Vatican News (07/11/2024) – Viết phần giới thiệu cho cuốn sách có tựa đề “Hy vọng là ánh sáng trong đêm tối”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh hy vọng là ân ban đến từ Chúa và là một nhiệm vụ mà tất cả Kitô hữu phải vun trồng.
Phần giới thiệu của sách, nội dung gồm các đoạn trích từ các bài nói chuyện của Đức Thánh Cha liên quan đến thần học về đức trông cậy được viết như sau:
Năm Thánh 2025, Năm Thánh mà tôi muốn dành cho chủ đề “Những người hành hương hy vọng”, là một dịp thuận tiện để suy ngẫm về nhân đức Kitô giáo cơ bản và quyết định này. Đặc biệt trong thời đại chúng ta đang sống, trong đó chiến tranh thế giới thứ ba đang diễn ra từng phần trước mắt có thể khiến chúng ta có thái độ chán nản u tối và hoài nghi được che giấu kém.
Ngược lại, hy vọng là một ân ban và nhiệm vụ cho mọi Kitô hữu. Đó là một hồng ân vì chính Chúa đã ban tặng cho chúng ta. Thực vậy, hy vọng không chỉ là một hành động lạc quan, như khi chúng ta hy vọng sẽ vượt qua kỳ thi ở trường đại học (“Chúng ta hy vọng sẽ làm được”) hoặc khi chúng ta hy vọng thời tiết tốt cho chuyến đi ra khỏi thị trấn vào Chúa Nhật của mùa xuân (“Chúng ta hy vọng thời tiết tốt”). Không, hy vọng là chờ đợi một điều gì đó đã được ban cho chúng ta: ơn cứu độ trong tình yêu vĩnh cửu và vô hạn của Chúa. Tình yêu đó, ơn cứu độ đó mang lại hương vị cho cuộc sống chúng ta và tạo nên bản lề trên đó thế giới vẫn đứng vững, mặc dù mọi điều xấu do tội lỗi chúng ta gây ra. Như vậy, hy vọng là đón nhận hồng ân Chúa ban cho chúng ta mỗi ngày. Hy vọng là thưởng thức sự kỳ diệu khi được yêu thương, tìm kiếm, mong muốn từ một Thiên Chúa không tự giam mình trong bầu trời không thể bước vào của Người nhưng đã trở thành xác thịt, lịch sử và ngày tháng để chia sẻ số phận của chúng ta.
Hy vọng cũng là một nhiệm vụ mà các Kitô hữu có bổn phận vun trồng và sinh hoa trái vì thiện ích của tất cả anh chị em chúng ta. Nhiệm vụ là phải trung thành với ân ban đã lãnh nhận, như Madeleine Delbrêl, một phụ nữ Pháp thế kỷ 20, người đã mang Tin Mừng đến các vùng ngoại vi về mặt địa lý và hiện sinh của Paris vào giữa thế kỷ trước, nổi bật bởi sự phi Kitô hóa, đã chỉ ra một cách chính xác: “Nơi mà niềm hy vọng Kitô giáo dành cho chúng ta là ranh giới hẹp mà ơn gọi đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn, mỗi ngày và mỗi giờ, để trung thành với lòng trung tín của Chúa đối với chúng ta”. Chúa trung thành với chúng ta; nhiệm vụ của chúng ta là đáp lại lòng trung thành này. Nhưng chú ý: không phải chúng ta tạo ra lòng trung thành này; đó là một ân ban của Chúa hoạt động trong chúng ta nếu chúng ta để cho mình được uốn nắn bởi sức mạnh tình yêu của Người, là Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động như một luồng gió truyền cảm hứng trong trái tim chúng ta. Rồi chúng ta phải cầu xin ân ban này: “Lạy Chúa, xin ban cho con được trung thành với Chúa trong hy vọng!”
Tôi đã nói rằng hy vọng là một ân ban từ Chúa và là nhiệm vụ của những người Kitô hữu. Và để sống hy vọng cần một “sự thần bí với đôi mắt mở ra”, như thần học gia vĩ đại Johann-Baptist Metz đã gọi: biết cách nhận ra, ở mọi nơi, bằng chứng của hy vọng, sự đột phá từ điều có thể thành điều không thể, của ân sủng nơi mà dường như tội lỗi đã xói mòn mọi niềm tin. Một thời gian trước, tôi đã có cơ hội trò chuyện với hai nhân chứng phi thường của hy vọng, hai người cha: một người Israel, Rami; một người Palestine, Bassam. Cả hai đều mất con gái trong cuộc xung đột đã làm Thánh Địa đẫm máu trong nhiều thập kỷ. Nhưng mặc dù vậy, nhân danh nỗi đau của họ, nỗi đau mà họ cảm thấy khi hai cô con gái nhỏ của họ – Smadar và Abir qua đời – họ đã trở thành bạn bè, và hơn thế nữa là anh em: họ sống trong sự tha thứ và hòa giải như một cử chỉ cụ thể, mang tính ngôn sứ và chân thực. Gặp gỡ họ đã mang lại cho tôi rất nhiều hy vọng. Tình bạn và tình huynh đệ của họ đã dạy cho tôi rằng hận thù, cụ thể, có thể không phải là lời cuối cùng. Sự hòa giải mà họ trải qua với tư cách là cá nhân, một lời ngôn sứ về sự hòa giải lớn hơn và rộng hơn, tạo thành một dấu hiệu hy vọng không thể đánh bại. Và hy vọng mở ra cho chúng ta những chân trời không thể tưởng tượng được.
Tôi mời tất cả độc giả của cuốn sách này thực hiện một cử chỉ đơn giản nhưng cụ thể: vào buổi tối, trước khi đi ngủ, trong lúc nghĩ tới những sự kiện và những cuộc gặp gỡ đã trải qua, các bạn hãy tìm một dấu hiệu hy vọng trong ngày đã qua. Một nụ cười đến từ người mà các bạn không ngờ, một hành động nhưng không được chứng kiến ở trường, một hành động tử tế tại nơi làm việc, một cử chỉ giúp đỡ, dù chỉ là một hành động nhỏ: hy vọng thực sự là một “nhân đức trẻ thơ”, như Charles Péguy đã viết. Và chúng ta cần quay trở lại để trở thành trẻ thơ, với đôi mắt ngạc nhiên để gặp gỡ thế giới, để biết và để trân trọng thế giới. Chúng ta hãy tập luyện để nhận ra hy vọng. Khi đó, chúng ta sẽ có thể ngạc nhiên trước bao nhiêu điều tốt đẹp hiện diện trên thế giới. Và trái tim chúng ta sẽ bừng sáng hy vọng. Khi đó, chúng ta sẽ có thể trở thành ngọn hải đăng của tương lai cho những người xung quanh.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Tin tức liên quan khác
Các Giám mục Ấn Độ ra mắt Ứng dụng Kết nối Công giáo dành cho các tín hữu
Gặp gỡ Nhà Truyền Giáo 23 năm tại Mông Cổ – Lm. Andy Nguyễn Trung Tín, SDB
Cuộc gặp gỡ của năm tôn giáo để tôn vinh tình huynh đệ tại Thế Vận hội Olympic Paris
Sứ thần Toà Thánh tại Hoa Kỳ: Có sự phân cực khi không tập trung ý tưởng vào con người
Phỏng vấn Đức Hồng y Giorgio Marengo, nhà truyền giáo tại Mông Cổ, về bản chất truyền giáo của Giáo hội
Thứ Hai tuần 23 Thường niên năm II – Vui với người vui (Lc 6, 6-11)
Thứ Tư tuần 2 Phục sinh – Yêu thương (Ga 3,16-21)
Thứ Tư tuần 32 Thường niên năm I – Tạ ơn (Lc 17,11-19)