Hai chị em Madeleine và Marie-Liesse sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo. Từ Vương cung thánh đường Thánh Tâm Montmartre ở trung tâm Paris họ bắt đầu cuộc hành trình với chúc lành của một linh mục và những lời chúc tốt đẹp của cha mẹ.
Cả hai tạo một blog đơn giản để cập nhật cho bạn bè và gia đình về chuyến hành hương của họ. Những bức ảnh và câu chuyện ngắn của họ bộc lộ sự tươi mới của hai bạn trẻ trên hành trình nhưng cũng không giấu những giây phút mệt mỏi và khó khăn.
Madeleine nói về quyết định ra đi của mình và người chị: “Chúng tôi cần làm cho đức tin thực sự trở thành của riêng mình. Cuộc hành hương này là để khám phá Thiên Chúa, thực sự tìm kiếm Người và đào sâu đức tin của chúng tôi. Chúng tôi học được rằng chúng ta có thể phó thác nơi Chúa. Người chăm sóc chúng ta trong mọi sự. Tin Mừng không phải là một trò đùa. Đó là tiếng gọi của Chúa. Khi Chúa kêu gọi, không cần lý do, bạn chỉ cần làm theo điều Người nói với bạn”.
Marie-Liesse chia sẻ: “Chúng tôi đã chọn dấn thân cho hành trình này như những người hành khất. Chúng tôi ra đi chỉ với vài bộ quần áo, không thức ăn, không tiền. Chúng tôi muốn phó thác vào tay Chúa quan phòng. Mỗi tối chúng tôi gõ cửa nhà mọi người để xin chỗ ngủ và thức ăn. Chúa luôn cung cấp cho chúng tôi”.
Cả hai cho biết thêm ngày sống của họ được đánh dấu bằng việc đi bộ và cầu nguyện. Marie Liesse tiếp tục giải thích: “Vì phải thích nghi hằng ngày với những người gặp gỡ, địa điểm và hoàn cảnh. Chúng tôi có quy tắc nghiêm ngặt: chúng tôi biết mình phải cầu nguyện vào mỗi sáng, buổi trưa và tối. Điều quan trọng là chúng ta phải trung thành với Chúa. Mỗi ngày, chúng tôi cũng lần hạt Mân Côi, cầu nguyện theo ý chỉ của những người xin chúng tôi cầu nguyện”.
Giây phút thử thách nhất là quyết định tiếp tục cuộc hành trình sau khi nghe tin chiến tranh nổ ra ở Thánh Địa. Họ nói: “Khi đó, chúng tôi đang ở Đức và tự hỏi có nên tiếp tục hay không”.
Hành trình đưa họ qua Thuỵ Sĩ, Đức, Áo, Slovenia, Croatia. Hai chị em viết khi tới Croatia: “Đức tin của người dân đã đánh động chúng tôi: trong Mùa Vọng, truyền thống quy định việc tham dự Thánh lễ phải được bắt đầu lúc 6 giờ sáng. Và mỗi khi chúng tôi đến, nhà thờ đều đông kín mọi người”.
Hai chị em dừng lại một tháng ở Mễ Du, nơi họ cùng đón Giáng Sinh với gia đình. Madeleine nói: “Đó là một thời gian khó khăn. Chúng tôi không biết phải làm gì. Nhưng sau một thời gian phân định, chúng tôi nhận ra rằng một lần nữa Chúa Kitô đang kêu gọi chúng tôi trở lại hành trình”.
Madeleine và Marie-Liesse vượt qua Montenegro và đến Albania, nơi họ gặp Antona.
Antona nói: “Tôi vừa mới học xong và muốn dâng hiến một điều gì đó cho Chúa. Tôi không chắc đó là gì, nhưng tôi nghĩ điều tuyệt vời nhất tôi có được vào thời điểm đó chính là thời gian. Vì vậy, tôi quyết định dâng Chúa một năm cuộc đời bằng cách bắt đầu một cuộc hành trình. Đó là một thử thách. Tôi không chắc liệu mình có thích đi bộ và ở một mình hay không”.
Nhưng anh đã quyết định ra đi, bất chấp chiến tranh. “Tôi tin rằng phần khó nhất của một cuộc hành hương như thế này là quyết định bắt đầu. Tôi biết rằng nếu tôi bỏ cuộc vì chiến tranh, tôi sẽ không bao giờ làm điều đó nữa”.
Madeleine và Marie-Liesse đầy kinh ngạc trước sự quan phòng của Chúa trong từng chi tiết của chuyến hành hương, trong thời tiết đẹp và cả trong mưa, trong từng cuộc gặp gỡ nhỏ. Cuộc gặp gỡ với Antona cũng không phải ngẫu nhiên. Hai chị em đã xin Chúa ban cho họ một người bạn đồng hành. Hai chị em giải thích: “Vì là nữ, chúng tôi dự định không đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chúng tôi muốn đi theo hướng đó. Vì thế, chúng tôi đã cầu xin Chúa gặp một người hành hương và chúng tôi đã gặp được anh ấy”.
Cả ba đã vượt qua Macedonia và Hy Lạp, đến Thổ Nhĩ Kỳ vào Chúa nhật Lễ Lá. Tại quốc gia có đa số người Hồi giáo này, họ tham dự lễ Phục sinh, được cộng đoàn nhỏ nói tiếng Pháp ở đó chào đón nồng nhiệt.
Antona nói: “Mỗi ngày trong chuyến hành hương này đều là một phép lạ. Hàng ngày chúng tôi đều gặp những người mỉm cười hoặc tử tế với chúng tôi. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi tìm thấy những người thân thiện nhất”.
Madeleine và Marie-Liesse viết: “Không có gì lạ khi người Thổ Nhĩ Kỳ tự động giúp chúng tôi một tay. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi nhận thấy sự tôn trọng vô hạn đối với những người lạ đi ngang qua và đối với Kitô giáo, mặc dù các Kitô hữu ở đây buộc phải tự bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công thường xuyên”.
Khi rời Thổ Nhĩ Kỳ, họ chia tay. Lộ trình của hai chị em gặp khó khăn nhưng rồi vào lễ Chúa Thăng Thiên, họ đã có mặt ở Giêrusalem. Madeleine nói: “Nhiều lần, chúng tôi nghĩ không thể đến được Giêrusalem. Chúng tôi học được rằng cuộc hành trình còn quan trọng hơn việc đạt được mục tiêu. Ở đây là một món quà tuyệt vời, chỉ cần được ở đây thôi. Quỳ tại Thánh địa và cầu nguyện. Thật là bình yên, một khoảnh khắc ân sủng! Khi chiêm ngưỡng cảnh mặt trời mọc và ánh sáng vàng mang lại màu sắc cho những mái nhà của thành phố cổ, chúng tôi có thể đọc lại những điều kỳ diệu của Chúa và suy ngẫm Tin Mừng. Tình yêu vô biên của Người đã khiến chúng tôi choáng ngợp”.
Madeleine nói tiếp: “Cầu nguyện là điều đã thúc đẩy chúng tôi. Khi bạn yếu đuối, đó là lúc bạn mạnh mẽ nhất vì đó là lúc Chúa có thể hành động trong bạn. Tin cậy vào Chúa có thể là một thử thách, nhưng khi bạn hiểu rằng Chúa chỉ muốn bạn hạnh phúc và sẽ ban cho bạn mọi thứ bạn cần, bạn có thể tin tưởng nơi Người”.
Mười ngày sau, vào đêm trước Lễ Hiện Xuống, sau chặng đường đi bộ tổng cộng 189 ngày, Antona cũng đến Giêrusalem. Anh nói: “Tôi cần đi bộ 4.500 km để hiểu rằng Chúa Giêsu không chỉ hiện diện ở Giêrusalem nhưng còn ở bên cạnh tôi trên mọi nẻo đường”.
Ba người hành hương vẫn còn ở Thánh Địa. Họ đã có cơ hội tham gia vào nhiều cử hành khác nhau và viếng thăm các nơi thánh cũng như nhiều địa điểm khác trong khu vực.
Madeleine nói: “Món quà lớn nhất là được ở đây và hiểu những gì đã xảy ra ở đây, được tận mắt chứng kiến, chứng kiến những địa điểm thực tế. Chúng tôi có thể dừng lại ở mọi nơi, cầu nguyện và suy niệm trong thinh lặng”.
Một cuộc hành trình như thế này không phải dành cho tất cả mọi người, nhưng cả ba bạn trẻ đều đồng ý rằng “nếu Chúa gọi bạn, hãy lên đường bình an. Nếu Chúa giúp bạn thì mọi việc đều có thể thực hiện được”.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Tin tức liên quan khác
Ngày 23 tháng 12: Bàn Tay Thiên Chúa phù hộ (Lc 1,57-66)
Đức Giê-su Ki-tô – Đường giữa thế gian
Thứ Ba Tuần Thánh (Ga 13,21-33.36-38)
ĐTC Phanxicô: Khôn ngoan nhận ra những điều tốt đẹp Thiên Chúa gieo vãi quanh chúng ta
Chúa nhật 34 Thường niên năm A – Chúa Kitô Vua (Mt 25,31-46)
Đức Thánh Cha Phanxicô: Xóa mù chữ có vai trò cơ bản và trung tâm trong sự phát triển của mỗi người
Đức Hồng y Cupich: Tuyên ngôn của Bộ Giáo lý Đức tin về việc chúc lành là ‘một bước tiến’
Thứ Ba tuần 5 Thường niên năm II (Mc 7,1-13)