Hành hương thời Tân ước – Phần 1: Đức Giêsu hành hương lên thánh địa

WHĐ (07/01/2025) – Biến cố lớn nhất trong giai đoạn ẩn dật là khi Đức Giêsu ở lại đền thờ Giêrusalem khi Người 12 tuổi (Lc 2,41-52). Đây là độ tuổi theo người Do Thái là khá trưởng thành về mặt đức tin.

Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG

CHƯƠNG 2: HÀNH HƯƠNG THỜI TÂN ƯỚC

Phần 1: ĐỨC GIÊSU HÀNH HƯƠNG LÊN THÁNH ĐỊA

Nếu sống vào thời Đức Giêsu, chúng ta cũng phải lên đền thờ Giêrusalem mỗi năm ít là ba lần. Đây là luật buộc có nguồn gốc từ thời Cựu ước (Xh. 23,14-17; 34,22-23; Đnl 16,16). Sau khi hành hương từ Ai-cập trở về Nazaret, hằng năm gia đình Thánh gia đều tuân giữ lề luật này. Trước giai đoạn công khai sứ mạng của Đức Giêsu, Tin mừng chỉ một lần duy nhất ghi lại biến cố này: Đức Giêsu ngồi giữa các bậc thầy Do Thái năm 12 tuổi. 

Bản tiếng Việt dịch động từ “trẩy hội”, nhưng bản tiếng Hy lạp “ἐπορεύοντο” có nghĩa là đi lên, trên đường đi lên Giêrusalem. “Hằng năm cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua.” Khi đọc câu này, chúng ta hiểu ngay “việc đi” hay “trẩy hội” này là câu chuyện của hành hương, bởi gắn liền với biến cố Vượt Qua.

Về mặt địa lý, biển hồ Galiê gần nhà Đức Giêsu, thấp hơn mặt nước biển 200 m. Trong khi đó, Giêrusalem cao hơn mặt nước biển 760 m. Đức Giêsu phải nói là giỏi môn địa lý, nên 3 lần tiên báo về cái chết của mình, Ngài đều nói: “Thầy phải đi lên Giêrusalem”[1]. Đi lên bao giờ cũng khó nhọc và hào hứng hơn đi xuống! Hơn nữa trong nhãn quan thần học của thánh sử Luca, con đường hành hương duy nhất của Đức Giêsu là từ Galilê lên Giêrusalem[2].

Về mặt tôn giáo, lễ Vượt qua có lẽ là lễ quan trọng nhất của đạo Do Thái. Họ hành hương về Giêrusalem không chỉ để tưởng nhớ ngày Thiên Chúa giải phóng dân khỏi ách thống trị của Ai-cập. Hơn hết, thời đó niềm tin Do thái vẫn cho rằng Đền Thánh Giêrusalem chính là nơi Thiên Chúa ngự trị. Hẳn nhiên khi đến Đền Thánh, họ cũng không được vào trong, nhưng chỉ ai được bầu chọn trong giới thượng tế mới được vào nơi cực thánh. Dù sao, khi đến Thành thánh, lòng người hành hương vẫn bồi hồi vì được chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm cho cha ông và cho con cháu họ.

Hẳn nhiên Đền Thờ là Nhà của Thiên Chúa. Chính thánh địa Giêrusalem gắn liền với cuộc đời Đức Giêsu[3]. Đây là lý do chúng ta cần phân tích kỹ hơn để trong những bài tiếp theo, chúng ta hiểu tại sao hành hương thường đến thánh địa, hoặc cần thăm những ngôi nhà thờ trang hoàng lộng lẫy. Hẳn nhiên vì nét đẹp của Đền thờ, nhưng quan trọng hơn, Đền thờ là nơi giúp chúng ta gặp được Thiên Chúa.

Đức Giêsu gặp Thiên Chúa Cha nơi Đền Thờ

Biến cố lớn nhất trong giai đoạn ẩn dật là khi Đức Giêsu ở lại đền thờ Giêrusalem khi Người 12 tuổi (Lc 2,41-52). Đây là độ tuổi theo người Do Thái là khá trưởng thành về mặt đức tin. Sau kỳ lễ, Đức Mẹ và Thánh Giuse lạc mất Đức Giêsu, lý do chắc các bạn cũng đoán ra. Khi trở lại Đền Thờ, các ngài gặp Đức Giêsu đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Sau đó, Đức Giêsu hé lộ một chút sứ mạng của Người sẽ làm trong tương lai: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Hai ông bà ngơ ngác không hiểu!

Sau đó, Người cùng với cha mẹ trở về Nazarét. Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu là một người trưởng thành như thế nào khi đúc kết rằng: “Người ngày càng khôn lớn và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến.” (Lc 2,52).

Nếu có mặt với Đức Giêsu trong Đền Thờ, chúng ta cũng nghe được rất nhiều câu hỏi liên quan đến tôn giáo. Ngài trò chuyện, hỏi đáp với các kinh sư, những bậc thầy về tôn giáo. Tiếc là Tin mừng không ghi lại bất kỳ thông tin vào liên quan đến cuộc trò chuyện này! Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tưởng tượng được Đức Giêsu sẽ hỏi (giải thích) về Thiên Chúa Cha. Lý do là trong câu trả lời cho Đức Mẹ, Chúa Giêsu cũng đề cập đến Chúa Cha! Chắc Ngài cũng nói về Nhà của Cha. Đó là Ngôi Thánh Đường, là Thành đô như lời Thánh Vịnh ngân vang:

Giêrusalem khác nào đô thị

được xây nên một khối vẹn toàn.

Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA,

trẩy hội lên đền ở nơi đây,

để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng,

như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en.

Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử,

ngai vàng của vương triều Đa-vít.

Hãy nguyện chúc Giêrusalem được thái bình,

rằng : “Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,

tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn,

lâu đài dinh thự mãi an ninh.”

Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu,

tôi nói rằng : “Chúc thành đô an lạc.”

Nghĩ tới Đền Thánh CHÚA, Thiên Chúa chúng ta thờ,

tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô.

Ngoài tâm tình ca tụng trên đây, có lẽ Đức Giêsu cũng giống mọi người Do Thái thời đó đều náo nức được về Thành Thánh. Vì tâm tình này mà người nào cung muốn hát lên: “Như nai rừng mong mỏi tìm đến suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến, vào bệ kiến Tôn Nhan ?”(Tv 42,2-3).

Đức Mẹ là mẫu gương của người hành hương

Chặng đường dài đòi hỏi người hành hương cần để ý nhiều điều. Theo phong tục ngày đó, lúc đi hành hương lên Đền thánh và lúc trở về, người nam thường đi riêng, người nữ đi riêng. Bởi thế khi Đức Mẹ và Thánh Giuse gặp lại, họ nhưng không thấy Đức Giêsu. Thực ra, Đức Giêsu ý thức rất rõ hành động ở lại đền thờ của mình. Trong lúc đó, Đức Mẹ và Thánh Giuse trở lại Giêrusalem, vì đã đi được ba ngày đường. Vất vả là vậy, lo lắng là thế, nhưng Đức Mẹ vẫn tin vào kế hoạch của Thiên Chúa.

Thánh Luca kể lại một chi tiết vô cùng quan trọng cho người hành hương: “Đức Maria ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,19). Trên đường hành hương, biết bao điều tôi chiêm ngắm, biết bao thông tin tôi nghe được, hằng hà cảm xúc trào về trong tôi. Tất cả những điều đó là chất liệu quý giá để chúng ta nguyện cầu. Thiên Chúa của chúng ta không nghèo nàn; ngược lại, Ngài có rất nhiều cách thế để giúp chúng ta gặp được Ngài. Hoặc nói như xác tín của Giáo hội: “Trong đời sống của Dân Chúa lữ hành, có nhiều cử chỉ thờ phượng đơn sơ thuần khiết, chẳng hạn như khi ánh mắt của người hành hương hướng nhìn về một hình ảnh biểu lộ tình thương mến và sự gần gũi của Thiên Chúa. Yêu thương thì biết dừng lại, chiêm ngắm mầu nhiệm ấy, và thưởng thức mầu nhiệm ấy trong thinh lặng”[4] 

Thật tốt để chúng ta bắt chước Đức Maria. Tôi cũng suy đi nghĩ lại nhưng điều gặp được trên đường hành hương. Kể cả khi về nhà, với nhiều thời gian hơn, tôi nghiền ngẫm nhưng điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã trao cho tôi. Mong thay!

Mách nhỏ khi hành hương:

– Lúc hành hương, rất tốt để dành giờ lần hạt mân côi.

– Để ý đến cung cách diễn tả đức tin của người hành hương sẽ giúp bạn thêm khao khát nguyện cầu.

– Hành trang càng ít càng tốt, để tập nhận ra và bỏ đi những gì là dư thừa.

Trích trong tập sách Ý nghĩa và lịch sử của hành hương, Nxb Tôn Giáo, 03/2024

[1] Đức Giêsu ba lần tiên báo về cái chết của Ngài: lần 1 (Mt 16,21–23), lần 2 (Mt 17,22–23), lần 3 (Mt 20,17–19).

[2] Xem Đức Giêsu thành Nazaret cuốn II, chương 1.

[3] Chẳng hạn khi hành hương Thánh địa, chúng ta thường viếng thăm: miền Galile, biển hồ Tiberia, núi Tabor, sông Jodan. Ở Giêrusalem có Mộ Thánh, Núi sọ, vườn Cây Dầu, Nhà Tiệc Ly, Mộ Đức Mẹ Maria, v.v.

[4] Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ (Gaudete et Exsultate), số 155, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-hay-vui-mung-hoan-hi-gaudete-et-exsultate-ve-on-goi-nen-thanh-trong-the-gioi-ngay-nay-51169