ĐỨC HỒNG Y CZERNY KÊU GỌI HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ ĐỂ CỨU LẤY TRÁI ĐẤT – NGÔI NHÀ CHUNG CỦA CHÚNG TA
Vatican News
VaticanNews (01.08.2023) – Phát biểu tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 4 về Chăm sóc Thiên nhiên, được tổ chức tại Đại hội Công giáo Bồ Đào Nha ở Lisbon vào ngày 31/7/2023, Đức Hồng y Michael Czerny nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải “chuyển đổi từ nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch sang nền kinh tế năng lượng sạch”, để cứu lấy Trái Đất – ngôi nhà chung của chúng ta.
Hội nghị có chủ đề “Sự dấn thân của giới trẻ đối với hệ sinh thái toàn diện. Lối sống cho một nhân loại mới” đánh dấu cơ hội gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của nhiều chuyên gia về năm lĩnh vực liên quan đến đời sống con người: kinh tế, giáo dục và đời sống gia đình, tài nguyên thiên nhiên, chính trị và công nghệ. Hội nghị sẽ kết thúc với một tài liệu chung kết có chữ ký của những người trẻ tuổi tham gia, bao gồm kết quả của các cuộc thảo luận và nền tảng cho các hành động và suy tư tiếp theo trong tương lai.
Tác động do con người gây nên
Trong bài phát biểu có tựa đề “Ý nghĩa thần học của nền sinh thái toàn diện, đó là phục vụ mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất,” Đức Hồng y Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, nhắc lại con người đã làm thay đổi đáng kể tất cả các hệ thống hành tinh: bầu khí quyển, đại dương, lục địa và hệ sinh thái. Điều chưa từng có trong thời đại chúng ta là sự kết hợp của nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau, bao gồm khủng hoảng sinh thái, chiến tranh văn hóa, cảnh ngộ của hàng trăm triệu người nghèo và người tị nạn, và thời đại kỹ thuật số với những cơ hội và cạm bẫy của nó.
Khủng hoảng toàn cầu và khủng hoảng sinh thái
Đức Hồng y lưu ý đến lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong Thông điệp Laudato si’, mời gọi chúng ta xem xét tất cả các khía cạnh của cuộc khủng hoảng toàn cầu liên quan đến biến đổi khí hậu và đặc biệt suy tư về nền tảng của một “hệ sinh thái toàn diện cho một nhân loại mới.”
Một số hành động cụ thể
Đức Hồng y Czerny cũng đưa ra một số hành động cụ thể để cổ vũ một hệ sinh thái toàn diện đích thực. Mục tiêu chính là để thông qua quá trình chuyển đổi thân thiện với môi trường, đạt được mục tiêu không phát khí thải vào giữa thế kỷ này. Phải có một sự chuyển đổi nhanh chóng từ “nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch sang nền kinh tế năng lượng sạch.” Để đạt được mục tiêu này, Đức Hồng Y giải thích rằng chúng ta phải chấm dứt nạn phá rừng, “đặc biệt là ở các lưu vực sông có tầm quan trọng toàn cầu như Amazon và Congo.” Chúng ta phải “bảo vệ bờ biển khỏi xói mòn”, “bảo vệ sự đa dạng sinh học” và “ngăn chặn suy thoái hệ sinh thái.”
Tấm gương của Thánh Phanxicô
Cuối cùng, Đức Hồng y đưa ra một hướng dẫn để cổ võ nền sinh thái toàn diện, đó là theo gương của Thánh Phanxicô trong việc “chăm sóc cho những người dễ bị tổn thương và một hệ sinh thái toàn diện được sống một cách vui tươi và đích thực.”
Nguồn: vaticannews.va/vi
Tin tức liên quan khác
Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B – Canh thức (Mc 13,33-37)
Chức giám mục theo Công Đồng Vaticano II
Người tự kỷ có gì để cống hiến
Thư cám ơn của Đức cha Giuse Võ Đức Minh
Đức Thánh Cha cho phép hành hương công khai Đền thánh Đức Mẹ Mễ Du
Các Giám mục Á châu ủng hộ chiến dịch chống phổ biến nhiên liệu hóa thạch
Thư của Đức Giáo hoàng Phanxicô về vai trò của văn chương trong đào tạo
Sứ điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2023 – Phật lịch 2567: Lòng Từ Bi và Tình Yêu Vị Tha