Đức Giêsu người thôn quê

ĐỨC GIÊSU NGƯỜI THÔN QUÊ

Christiane Cloutier Dupuis
Tiến sĩ các khoa học tôn giáo

WGPQN (04.08.2023) – Đức Giêsu là người của nông thôn. Ngài tiếp xúc thường xuyên với thiên nhiên và những khía cạnh khác nhau của đời sống nông nghiệp. Với mục đích giáo dục, ngài sử dụng hình ảnh và kinh nghiệm cụ thể từ lối sống này để nói với đám đông người đến nghe giảng thuyết. Khi dùng những ví dụ mà những người này biết rất rõ, Ngài giúp họ hiểu biết hơn về những thực tại phức tạp liên quan đến Thiên Chúa và Nước Trời.

Đức Giêsu là một người miền quê, sống trong một xã hội nông nghiệp mà kinh tế gắn liền với lối sống này. Chắc hẳn rằng khi ở nhà Ngài đã tham gia canh tác đất đai với những người còn lại trong gia đình mình. Ngài đã sống vào một thời kỳ mà Galilê thịnh vượng và yên bình, một khoảng thời gian không có những đấu tranh xã hội như trước và sau đó. Hérode Antipas là một trong những nhà cai trị giỏi nhất trong thời đại mình. Ông quan tâm duy trì hòa bình, cho phép mọi người làm ăn sung túc. Thậm chí sử gia Do Thái Flavius Josèphe còn nói rằng ngay cả những nông dân lười biếng nhất cũng có thu nhập, chỉ cần giơ tay ra để hái quả ngắt rau.

Khi Đức Giêsu nói với những người đến nghe, nhất là khi Ngài nói bằng dụ ngôn, có rất nhiều hình ảnh lấy ra từ nông thôn, rất đánh động. Môi trường sống này đã rõ ràng ảnh hưởng đến Ngài. Quê hương Nazareth, vào thời ấy, ngôi làng của Ngài chỉ là một trấn nhỏ chẳng mấy quan trọng gồm khoảng 1.600 đến 2.000 người. Chi tiết này giúp ta hiểu tại sao Đức Giêsu hay tự phát gợi lên những hình ảnh thôn quê và dường như hiểu rất rõ đời sống thường nhật của người dân.

Một ngôn ngữ thích ứng với người nghe

Đức Giêsu là nhà giáo dục thiên tài. Để loan báo Tin Mừng, Ngài không chỉ sử dụng một phương thức truyền đạt – các dụ ngôn – mà còn sử dụng một ngôn ngữ gắn liền với cuộc sống thường ngày, với những từ ngữ thường nhật. Ngài ưu tiên cách nói này vì nó thuộc về một dân tộc của truyền thống truyền khẩu, quen giải thích những sự việc qua những câu chuyện nhỏ. Thế nên chính Marcô đã viết: “Ngài dạy họ nhiều điều bằng dụ ngôn” (Mc 4, 2) và: “Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn” (Mc 4, 33-34). Các dụ ngôn tỏ lộ nguồn gốc nông thôn của chúng: Ngài nói về hạt giống tốt, cỏ lùng, người gieo giống, mầm, rễ, hạt cải, lúa mì và rơm, chim trời, hoa huệ hoang ngoài đồng, chiên, bò, lừa và cáo. Biết bao hình ảnh được chọn lựa để giải thích và loan báo Tin Mừng.

Để nói về sự công bình của Thiên Chúa

Khi muốn giải thích cho những người đồng đạo biết về sự công chính của Nước Trời, theo quan niệm của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã kể lại dụ ngôn những người thợ lãnh lương bằng nhau (Mt 20, 1-15). Ngài đã sử dụng hình ảnh vườn nho và “người chủ nhà đi ra ngoài lúc sáng sớm để tuyển người làm việc”. Các thính giả của Ngài biết rõ rằng các ngôn sứ, đặc biệt là Isaïe, đã so sánh Israël với vườn nho mà Đức Chúa là chủ sở hữu. Những người trong đám đông mà Đức Giêsu nói chuyện, họ biết những người làm công là đại diện cho họ, thế nên phải lắng nghe để biết ai sẽ được chọn, tại sao và lương bổng như thế nào. Đức Giêsu khiến họ hiểu rằng Thiên Chúa có tính toán với những con người khi Ngài tuyển chọn họ (sức khỏe, khả năng, sự thông thạo, sức chịu đựng, sức mạnh, tuổi tác, những giới hạn, khiếm khuyết thể lý hay tinh thần, etc.). Ngài chứng tỏ là một Thiên Chúa quan tâm đến họ là ai và có khả năng hay không có khả năng hoàn thành, do đó lương bổng bằng nhau chứ giờ làm việc thì không thành vấn đề. Như thế, Đức Giêsu chứng minh rằng chính công việc được hoàn thành “theo khả năng mỗi người” mới đáng giá dưới mắt Thiên Chúa. Và Ngài kết thúc khi nói rằng người thợ làm công không chấp nhận sự công bình này bởi vì, theo bản dịch nghĩa đen, mắt họ bị “vỡ, hư hoại” (Mt 20, 15), khiến họ không thể nhìn thấy tình huống chung, trái với Thiên Chúa là Đấng nhìn thấy trong toàn thể và có thể đánh giá công bằng.

Để nói về sự đón nhận Thiên Chúa

Khi Đức Giêsu muốn cho thính giả hiểu về tầm quan trọng của việc đón nhận Thiên Chúa đến với mình và ước muốn của Thiên Chúa muốn cư ngụ trong tâm hồn họ, Ngài kể câu chuyện về hạt cải. Hạt giống này được gieo vào đất, đó chính là Thiên Chúa muốn đi vào trong con người. Đức Giêsu biết rằng những con người ở thời đại mình có thể có khuynh hướng sợ Thiên Chúa, vì có biết bao quy định cũng như điều cấm trong Lề Luật (Torah) cũng như trong truyền thống truyền khẩu. Vì thế, Ngài giới thiệu với họ một Thiên Chúa mong muốn đi vào trong mối tương quan với họ, sẵn sàng biến mình nhỏ lại như một hạt cải, “hạt giống nhỏ nhất” (Mc 4, 31), để họ có thể đón nhận Ngài mà không sợ hãi. Điều này cho phép Thiên Chúa có thể đi vào trong họ, biến đổi họ từ bên trong vì lợi ích lớn hơn của họ. Đó là cách nói khác thường về Thiên Chúa và mở họ ra với sự hiện diện hữu ích của Ngài.

Để nói về tình yêu Thiên Chúa

Khi Đức Giêsu muốn chuyển tải sự hiểu biết của mình về tình yêu Thiên Chúa đối với con người, Ngài đã kể dụ ngôn con chiên bị lạc và được tìm thấy (Lc 15, 1-7). Ngài dùng câu chuyện này để giải thích cho các luật sĩ và Pharisiêu biết thái độ của Ngài đối với những người thu thuế và kẻ tội lỗi, những người được Thiên Chúa mong ước vì họ quan trọng trong mắt Ngài. Ví dụ này cho phép Ngài biểu lộ sự dịu dàng của Cha mình. Người mục tử thật sự không chỉ bằng lòng với việc đi tìm chiên của mình mà khi thấy lại, ông đã vác nó trên vai để tránh cho nó khỏi mệt nhọc và dễ dàng cho nó nhập lại đàn. Đây là cách dân dã khá thú vị để giải thích tình yêu Thiên Chúa và sự tế nhị đến tinh vi của Ngài.

Vô vàn những ví dụ khác

Khi Đức Giêsu muốn chứng tỏ sự tín thác vào Chúa phát triển như thế nào, Ngài đã dùng một ngôn ngữ và những hình ảnh rất giản dị: “Đừng lo lắng về cuộc sống anh em. Hãy nhìn xem chim trời: chúng không gieo không gặt … Cha anh em trên trời nuôi sống chúng. Anh em chẳng đáng giá hơn chúng sao?” Rồi Ngài thêm: “Hãy nhìn xem hoa huệ ngoài đồng, chúng không làm lụng, không kéo sợi … Vậy nếu hoa đồng mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em?” (Mt 6, 25-34). Ở đây Đức Giêsu cố làm cho hiểu Thiên Chúa quan tâm con người đến mức độ nào và rằng con người có thể tín thác vào Ngài. Ngài đã lộ bí mật, theo Ngài, của sự tín thác vào một Thiên Chúa quan tâm đến con người: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Thiên Chúa” (Mt 6, 33). Một cách khác để nói về tầm quan trọng của việc tin vào Tin Mừng về Nước Trời đã đến trong các tâm hồn với những biến đổi tiếp theo.

Khi muốn nói về sự đón nhận lời loan báo của mình, Ngài đã kể câu chuyện người gieo giống (Mc 4, 1-9). Ngài giải thích những môi trường khác nhau nơi hạt giống được ném vào và kết quả tùy theo nơi chúng rơi. Ta thấy ở đây cách Ngài nhận thức sứ vụ của mình, rất tỉnh táo với những gì liên quan đến kết quả lời rao giảng của mình. Ngài cũng chứng tỏ rằng mình biết thế giới nông nghiệp đến độ nào khi mô tả chính xác cách người ta gieo hạt ở Palestine vào thời đại mình: người ta gieo hạt trước hết rồi sau đó mới cày rãnh. Qua câu chuyện này, Đức Giêsu dẫn đưa những người đi theo Ngài phải tự định vị mình tốt hơn khi nghe Lời Chúa. Họ thuộc thể loại nào? Hiệu quả của Lời ra sao? Tại sao họ theo Ngài: vì tò mò, để tiêu khiển hoặc nghiêm túc coi trọng giáo huấn của Ngài? Biết bao là cách để phân định.

Để khích lệ và gợi lên lòng yêu thích sinh hoa trái tốt, người nông dân Giêsu đã cho một dấu hiệu nhận định rất dễ biết khi đặt một câu hỏi đơn giản và một ghi nhận rõ ràng: “Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt” (Mt 7, 16.18). Sự chọn lựa thuộc về các thính giả!

Loan báo Tin Mừng hôm nay

Suốt bài viết, tôi đã viết ở thì quá khứ. Đó là điều cố ý vì nói về Đức Giêsu lịch sử và cách mà Ngài đối thoại với người dân thời đại mình. Phải đặt mình trong thời đại này để hiểu bối cảnh và bản văn. Như vậy ta có thể nhìn nhận rằng đối với những người ở thời đại Ngài, dụ ngôn là dễ hiểu.

Xác nhận này khích lệ chúng ta tự hỏi làm sao mình có thể loan báo Tin Mừng hôm nay. Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh rút ra từ thiên nhiên và đời sống thôn quê để cho đám đông đến nghe có thể hiểu được dễ dàng. Có những thực tại nào trong thời đại này mà ta có thể dùng để nói về Thiên Chúa cách dễ hiểu không?

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Chuyển ngữ từ: Parabole, Juin 2023, Vol. XXXIX, no 2, tr. 16-17

 

Nguồn: gpquinhon.org