Cha hiện diện nơi kín ẩn (22.02.2023 – Thứ Tư Lễ Tro)

Lời Chúa: Mt 6, 1-6.16-18

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín ẩn. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”

Cha hiện diện nơi kín ẩn (22.02.2023 – Thứ Tư Lễ Tro)
Cha hiện diện nơi kín ẩn (22.02.2023 – Thứ Tư Lễ Tro)

Suy nim:

Cứ đến Thứ Tư Lễ Tro là chúng ta lại được nghe bài Tin Mừng này.

Đức Giêsu nói đến ba việc đạo đức quan trọng của người Do Thái:

cầu nguyện, bố thí, ăn chay.

Chẳng phải cứ đợi đến Mùa Chay chúng ta mới làm ba việc đó.

Nhưng Mùa Chay là thời gian thuận lợi để ta tập trung chú ý hơn.

Tập trung vào cầu nguyện là làm mới lại tương quan với Thiên Chúa,

từ bỏ những gì làm tôi xa Chúa và dứt bỏ mọi tội lỗi quen phạm.

Tập trung vào bố thí là chia sẻ của cải cho những người nghèo hơn,

tự nguyện bỏ bớt một phần tiện nghi để giúp những ai đói khổ.

Tập trung vào chay tịnh là làm cho thân xác, tâm hồn mình trở nên nhẹ nhàng,

thoát khỏi những kéo xuống nặng nề, những cám dỗ sống hưởng thụ, ích kỷ.

Cả ba việc này có tương quan chặt chẽ với nhau.

Khi làm tốt một việc, ta sẽ dễ làm hai việc còn lại hơn.

Ăn chay giúp chúng ta hàn gắn lại tình bạn với Chúa,

và lớn lên trong sự thân mật đối với Ngài.

Ăn chay giúp ta tránh tội và tránh mọi thứ dẫn đến tội.

Ăn chay là thoát ra khỏi sự thèm muốn tự nhiên về cơm bánh vật chất,

để nếm cảm sự cần thiết của tấm bánh tinh thần.

Nhờ ăn chay con người thấy mình được tự do hơn để sống theo ý Chúa.

Khi chịu đói nơi thân xác, chúng ta sẽ thấy tim mình đói khát Thiên Chúa

và mong Ngài đến với ta để làm ta mãn nguyện.

Nhưng ăn chay cũng giúp ta mở mắt trước tình cảnh thiếu thốn của tha nhân.

Nhờ ăn chay, chúng ta không còn sống cho chính mình nữa,

nhưng biết sống cho Chúa và tha nhân.

Ăn chay giúp ta chế ngự được tính ích kỷ làm ta co lại,

nhờ đó ta có thể mở lòng ra trước nhu cầu của anh chị em mình

và chia sẻ cho họ điều mình đã tiết kiệm được từ ăn chay.

Ngay cả một người có hai áo cũng có thể chia sẻ được cho người trần trụi.

Người chỉ còn vài lon gạo cũng có thể chia cho người đang đói.

Chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình 40 ngày Mùa Chay.

Không phải chỉ là ăn chay, mà là sống chay.

Chay tịnh phải là một thái độ thấm vào cuộc sống.

Khi bớt nuông chiều những đòi hỏi ngày càng nhiều của thân xác,

chúng ta sẽ thắng được những cám dỗ của thèm muốn vô độ.

Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

dễ thấy Chúa hiện diện

và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu

để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu

để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Nguồn: hdgmvietnam