Cuộc gặp gỡ quốc tế “Sự táo bạo của hoà bình” do Cộng đoàn Thánh Egidio tổ chức từ ngày 10 đến 12/9, tại thủ đô Berlin của Đức. Mọi người thuộc các tôn giáo và văn hóa đã cùng thảo luận và làm việc hướng tới một tương lai hoà bình và liên đới theo tinh thần Assisi.
Trong sứ điệp gửi tới các tham dự viên, trước hết Đức Thánh Cha nói đến ý nghĩa biểu tượng của địa điểm tổ chức sự kiện – gần Cổng Brandenburg – nơi sụp đổ của bức tường ngăn cách hai miền nước Đức, và hai thế giới Tây và Đông Âu. Theo Đức Thánh Cha, bức tường sụp đổ nhờ nhiều yếu tố, trong đó có lòng dũng cảm và kinh nguyện của nhiều người. Như thế mở ra ra những chân trời mới: tự do cho các dân tộc và đoàn tụ các gia đình, nhưng cũng là niềm hy vọng về một nền hoà bình thế giới mới sau Chiến tranh Lạnh.
Nhìn vào tình hình thực tế hiện nay, Đức Thánh Cha nhận xét: “Thật không may, trong nhiều năm qua, lời hứa về một tương lai hoà bình không được xây dựng trên niềm hy vọng chung nhưng dựa trên những lợi ích riêng và sự nghi ngờ lẫn nhau. Vì thế, thay vì phá bỏ những bức tường, nhiều bức tường khác đã được dựng lên. Và đáng buồn là từ bức tường đến chiến hào chỉ là một bước ngắn”.
Đức Thánh Cha nhắc lại buổi cầu nguyện năm ngoái tại đấu trường Colosseo, cho hoà bình. Trong dịp đó ngài đã nói: “Lời kêu gọi cho hoà bình không thể bị dập tắt: nó xuất phát từ trái tim của các bà mẹ; nó khắc sâu trên khuôn mặt của những người tị nạn, những gia đình phải di dời, những người bị thương và những người chết. Lời kêu gọi thầm lặng này kêu lên tới tận trời cao”.
Và ngài nói thêm: “Lời kêu gọi này hướng đến tất cả mọi người, bắt đầu từ các nguyên thủ quốc gia, dành thời gian lắng nghe nghiêm túc và tôn trọng. Lời kêu gọi hoà bình đó thể hiện nỗi đau và sự khủng khiếp của chiến tranh, vốn là mẹ của nghèo đói”.
Trước thực trạng này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chúng ta không thể cam chịu. Bởi vì cho đến nay những cách tiếp cận chiến lược chưa đủ, chúng ta cần “Sự táo bạo của hoà bình”, để biết cách chuyển sang hướng khác, mặc dù có trở ngại và khó khăn. Sự táo bạo của hoà bình thách đố các tín đồ một cách đặc biệt để biến nó thành lời cầu nguyện, cầu xin từ trời cao điều dường như không thể trên mặt đất. Ngài viết: “Kiên trì cầu nguyện là loại can đảm đầu tiên. Trong Tin Mừng, Chúa Kitô chỉ ra ‘cần phải cầu nguyện luôn và đừng nản lòng’ (Lc 18, 1), khi nói: ‘Cứ xin thì sẽ được; cứ tìm, thì sẽ thấy; cứ gõ thì cửa sẽ mở cho’ (Lc 11,9). Chúng ta đừng sợ trở thành những người ăn xin hòa bình, cùng các anh chị em của các tôn giáo khác và tất cả những người không cam chịu trước sự xung đột không thể tránh khỏi”.
Tin tức liên quan khác
ĐTC Phanxico: Hoà bình sẽ đến khi Ucraina và Nga có thể nói chuyện với nhau
Giáo lý cho Bài giảng Lễ Tiệc Ly – Thứ Năm Tuần Thánh
Thứ Ba tuần 23 Thường niên năm II (Lc 6,12-19)
Các Giáo hội Kitô ở Giêrusalem tiếp tục liên kết trong việc trùng tu Đền thờ Mộ Thánh
Phỏng vấn Đức Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng về việc hướng tới một Giáo hội hiêp hành
Hạnh phúc khi thấy tận mắt Đức Thánh Cha Phanxicô
Việt Nam và Tòa Thánh ký kết Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam
Đức tin vốn bao gồm tình trạng trái ngược: Đón nhận những mâu thuẫn của sự phát triển tâm linh