TGPSG/VATICAN CITY (CNS) — Đức Giáo Hoàng Lêô XIV kêu gọi mọi giáo xứ, nhóm hội và đoàn thể trong Giáo hội tham gia vào một “cuộc cách mạng” quan tâm và biết ơn, bằng cách thường xuyên thăm viếng người cao tuổi.
Bài viết liên quan
- Đức Lêô XIV nói về cái chết trong buổi đọc Kinh Truyền Tin tại Castel Gondolfo
- Đức Lêô XIV dâng lễ ở Castel Gandolfo: Hãy noi gương Đức Kitô, Người Samari nhân hậu
- Phỏng vấn thần học gia Simone Morandini về Thánh lễ “cầu cho việc bảo vệ công trình tạo dựng”
- Miễn trừ nghĩa vụ tham dự Thánh lễ cho di dân đang sợ bị truy quét
- Đức Lêô nói với người cao tuổi: Hy vọng là nguồn vui
“Niềm hy vọng Kitô giáo luôn thúc đẩy chúng ta táo bạo hơn, nghĩ xa hơn, không hài lòng với hiện trạng,” Đức Giáo Hoàng viết trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi, sẽ được cử hành vào ngày 27-7.
“Cụ thể, niềm hy vọng ấy thôi thúc chúng ta góp phần thay đổi xã hội để người cao tuổi được yêu mến và kính trọng như họ xứng đáng,” ngài viết trong sứ điệp công bố ngày 10-7.
Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng khai triển chủ đề năm nay được chọn từ sách Huấn Ca: “Phúc thay ai không đánh mất hy vọng.”
Năm 2025 đánh dấu lần thứ năm tổ chức Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi, và là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng Lêô gửi sứ điệp cho ngày này. Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập ngày lễ này vào năm 2021; được cử hành vào Chúa Nhật thứ tư của tháng Bảy, gần ngày kính thánh Gioakim và Anna – ông bà của Chúa Giêsu.
Nhấn mạnh đến việc chăm sóc
Trong sứ điệp năm nay, Đức Giáo Hoàng Lêô cho biết Năm Thánh – là thời điểm Giáo hội mời gọi thoát khỏi bất công và bất bình đẳng – là cơ hội thuận tiện để các tín hữu giúp người cao tuổi được “giải thoát, đặc biệt khỏi cô đơn và bị bỏ rơi.”
Nhằm giúp mọi người đều có thể tham gia Năm Thánh, đặc biệt là những người không thể hành hương đến Rôma, Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã soạn một bộ tài liệu mục vụ với các gợi ý tổ chức cử hành Năm Thánh ngay tại nơi người cao tuổi sinh sống.
“Ơn phúc của Năm Thánh là dành cho tất cả mọi người!” – Thánh Bộ viết, đồng thời cho biết tài liệu mục vụ và các nguồn lực khác có thể tìm thấy tại www.laityfamilylife.va.
Đức Giáo Hoàng Lêô nhận định: “Các xã hội ngày nay, ở khắp nơi trên thế giới, đang ngày càng quen với việc gạt người cao tuổi – một phần quý giá và làm phong phú đời sống – ra bên lề và để họ bị lãng quên.”
“Vì vậy, cần có một sự thay đổi rõ rệt, thể hiện nơi việc toàn thể Giáo hội dấn thân nhận lấy trách nhiệm,” ngài viết.
“Mỗi giáo xứ, đoàn thể và nhóm hội trong Giáo hội được mời gọi trở thành nhân tố chủ động trong một ‘cuộc cách mạng’ của lòng biết ơn và sự chăm sóc: thông qua việc thường xuyên thăm viếng người cao tuổi, xây dựng mạng lưới hỗ trợ và cầu nguyện cho họ, cùng họ, và thiết lập các mối tương quan khơi lại hy vọng và phục hồi phẩm giá nơi những ai cảm thấy bị lãng quên,” ngài viết.
Gặp gỡ Chúa Giêsu
Đức Giáo Hoàng Lêô viết: “Đó là lý do Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi được cử hành bằng cách tích cực tìm đến những người già đang sống cô đơn.”
“Vì thế, ai không thể đến Rôma hành hương trong Năm Thánh này vẫn có thể lãnh nhận ơn toàn xá nếu họ dành thời gian thích đáng để thăm viếng những người cao tuổi đang sống cô đơn… như thể đang hành hương đến gặp chính Chúa Kitô đang hiện diện nơi họ.”
Đức Giáo Hoàng Lêô viết: “Việc thăm viếng người cao tuổi là một cách để gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự thờ ơ và cô đơn.”
“Việc yêu thương người cao tuổi giúp chúng ta nhận ra rằng cuộc sống không chỉ gói gọn trong hiện tại, và không nên lãng phí vào những cuộc gặp gỡ hời hợt hay các mối quan hệ chóng qua,” ngài nói trong sứ điệp.
“Nếu đúng là sự yếu đuối của người già cần đến sức mạnh của người trẻ, thì cũng đúng khi sự non nớt của người trẻ rất cần chứng tá của người cao tuổi để xây dựng tương lai cách khôn ngoan,” ngài khẳng định.
Gương mẫu về ‘đức tin và lòng đạo đức’
Ông bà là những tấm gương về “đức tin và lòng đạo đức, sống trách nhiệm với xã hội, ghi nhớ truyền thống và kiên trì vượt qua thử thách,” ngài viết. “Gia sản quý báu họ đã truyền lại cho chúng ta với niềm hy vọng và tình yêu luôn là động lực để biết ơn và kiên trì tiến bước.”
Với tư cách một người lớn tuổi – sắp tròn 70 tuổi vào tháng 9 – Đức Giáo Hoàng Lêô viết: “Chúng ta có một sự tự do mà không khó khăn nào lấy đi được: đó là tự do để yêu thương và cầu nguyện,” và hiện diện cho nhau trong đức tin như “những dấu chỉ sáng ngời của hy vọng.”
“Chúng ta hãy trìu mến truyền lại đức tin mà chúng ta đã sống qua nhiều năm – trong gia đình và trong cuộc sống hằng ngày với tha nhân,” ngài viết. “Ước gì chúng ta luôn ngợi khen Thiên Chúa vì lòng nhân lành của Người, xây dựng sự hiệp nhất với người thân yêu, và mở rộng lòng với những người xa cách, đặc biệt là những người đang cần đến chúng ta.”
“Như thế, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, chúng ta cũng sẽ trở nên dấu chỉ của hy vọng,” ngài kết luận.
Tác giả: Carol Glatz
Xuân Đại – Viên Dung (TGPSG) biên dịch từ OSV