WHĐ (05/01/2025) – Chúa Giêsu vô tội – Vậy tại sao Ngài phải chịu phép rửa?
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông thư Kinh Mân Côi Rosarium Virginis Mariae, năm 2002, đã đề xuất thêm năm mầu nhiệm để suy niệm khi đọc Kinh Mân Côi: Các Mầu nhiệm Sự Sáng. Dù để việc gẫm suy các mầu nhiệm này là tùy theo “quyền tự do của các cá nhân và cộng đoàn”, tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng đã khuyên nhủ suy niệm các mầu nhiệm đó đầy đủ hơn để hiểu rõ “các khía cạnh quan trọng của Ngôi vị Chúa Kitô như là mặc khải chung quyết của Thiên Chúa”. Theo cấu trúc truyền thống, các mầu nhiệm trong Kinh Mân Côi không có sự hiện diện rõ ràng các yếu tố trong sứ vụ công khai kéo dài ba năm của Chúa Giêsu, mà các Mầu nhiệm Sự Sáng tìm cách làm nổi bật. Đức Giáo Hoàng đã đề xuất – nhưng không bắt buộc – các Mầu nhiệm Sự Sáng nên được suy niệm vào các ngày Thứ Năm. Còn các Mầu nhiệm Mùa Vui, vốn thường được chiêm niệm vào các ngày Thứ Năm, thì có thể chuyển sang các ngày Thứ Bảy, một ngày dành riêng cho Đức Mẹ.
Cả bốn sách Tin Mừng đều nói về sự khởi đầu của cuộc sống công khai kéo dài ba năm của Chúa Giêsu với phép rửa của Ngài tại Sông Giođan bởi Thánh Gioan Tẩy Giả. Giáo hội nhấn mạnh rằng vào mỗi tháng Giêng, khi cử hành Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, thường là vào Chúa Nhật sau Lễ Hiển Linh, ngay trước khi trở lại Mùa Thường Niên, Giáo hội tập trung vào sự khởi đầu Sứ vụ Công khai của Chúa Giêsu.
Phép rửa của Gioan là gì? Tại sao Chúa Giêsu chịu phép rửa?
Chúng ta hãy làm rõ điều này ngay từ đầu: Phép rửa của Gioan không phải là phép rửa theo nghĩa chúng ta hiểu về bí tích Thánh Tẩy. Bí tích Thánh Tẩy ban sự sống, vốn tháp nhập chúng ta vào Thân Mình Chúa Kitô, điều không thể có trước Chúa Kitô.
Nhưng điều đó không có nghĩa là phép rửa của Gioan, theo một nghĩa nào đó, không báo trước, tức là, dự kiến và chỉ ra phép rửa của Kitô giáo. Giống như cách bữa ăn Vượt qua và hy lễ Vượt qua tiên liệu và chỉ ra – báo trước – Bí tích Thánh Thể.
Phép rửa Kitô giáo giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, tội tổ tông và bất cứ tội lỗi cá nhân nào mà chúng ta có thể mắc phải. Tội lỗi là vấn đề cơ bản của con người. Đó là điều phá vỡ mối tương quan của con người với Thiên Chúa và khiến con người phải chịu đau khổ, bệnh tật và cái chết – nếu con người chọn cách ngắt kết nối với Nguồn Sống là Thiên Chúa, thì còn điều gì khác có thể xảy ra nếu không phải là cái chết?
Phép rửa của Gioan đã chỉ ra vấn đề tội lỗi và chỉ ra một điều mà con người hoàn toàn cần góp phần vào để giải quyết vấn đề đó: sám hối. Ngay cả Thiên Chúa cũng không thể xóa bỏ tội lỗi mà chúng ta muốn giữ lấy chúng. Ngay cả Thiên Chúa cũng sẽ không vi phạm quyền tự do của chúng ta bằng cách xóa bỏ điều ác mà chúng ta yêu thích một cách sai trái. Chính Thiên Chúa khơi gợi nên sự sám hối trong chúng ta – điều tốt lành mà chúng ta thực hiện luôn bắt đầu từ Thiên Chúa – nhưng ân sủng của Thiên Chúa không phá hủy quyền tự do của con người. Thiên Chúa khơi gợi điều tốt lành, nhưng chúng ta vẫn có thể tiếp tục làm điều xấu xa.
Tất cả các sách Tin Mừng đều nói rõ rằng Gioan, anh họ lớn tuổi hơn của Chúa Giêsu, người mà chúng ta đã gặp trong các mầu nhiệm Truyền tin và Thăm viếng, đã bắt đầu rao giảng và làm phép rửa trong sa mạc Giuđêa “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối” (Mc 1:4, Lc 3:3). Những lời đầu tiên mà Mátthêu ghi lại từ miệng Gioan là: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (3:2). Gioan Tẩy Giả mô tả sứ mệnh của mình là “dọn đường cho Chúa” (Ga 1:23). Vẻ ngoài và chế độ ăn uống của ông – mặc áo lông lạc đà và ăn châu chấu rừng – rõ ràng là để sám hối (Mt 3:4). Bài giảng của ông là lời kêu gọi sám hối, lên đến đỉnh điểm là phép rửa của ông. Ông chỉ cho những người sám hối – những người lính, những người thu thuế, những người khá giả – cách sống tốt hơn (Lc 3:11-14). Và ông khước từ những người Pharisêu xuất hiện giả bộ sám hối nhưng không chân thành, không có sự sám hối hoặc sự hoán cải thực sự trong lòng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham. Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3:7-10). Và các sách Tin Mừng mô tả tất cả những điều này là “Tin Mừng” (Mc 1:1).
Phép rửa của Gioan chỉ ra nhu cầu phải sám hối để đón nhận được Nước Thiên Chúa và đủ điều kiện vào Nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghĩ về điều đó, theo một nghĩa nào đó, giống như tro mà chúng ta nhận được vào Thứ Tư Lễ Tro. Tro không tha thứ tội lỗi và nếu chúng ta chỉ nhận tro vì mục đích văn hóa hoặc hoài niệm, thì tro chỉ là đám bụi bẩn trên trán chúng ta mà thôi. Nhưng nếu chúng ta nhận tro nhằm nhắc nhở chúng ta về nhu cầu dành Mùa Chay để thay đổi tâm trí và cõi lòng, để sám hối, thì tro có mục đích và ý nghĩa.
Chúng ta cũng không nên quên rằng phép rửa của Gioan không đứng một mình, độc lập với Chúa Giêsu. Sự xuất hiện của Gioan trong sa mạc Giuđêa gắn liền với sự khởi đầu cuộc sống công khai của Chúa Giêsu. Gioan không làm “việc của riêng mình” cho chính mình; ông không chỉ vào chính mình nhưng liên tục chỉ về phía “Đấng sắp đến”, về phía Chúa Giêsu. Gioan “chuẩn bị con đường cho Chúa”. Gioan ở đó để bày tỏ Chúa Giêsu cho chúng ta.
Đó là lý do tại sao, trong sách Tin Mừng Gioan (1:32-38), Gioan nói về Chúa Giêsu như là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”. Gioan chỉ Chúa Giêsu cho các môn đệ của mình và họ đi theo Chúa Giêsu. Gioan không nắm giữ các môn đệ của mình cho chính mình: ông trao họ cho “Đấng sẽ đến sau tôi nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1:30). Giống như Mẹ Maria, giống như mọi Kitô hữu, bắt đầu con đường theo Chúa Kitô không thể tránh khỏi việc từ bỏ bản thân mình: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24).
Vậy tại sao Chúa Giêsu lại chịu phép rửa? Chúa Giêsu vô tội. Tại sao Ngài lại chịu phép rửa của Gioan?
Chúa Giêsu vô tội. Nhưng Ngài đã đến để cứu chúng ta là những tội nhân: “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Ngài đã từ trời xuống thế.” Ngay cả Gioan cũng biết: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3:14). Khi chịu phép rửa của Gioan – dù Chúa Giêsu không cần phải làm như vậy – Chúa Giêsu tuyên bố sự liên đới của Ngài với chúng ta là những tội nhân.
Chúa Giêsu dẫn chúng ta đến giếng rửa tội để sám hối. Ngài không cần nước sông Giođan; nước sông Giođan được thánh hóa bởi Đấng mà nước của nó đổ lên. Do đó, phép rửa của Chúa Giêsu biểu lộ ý định của Ngài cứu độ chúng ta.
Đây cũng là một sự kiện Kitô học cực kỳ quan trọng: đó là cơ hội cho một “sự hiển linh”, một “biểu hiện của Thiên Chúa”. Phép rửa là cơ hội cho Đấng “vĩ đại hơn Gioan” – chính Thiên Chúa – đóng dấu chấp thuận Sứ mệnh của Chúa Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài” (Mt 3:17). Chúa Thánh Thần cũng ngự xuống trên Chúa Giêsu, dưới hình chim bồ câu: “Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Ngài” (Mt 3:16; Lc 3:22). Thánh Gioan Tông đồ cũng nói rõ (1:32-34) rằng Gioan Tẩy Giả, người đã chứng kiến điều này, đã được Thiên Chúa bảo rằng “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Vì vậy, chính Chúa Ba Ngôi đã tỏ lộ hiển nhiên ở đây, khẳng định nguồn cội thiêng liêng rõ ràng nơi sứ mệnh cứu độ của Chúa Giêsu.
Phép rửa Kitô giáo, vượt xa phép rửa của Gioan, khiến chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa và là người thừa kế Nước Trời. Phép rửa này đưa chúng ta vào cái chết cứu độ của Chúa Giêsu trong hy vọng được phục sinh. Phép rửa này tha thứ tội lỗi của chúng ta và ban cho chúng ta quyền được hưởng các ân sủng mà chúng ta cần có để được cứu độ. Phép rửa này đặt cuộc sống của chúng ta trên con đường chân lý hướng đến thiên đàng, hướng đến Đấng là “Đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6). Và đối với hầu hết chúng ta, tất cả những điều đó chỉ xảy ra vài ngày, thậm chí có thể là vài phút, sau khi chúng ta được sinh ra.
Chúng ta có bao giờ dừng lại và cảm tạ Thiên Chúa vì bí tích nhiệm mầu đó không?
Mầu nhiệm này được mô tả trong nghệ thuật của họa sĩ Phục hưng người Ý Pietro Perugino vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI. Bức bích họa khổng lồ, gần 3 mét 35 x 5 mét 20, trong Nhà nguyện Sistine ở Vatican.
Pietro Perugino, “Chúa Kitô chịu phép rửa,” khoảng năm 1482 (ảnh: Public Domain)
Bức bích họa có tính thần học cao và mang nét rất Phục Hưng. Một ví dụ về đặc điểm Phục Hưng của bức bích họa là sự phân chia thời gian rõ rệt: những người thế kỷ XV, ăn mặc theo thời đại của họ, hòa mình vào đám đông của Gioan. Một ví dụ khác là hậu cảnh: hội họa thời trung cổ thường bỏ qua thế giới vật chất và thiên về các tầng trời cao, nhưng Perugino lại cho chúng ta thấy các dòng sông và những ngọn đồi. Thứ ba là các đặc điểm điển hình của nó: đám đông đối xứng và cân bằng, trong khi các điểm đặc trưng của thế giới cổ điển như Đền Parthenon của Rôma và Khải Hoàn Môn của Titus thì xuất hiện ở hậu cảnh.
Điều thú vị hơn là thần học của nó. Sự phân chia thời gian không chỉ đưa những người thế kỷ XV vào bức tranh mà còn dẫn đến sự vĩnh hằng. Bốn “thời gian” riêng biệt xuất hiện trong bức tranh này. Sự kiện trung tâm là chủ đề của bức tranh: Chúa Giêsu được Gioan rửa tội tại sông Giođan. Nhưng, ở giữa phía trên bên trái, chúng ta được đưa trở lại thời điểm trước khi Chúa Giêsu chịu phép rửa: Gioan đang rao giảng cho đám đông. Và, ở giữa phía trên bên phải, chúng ta được đưa đến thời điểm sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa: Chúa Giêsu đang rao giảng cho đám đông. Cuối cùng, “thời gian” quan trọng nhất – đúng ra không phải là thời gian, vì thời gian trôi qua – mà là sự vĩnh cửu đang nhập vào cảnh tượng này. Trời và đất giao hòa làm một.
Điều đó rõ ràng nhất nơi Chúa Cha, được các thiên thần của Ngài hầu cận, bên trên toàn bộ cảnh tượng, đang phán Lời của Ngài. Điều đó cũng rõ ràng nơi Chúa Thánh Thần ngay phía trên Chúa Giêsu. Nhưng điều đó cũng rõ ràng nơi các thiên thần hòa mình với con người: hai vị ở bên trái Chúa Giêsu, cầm áo choàng và khăn tắm của Ngài. Cách nhìn của chúng ta về “thực tại” thường quên mất lời khuyên khôn ngoan của Shakespeare rằng “có nhiều thứ trên trời và dưới đất hơn những gì được mơ tới trong triết lý của chúng ta”. Đó là lý do tại sao chúng ta tuyên xưng đức tin của mình vào mỗi Chúa nhật rằng Thiên Chúa đã tạo thành trời đất muôn vật, “hữu hình và vô hình”.
Xem thêm Mátthêu 3:13-17 [3:1-17]; Máccô 1:9-11 [1:1-11]; Luca 3:21-23 [3:1-23]; Gioan 1:29-34 [1:1-37]. Văn bản ngoài dấu ngoặc vuông hoàn toàn đề cập đến Phép rửa của Chúa Giêsu; văn bản trong dấu ngoặc vuông đặt Phép rửa đó vào trong câu chuyện rộng lớn hơn về sứ vụ làm phép rửa của Gioan. Để biết thêm về bức tranh, hãy xem tại https://www.tripimprover.com/blog/baptism-of-christ-by-perugino.
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: ncregister.com (08/01/2024)
Tin tức liên quan khác
Thập giá gắn liền với tình yêu
Ngày 18/10: Thánh Luca, tác giả Tin mừng – Bài sai cho các môn đệ (Lc 10,1-9)
Đức Giê-su Ki-tô – Đường kiện toàn phẩm giá con người
“Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”: Ký ức, Văn hóa và Bí tích
Người trẻ Công Giáo Việt Nam học được gì từ thánh Augustinô?
Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi gặp gỡ các nghị viên tham dự Tổng Tu Nghị XIX của Dòng Ngôi Lời năm 2024
Nghĩ về Ngày của Mẹ
Kinh Truyền Tin 10/09/2023 | Sửa lỗi huynh đệ là cách diễn tả cao nhất của tình yêu