WHĐ (11.5.2023) – Hôm 29. 4. 2023, ngày thứ hai của chuyến tông du đến Hungary, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho các tu sĩ Dòng Tên tại đây buổi gặp gỡ riêng.
Khoảng 6 giờ chiều. Đức Thánh Cha bước vào Nunciature Hall, nơi cha Attila András, Bề trên giám tỉnh cùng 31 tu sĩ Dòng Tên đang đợi sẵn, và chào thăm từng người một. Cuộc gặp mặt bắt đầu với việc cha András chào mừng Đức Thánh Cha và trình bày về tình hình của Tỉnh dòng. Sau đó, Đức Thánh Cha cảm ơn cha giám tỉnh và nói, “Bây giờ hãy hỏi những câu hỏi mà anh em muốn. Xin cảm ơn!”. Cha Koronkai Zoltán, cho biết rằng, như là “một trò chơi”, các tu sĩ muốn tặng một món quà cho mỗi câu trả lời. Đức Thánh Cha cười sảng khoái, nhưng ngài yêu cầu là hãy đưa ra tất cả các câu hỏi trước, rồi cuối cùng mới cùng nhau trao quà, vì sợ sẽ không có đủ thời gian.
Sau đây là nội dung buổi trò chuyện của Đức Thánh Cha:
Câu hỏi đầu tiên là về mục vụ giới trẻ: Làm thế nào để chúng ta tương tác cách tốt nhất với giới trẻ?
Đối với tôi, từ khóa là “chứng tá”. Không có chứng tá, không có chứng nhân thì chẳng thể làm được gì. Bạn kết thúc giống như bài hát rất hay của Mina: “parole, parole, parole…” (lời nói, lời nói, lời nói). Không có chứng tá thì sẽ chẳng có gì xảy ra. Và chứng tá có nghĩa là sự nhất quán của cuộc sống.
Đức Thánh Cha kính mến, thật vui khi Đức Thánh Cha đến với chúng con. Điều gì đã thôi thúc Đức Thánh Cha quay trở lại Hungary sau chuyến tông du năm 2021?
Lý do là lần trước tôi phải đi Slovakia, mà Budapest đang có Đại Hội Thánh Thể. Vì vậy, tôi đã đến đây trong vài tiếng đồng hồ. Khi đó, tôi đã hứa là sẽ trở lại, và lần này, tôi ở đây!
Về những người trẻ đang được thụ huấn trong Dòng Tên và những người trẻ nói chung, Đức Thánh Cha có lời khuyên nào cho chúng con?
Hãy nói rõ ràng. Người ta thường nói rằng để trở thành một tu sĩ Dòng Tên tốt, bạn phải suy nghĩ rõ ràng và nói một cách mơ hồ. Nhưng với những người trẻ, điều đó không có tác dụng: Bạn phải nói rõ ràng, cho họ thấy sự nhất quán. Người trẻ giỏi trong việc tìm kiếm một cái gì đó khi không có sự nhất quán. Với những người trẻ trong giai đoạn thụ huấn, bạn phải nói với họ như với người lớn, chứ không phải như với trẻ em. Và giới thiệu cho họ về trải nghiệm tâm linh; chuẩn bị cho họ trải nghiệm tâm linh tuyệt vời đó là Linh thao. Đúng là người trẻ không chấp nhận kiểu nói nước đôi, nhưng rõ ràng không có nghĩa là hiếu chiến. Sự rõ ràng phải luôn được kết hợp với sự hòa nhã, tình huynh đệ, và phụ tử.
Từ khóa là “tính chân thực”. Hãy để những người trẻ nói những gì họ cảm nhận. Đối với tôi, đối thoại giữa một người trẻ và một người lớn tuổi là điều quan trọng: cùng chuyện trò, thảo luận. Tôi mong đợi tính chân thực, rằng mọi người nói về mọi thứ như chúng là: những khó khăn, tội lỗi. Là một người hỗ trợ việc đào tạo, bạn phải dạy cho người trẻ về sự nhất quán. Và điều quan trọng là người trẻ phải đối thoại với người lớn tuổi. Người già không thể ở bệnh xá một mình; họ phải sống trong cộng đoàn, để có sự trao đổi giữa họ và người trẻ. Hãy nhớ lời của ngôn sứ Joel: người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến. Sứ ngôn của người trẻ là sứ ngôn xuất phát từ mối tương quan dịu dàng với người già. “Dịu dàng” là một trong những từ khóa của Thiên Chúa: gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Trên lộ trình này chúng ta sẽ không bao giờ đi sai đường. Đây là phong cách của Thiên Chúa.
Con muốn đặt một câu hỏi về chủ đề tình yêu thương của Kitô hữu đối với những người đã phạm tội lạm dụng tình dục. Tin Mừng yêu cầu chúng ta yêu thương, nhưng làm thế nào để chúng ta đồng thời yêu thương những người từng bị lạm dụng và những kẻ lạm dụng họ? Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Ngài cũng yêu thương họ. Nhưng còn chúng ta thì sao? Tất nhiên là không bao giờ đưa ra lý do để che đậy tội ác nhưng làm sao yêu thương kẻ xâm hại? Con muốn thể hiện lòng trắc ẩn và tình yêu mà Tin Mừng đòi hỏi dành cho mọi người, kể cả kẻ thù. Nhưng làm sao để điều này có thể xảy ra?
Thực sự là không hề dễ dàng chút nào. Ngày nay chúng ta hiểu rằng thực tế của sự lạm dụng rất rộng: có lạm dụng tình dục, lạm dụng tâm lý, lạm dụng kinh tế, lạm dụng người di cư. Bạn ám chỉ lạm dụng tình dục. Làm thế nào để chúng ta tiếp cận, làm thế nào để chúng ta nói chuyện với những kẻ lạm dụng mà chúng ta cảm thấy kinh tởm? Đúng vậy, họ cũng là con cái của Thiên Chúa. Nhưng làm sao bạn có thể yêu thương họ được? Thật là một câu hỏi có tác động mạnh. Thực vậy, kẻ lạm dụng phải bị lên án, nhưng như là một người anh em. Việc lên án anh ta phải được hiểu là một hành động bác ái. Có một logic, một hình thức yêu thương kẻ thù cũng được thể hiện theo cách này. Thực sự là không dễ để hiểu và thực hiện. Kẻ lạm dụng là kẻ thù. Mỗi chúng ta đều cảm nhận được điều này vì chúng ta đồng cảm với nỗi đau của những người bị lạm dụng. Khi bạn nghe những gì mà sự lạm dụng để lại trong lòng những người bị lạm dụng, bạn sẽ có ấn tượng rất mạnh mẽ. Ngay cả việc nói chuyện với kẻ lạm dụng cũng khiến bạn cảm thấy ghê tởm; nó không phải là điều dễ dàng. Nhưng họ cũng là con cái Thiên Chúa. Họ đáng bị trừng phạt, nhưng họ cũng xứng đáng được chăm sóc mục vụ. Làm thế nào để chúng ta cung cấp điều đó? Không, nó không dễ dàng. Bạn nói đúng.
Mối tương quan của Đức Thánh Cha với cha Ferenc Jálics là thế nào? Chuyện gì đã xảy ra thế? Với tư cách là Bề trên Giám tỉnh, Đức Thánh Cha đã trải qua tình huống bi đát đó như thế nào? Những lời buộc tội nghiêm trọng đã được đưa ra chống lại Đức Thánh Cha.
Cha Ferenc Jálics và Orlando Yorio đã thi hành tác vụ trong một khu phố thuộc tầng lớp lao động và làm việc chăm chỉ. Cha Jálics là cha linh hướng và là cha giải tội của tôi trong năm Thần I và Thần II. Tại vùng lân cận hai cha làm việc có một chi bộ du kích. Nhưng hai tu sĩ Dòng Tên không liên quan gì đến họ: các ngài là mục tử chứ không phải chính trị gia. Các ngài vô tội khi bị bắt làm tù binh. Quân đội không tìm thấy gì để buộc tội nhưng các ngài phải ngồi tù 9 tháng, bị hăm dọa và tra tấn. Sau đó, các ngài được thả ra, nhưng những điều này để lại vết thương sâu sắc. Cha Jálics ngay lập tức đến với tôi và chúng tôi đã thảo luận. Tôi khuyên cha nên về với thân mẫu của cha ở Hoa Kỳ. Tình hình thực sự rất rối ren và bất trắc. Sau đó, truyền thuyết thêu dệt rằng tôi đã giao nộp các ngài để bị cầm tù. Bạn cũng nên biết là cách đây một tháng, Hội đồng Giám mục Argentina đã xuất bản 2 tập, trong số 3 tập đã được lên kế hoạch, với tất cả các tài liệu liên quan đến những gì đã xảy ra giữa Giáo hội và quân đội. Bạn sẽ tìm thấy tất cả mọi thứ trong các tập sách đó.
Nhưng trở lại với các sự kiện tôi đang kể. Khi quân đội rời đi, cha Jálics đã xin phép tôi đến Argentina để thực hiện một khóa Linh thao. Tôi đã đồng ý, và chúng tôi thậm chí còn cùng nhau cử hành Thánh lễ. Sau đó, tôi gặp lại cha với tư cách là Tổng giám mục, và rồi một lần nữa với tư cách là Giáo hoàng; Cha có đến Roma để gặp tôi. Chúng tôi luôn duy trì mối tương quan này. Nhưng khi cha đến gặp tôi lần cuối ở Vatican, tôi có thể thấy rằng cha đang đau khổ vì không biết nói chuyện với tôi như thế nào. Đã có một khoảng cách. Vết thương của những năm tháng đó vẫn còn trong tôi và cha, bởi vì cả hai chúng tôi đều trải nghiệm sự bách hại đó.
Một số người trong chính quyền muốn “hạ gục tôi”, và họ không đề cập nhiều đến vấn đề của cha Jálics, nhưng họ đặt câu hỏi về toàn bộ cách hành động của tôi trong thời kỳ chế độ độc tài. Thế là họ đưa tôi ra để xét xử. Tôi được quyền lựa chọn nơi tổ chức phiên điều trần. Tôi đã chọn toà giám mục, và phiên xử kéo dài 4 tiếng 10 phút. Một trong những thẩm phán cứ nhấn đi nhấn lại câu hỏi về cách tôi hành xử. Tôi luôn luôn trả lời trung thực. Nhưng, theo quan điểm của tôi, câu hỏi nghiêm túc duy nhất, với nội dung và cách thể hiện rõ ràng, đến từ luật sư thuộc Đảng Cộng sản. Và nhờ câu hỏi đó, mọi chuyện đã được sáng tỏ. Cuối cùng, sự vô tội của tôi đã được chứng minh. Nhưng trong bản án đó hầu như không đề cập đến cha Jàlics, mà chỉ đề cập đến những trường hợp khác của những người đã yêu cầu được giúp đỡ.
Sau này, tôi đã gặp lại Roma, với tư cách là giáo hoàng, 2 trong số các thẩm phán đó. Một người đi cùng với một nhóm người Argentina. Tôi không nhận ra ông ấy, nhưng tôi có ấn tượng rằng tôi đã từng biết ông ấy. Tôi đang suy nghĩ về ông ấy, và tự nhủ, “nhưng mình biết ông ấy”. Ông ấy ôm choàng tôi rồi dời đi. Sau đó tôi gặp lại ông ấy và ông ấy tự giới thiệu về mình. Tôi nói với ông ấy: “Tôi đáng bị trừng phạt gấp trăm lần, nhưng không phải vì lý do đó”. Tôi cũng nói với ông ấy rằng hãy cảm thấy bình an với điều đó. Vâng, tôi đáng bị phán xét vì tội lỗi của mình, nhưng về điểm này tôi muốn rõ ràng. Một người khác trong 3 thẩm phán cũng đến, và ông ấy nói với tôi rõ ràng rằng họ đã nhận được chỉ thị từ chính phủ để kết án tôi.
Nhưng tôi muốn nói thêm rằng khi cha Jálics và cha Yorio bị quân đội bắt giữ, tình hình ở Argentina rất rối ren và không ai biết rõ phải làm gì. Tôi đã làm những gì tôi cảm thấy mình phải làm để bảo vệ các ngài. Đó là một việc rất đau lòng.
Cha Jálics là một người tốt lành, một người của Chúa, một người tìm kiếm Chúa, nhưng lại trở thành nạn nhân của một đám tùy tùng mà ngài không thuộc về. Bản thân ngài hiểu rõ điều này. Đám tùy tùng đó là lực lượng kháng chiến tại ngũ ở nơi ngài đến làm tuyên úy. Bạn sẽ tìm thấy sự thật về vụ án này trong 2 tập tài liệu đã được xuất bản.
Công đồng Vatican II nói về mối tương quan giữa Giáo hội và thế giới hiện đại. Làm thế nào chúng ta có thể hòa giải Giáo hội và thực tế đã vượt quá hiện đại? Làm sao để chúng ta tìm thấy tiếng của Chúa trong khi yêu thích thời đại của chúng ta?
Về mặt lý thuyết, tôi không biết phải trả lời thế nào, nhưng tôi biết chắc chắn rằng Công đồng vẫn đang được áp dụng. Người ta nói, phải mất cả thế kỷ để tiêu hoá một Công đồng. Và tôi biết sự chống đối các sắc lệnh của Công đồng thật tệ hại. Có thuyết phục nguyên không thể tin được, cái mà tôi gọi là “indietrismo” (tình trạng lạc hậu), như Thư gửi tín hữu Hipri 10, 39 nói rõ: “Phần chúng ta, chúng ta không phải là những người bỏ cuộc”. Dòng chảy của lịch sử và ân sủng đi từ gốc rễ lên giống như nhựa sống của một cây đơm hoa kết trái. Nhưng nếu không có dòng chảy này, bạn chỉ là một xác ướp. Đi ngược lại không bao giờ bảo toàn cuộc sống. Bạn phải thay đổi, như Thánh Vincent of Lérins đã viết trong Commonitory của ngài khi nhận xét rằng ngay cả giáo lý của Kitô giáo cũng tiến triển, củng cố theo năm tháng, phát triển theo thời đại, và đào sâu theo thời gian. Nhưng đây là một sự thay đổi từ dưới lên. Điều nguy hiểm hiện nay là tình trạng lạc hậu, phản ứng chống lại hiện đại. Đó là một căn bệnh hoài cổ. Đây là lý do tại sao tôi quyết định rằng hiện nay, tất cả các linh mục được chịu chức gần đây phải có phép mới được cử hành Thánh lễ theo Sách lễ Rôma năm 1962. Sau tất cả các cuộc tham vấn cần thiết, tôi ra quyết định này bởi vì tôi thấy rằng các biện pháp mục vụ tốt đẹp mà Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI đã áp dụng đang bị sử dụng theo một lối tư tưởng lạc hậu. Cần phải ngăn chặn tình trạng lạc hậu, vốn không phù hợp với tầm nhìn mục vụ của những vị tiền nhiệm của tôi.
Trong ba tuần nữa, con sẽ thụ phong linh mục. Đức Thánh Cha có còn nhớ lễ thụ phong linh mục của Đức Thánh Cha đã diễn ra như thế nào không? Đức Thánh Cha có muốn đưa ra lời khuyên cho một tân linh mục không ạ?
Chúng tôi có 5 người, và 2 người trong số chúng tôi vẫn còn sống. Tôi có một ký ức tuyệt vời. Và tôi rất biết ơn các Bề trên đã chuẩn bị cho chúng tôi thật chu đáo, và tổ chức một ngày lễ tốt đẹp, đơn giản, không hào nhoáng hay phô trương tại Faculty Garden.
Đó thật là những khoảnh khắc tuyệt đẹp. Và tôi cũng đã rất vui khi thấy có một nhóm đồng nghiệp của tôi thuộc phòng thí nghiệm hóa học nơi tôi làm việc, tất cả đều là những người vô thần và cộng sản. Họ đã có mặt! Một trong số họ đã bị quân đội bắt giữ và sau đó bị giết chết. Bạn muốn một lời khuyên ư: đừng đi lạc khỏi những vị cao niên!
***
Cuối cùng, Đức Thánh Cha đứng dậy và nói: “Xin cảm ơn rất nhiều vì chuyến thăm này. Chúng ta có thể cầu nguyện với Đức Mẹ và sau đó tôi sẽ ban phép lành”. Đức Thánh Cha đã nhận được nhiều món quà khác nhau, mỗi người tặng đều đưa ra những lời giải thích chi tiết. Sau đó, Đức Thánh Cha đã chào từng người mà ngài chưa kịp chào lúc đầu và chụp một bức ảnh chung.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: laciviltacattolica.com (09. 5. 2023)
Tin tức liên quan khác
Thánh lễ Đặt viên đá xây dựng trường giáo lý và Công bố Quyết định thành lập giáo xứ Kim Sơn
Đại Hội Giới Trẻ Giáo Hạt Nguồn Son Lần Thứ IV
Thứ Năm tuần 19 Thường niên năm II (Mt 18,21-19,1)
Đức Thánh Cha nói với Giới trẻ Taizé: ‘Hãy dám xây dựng một thế giới khác’
Hướng Về Đức Maria Bông Hoa Của Tháng Năm
Niềm Vui Khánh Thành Nhà Giáo Lý Giáo Xứ Kim Sơn Trong Ngày Cao Điểm Tuần Chầu
ĐTC gặp Chính quyền, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn ở Hungary
Tòa Giám mục Long Xuyên: Chương trình hậu sự của Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần