực thì đen, gần đèn thìsáng” (Tục ngữ). Ở trong một môi trường tốt thì người ta dễ nên tốt, người ở trong một môi trường xấu thì dễ trở nên xấu, đó là định luật tâm lý vì người ta hay bắt chước một cách vô ý thức.
Kinh thánh nói: “Ai thích sự nguy hiểm thì sẽ rơi vào sự nguy hiểm” (Gv 3,27): chơi với lửa có ngày sẽ bỏng, chơi với dao có ngày đứt tay, chơi với bùn có ngày lấm áo… Đó là kinh nghiệm ngàn đời của dân gian. Nên người ta khuyên:
Chim khôn tránh lưới tránh dò,
Người khôn tránh chốn xô đồ mới khôn. (Ca dao)
Người xưa cũng khuyên: “Cá, giải chán vực sâu mà ra chỗ nông, cho nên mắc phải chài lưới. Chim, muông chán rừng rậm mà xuống đồng bằng, cho nên bị phải cạm bẫy” (Hàn Thi ngoại truyện).
Chống lại chước cám dỗ là tốt, việc phải làm, nhưng cũng không nên gây ra dịp thuận tiện để cho cám dỗ ập tới. Tại sao không cố mà tránh cơ hội gây ra cám dỗ để khỏi bị mắc bẫy?
Chim ham mồi sa lưới,
Cá ham thính mắc câu.
Con người phải nghĩ cho sâu,
Đừng ham danh lợi, sắc hầu sa cơ.
Tài danh là cạm giữa trời,
Hồng nhan là bả những người tài hoa. (Ca dao)
Người xưa cũng còn dạy: “Cẩn tắc vô ưu”: cẩn thận thì khỏi phải lo. Không ai dám nói được mình khôn ngoan, không bị sa vào cạm bẫy. Chúa Giêsu đã từng khuyên: “Hãy tỉnh thức vàcầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Mt 26,41; Mc 14,38). Cẩn thận đề phòng là phương pháp tốt nhất để khỏi bị rơi vào cạm bẫy của ma quỷ đang giăng ra khắp nơi, như lời thánh Phêrô khuyên: “Anh em hãy tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5,8-9a).
Truyện: Thuê tài xế lái xe
Có một người giàu có rất yêu mến mẹ già. Một hôm ông muốn đi thuê một người tài xế chở bà mẹ già đi chơi mỗi buổi chiều. Có ba người đến xin chân tài xế đó.
Người giàu nói: “Tôi không muốn có một tai nạn nào xảy ra trong khi các ông mang mẹ tôi đi chơi cả. Tôi sẽ thử cả ba ông xem các ông lái xe giỏi đến mức nào. Tôi muốn xem các ông lái sát hào bao nhiêu mà không bị rơi xuống”. Người tài xế thứ nhất tự nhủ: “Cái đó thì dễ ợt”. Ông ngồi bẻ tay lái và chạy vù xuống đường, cách cái hào một tấc. Người thứ hai thầm bảo: “Mình lái ngon hơn hẳn là cái chắc”. Ông này cũng lái vèo xuống đường và chỉ cách cái hào có nửa tấc. Trong khi đó, người thứ ba suy nghĩ rất hung, kết quả ông lái cách hào những một mét.
Hai người tài xế trước thấy thế cười đắc chí, nhưng người giàu lại bảo bác tài xế thứ ba rằng: “Tôi xin nhận bác làm tài xế cho mẹ tôi. Tôi cần người tài xế có bảo đảm, mà một người lái có bảo đảm thì không bao giờ lái sát hào quá”. (W.J. Diamond, Đồng cỏ non, 1968, tr 19-20)
Hôm nay Chúa nói với chúng ta: nếu tay hay chân, hay mắt nên dịp tội thì hãy chặt, hãy móc nó mà quăng đi, có khác nào Chúa muốn chúng ta lánh xa dịp tội. Đừng bao giờ liều thân nhảy vào dịp tội. Ngoài ra, chúng ta còn phải nỗ lực hy sinh nhiều, để giữ lòng trong sạch và trung thành với Chúa. Thà chết chẳng thà phạm tội mất lòng Chúa.
Chúng ta hãy kết thúc với những lời rút ra từ bài hát cổ xưa mà Giáo hội thường sử dụng trong kinh Nhật tụng giờ Kinh chiều của một số ngày Chúa nhật trong năm phụng vụ:
“Nghe danh hiệu Giêsu, mọi gối phải quỳ xuống.Mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ngài là vua vinh quang… Hãy để Ngài ngự trị tâm hồn bạn. Hãy để Ngài chinh phục những gì chưa thánh thiện, những gì chưa đúng.
Ước gì bạn biết lên tiếng gọi Ngài trong cơn cám dỗ. Hãy để Ngài che phủ bạn bằng ánh sáng và quyền năng của Ngài. Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang của Ngài, để ngự trị trên trái đất. Ngài là Thiên Chúa cứu độ. Ngài là Đấng Kitô Chủ tể chúng ta” (M. Link).
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
KHÔNG CHỐNG LÀ ỦNG HỘ
Con người thích liên kết với nhau thành nhóm,
khi có chung một ngành nghề, một sở thích, một lý tưởng…
Các quốc gia cũng thích lập những liên minh
để giúp nhau bảo vệ lợi ích của đất nước mình.
Khi có những người gắn bó với nhau trong một nhóm
thì tự nhiên có những người đứng ngoài nhóm đó.
Ta dễ coi những ai ở ngoài nhóm là người xa lạ.
Ông Gioan và cả Nhóm Mười Hai thật sự không vui
khi thấy có một người lấy danh Thầy Giêsu mà trừ quỷ.
Họ khó chịu vì tại sao người này dám làm như vậy.
Chỉ ai ở trong nhóm của Thầy Giêsu mới có quyền đó.
Bởi thế họ đã cấm anh ta và mách với Thầy chuyện này.
Thầy Giêsu hiểu nỗi ấm ức của cả Nhóm,
nhưng Thầy coi đây là một cơ hội để giúp họ mở lòng.
Các ông chỉ thấy anh trừ quỷ là người ở ngoài Nhóm,
nhưng họ lại không thấy anh này có sự gắn bó với Thầy.
Anh ấy đã tin vào sức mạnh của Danh Giêsu trên ma quỷ,
và đã thành công trong việc trừ quỷ cho người ta,
điều mà trước đây chín môn đệ không làm được (Mc 9,18).
Thầy Giêsu bảo các môn đệ cứ để anh ta yên.
Anh ấy không phải là kẻ thù, nói xấu chống lại Thầy.
Anh ấy là bạn của cả Nhóm, dù không ở trong Nhóm.
Thầy Giêsu đã phá vỡ nơi trái tim của các môn đệ
những hẹp hòi, độc quyền, những tự hào kiêu hãnh.
Thầy mở họ ra trước một thế giới bạn bè đông vô kể.
Có bao người không phải là kitô hữu hay công giáo
mà vẫn làm được những điều tốt đẹp lớn lao
nhờ được Thánh Thần Chúa âm thầm ban ơn soi sáng.
Chúng ta phải coi những người ấy là bạn.
Có người ngoài Nhóm trừ quỷ nhân danh Đức Giêsu,
cũng có người ngoài cho anh em uống một chén nước,
vì anh em thuộc về Đấng Kitô, vì anh em là kitô hữu.
Đức Giêsu nói người ấy sẽ được Thiên Chúa thưởng.
Như thế có nhiều người tốt ở ngoài Công giáo.
Ta sẽ gặp lại họ trên thiên đàng,
những người này được thưởng vì họ đã gắn bó với Giêsu,
theo những cách thức mà chính họ không hề biết.
Cộng đoàn tín hữu nào cũng có những người bé nhỏ.
Họ là những người không có vai vế hay học thức cao.
Họ dễ bị lôi kéo, bị tổn thương hay bị quên lãng.
Đức Giêsu đặc biệt quan tâm đến họ.
Ngài đòi không ai được khinh những người bé nhỏ,
vì họ cũng có thiên thần riêng của mình (Mt 18,10).
Ngài mời mọi người đón tiếp trẻ nhỏ (Mc 9,37),
và cho những người anh em bé nhỏ nhất của ngài
được ăn uống viếng thăm, được ân cần săn sóc (Mt 25).
Chính thái độ này sẽ định đoạt cuộc sống vĩnh hằng,
sẽ khiến họ được Chúa cho đứng bên hữu hay bên tả.
Đức Giêsu còn mạnh mẽ bảo vệ người bé nhỏ.
Không ai được làm cớ cho một người bé nhỏ vấp ngã,
nghĩa là làm họ mất đức tin hay phạm tội (Mc 9,42).
Người gây cớ sẽ phải chịu hình phạt rất nặng nề,
vì đã làm một người yếu đuối mất ơn cứu độ.
Thầy Giêsu mở rộng tầm nhìn của Nhóm Mười Hai,
để họ thấy những người ở ngoài và tín hữu ở trong,
những người đang làm phép lạ và đang cho họ ly nước,
những thiểu số bị phân biệt đối xử trong cộng đoàn.
Nhóm Mười Hai sẽ là những người lãnh đạo Giáo Hội.
Thầy mời họ đón nhận và không loại trừ một ai,
để vòng tay Giáo Hội mở ra đến vô cùng,
để từ bây giờ, mọi người đã bắt đầu vào Nước Thiên Chúa.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa là Cha của gia đình nhân loại,
Chúa đã sáng tạo mọi người bình đẳng về nhân phẩm.
Xin hãy đổ vào lòng chúng con tình huynh đệ,
và gợi lên nơi chúng con ước mơ làm mới lại
các cuộc gặp gỡ, đối thoại, công lý và hòa bình.
Xin hãy thúc đẩy chúng con tạo ra
những cộng đồng lành mạnh hơn,
và một thế giới cao quý hơn,
thế giới không có đói nghèo, chiến tranh hay bạo lực.
Xin cho trái tim của chúng con mở ra
trước mọi dân tộc và quốc gia trên mặt đất.
Xin giúp chúng con nhận ra sự thiện mỹ
mà Chúa đã gieo nơi lòng từng người chúng con,
nhờ đó chúng con rèn đúc mối dây hiệp nhất,
chia sẻ những dự án và những giấc mơ chung. Amen.
Đức Thánh Cha Phanxicô
5. Suy niệm (song ngữ)
26th Sunday in Ordinary Time
Reading I:Numbers 11:25-29
Reading II:James 5:1-6
Chúa Nhật 26 Thường Niên
Bài Đọc I:Dân số 11,25-29
Bài Đọc II: Giacôbê 5,1-6
Gospel
Mark 9:38-43,45,47-48
38 John said to him, “Teacher, we saw a man casting out demons in your name, and we forbade him, because he was not following us.”
39 But Jesus said, “Do not forbid him; for no one who does a mighty work in my name will be able soon after to speak evil of me.
40 For he that is not against us is for us.
41 For truly, I say to you, whoever gives you a cup of water to drink because you bear the name of Christ, will by no means lose his reward.
42 “Whoever causes one of these little ones who believe in me to sin, it would be better for him if a great millstone were hung round his neck and he were thrown into the sea.
43 And if your hand causes you to sin, cut it off; it is better for you to enter life maimed than with two hands to go to hell, to the unquenchable fire.
45 And if your foot causes you to sin, cut it off; it is better for you to enter life lame than with two feet to be thrown into hell.
47 And if your eye causes you to sin, pluck it out; it is better for you to enter the kingdom of God with one eye than with two eyes to be thrown into hell,
48 where their worm does not die, and the fire is not quenched.
Phúc Âm
Máccô 9,38-43.45.47-48
38 Ông Gioan nói với Đức Giêsu : “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỵ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”.
39 Đức Giêsu bảo :”Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.
40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
41 “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.
42 “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.
43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.
45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục,
47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục,
48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.
Interesting Details
- (v.38) The fact that the exorcist was able to cast out demons “in the name of Jesus” showed that he recognized the power of Jesus. He was successful eventhough he was “not following us,” meaning not a disciple. In contrast, the sons of Sceva invoked the name of Jesus unsuccessfully (Acts 19:13-16). The presumption is that one who does good deeds in Jesus name cannot be his enemy.
- (v.42) Jesus uses strong metaphors to warn against leading simple Christians, “the little ones who believe in me,” astray by shaking their faith. “A great millstone” is originally a “donkey millstone,” that is very heavy and must be turned by donkeys instead of by hand. Death by drowning is a Roman punishment and thus repugnant to Jews.
- (v.43) The word hell originally was “Gehenna.” Gehenna was a ravine south of Jerusalem, where infants were offered in sacrifice to Moloch (Jer. 7:31). It was later used as a dump for refuse. As a site of ill-omen, it came to symbolize the place of future punishment.
- (v.48) “where the worms do not die, and the fire is not quenched” is a quotation from Isaiah 66:24. It referred to Gehenna, with the image of maggots feeding on dung, and the perpetual burning of refuse.
Chi Tiết Hay
- (c.38) Sự việc một người có thể trừ quỵ bằng cách dùng danh Chúa chứng tỏ là người ấy nhận ra quyền năng của Chúa Giêsu. Người đó trừ được quỵ dù “không theo chúng tôi”, có nghĩa là họ không phải là môn đệ của Chúa Giêsu. Ngược lại, trong Tông đồ Công Vụ(19,13-16) các con ông Sceva dùng danh Chúa mà không trừ được quỵ. Như vậy, câu 38 muốn nói rằng những người làm việc tốt lành vì danh Chúa Giêsu thì không thể là kẻ thù của Ngài.
- (c.42) Chúa dùng hình ảnh nặng nề để cảnh cáo những người làm gương xấu cho “các trẻ nhỏ đã tin” bị lung lay đức tin. Cái cối xay người Do Thái thì rất nhẹ, phụ nữ cũng dùng được. Còn cối xay tròng vào cổ người làm gương xấu thì nặng đến nỗi phải dùng lừa mà kéo. Bị ném xuống biển là hình phạt của chính quyền Roma, nên dân Do Thái rất ghét lối trừng phạt này.
- (c.43) Nguồn gốc của chữ “hỏa ngục” là từ chữ “Gehenna”. Gehenna là một khe suối phía nam thành Giêrusalem, là nơi trước kia người ta tế thần Moloch (Gr 7,31) bằng cách giết trẻ em. Sau này nơi đó được dùng làm hố rác. Gehenna trở thành một nơi tượng trưng cho hình phạt đời sau.
- (c.48) Câu “nơi mà giòi bọ không chết, và lửa không tắt” được trích từ sách Isaiah 66,24. Tiên tri Isaiah muốn nói về Gehenna; ông dùng hình ảnh giòi bọ trên các của ăn thừa đã vứt ở đây, cũng như những đốm lửa đốt rác liên tục xảy ra ở đây.
One Main Point
Jesus instructs his disciples about how to be a witness of Christ. It involves tolerance for those who are not members of the Church: “whoever is not against us is for us” (v.40). At the same time, Jesus advocates intolerance for sin, as this is a matter of life versus death.
Một Điểm Chính
Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách làm nhân chứng cho Ngài. Chúa khuyến khích lòng khoan dung đối với những người không thuộc về Giáo Hội của Ngài: “Vì ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Ngược lại, Chúa khuyên khích lòng ghê tởm tội lỗi, bởi tội lỗi đưa con người vào cõi chết đời đời.
Reflections
- In my daily life, where have I given bad example to others and thus “leading them astray?”
- Which are the occasions, the situations that tend to lead me to my oft-repeated sins? How willing am I to avoid these tempting occasions/situations?
Suy Niệm
- Trong cuộc sống hàng ngày, tôi đã làm những gương xấu nào mà có thể gây ra sự “lung lay đức tin” của người khác?
- Những nguyên nhân nào đưa tôi đến những tội tôi phạm thường xuyên, những tội tôi cứ phải xưng đi xưng lại trong tòa giải tội? Tôi đã làm gì để tránh những nguyên nhân này?
Tin tức liên quan khác
Tôi đã thấy Chúa (11.04.2023 – Thứ Ba trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh)
Thứ Sáu tuần 20 Thường niên năm I (Mt 22,34-40)
Thứ Hai tuần 26 Thường niên năm II (Lc 9,46-50)
Trực tiếp Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh ngày 09/10/2024
Trước Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Phanxicô cầu nguyện cho các phụ nữ và các bà mẹ trên thế giới
Trực tiếp Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng
Giáo xứ Trung Quán: Nghi Thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa Giêsu
Giáo Hội của người trẻ và cho người trẻ – Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm