Grinch là một nhân vật được biết đến nhiều qua bộ phim hoạt hình, được chuyển thể từ tác phẩm chuyện tranh nổi tiếng với tựa đề “How the Grinch Stole Christmas!” (1957) của Dr. Seuss. Tuổi thơ của Grinch đã trải qua nhiều chuyện buồn ngay trong mùa Giáng Sinh. Và từ đó, đối với Grinch, Giáng sinh là một cái gì đó đáng ghét. Nếu ông già Noel luôn cố gắng tạo nhiều niềm vui cho gia đình trong mùa Giáng Sinh thì Grinch lại tập trung phá hoại và lấy trộm đồ đạc trang trí.
Grinch chỉ tồn tại trong phim, nhưng thực tế dường như hai chữ Giáng sinh theo đúng nghĩa đã bị ai đó đánh cắp. Chỉ cần nhìn xung quanh nơi chúng ta đang sống trong những ngày này để thấy điều đó. Những ánh đèn lung linh huyền ảo phủ khắp thành phố, những cây thông Noel với quả châu lấp lánh đủ loại, hình tuần lộc, những gói quà được gói ghém tỉ mỉ. Dạo bước qua các trung tâm thương mại, lớn hoặc nhỏ, chúng ta thấy choáng ngợp trước hàng ngàn món đồ trang trí Giáng sinh được bày bán khắp nơi. Màu đỏ, vàng, xanh lá cây tràn ngập không gian. Những bản nhạc Giáng sinh đạo, đời, đi cùng năm tháng vang lên không ngớt. Giữa các trung tâm thương mại, quán cà phê, mô hình ông già Noel khổng lồ đang tươi cười vẫy chào, đi kèm với những chiếc bánh, viên kẹo, thu hút các em nhỏ tò mò đến xem. Tất cả đều toát lên quang cảnh của một mùa Giáng sinh rộn ràng.
Nhưng liệu những gì chúng ta đang thấy là Giáng sinh?
Giống như trong những bộ phim Giáng sinh quen thuộc, chúng ta đã vô tình lãng quên ý nghĩa thực sự của những ngày lễ này?
Giáng sinh là dịp để sum vầy bên gia đình, cùng nhau đến nhà thờ tham dự thánh lễ, cùng nhau cầu nguyện, cùng hát vang bài thánh ca Đêm Thánh Vô Cùng, Say Noel, Hát khen mừng Chúa ra đời…. trong không gian ấm cúng của gia đình, bên cạnh hang đá máng cỏ, ba vua và Chúa Hài Đồng, và dành tặng nhau những món quà ý nghĩa. Nhưng, chúng ta làm tất cả những điều này vì lý do gì?
Giáng sinh không chỉ đơn thuần là những bữa tiệc vui, những món quà xa xỉ, hay những màn trang trí lộng lẫy. Giáng sinh là dịp để chúng ta mừng kỷ niệm Chúa Giêsu giáng trần, mang đến cho nhân loại món quà đặc biệt nhất, đó là tình yêu thương, ơn cứu rỗi và niềm hy vọng. Giáng sinh là thời điểm để mỗi người chúng ta sống chậm lại, suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống, về tình thương Thiên Chúa dành cho nhân loại, lòng vị tha và sự hy sinh cao cả.
Truyền thống mừng lễ Giáng sinh tại Việt Nam càng làm nổi bật những giá trị tinh thần cao đẹp này. Bên cạnh những hình ảnh quen thuộc như làm hang đá, cây thông Noel, trang trí cho ngôi nhà thêm ấm áp, người Việt còn gìn giữ những nét đẹp văn hóa đặc trưng như đi lễ đêm Giáng sinh, chia sẻ niềm vui với mọi người, bày tỏ lòng biết ơn với những người đã khuất. Tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia càng được lan tỏa mạnh mẽ trong dịp Giáng sinh, thể hiện qua những hoạt động từ thiện, những món quà nhỏ bé gửi đến những mảnh đời khó khăn.
Thật đáng buồn khi “Grinch” đang len lỏi vào ngày lễ Giáng sinh của chúng ta, không chỉ bằng thương mại hóa, mà còn bằng sự thờ ơ, vô cảm, ích kỷ. “Grinch” đang dần đánh cắp đi những giá trị tinh thần quý báu, khiến Giáng sinh trở nên nhạt nhòa và vô nghĩa.
Chúng ta phải làm gì để trả lại Giáng sinh theo đúng nghĩa của nó?
Câu trả lời rất đơn giản: Hãy sống yêu thương, hãy sẻ chia, hãy lan tỏa niềm vui cho mọi người xung quanh. Hãy dành nhiều thời gian cho việc thờ phượng Chúa, cho gia đình, con cái. Hãy gạt bỏ những toan tính, những bon chen thường nhật để mở lòng ra với mọi người, để cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc đích thực từ những điều giản dị.
Hãy biến Giáng sinh thành dịp để chúng ta sống tốt hơn, yêu thương nhiều hơn và lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp. Đừng để “Grinch” đánh cắp Giáng sinh của chúng ta. Hãy cùng nhau thắp sáng tinh thần Giáng sinh bằng tình yêu thương và chia sẻ!
Cầu chúc mọi người tìm lại được ý nghĩa thực sự của ngày lễ Giáng sinh.
G. Võ Tá Hoàng
Nguồn: hoangcatholic.com
Tin tức liên quan khác
Diễn văn của Đức Giáo hoàng Phanxicô dành cho phái đoàn những vị dân cử của Nhà nước Pháp
Singapore cử hành “Mùa Thụ tạo”
Khóa Học Kinh Thánh và Cầu Nguyện tại Giáo xứ Kim Sơn và Dũ Thành
“Sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền Lề luật”: Giáng Sinh theo Thánh Phaolô
ĐTC tiếp Uỷ ban Đối thoại Quốc tế giữa Giáo hội Công giáo và các Môn đệ Chúa Kitô
Hội ngộ truyền thông thường niên năm 2024
Chúa nhật 4 mùa Vọng năm B – Nữ tỳ của Chúa (Lc 1,26-38)
Diễn từ của Đức Thánh Cha dành cho tham dự viên Tuần lễ Kinh thánh Quốc gia lần thứ 47